ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1352/KH-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 3 năm 2014 |
HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2014 - 2015
Trong 03 năm 2011 - 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi các tổ chức quốc tế cắt giảm dần nguồn tài trợ nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện những giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 3247/KH-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn năm 2011 - 2015, giữ vững thành quả đẩy lùi dịch HIV/AIDS đã đạt được từ năm 2008. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng trong các chương trình như: can thiệp giảm tác hại, Methadone và chăm sóc điều trị vẫn chưa đạt được kết quả theo yêu cầu, cần tiếp tục phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015 để hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch đã đề ra.
Mặt khác, thế giới đang chuyển đổi chiến lược hành động sang thời kỳ mới, khi các bằng chứng khoa học trong lĩnh vực HIV/AIDS cho thấy việc mở rộng điều trị ARV sớm sẽ mở ra triển vọng kết thúc đại dịch HIV/AIDS và Thành phố Hồ Chí Minh có đủ cơ sở để có thể bước vào thời kỳ kết thúc đại dịch. Vì vậy, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Thành phố giai đoạn 2014 - 2015 cũng chính là những hoạt động khởi động thực hiện định hướng chiến lược kết thúc đại dịch tại Thành phố.
Trên cơ sở đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 23 tháng 1 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2015 như sau:
1. Hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 - 2015: Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 1% vào năm 2015 và không tăng sau năm 2015; Khống chế tỷ suất nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư dưới 0,08% vào năm 2015. Góp phần giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
2. Tăng cường thực hiện và mở rộng các hoạt động dự phòng với các chương trình: thông tin, giáo dục, truyền thông; can thiệp giảm tác hại; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tham vấn xét nghiệm HIV; chăm sóc điều trị... với các mô hình, giải pháp hiệu quả, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể đã đề ra trong Kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015.
3. Tập trung triển khai mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo chỉ đạo chung và triển khai thực hiện điều trị ARV sớm bằng phương thức xã hội hóa, nhằm hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Thành phố.
a) Chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông:
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường công tác dự phòng, hướng mạnh về cộng đồng và dựa vào cộng đồng.
- Tập trung truyền thông, quảng bá rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV; về việc mở rộng và thực hiện xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
b) Chương trình can thiệp giảm tác hại:
- Gắn kết hoạt động dự phòng HIV với các bệnh nhiễm trùng kết hợp (các bệnh có cùng đường lây truyền với HIV, nhất là qua đường quan hệ tình dục và có thể kết hợp lây nhiễm cùng lúc với HIV như viêm gan B, C).
- Phát huy, nhân rộng các hình thức tiếp cận mới với chi phí thấp, hiệu quả cao, nhất là tiếp cận qua Internet, nhằm tăng độ bao phủ các hoạt động can thiệp dự phòng lên nhóm nguy cơ cao, chú trọng nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, nhằm phát hiện sớm người nhiễm và đưa vào điều trị sớm; đồng thời, thí điểm mô hình chi trả theo hiệu suất.
- Củng cố, sắp xếp lại nhân sự và hoạt động của lực lượng Giáo dục viên đồng đẳng. Hỗ trợ kỹ thuật nhằm gắn kết các tổ chức xã hội dân sự và các Hội đoàn cùng tham gia hoạt động của chương trình.
- Tiếp tục đẩy mạnh chương trình 100% bao cao su, trong đó đẩy mạnh chương trình Tiếp thị xã hội bao cao su và mở rộng chương trình Tiếp thị xã hội bơm kim tiêm.
- Vận động chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại.
c) Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (gọi tắt là Chương trình Methadone):
- Sắp xếp lồng ghép chương trình Methadone vào hệ thống y tế cấp cơ sở để đảm bảo tính bền vững.
- Tập trung triển khai Đề án thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 - 2016. Trong đó tập trung mở rộng các cơ sở điều trị, các điểm phát thuốc vệ tinh trong năm 2014 trên cơ sở các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện và Trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và nhân sự, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân theo chỉ đạo của Trung ương và chỉ tiêu Kế hoạch của Thành phố đã đề ra.
- Triển khai thí điểm điều trị Suboxone tại quận Gò Vấp nhằm tăng thêm sự lựa chọn khác cho người cai nghiện ma túy đang điều trị ARV và lao.
2. Về chăm sóc, hỗ trợ, điều trị:
a) Chương trình tham vấn xét nghiệm HIV:
- Vận động chính sách, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xét nghiệm sàng lọc được triển khai rộng rãi trong cộng đồng.
- Mở rộng hoạt động xét nghiệm sàng lọc trong hệ thống y tế công - tư, qua đó tăng cường hoạt động tham vấn xét nghiệm tầm soát HIV nhằm phát hiện người nhiễm HIV để đưa vào điều trị sớm.
- Nâng cao năng lực và chất lượng của hệ thống phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các cơ sở xét nghiệm hiện tại nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán của người dân.
- Quy hoạch, phát triển mạng lưới tham vấn xét nghiệm HIV theo nhiều mô hình khác nhau, mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, qua đó phát hiện sớm người nhiễm HIV như: Mô hình hoạt động tham vấn xét nghiệm HIV (HTC) miễn phí dành cho đối tượng nguy cơ cao sẽ tập trung triển khai tại 07 quận, huyện có nhiều nhóm đối tượng nguy cơ cao (theo kết quả chấm bảng đồ điểm nóng) và 03 quận, huyện ngoại thành gồm: Quận 9, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi; Mô hình HTC thu phí dành cho các bệnh nhân tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đủ điều kiện hoạt động; Mô hình HTC có thu phí dành cho đối tượng là người dân có ít nguy cơ trong cộng đồng như: sinh viên, học sinh, người chuẩn bị kết hôn,… triển khai tại các ban ngành, đoàn thể những nơi có đủ điều kiện để triển khai hoạt động.
