ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 135/KH-UBND |
Bắc Kạn, ngày 02 tháng 3 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA TỈNH BẮC KẠN NĂM 2023
Thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT ngày 07/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Bắc Kạn năm 2023, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hiệu quả tối đa đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho bà con tận dụng tối đa lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu,...
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hình thức chuyển đổi linh hoạt, chỉ chuyển đổi trồng cây khác khi xác định có hiệu quả cao hơn.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.
2. Yêu cầu
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 13 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
- Việc lựa chọn loại cây trồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải theo hướng tập trung tạo thành vùng sản xuất gắn với thị trường, hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp và hợp tác xã đồng thời việc lựa chọn loại cây trồng để chuyển đổi phải đảm bảo với định hướng phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phù hợp với các quy hoạch về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đảm bảo phục hồi lại được hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết.
II. KẾ HOẠCH VÀ GIẢI PHÁP
1. Kế hoạch
Trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tổng diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là 2.036 ha. Trong đó:
Diện tích duy trì chuyển đổi là 1.930 ha.
Diện tích chuyển đổi mới trong năm 2023 là 106 ha, trong đó: Chuyển sang trồng cây hàng năm là 79 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 20 ha và kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa là 7 ha (Chi tiết tại phụ lục gửi kèm).
2. Giải pháp
2.1. Thông tin tuyên truyền:
Tăng cường tuyên truyền phổ biến quan điểm, chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để có hiệu quả cao hơn đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đến mọi tầng lớp nhân dân; tuyên truyền phổ biến các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao để nhân rộng trên địa bàn.
2.2. Xây dựng kế hoạch và tăng cường quản lý nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng:
Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, các địa phương căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng địa phương đảm bảo đúng quan điểm, yêu cầu và nguyên tắc chuyển đổi.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn, đảm bảo thực hiện chuyển đổi đúng theo quy hoạch, kế hoạch và đúng quy định.
2.3. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp:
Ưu tiên thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp. Đặc biệt quan tâm ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
2.4. Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại:
Lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, diễn đàn chuyên ngành nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường nắm bắt thông tin, phân tích thị trường; đẩy mạnh quan hệ, giao dịch với đối tác để lựa chọn sản phẩm đưa vào sản xuất vừa phát huy được lợi thế cho năng suất, chất lượng vừa có thị trường tiêu thụ ổn định.
2.5. Giải pháp về cơ chế chính sách:
Vận dụng các chính sách hiện có của Trung ương, địa phương để hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, cá nhân tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành vùng sản xuất hàng hóa như hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ liên kết sản xuất, xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm…
2.6. Giải pháp về nguồn lực:
- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác như: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chính sách theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện, thành phố...
- Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành theo dõi đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch; kịp thời đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và có phương án chỉ đạo cụ thể về loại cây trồng chuyển đổi, các giải pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm, liên kết thị trường.
- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh đồng thời tham mưu báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Xây dựng, tổng hợp kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
- Tham mưu, ưu tiên bố trí nguồn vốn của Trung ương và địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện cho các vùng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
- Kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư liên kết với người dân sản xuất tập trung tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu bố trí kinh phí, hướng dẫn lồng ghép các chính sách để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Đề xuất các dự án khoa học công nghệ về chuyển giao các cây trồng mới để bổ sung vào cơ cấu giống phục vụ chuyển đổi; xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; ưu tiên sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm thực hiện các dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
5. Sở Công Thương
Chủ trì các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong và ngoài tỉnh; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
6. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính tham mưu ưu tiên bố trí nguồn vốn phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
7. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Khuyến khích các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tăng cường, mở rộng liên kết với nông dân, hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích; hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
- Lồng ghép và sử dụng các nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên phạm vi toàn tỉnh; đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện theo Mẫu số 02.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ và chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo đúng quy định.
Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh.
Trên đây là nội dung Kế hoạch “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tỉnh Bắc Kạn năm 2023”, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.