ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1309 /KH-UBND |
Quảng Bình, ngày 09 tháng 8 năm 2019 |
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông; Công văn số 1106/ BGDĐT-GDTrH ngày 20/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông; Kế hoạch số 1027/KH-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới như sau:
1. Mục đích
Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông mới qui định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh đã được qui định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
2. Yêu cầu
Tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức biên soạn và thẩm định tài liệu.
Yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ của nội dung giáo dục địa phương trong từng cấp học, lớp học bảo đảm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh để làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh.
Vận dụng được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh.
Vận dụng được các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục nội dung giáo dục địa phương theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Sử dụng kết quả kiểm tra để đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các thuật ngữ được giải thích rõ ràng; thể thức, kĩ thuật trình bày bảo đảm theo quy định hiện hành.
Tài liệu được biên soạn, ban hành và tổ chức thực hiện đảm bảo thống nhất, phù hợp với tài liệu hướng dẫn dạy học các môn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; tài liệu có tính mở để giáo viên áp dụng phù hợp tại mỗi địa phương trong tỉnh;
1. Định hướng nội dung giáo dục địa phương
1.1. Các vấn đề văn hóa, lịch sử truyền thống của Quảng Bình
Về văn hóa: Lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kĩ cương, pháp luật.
Về lịch sử, truyền thống: Danh nhân văn hóa; di tích lịch sử, bảo tàng, lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Bình.
1.2. Các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của Quảng Bình
Về địa lý: Địa lý tự nhiên; địa lý kinh tế - xã hội.
Về kinh tế, hướng nghiệp: Thị trường lao động; các ngành nghề, làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn.
1.3. Các vấn đề chính trị - xã hội, môi trường
Về chính trị - xã hội: Chính sách an sinh xã hội; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống.
Về môi trường: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu.
2. Biên soạn, thẩm định và phê duyệt tài liệu
2.1. Thành lập Ban biên soạn chương trình, tài liệu
Ban biên soạn gồm tập hợp các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa phương tham gia biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo từng lĩnh vực chuyên môn phù hợp;
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn thành viên và tổ chức hoạt động của Ban biên soạn được thực hiện vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.
2.2. Thành lập Hội đồng thẩm định chương trình tài liệu
Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương gồm tập hợp các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa phương tham gia thẩm định tài liệu theo từng lĩnh vực chuyên môn phù hợp.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn thành viên và tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định được thực hiện vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.
2.3. Phê duyệt tài liệu
Sau khi thẩm định, UBND tỉnh sẽ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để triển khai thực hiện theo đúng quy định và lộ trình.
2.4. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý và giáo viên
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học trong thực hiện nội dung giáo dục địa phương; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua thiết kế tiến trình dạy học để thực hiện cả trong và ngoài lớp học.
3. Lộ trình thực hiện
Trước tháng 01/2020: Hoàn thành Chương trình, nội dung tổng thể giáo dục địa phương của 03 cấp học.
Trước tháng 5/2020: Hoàn thành nội dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 1;
Trước tháng 5/2021: Hoàn thành nội dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 2 và tài liệu giáo dục địa phương cho lớp 6;
Trước tháng 5/2022: Hoàn thành nội dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 3 và tài liệu giáo dục địa phương cho lớp 7, lớp 10;
Trước tháng 5/2023: Hoàn thành nội dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 4 và tài liệu giáo dục địa phương cho lớp 8, lớp 11;
Trước tháng 5/2024: Hoàn thành nội dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 5 và tài liệu giáo dục địa phương cho lớp 9, lớp 12.
Ngân sách nhà nước của tỉnh bảo đảm cho việc biên soạn, triển khai nội dung giáo dục địa phương theo qui định hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, kinh nghiệm, xây dựng và báo cáo UBND tỉnh Kế hoạch cụ thể về việc tổ chức biên soạn, triển khai nội dung giáo dục địa phương theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định; hoàn thành các loại hồ sơ theo quy định để trình Bộ giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương;
Chủ trì tổ chức biên soạn và chỉ đạo về chuyên môn, theo dõi tiến độ thực hiện; đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch trong trường hợp cần thiết;
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng dự toán kinh phí công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản và triển khai nội dung giáo dục địa phương gửi Sở Tài chính thẩm định;
Chủ trì tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học trong thực hiện nội dung giáo dục địa phương.
2. Các sở, ngành cấp tỉnh liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu kinh phí, cung cấp tài liệu, thực hiện biên soạn, thẩm định và triển khai nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng kế hoạch. Cụ thể:
2.1. Sở Tài chính
Thẩm định dự toán kinh phí công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản và triển khai nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới do Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt.
2.2. Sở Văn hóa và Thể thao
Định hướng phát triển ngành Văn hóa Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; phong tục tập quán địa phương; danh nhân văn hóa; di tích lịch sử, di tích tâm linh; bảo tàng.
2.3. Sở Kế hoạch - Đầu tư
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trọng tâm, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030; các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
2.4. Sở Nội vụ
Các nội dung về địa giới hành chính, các đơn vị hành chính, các vấn đề về dân cư - dân tộc của tỉnh.
2.5. Sở Du lịch
Định hướng phát triển du lịch Quảng Bình; tiềm năng phát triển du lịch và các địa điểm du lịch của tỉnh.
2.6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Các nội dung liên quan đến địa lý tự nhiên; địa lý kinh tế - xã hội; các vấn đề về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
2.7. Sở Lao động - Thương binh và xã hội
Các nội dung liên quan đến chính sách an sinh xã hội; thị trường lao động; công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh.
2.8. Sở Công thương
Các nội dung về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; các ngành nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh.
2.9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Các nội dung về tiềm năng, thế mạnh phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn của địa phương.
2.10. Sở Khoa học và Công nghệ
Các nội dung về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Bình.
2.11. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Cung cấp tài liệu về văn hóa; lịch sử, truyền thống; kinh tế - chính trị - xã hội; môi trường của địa phương phục vụ công tác biên soạn chương trình, nội dung giáo dục địa phương khi được yêu cầu;
Xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch triển khai nội dung Giáo dục địa phương theo quy định.
3. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Cung cấp các tài liệu liên quan đến lịch sử phát triển của Đảng bộ tỉnh; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; tham gia Hội đồng thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.