- Duy trì hoạt động tham vấn xét nghiệm HIV dành cho đối tượng thai phụ và bệnh nhân lao theo hệ thống hiện hành.
b) Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:
- Tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ tham vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho thai phụ nhiễm HIV và con của họ.
- Triển khai điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm (bằng phác đồ 3 thuốc AZT/3TC/EFV) cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bất kể giai đoạn lâm sàng và CD4 nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, hướng tới không còn trẻ nhiễm mới HIV sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
c) Chương trình chăm sóc điều trị:
- Củng cố hệ thống chăm sóc điều trị HIV/AIDS theo hướng lồng ghép vào hệ thống y tế, huy động, sử dụng nguồn lực từ phía Việt Nam (kể cả từ bảo hiểm y tế, thu phí khách hàng, bệnh nhân, vận động hỗ trợ từ tư nhân) để đảm bảo duy trì và tăng khả năng tiếp cận hoạt động điều trị ARV trong bối cảnh giảm nguồn lực từ tài trợ quốc tế.
- Triển khai thực hiện Đề án điều trị ARV sớm cho người nhiễm bằng phương thức xã hội hóa giai đoạn 2014 - 2018.
- Mở rộng việc triển khai bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS.
- Mở rộng điều trị ARV cho người nhiễm HIV trong các trại giam và trại tạm giam của Thành phố.
3. Về tài chính, tổ chức, nhân lực:
- Rà soát, kiện toàn bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ Thành phố đến cơ sở. Tăng cường công tác huấn luyện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phòng, chống AIDS các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở, phường - xã, thị trấn.
- Tăng cường việc kết nối hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào mạng lưới y tế sẵn có và lồng ghép phù hợp với các hoạt động của các Sở - ngành liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và đảm bảo tính bền vững của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS Thành phố.
- Tập trung xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2015 theo với chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, của Bộ Y tế và phù hợp đặc điểm tình hình của Thành phố; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát và điều phối việc triển khai thực hiện Kế hoạch của các Sở - ngành, Đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
- Trực tiếp chỉ đạo việc lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế; chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS”.
- Tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, phối hợp các Sở - ngành liên quan tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tập trung triển khai các Đề án mở rộng và xã hội hóa chương trình Methadone và Đề án điều trị thí điểm ARV sớm bằng phương thức xã hội hóa sau khi được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt; hướng dẫn các đơn vị lập nhu cầu sử dụng thuốc Methadone và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thuốc Methadone để điều trị cho bệnh nhân.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Y tế theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế (Thường trực Ủy ban phòng, chống AIDS Thành phố) chỉ đạo triển khai mở rộng điều trị ARV cho người nhiễm HIV trong các trại giam và trại tạm giam của Thành phố. Triển khai thí điểm điều trị Methadone trong trại giam, trại tạm giam theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
- Chủ trì phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện tổ chức rà soát, thống kê người nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo chung, phục vụ cho công tác quản lý người nghiện, tổ chức cai nghiện ma túy và điều trị Methadone.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Tiếp tục chỉ đạo các Trường, Trung tâm cai nghiện, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho học viên, đối tượng bảo trợ xã hội và các hoạt động chuẩn bị cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng có đủ kiến thức, kỹ năng phòng chống tái nghiện và phòng ngừa lây nhiễm HIV.
- Đẩy mạnh chương trình chăm sóc, hỗ trợ trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện tăng cường đẩy mạnh chương trình 100% bao cao su trong các khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Sở - ngành, Đoàn thể, các cơ quan truyền thông đại chúng phổ biến sâu rộng kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm vận động các tầng lớp nhân dân đồng thuận và tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm HIV.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan Báo - Đài của Thành phố rà soát, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo thời lượng phát sóng và đăng tin bài về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tích cực tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, các Đề án mới liên quan đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chương trình Mathedone, điều trị ARV sớm bằng phương thức xã hội hóa cho người nhiễm HIV của Thành phố, nhằm nâng cao hiểu biết, tạo sự đồng thuận của người dân và sự tham gia của bệnh nhân trong quá trình thực hiện.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, cung cấp kiến thức về HIV/AIDS, tác hại của việc sử dụng ma túy trong học sinh thông qua chương trình chính khóa và các sinh hoạt ngoại khóa; chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong hệ thống các trường học và các cấp học.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Tổng hợp kế hoạch, cân đối bố trí vốn cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS theo phân cấp ngân sách nhà nước. Hỗ trợ thủ tục cho việc tiếp nhận các nguồn vốn quốc tế tài trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định.
8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải xem công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị ở địa phương; phải triển khai đồng bộ, kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch nhằm kiềm chế, đẩy lùi, hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS trên địa bàn. Ngoài nguồn ngân sách của Trung ương và Thành phố, chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất, cũng như huy động sự đóng góp của xã hội, các tổ chức xã hội từ thiện trên địa bàn để triển khai thành công Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS của Thành phố giai đoạn 2014 - 2015 nói riêng và giai đoạn 2011 - 2015 nói chung trên địa bàn.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các Đoàn thể Thành phố: Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban phòng, chống AIDS Thành phố và các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và phường, xã, thị trấn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia phòng, chống HTV/AIDS. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2014 - 2020.
Các Sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên cơ sở chức năng của đơn vị và nhiệm vụ được phân công, xây dựng Kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ 6 tháng, năm, các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho Văn phòng Thường trực Ủy ban phòng, chống AIDS Thành phố để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Cục phòng chống HIV/AIDS và Bộ Y tế theo quy định. Giao Ủy ban phòng, chống AIDS Thành phố tổng hợp báo cáo và tham mưu việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.