ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1374/KH-UBND |
Lai Châu, ngày 25 tháng 07 năm 2016 |
PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU NĂM 2017
Trong năm năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, dịch Cúm gia cầm A/H5N6 lần đầu tiên xuất hiện tại 02 xã của huyện Tam Đường và 01 phường của thành phố Lai Châu làm 2.724 con gia cầm nhiễm bệnh và chết 2.520 con (số gia cầm, sản phẩm gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc là 5.218 con và 17.000 quả trứng); dịch LMLM tái phát tại 04 huyện: Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ và Tam Đường với tổng số gia súc mắc bệnh là 894 con, chết 02 con; bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò xảy ra rải rác ở một số huyện làm 77 con trâu, bò mắc bệnh, chết 54 con; 03 người bị chó dại cắn gây tử vong tại 03 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ và Than Uyên.
Căn cứ tình hình dịch tễ và kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian qua, để chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2017, như sau:
1. Mục đích
Chủ động các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, kịp thời khống chế, ngăn chặn các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh; góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu
Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi phải tuân theo quy định của Luật Thú y, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và UBND tỉnh.
Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ; phải sử dụng các biện pháp phòng là chính, trong đó công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc xin là biện pháp then chốt; khi có dịch xảy ra phải dập tắt kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi
II. NỘI DUNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh
a) Phạm vi, đối tượng, số lượng gia súc tiêm phòng
- Phạm vi tiêm phòng: Tại 108/108 xã, phường, thị trấn của 7 huyện và thành phố Lai Châu.
- Đối tượng vật nuôi phải tiêm vắc xin phòng bệnh: Trâu, bò, ngựa, lợn, chó, mèo trong diện tiêm phòng.
- Tổng đàn vật nuôi dự kiến trong vùng tiêm phòng trên địa bàn tỉnh năm 2017 (theo đăng ký của các huyện, thành phố): Trâu, bò: 118.954 con; Ngựa 5.172 con; Lợn 251.749 con; chó, mèo: Ước khoảng 52.000 con.
- Số lượng gia súc phải tiêm phòng đạt tối thiểu 85% tổng đàn trâu, bò (tương đương 100.463 con), trên 40% tổng đàn lợn (tương đương 107,000 con) và trên 65% đàn chó, mèo (tương đương 34.000 con).
Riêng đối với gia cầm: Lai Châu là tỉnh thuộc diện không bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm do phương thức chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả tiêm phòng không cao. Do đó gia cầm không thuộc đối tượng động vật bắt buộc phải tiêm phòng cúm gia cầm trong kế hoạch năm 2017. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra sẽ thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y.
b) Các loại bệnh phải tiêm phòng
- Bệnh Nhiệt thán gia súc: Tiêm phòng cho 100% số trâu, bò, ngựa trong diện tiêm phòng thuộc vùng phải tiêm phòng tại các huyện có ổ dịch trong vòng 10 năm trở lại đây và vùng có nguy cơ lây nhiễm cao (thực hiện như năm 2016), năm 2017 tiêm được khoảng 15.513 con.
- Bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò: Tiêm phòng trên 85% tổng đàn trâu, bò hiện có trên địa bàn tỉnh.
- Bệnh Tụ huyết trùng lợn và dịch tả lợn: Tiêm phòng cho đàn lợn trong vùng chăn nuôi tập trung và ở những nơi trong 03 năm gần đây đã xuất hiện ổ dịch (khoảng trên 40% tổng đàn).
- Bệnh Lở mồm long móng (thực hiện theo Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh Lai Châu về phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020): Tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% (phấn đấu đạt 85%) tổng đàn trâu, bò hiện có trên địa bàn tỉnh.
