ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 143/KH-UBND |
Nam Định, ngày 01 tháng 11 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Triển khai quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và của nhân dân trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo các nội dung của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ (gọi tắt là Chiến lược).
Công tác phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực phải đảm bảo theo đúng đường lối, quan điểm và đạt được các mục tiêu của Chiến lược đề ra.
Các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình tổ chức triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.
Đảm bảo gắn kết đồng bộ, chặt chẽ giữa thực hiện Chiến lược với việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Chiến lược
Thủ trưởng các cấp, các ngành trong tỉnh chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Chiến lược đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Đài phát thanh truyền hình Nam Định, Báo Nam Định đưa tin, tuyên truyền rộng rãi nội dung của Chiến lược.
Sở Tư pháp tổ chức phổ biến Chiến lược cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh, cán bộ pháp chế và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố.
2. Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược
2.1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
a) Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản để chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
b) Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;
2.2. Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
a) Triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025[1] và giai đoạn 2023 - 2030[2].
b) Hằng năm cần rà soát, xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn theo đề án vị trí việc làm của đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
c) Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
d) Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát xung đột lợi ích trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo quy định.
Hằng năm, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm xây Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và triển khai thực hiện theo quy định, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp kê khai tài sản thu nhập không trung thực, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác này.
Thủ trưởng các cấp, các ngành cần đề cao trách nhiệm và thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài chính ngân sách, việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách, chấp hành các quy định về định mức, tiêu chuẩn.
e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác về kiểm tra công vụ; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm đối với vi phạm của cán bộ công chức, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, vi phạm về đạo đức, lối sống.
g) Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội theo hướng công khai, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý; đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số theo Kế hoạch đã xây dựng.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025[3] và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thanh toán không dùng tiền mặt[4].
h) Đẩy mạnh công khai và minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
3. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
3.1. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả.
Thanh tra tỉnh tiếp tục làm đầu mối xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
3.2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các quy định pháp luật nói chung, quy định của ngành Thanh tra nói riêng.
3.3. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn cho cán bộ thanh tra của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đăng ký tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ này; kịp thời khen thưởng, động viên những người có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
3.4. Thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. khi Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ đưa vào hoạt động, cần khẩn trương khai thác, sử dụng có hiệu quả.
3.5. Kịp thời áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, hành vi tẩu tán tài sản, đảm bảo việc thu hồi, tịch thu triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do tham nhũng, tiêu cực.
3.6. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản.
4. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; tạo điều kiện để Nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm từng bước xây dựng và hình thành văn hóa liêm chính trong xã hội.
Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ việc được dư luận quan tâm cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện và nhân rộng nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, sáng kiến, cách làm hay trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, báo chí trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, báo cáo, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khen thưởng, bảo vệ người phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý nghiêm cá nhân cố ý phản ánh, tố cáo sai sự thật để vu khống, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân.
Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, thực hiện văn hóa liêm chính trong kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực; các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị mình.
III. LỘ TRÌNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Lộ trình thực hiện (chi tiết tại Phụ lục kèm theo)
1.1. Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2026
Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, rà soát, hệ thống và cụ thể hóa các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản để chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2023 - 2026 và sơ kết việc thực hiện vào năm cuối năm 2025.
1.2. Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2023 - 2026. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình hình thực tiễn của địa phương nói chung và của từng cấp, từng ngành nói riêng, đầu năm 2026 xây dựng Kế hoạch cụ thể hàng năm để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026- 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên.
Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chú trọng nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng kết việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược vào năm 2031
2. Tổ chức thực hiện
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; chủ động theo dõi, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch hằng năm; tham mưu xây dựng báo cáo, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược khi có yêu cầu của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để được hướng dẫn./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
[1] Theo Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 15/8/2023 của UBND tỉnh về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025
[2] Theo Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 26/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị; Thông báo số 817-TB/TU ngày 03/8/2023 thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030
[3] Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh
[4] Gồm các văn bản:
- Công văn số 280/UBND-VP7 ngày 08/8/2019 về đẩy mạnh chi trả ASXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt;
- Công văn số 242/UBND-VP6 ngày 14/6/2022 về thanh toán không dùng tiền mặt qua Kho bạc nhà nước
- Công văn số 350-UBND-VP7 ngày 23/6/2023 về đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt;
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.