ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 140/KH-UBND |
Hòa Bình, ngày 05 tháng 11 năm 2018 |
Nhằm tiếp tục tăng cường, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; cụ thể hóa những nội dung, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác tham mưu, chấn chỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Nâng cao trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, với các nội dung chủ yếu như sau:
- Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 19/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Chương trình số 54/CTr-UBND ngày 08/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình. Trong đó, chú trọng đến việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải; Nâng cao chất lượng của hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; Nâng cao chất lượng thẩm định Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền thẩm định và xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Theo dõi, giám sát, đánh giá và chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh tại địa phương, cơ sở.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự hỗ trợ của Trung ương để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
- Đảm bảo việc thẩm định, kiểm soát các hồ sơ về môi trường đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính, nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật.
1. Công tác tham mưu, chấn chỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức chính trị - xã hội (đã ký kết), nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi, đóng cửa các mỏ khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xử lý nghiêm các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận theo thẩm quyền, xem đây là công cụ quan trọng trong việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường.
- Thẩm định chặt chẽ các nội dung về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo đủ kinh phí để phục hồi và cải tạo môi trường sau khai thác.
- Tăng cường hoạt động quan trắc, dự báo diễn biến môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh; xác định các “điểm nóng” về môi trường để tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các dự án được Bộ thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM trên địa bàn.
- Triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động nước thải của các cơ sở có nguồn thải lớn.
1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu tăng mức đầu tư từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho hoạt động bảo vệ môi trường, bố trí vốn cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
- Lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành và địa phương. Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay từ khâu thẩm định, tham mưu quyết định chủ trương, cấp phép hoạt động các dự án đầu tư, doanh nghiệp. Không tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép hoạt động đối với các dự án, doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường.
1.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; phòng chống và xử lý nghiêm các vi phạm chặt phá, chiếm dụng, khai thác trái phép tài nguyên đa dạng sinh học.
- Tăng cường quản lý hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng chương trình khuyến khích, hỗ trợ công nghệ sản xuất sạch, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.
- Tích cực triển khai thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm việc đánh giá tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong xét duyệt công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.
1.4. Sở Xây dựng
- Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành trong quý IV/2018. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo phân cấp đối với quản lý chất thải rắn và trong quá trình thẩm định quy hoạch hoặc chấp thuận tổng mặt bằng các công trình, dự án cần ưu tiên bố trí các công trình bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường; không cấp phép xây dựng đối với các dự án chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
1.5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ động, chủ trì kiểm tra, thẩm định, rà soát đánh giá quy trình công nghệ sản xuất kinh doanh của các công trình, dự án trên địa bàn theo Luật Chuyển giao Công nghệ năm 2017, tham mưu xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải đặc biệt là xử lý chất thải trong chăn nuôi.
1.6. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án kiện toàn và tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã, đặc biệt là lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực công tác bảo vệ môi trường ở các cấp; hoàn thành trong Quý II/2019.
1.7. Sở Công Thương
- Chủ trì, đôn đốc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng các công trình bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Phát triển làng nghề truyền thống theo hướng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao. Xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp để tách việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư; nghiên cứu, đưa công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường vào các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
1.8. Sở Y tế
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình số 109/KH-UBND ngày 10/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế phải xây dựng, cải tạo đường ống thu gom và hệ thống xử lý nhằm thu gom, vận hành và xử lý triệt để nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả thải; bố trí thiết bị chuyên dụng để phân loại bệnh phẩm, rác thải y tế tại nguồn; xử lý, tiêu hủy bệnh phẩm, rác thải y tế, thuốc hết hạn sử dụng bảo đảm vệ sinh đạt tiêu chuẩn môi trường; xử lý chất thải đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
1.9. Sở Giao thông vận tải
- Tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.
- Nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện giao thông.
1.10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công nhân viên công tác trong ngành du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch về bảo vệ môi trường, đảm bảo có đầy đủ kỹ năng cần thiết để khắc phục khẩn cấp, tránh ảnh hưởng lan rộng khi có sự cố môi trường xảy ra.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Quy chế quản lý hoạt động các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ban hành kèm theo Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 01/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.
