ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/KH-UBND |
Nghệ An, ngày 28 tháng 02 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG GRDP THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 25/NQ-CP NGÀY 05/02/2025 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ ĐỊA PHƯƠNG BẢO ĐẢM MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG CẢ NƯỚC NĂM 2025 ĐẠT 8% TRỞ LÊN
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên và Thông báo số 1792-TB/TU ngày 27/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch thực hiện kịch bản tăng trưởng GRDP tỉnh Nghệ An năm 2025; với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện kịch bản tăng trưởng GRDP tỉnh Nghệ An năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP tỉnh Nghệ An năm 2025 theo từng quý để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 10,5%, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra; góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước năm 2025 (8% trở lên); tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
- Xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện); nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị trong việc quán triệt, nghiêm túc triển khai nhiệm vụ đề ra để phấn đấu hoàn thành mục tiêu được giao.
2. Yêu cầu
- Rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP theo ngành cấp 01 và 03 khu vực kinh tế và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm theo từng quý để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
- Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của toàn tỉnh.
- Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trên cơ sở phải bảo đảm sự phát triển bền vững, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
II. KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG NĂM 2025
Ngày 06/12/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, thông qua 28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2025; trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt từ 9,5-10,5%. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 18/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó đề ra kịch bản tăng trưởng GRDP đạt từ 10-10,5%.
Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ, trong đó đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của tỉnh Nghệ An là 10,5%; để đạt được mục tiêu này, dự kiến kịch bản tăng trưởng của từng khu vực như sau:
- Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,02% (riêng công nghiệp tăng 17,54%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của tỉnh với mục tiêu tăng 18,86%);
- Khu vực dịch vụ tăng 9,61%;
- Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 5%.
(Chi tiết tại các phụ lục kèm theo gồm:
- Phụ lục 1. Kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025;
- Phụ lục 2. Mục tiêu phấn đấu của một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo từng quý của năm 2025;
- Phụ lục 3. Một số chỉ tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực năm 2025;
- Phụ lục 4. Đóng góp điểm phần trăm của các khu vực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2025;
- Phụ lục 5. Mục tiêu tăng trưởng của các huyện, thành phố, thị xã năm 2025).
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỈ ĐẠO CHUNG
1. Thường xuyên bám sát và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
2. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được đề ra tại Nghị quyết số 104/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh; Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 18/01/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2025; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã được UBND tỉnh ban hành. Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
3. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật. Triển khai kịp thời hiệu quả các quy định, chính sách pháp luật sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, nhất là các nội dung về phân cấp, phân quyền cho địa phương; tiếp tục rà soát, kiến nghị Trung ương tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế. Đồng thời, chủ động rà soát ban hành ngay các quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
4. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện và nâng cao thứ hạng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), có kế hoạch, giải pháp cụ thể để khắc phục, nhất là đối với các chỉ số thành phần còn thấp, chậm cải thiện. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2025 theo các kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần: Tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất. Kiên quyết khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.
5. Tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động của 05 Tổ công tác thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực đã được UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 21/01/2025. Chủ động làm việc với các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ, đôn đốc để đưa các dự án đầu tư đã đăng ký sớm đi vào hoạt động theo tiến độ cam kết. Rà soát và có phương án xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí để sớm đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.
6. Cùng với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, các Sở, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Lĩnh vực nông nghiệp
- Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong khu vực nông nghiệp. Phấn đấu các chỉ tiêu sản phẩm trong năm 2025 như sau:
Trồng trọt: Sản lượng: lúa 1.016 nghìn tấn, chỉ đạo tăng tỷ trọng lúa chất lượng cao (trên 90.000 ha); ngô 221 nghìn tấn; lạc 28 nghìn tấn; mía nguyên liệu 1,404 triệu tấn; sắn nguyên liệu 282,5 nghìn tấn, cam quả 36 nghìn tấn; dứa 37,2 nghìn tấn; chè búp tươi 125 nghìn tấn; mủ cao su khô 10,6 nghìn tấn;...
Chăn nuôi: Tổng đàn trâu, bò 798 nghìn con (đàn trâu 248 nghìn con; đàn bò 550 nghìn con); tổng đàn lợn 1,077 triệu con; đàn gia cầm 40,5 triệu con; sản lượng sữa tươi 360 triệu lít; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 294,4 nghìn tấn.
Lâm nghiệp: Trồng mới rừng tập trung trên 22.000 ha, tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn; khai thác gỗ (rừng trồng) đạt trên 2,1 triệu m3, duy trì ổn định độ che phủ rừng đạt trên 58,0%.
Thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 304,9 nghìn tấn, trong đó: khai thác 223 nghìn tấn, nuôi trồng 81,5 nghìn tấn; tập trung tăng sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao; ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản, tập trung ưu tiên đầu tư nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng nuôi trọng điểm như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hoàng Mai, Nghi Lộc.
Về Xây dựng nông thôn mới (NTM): Phấn đấu năm 2025 có ít nhất 03 xã đạt chuẩn NTM, 19 xã đạt NTM nâng cao, 08 xã đạt NTM kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,31 tiêu chí/xã. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án xây dựng huyện Nam Đàn thành huyện NTM kiểu mẫu theo chỉ đạo của Trung ương.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển nhanh sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng các loại sản phẩm có giá trị cao, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát huy hiệu quả. Tập trung đối với một số cây trồng, vật nuôi, sản phẩm chủ lực, tạo đột phá về năng suất, chất lượng; ứng dụng rộng rãi các quy trình công nghệ tiên tiến, mở rộng thực hiện các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào sản xuất; mở rộng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
- Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, trong đó phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về tiêu thụ sản phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp, trang trại. Đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để khôi phục, mở rộng quy mô đàn, nhất là tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi. Tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi.
- Quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên hiện có và phát triển vùng rừng trồng. Đầu tư trồng rừng thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, ứng dụng công nghệ cao; tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Tăng cường quảng bá, thu hút mạnh đầu tư vào Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ. Phát triển các mô hình trồng cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế; trồng rừng bằng cây bản địa, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng... gắn với chế biến, xuất khẩu.
- Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đầu tư thâm canh, ứng dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến theo hướng VietGAP... đưa vào sản xuất các loại con nuôi có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển mạnh khai thác thủy sản xa bờ, tăng cường đầu tư đồng bộ các thiết bị khai thác, bảo quản để nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ khai thác hải sản, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt xa bờ, triển khai các giải pháp để gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (IUU) đối với ngành thủy sản.
- Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng (quy hoạch) đã được phê duyệt.
2. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng
- Tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, chế biến chế tạo, nhất là dự án quy mô lớn.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam; tăng cường thu hút đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Tổ công tác chỉ đạo lĩnh vực công nghiệp (Tổ 1) chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ các nhà máy đang hoạt động phát huy tối đa công suất, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để đưa vào hoạt động trong năm 2025 nhằm bổ sung năng lực sản xuất. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 14,5% trở lên so với năm 2024, cụ thể:
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực từ các dự án mới hoạt động gồm: Sản phẩm giày da (sản lượng dự kiến 90 triệu đôi, tăng 63,64%); sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô, sản phẩm thấu kính quang học, đĩa bán dẫn (650 triệu sản phẩm, tăng 12,07%; sản phẩm gỗ MDF - gỗ ghép thanh, sản phẩm bao bì...
+ Hỗ trợ 03 nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động trong năm 2025 với tổng công suất 78,8 MW, gồm: Châu Thôn - 29,8 MW (dự kiến phát điện quý I/2025), Suối Choang - 4 MW và Bản Mồng - 45 MW;
+ Hỗ trợ các dự án FDI lớn dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025: (i) Tại KCN VSIP: (1) Dự án Công ty TNHH Công nghệ chính xác Luxcase (Việt Nam) (473 triệu USD); (2) Dự án Luxshare - ICT (Nghệ An) 2 (358,5 triệu USD); (3) Dự án Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam (165 triệu USD); (4) Dự án Nhà máy Radiant Opto-Electronics Việt Nam Nghệ An (145 triệu USD); (ii) KCN WHA: (1) Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Goertek Vina (325 triệu USD); (2) Dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology (Nghệ An) (200 triệu USD); (3) Dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive Quang Học Vina (150 triệu USD); (iii) KCN Hoàng Mai: I (1) Dự án Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH công nghệ Runergy (Việt Nam) (440 triệu USD);
+ Hỗ trợ phát huy ổn định công suất các dự án FDI lớn đã đi vào hoạt động cuối năm 2024: (1) Dự án Luxshare - ICT Nghệ An (151,5 triệu USD); (2) Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD); (3) Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision (Việt Nam) (165 triệu USD); (4) Dự án Nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật kim loại Yongjin Việt Nam (125,2 triệu USD).
+ Tập trung hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án điện khí LNG Quỳnh Lập (công suất 1500 MW, dự kiến tổng mức đầu tư 2,11 tỷ USD) dự kiến trong Quý I năm 2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 08/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 - 2030.
- Theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng thân thiện mới môi trường, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền công nghệ, cơ cấu sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp.