- Đối với bệnh Dại: Tiêm cho 100% đàn chó, mèo hiện có tại các xã, phường của thành phố Lai Châu, các thị trấn, thị tứ, trung tâm các xã, nơi đông dân cư, nơi đã xuất hiện bệnh Dại tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Tổng đàn chó mèo tiêm được đạt khoảng 65% tổng đàn.
c) Số lượng, chủng loại vắc xin tiêm phòng
Số lượng các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong năm 2017 (đã bao gồm 5% lượng vắc xin hao hụt trong quá trình tiêm phòng, trừ vắc xin tiêm phòng bệnh dại) như sau:
Tổng số lượng vắc xin cần thiết phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi năm 2017: 909.310 liều, gồm:
- Vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò nhũ dầu: 209.900 liều/02 vụ.
- Vắc xin Nhiệt thán vô hoạt nha bào: Thực hiện như các năm trước, chỉ tiêm 01 vụ/năm (vụ Xuân hè): 16.330 liều.
- Vắc xin LMLM trâu, bò: 209.900 liều/02 vụ.
- Vắc xin Tụ huyết trùng lợn vô hoạt: 219.700 liều/02 vụ.
- Vắc xin Dịch tả lợn nhược độc: 219.300 liều/02 vụ.
- Vắc xin dại: 34.180 liều, tiêm 01 đợt/năm cho 34.180 con (sử dụng loại vắc xin 01 liều/lọ nên không có hao hụt).
d) Thời gian tiêm phòng
- Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; dịch tả lợn, LMLM tiêm 02 đợt/năm: Đợt 1 (vụ Xuân hè) vào tháng 3-4, đợt 02 (vụ Thu đông) vào tháng 9-10.
- Nhiệt thán tiêm 01 đợt/năm trong vụ Xuân hè (tháng 3 - 4).
Vắc xin phòng dại tiêm 1 đợt/năm vào tháng 02 - 4, sau đó tiêm bổ sung cho những con mới phát sinh hoặc chưa tiêm. Ngoài đợt tiêm chính, các cá nhân, hộ gia đình có chó, mèo mới phát sinh hoặc chưa tiêm trong đợt chính sẽ tự chi trả 100% chi phí tiêm phòng.
2. Giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng
- Khi chưa có dịch, bệnh xảy ra: Chủ động định kỳ lấy mẫu xét nghiệm để xác định sự lưu hành của các mầm bệnh nguy hiểm như: Vi rút cúm A (H5N1, H5N6, H7N9), LMLM gia súc, Tai xanh ở lợn... có thể tồn tại trong môi trường, nhất là những ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao từ đó có biện pháp phòng, ngăn chặn không để dịch bùng phát, lây lan. Số mẫu dự kiến phải lấy: 450 mẫu, chia làm 2 - 3 đợt/năm (20 - 40 mẫu/huyện, thành phố/đạt) hoặc lấy mẫu đột xuất tại những khu vực có nguy cơ cao, đàn vật nuôi mới đưa vào địa bàn.
- Khi phát hiện gia súc, gia cầm chết: Lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán dịch bệnh, xác minh ổ dịch (nếu có), từ đó có những biện pháp phòng, chống hiệu quả, số mẫu dự kiến phải lấy: 150 mẫu (50 mẫu trâu, bò, 50 mẫu lợn, 50 mẫu gia cầm).
- Công tác giám sát dịch bệnh phải được thực hiện đến từng thôn, bản, hộ chăn nuôi, để kịp thời phát hiện, khai báo dịch bệnh tới chính quyền, cán bộ thú y xã giúp cơ quan chuyên môn áp dụng ngay các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp, không để lây lan ra diện rộng.
- Sau các đợt tiêm phòng định kỳ, Lở mồm long móng chủ động thời gian tổ chức các đợt lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để xác định mức độ bảo hộ của vắc xin phòng bệnh.
3. Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường
Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường bằng hóa chất nhằm mục đích tiêu diệt và hạn chế vi sinh vật là nguyên nhân gây bệnh đang tồn tại trong môi trường góp phần khống chế, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan như cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9, LMLM, Dịch tả lợn, lợn tai xanh, bệnh dại, nhiệt thán, THT trâu, bò, lợn...) đồng thời đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Khu vực phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng: Cơ sở, chuồng trại chăn nuôi; điểm giết mổ, điểm chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống, nơi chăn thả, nuôi cách ly động vật; cơ sở ấp, nở gia cầm, thủy cầm; khu vực biên giới (cửa khẩu, lối mở), dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển...
- Thời gian thực hiện:
+ Vệ sinh tiêu độc, khử trùng định kỳ: Trong năm tổ chức ít nhất 02 đợt với hình thức tổ chức “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường để phòng, chống dịch bệnh” vào tháng 02 - 3 và tháng 10-11 hoặc theo các đợt phát động của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT.
+ Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên: Hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, chợ kinh doanh thực phẩm tươi sống, điểm giết mổ, ít nhất mỗi tháng phải được phun tiêu độc, khử trùng 01 lần.
- Nhu cầu thuốc sát trùng: 4.000 lít/đợt x 2 đợt = 8.000 lít.
- UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn quản lý.
4. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh Thú y
a) Kiểm tra, kiểm dịch tại các chốt, trạm kiểm dịch động vật
- Kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn, đặc biệt đối với con giống vật nuôi. Các chốt cần phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố cách ly, theo dõi, quản lý động vật nhập tỉnh.
- Khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, khu vực và cả nước cơ bản ổn định: Duy trì hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông chính với các tỉnh lân cận để kiểm tra, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh.
- Khi các tỉnh trong khu vực có dịch hoặc tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước có những diễn biến phức tạp: Tăng cường hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông với các tỉnh bạn và khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng; thành lập thêm chốt kiểm dịch động vật và tăng cường nhân lực cho các chốt kiểm dịch động vật, mỗi chốt bố trí ít nhất 04 cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm dịch, phun tiêu độc khử trùng tất cả phương tiện vận chuyển ra, vào tỉnh.
- Tăng cường hiệu quả hoạt động của các đội kiểm tra lưu động, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
b) Kiểm dịch kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y
Hàng tháng tổ chức đợt kiểm tra vệ sinh Thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ và điểm buôn bán; trang bị và sử dụng thiết bị như máy đo pH thân thịt sau giết mổ để nâng cao hiệu quả; phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo theo quy định.
5. Công tác chống dịch bệnh (nếu xảy ra)
Khi phát hiện ổ dịch bệnh nguy hiểm xảy ra phải kịp thời bao vây, khống chế, dập tắt ổ dịch ngay trong diện hẹp theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT và Chỉ đạo của UBND tỉnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi & Thú y cử cán bộ kiểm tra, xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, làm cơ sở để chẩn đoán công bố dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
6. Công tác thông tin tuyên truyền
- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên về công tác phòng, chống dịch: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về Thú y, cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; thông tin kịp thời chính xác về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật; những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người chăn nuôi, nuôi trông thủy sản về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
- Tổ chức các đợt tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm về tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người.
1. Ngân sách Trung ương
Kinh phí mua vắc xin LMLM do Trung ương cấp hỗ trợ có mục tiêu cho 6 huyện, thành phố trong vùng khống chế gồm: Thành phố Lai Châu, Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên.
Đảm bảo 80% kinh phí chống dịch (nếu xảy ra) theo quy định tại Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ngân sách tỉnh
- Thực hiện công tác tiêm phòng, gồm: Mua vắc xin (bao gồm cả kinh phí mua vắc xin LMLM 02 huyện Tam Đường và Tân Uyên); tiền công tiêm; vật tư phục vụ tiêm phòng (Xi lanh, kim tiêm..); chi phí khác (vận chuyển, bảo quản vắc xin, văn phòng phẩm, thẩm định giá...)
- Kinh phí phục vụ hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật cố định và tạm thời trên địa bàn tỉnh.
- Kinh phí lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm giám sát, xác minh dịch bệnh.