1.11. Công an tỉnh
Chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thăm dò khai thác tài nguyên, đa dạng sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, xả thải, chôn lấp rác thải, xử lý chất thải nguy hại...
1.12. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 15/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
- Chủ động, tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp; Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan trong việc giám sát các dự án đã được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khu công nghiệp.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp (Bờ trái sông Đà, Mông Hóa); Xây dựng lộ trình đấu nối nước thải từ các cơ sở, doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp ngay khi hoàn thành.
1.13. Đài Phát thanh - Truyền hình Hòa Bình, Báo Hòa Bình
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; tăng cường xây dựng chuyên trang, chuyên mục bảo vệ môi trường; nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
1.14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành viên và nhân dân tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp xây dựng và nhân rộng mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong toàn tỉnh theo Chương trình phối hợp số 08/CTPH-MTTQ-TNMT-GHPG ngày 08/8/2016 giữa Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2016-2020).
1.15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật bảo vệ môi trường; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường.
- Chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Nâng cao năng lực xem xét, xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản thuộc thẩm quyền. Đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện bắt buộc khi xem xét các hồ sơ cấp giấy phép cho các dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và tuân thủ theo quy định về bảo vệ môi trường; bố trí lực lượng, kinh phí cho hoạt động môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Hoàn thành việc quy hoạch, xây dựng mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải phù hợp với đặc điểm của địa phương trong năm 2019 đảm bảo quy định về khoảng cách, cự ly vận chuyển hợp lý, khoa học và kinh tế.
- Xây dựng, triển khai Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn để tổ chức thực hiện Đề án; Ban hành quy định về mức giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo thẩm quyền; Tập trung hoàn thành xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, rà soát bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án thoát nước, xử lý nước thải tập trung tại thành phố Hòa Bình
Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu làm tốt các nội dung sau:
2.1. Nâng cao chất lượng thành viên tham gia Hội đồng thẩm định
- Thành viên Hội đồng thẩm định phải đảm bảo theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Điều 19, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT, cụ thể:
+ Ủy viên hội đồng phải là chuyên gia môi trường hoặc chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn liên quan đến dự án với ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm nếu có bằng đại học, ít nhất hai (02) năm kinh nghiệm nếu có bằng thạc sỹ, ít nhất một (01) năm kinh nghiệm nếu có bằng tiến sỹ.
+ Ủy viên phản biện phải là chuyên gia môi trường hoặc chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn của dự án với ít nhất bảy (07) năm kinh nghiệm nếu có bằng đại học, ít nhất năm (05) năm kinh nghiệm nếu có bằng thạc sỹ, ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm nếu có bằng tiến sỹ.
- Khi ban hành công văn xin người tham gia Hội đồng có gửi kèm tài liệu của dự án và dự kiến thành viên của các ngành tham gia phản biện. Các ngành, cơ quan khi cử người cần xem xét loại hình dự án để cử người cho phù hợp. Thành viên tham gia Hội đồng không nhất thiết phải là lãnh đạo của các Sở, ngành, đơn vị.
- Bổ sung các thành viên tham gia Hội đồng là các chuyên gia có kinh nghiệm bên ngoài (tại các trường Đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan có chức năng phản biện xã hội hoặc chuyên gia độc lập).