3. Lĩnh vực dịch vụ
- Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị và trung tâm thương mại đến năm 2030. Tăng cường thu hút đầu tư trong đó tập trung chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác chợ; thu hút đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng logistics tại trung tâm các huyện, thành, thị; phát triển hạ tầng thương mại gắn với hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa. Phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, đặc sản địa phương và mạng lưới các cơ sở cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ hiện đại tại các trung tâm huyện.
- Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng chợ, chính sách xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực thương mại trên địa bàn. Cân đối bố trí, phân bổ nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại, xúc tiến thương mại theo đúng quy định, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Chú trọng thực hiện linh hoạt, đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thông tin thị trường, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú. Đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị... sản xuất kinh doanh. Tăng cường, hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ qua các kênh thương mại điện tử.
- Về xuất khẩu: Phấn đấu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4 tỷ USD, tăng 24,38%/năm 2024. Triển khai thực hiện các giải pháp sau:
+ Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, diễn đàn kết nối cung cầu, kết nối giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn, các khu vực thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam và tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng (Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh...) đối với các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Xúc tiến xuất khẩu theo định hướng nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.
+ Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ logistics: Cải tạo nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi tại khu vực cửa khẩu biên giới và cảng biển, mở rộng khơi thông luồng lạch tại cảng biển để tàu trọng tải lớn ra vào thuận lợi; đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hoàn thành phê duyệt “Đề án phát triển tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm logistics khu vực Bắc Trung bộ” theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá. Tập trung hỗ trợ để đẩy mạnh các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của tỉnh: một số dự án mới hoàn thành đi vào sản xuất ổn định như: Luxshare (công suất trên 100 triệu sản phẩm) ước kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD; Công ty TNHH Goertex Vina (công suất khoảng 381 triệu sản phẩm/năm) kim ngạch xuất khẩu ước đạt 500 triệu USD; Công ty Everwin Precision Việt Nam (công suất thiết kế của dự án 270 triệu sản phẩm/năm) kim ngạch ước đạt 400 triệu USD; Dự án Jianyin sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Giai Âm tại Khu công nghiệp WHA; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Gia Nhật của Công ty TNHH Gia Nhật Plastic Việt Nam với công suất 109,2 tỷ sản phẩm/năm và một số dự án khác dự ước xuất khẩu 100 triệu USD (Emtech, BSE, Sonix Vina,...).
- Về du lịch: Phấn đấu, tổng lượng khách du lịch năm 2025 đạt 9,9 triệu lượt người; trong đó khách du lịch trong nước 9,765 triệu lượt người, du lịch quốc tế đạt 135.000 lượt người.
Triển khai các nội dung của Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2035; Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 09/4/2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường; tập trung phát triển các loại hình du lịch có thế mạnh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến; trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, phát huy kinh tế di sản để đạt các mục tiêu tăng trưởng của ngành. Tăng cường các hoạt động liên kết, phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh, các Tập đoàn, Tổng công ty du lịch lớn trong cả nước; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của điểm đến; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch nhằm bảo đảm về số lượng và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.
4. Đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia
- Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện và cam kết giải ngân chi tiết theo từng tháng, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án. Trong năm 2025, hoàn thành các dự án trọng điểm gồm: đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn km7- km76, đường giao thông vào trung xã Nhôn Mai và Mai Sơn (huyện Tương Dương), đường nối Quốc lộ 7C đi đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 48E, huyện Tân Kỳ, Bệnh viện Ung bướu giai đoạn 2. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 7. Hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò; sớm triển khai dự án đường cao tốc Vinh - Thanh Thủy; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Vinh; chuẩn bị triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam...
- Tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác cấp tỉnh và cấp phòng để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Bắt đầu từ tháng 3 năm 2025, thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đốc thúc các địa phương thực hiện khối lượng và giải ngân kế hoạch đầu tư công.
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cụ thể như sau:
+ Sở Tài chính (sau hợp nhất):
Chủ trì, phối hợp với Kho bạc nhà nước tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện[1] theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án. Tham mưu tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Tổng hợp, rà soát tham mưu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (nếu có).
Ưu tiên đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhập TABMIS cho các dự án kịp thời để các chủ đầu tư giải ngân vốn. Chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn thu sử dụng đất và nguồn bội chi ngân sách địa phương; định kỳ tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh tình hình nhập tabmis của từng dự án và tình hình giải ngân nguồn thu sử dụng đất và nguồn bội chi ngân sách địa phương để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo.