- Kinh phí kiểm tra, giám sát.
- Kinh phí chống dịch (khi có dịch xảy ra).
Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể và nhận định khả năng diễn biến của tình hình dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi & Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT lập dự toán kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2017 gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Ngân sách huyện, thành phố
Kinh phí mua hóa chất, vật tư, trang thiết bị, công phun tiêu độc, khử trùng định kỳ; bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương để tổ chức chống dịch, khi có ổ dịch xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện để UBND tỉnh công bố.
1. Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh
Các thành viên BCĐ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình phụ trách, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực Hiện công tác phòng, chống dịch động vật kịp thời, phù hợp đáp ứng được với điều kiện thực tế của địa phương; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đảm bảo yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc hướng dẫn các địa phương giám sát và phòng chống các bệnh động vật lây sang người (Bệnh dại, Cúm gia cầm, Nhiệt thán…) theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 về Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Phối hợp với Sở Thông tin &Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng Thông tin điện tử tỉnh... tổ chức phổ biến, tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đến người dân.
- Xây dựng và hướng dẫn triển khai vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) thực hiện:
+ Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh (đặc biệt là kiểm tra, kiểm dịch đối với động vật làm giống phục vụ các chương trình, dự án, hộ chăn nuôi); thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ (KSGM) động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép lưu hành trên thị trường.
+ Lấy mẫu xét nghiệm nhằm giám sát, chẩn đoán, xác minh ổ dịch.
+ Phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, đặc biệt với thành phố Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái trong công tác phối hợp kiểm soát, phòng, trừ dịch bệnh.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm đầu mối phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng liên quan tổ chức, kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện kế hoạch; lập dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện kế hoạch này, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh; tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh theo quy định.
3. Sở Tài chính
Căn cứ Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2017, dự toán kinh phí phục vụ công tác tổ chức phòng, chống dịch do Sở Nông nghiệp & PTNT lập và các chính sách hiện hành, thẩm định, báo cáo UBND tỉnh bố trí đảm bảo kinh phí thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao kinh phí cho Sở Nông nghiệp và PTNT để kịp thời triển khai tổ chức thực hiện.
4. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, xây dựng và phê duyệt kế hoạch để triển khai công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan, chính quyền cơ sở, đoàn thể, tổ chức xã hội cùng tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động và biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin thực hiện công tác vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng môi trường.
- Thống kê đàn gia súc, gia cầm của địa phương; lập kế hoạch, triển khai tiêm phòng chủ động nguồn lực để thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, công tác chống dịch; vận động người chăn nuôi thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch cho đàn vật nuôi.
- Chịu trách nhiệm về kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ 02 vụ/năm và tiêm phòng bệnh Dại trong năm. Báo cáo kết quả triển khai thực; hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
5. UBND các xã, phường, thị trấn
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tính chất nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm động vật đến sức khỏe con người, kinh tế, môi trường sinh thái và các biện pháp chủ động phòng, chống dịch để người dân biết, hiểu và tự giác thực hiện.
- Vận động người dân dần thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông gia súc sang chăn thả có kiểm soát, có chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Tổ chức giám sát dịch bệnh tới thôn, bản, tổ dân phố và báo cáo kịp thời đến Trạm Chăn nuôi & Thú y huyện, thành phố khi phát hiện có dịch bệnh xảy ra, đồng thời trực tiếp tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
- Xây dựng quy ước, hương ước trong thôn, bản để thực hiện các quy định về tổ chức chăn nuôi, vệ sinh môi trường và các biện pháp phòng dịch.
- Tổ chức, huy động nhân lực triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn theo kế hoạch, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
- Chỉ đạo các thôn, bản thành lập các đội phun thuốc tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch thường xuyên, đặc biệt nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh; huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện công tác phòng chống dịch đem lại hiệu quả cao nhất
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2017, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc yêu cầu báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi & Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét và giải quyết./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.