- Ngoài các thành viên chính thức của Hội đồng cần mời thêm các cơ quan có liên quan (các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện thành phố, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, Quỹ Bảo vệ môi trường, các phòng có liên quan thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện chính quyền tại địa điểm thực hiện dự án),
2.2. Nâng cao chất lượng thẩm định của các thành viên Hội đồng
- Cơ quan Thường trực Hội đồng: Khi ban hành văn bản xin người tham gia Hội đồng kèm chuyển hồ sơ thẩm định và văn bản liên quan gửi cơ quan cần xin người; cung cấp cho thành viên Hội đồng các văn bản quy phạm pháp luật mới, quy chuẩn mới; cung cấp thông tin về dự án khi có yêu cầu của thành viên Hội đồng, bố trí để ủy viên phản biện khảo sát thực địa khi có yêu cầu; phân công ủy viên thư ký hội đồng chuẩn bị các điều kiện cho họp Hội đồng; tiến hành thẩm định thực địa trước phiên họp Hội đồng. Ghi chép đầy đủ ý kiến của Thành viên Hội đồng, kết luận của Chủ tịch Hội đồng và tổng hợp phiếu đánh giá. Sau phiên họp Hội đồng phải tổng hợp toàn bộ ý kiến của các thành viên Hội đồng gửi chủ đầu tư để tiếp thu, chỉnh sửa. Thẩm định và có Báo cáo thẩm định Hồ sơ sau khi chủ dự án đã tiếp thu chỉnh sửa trước khi trình phê duyệt.
- Cơ quan cử thành viên tham gia Hội đồng: Cử thành viên là chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án; chuyển tài liệu đến thành viên dự kiến tham gia để nghiên cứu trước tài liệu.
- Thành viên tham gia Hội đồng là ủy viên phản biện cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, chuẩn bị kỹ lưỡng bản nhận xét phản biện và gửi bản mềm trước khi Hội đồng tiến hành họp cho cơ quan thường trực Hội đồng. Nếu cần thông tin thêm về dự án và cần khảo sát thực địa, thành viên tham gia Hội đồng liên hệ cơ quan thường trực hội đồng để được cung cấp thông tin và bố trí khảo sát thực địa (cần tiến hành ngay sau khi nhận được tài liệu).
- Các thành viên khác của Hội đồng: cần nghiên cứu trước tài liệu, các thông tin chưa rõ về dự án cần liên hệ với cơ quan thường trực Hội đồng để cung cấp; chuẩn bị ý kiến nhận xét, phiếu đánh giá tại phiên họp Hội đồng. Đối với các dự án phức tạp, có tác động môi trường lớn có thể đề nghị cơ quan thường trực Hội đồng họp thảo luận trước khi tiến hành phiên họp chính thức của Hội đồng.
- Chi cục Bảo vệ môi trường: Đề xuất thư ký Hội đồng; chuyển tài liệu kịp thời cho các thành viên Hội đồng; Báo cáo trước phiên họp Hội đồng về việc chuẩn bị các điều kiện cho phiên họp chính thức của Hội đồng; tổ chức thẩm định thực địa trong thời gian 05 ngày làm việc khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định.
2.3. Nâng cao chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường
- Cơ quan thường trực Hội đồng: Phải thẩm định về năng lực của đơn vị tham gia tư vấn môi trường, Báo cáo trước Hội đồng; kiểm tra tính chính xác và phù hợp với thực tiễn giữa hồ sơ của Báo cáo và thực địa.
- Về nội dung báo cáo Đánh giá tác động môi trường và Phương án cải tạo phục hồi môi trường:
+ Cấu trúc, nội dung, yêu cầu phải tuân thủ theo các quy định: Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014 và quy định pháp luật khác có liên quan; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường, chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
+ Việc tham vấn cộng đồng: Báo cáo tổng hợp các ý kiến tham vấn được đánh giá, nhận xét trong chương 6 của báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hồ sơ tham vấn được đóng đầy đủ trong phần phụ lục báo cáo.
+ Việc lấy mẫu phải kèm theo biên bản lấy mẫu thể hiện rõ thông tin về mẫu được lấy.
- Trong quá trình lập báo đánh giá tác động môi trường thì phân tích mẫu là một yêu cầu bắt buộc để đánh giá hiện trạng môi trường. Việc lấy mẫu quan trắc, phân tích môi trường phải được chủ dự án chụp ảnh lại quá trình lấy mẫu, phân tích. Ảnh chụp lấy mẫu phân tích, họp tham vấn cộng đồng phải được đính kèm với báo cáo đánh giá tác động môi trường để cơ quan thường trực kiểm chứng.
1. Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ trước ngày 15 tháng 11 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch (qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh).
- Phối hợp với các đơn vị chủ trì để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch này khi được yêu cầu.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch.
3. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.