+ Kho bạc nhà nước tỉnh: Chỉ đạo cơ quan Kho bạc Nhà nước phối hợp với các chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán để giải ngân vốn kịp thời theo quy định. Định kỳ tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) tình hình giải ngân của từng dự án để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo.
+ UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tập trung công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kịp thời.
+ Các Sở (sau hợp nhất): Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, các sở quản lý xây dựng chuyên ngành (nhất là Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường): tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung ưu tiên, hỗ trợ, hướng dẫn cho các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục; phấn đấu giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ.
+ Các cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia: Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2025 và kế hoạch các năm trước kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025).
+ Các chủ đầu tư: Xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện, cam kết giải ngân theo từng tháng. Quyết liệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để giải ngân hết 100% chỉ tiêu kế hoạch giao, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án lớn. Việc đẩy nhanh tiến độ và giải ngân phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Từng chủ đầu tư phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ và xây dựng kế hoạch thực hiện và cam kết giải ngân từng tháng của năm 2025 cho từng dự án (bao gồm kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục, khối lượng thi công...) gửi về Sở Tài chính (sau hợp nhất). Đồng thời, trước ngày 02 hàng tháng gửi báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch và cam kết giải ngân để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
5. Tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất từ các dự án có sử dụng đất, kinh doanh thương mại điện tử qua nền tảng số; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định bắt buộc về hóa đơn điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu theo từng địa bàn, lĩnh vực sát đúng với thực tế. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt 26.000 tỷ đồng theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
- Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 06 tháng đầu năm 2025 theo quy định tại Nghị định số 180/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ; thực hiện nghiêm chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2025 ngay khi các chính sách trên được ban hành.
- Triệt để tiết kiệm chỉ, nhất là chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản công, phòng chống lãng phí; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính và sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quy định của pháp luật.
6. Tăng cường công tác quy hoạch, phát triển đô thị; thu hút đầu tư
- Các sở, ngành, địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; hoàn thành phê duyệt các quy hoạch vùng huyện còn lại trong năm 2025. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành theo Luật Quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp trên, giữa các quy hoạch cùng cấp, đảm bảo tính liên kết trong nội vùng và liên vùng. Hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện còn lại. Rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn. Tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình và có hiệu quả các đề án, kế hoạch về phát triển đô thị gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Phấn đấu năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 36%.
- Đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng hiệu quả, khả thi và tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng; chú trọng lồng ghép xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh. Ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng, các lĩnh vực chế biến sâu, tạo ra sản phẩm giá trị cao gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các quy trình, thủ tục để tạo điều kiện tối đa đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên các lĩnh vực, như: công nghiệp; du lịch và dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; khoa học và công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo;...
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan
a) Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thiết thực và toàn diện để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chương trình công tác trọng tâm năm 2025 của UBND tỉnh, các Nghị quyết, Kế hoạch khác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch này; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện của sở, ngành, đơn vị, địa phương mình.
b) Khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết, văn bản chỉ đạo cụ thể của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trước ngày 10/3/2025 để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh; trong đó, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện; phân công rõ người, rõ việc, rõ phòng, ban chủ trì, phối hợp, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, thực hiện từng chỉ tiêu, kế hoạch, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực, địa phương. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần, hằng tháng, hằng quý để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, góp phần đạt kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
c) Rà soát, báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách (thuộc thẩm quyền của Trung ương và tỉnh) gửi Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/3/2025.
d) Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, đồng bộ; định kỳ hằng quý cập nhật kịch bản tăng trưởng, mục tiêu cụ thể của các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cập nhật kịch bản tăng trưởng chung của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Báo cáo tiến độ thực hiện định kỳ trước ngày 21 hằng tháng về Sở Tài chính (sau hợp nhất), Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (riêng báo cáo quý và cả năm triển khai theo tiến độ phù hợp chương trình công tác của UBND tỉnh).
2. Sở Tài chính (sau hợp nhất)
a) Chủ trì theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch này; đôn đốc, tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất giải pháp chỉ đạo, điều hành khả thi để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh; định kỳ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện kịch bản tăng trưởng gửi Bộ Tài chính (sau hợp nhất) tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
b) Phối hợp Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các công việc được giao, đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng thời gian quy định.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, tổ chức giám sát và các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức phổ biến Nghị quyết số 52/NQ-CP và Kế hoạch này trong các cấp, các ngành; tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động để cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh biết, tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
[1] Định kỳ hàng tháng, hàng quý và cả năm hoặc theo chỉ đạo riêng của UBND tỉnh (sau đây gọi tắt là định kỳ)
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.