ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10004/KH-UBND |
Lâm Đồng, ngày 18 tháng 11 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Triển khai Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
b) Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp liên quan trong việc phát triển hạ tầng số, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đề ra;
c) Phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh;
d) Làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra.
2. Yêu cầu
Trong quá trình phát triển hạ tầng số cần bám sát quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và hoàn thành các mục tiêu theo Quyết định số 36/QĐ-TTg và Quyết định số 1132/QĐ-TTg ; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu đến 2025
a) Mạng băng rộng cố định đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, tổ dân phố; bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; với 90% người sử dụng có thể truy cập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy cập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s;
b) Mạng băng rộng di động đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G;
c) 100% các huyện, thành phố, khu công nghiệp, khu vực công cộng trọng điểm, các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch có dịch vụ di động 5G;
d) Trung bình mỗi người dân có 01 kết nối Internet vạn vật (IoT-Internet of Things);
đ) Mỗi người dân có 01 định danh số;
e) Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%;
g) 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã được kết nối vào
Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.
2. Mục tiêu đến năm 2030
a) 100% người sử dụng có khả năng truy cập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên;
b) Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số;
c) Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G;
d) Số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao trong nước hoặc trung bình mỗi người dân 04 kết nối IoT;
đ) Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%;
e) Hạ tầng số đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đặt tại Lâm Đồng;
g) Ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp viễn thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, tuyến đường mới; đối với các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, tuyến đường cũ đạt từ 25% trở lên.
III. NHIỆM VỤ
1. Hạ tầng viễn thông và Internet
a) Phổ cập kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp đến hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức bao gồm: cáp quang, wifi thế hệ mới,…
b) Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, sử dụng chung các tuyến cáp quang liên tỉnh, bảo đảm khai thác hiệu quả dung lượng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư. Dự phòng trường hợp phát sinh tăng trưởng đột biến nhu cầu;
c) Hệ thống truyền dẫn trong tỉnh: Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, tiếp tục xây dựng và mở rộng mạng cáp quang băng rộng tốc độ cao đến các thôn trên cả tỉnh, thực hiện phổ cập sẵn sàng kết nối cáp quang băng rộng đến hộ gia đình có nhu cầu. Nghiên cứu, bổ sung tuyến cáp quang dọc theo các tuyến đường cao tốc và các tuyến đường giao thông khác đáp ứng nhu cầu về dung lượng truyền dẫn trong tỉnh và phục vụ cho mục đích dự phòng;
d) Tập trung mở rộng vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ mạng di động 5G tại các khu vực trọng điểm: Khu vực hành chính công, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch trọng điểm, cơ sở y tế, các trường cao đẳng, đại học; đầu mối giao thông, hệ thống đường bộ; trung tâm thương mại; khu dân cư; khu vực tập trung đông dân cư; khu thương mại, khách sạn; các thị trấn và khu vực trọng điểm ở nông thôn;
đ) Phát triển mạng di động 5G và các thế hệ tiếp theo. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai các công nghệ mới trong quá trình phát triển hạ tầng số như mạng di động 6G, mô hình dữ liệu mở, …;
e) Triển khai sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) cho toàn bộ mạng Internet trong tỉnh.
2. Hạ tầng dữ liệu
a) Khai thác hiệu quả hoạt động Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, kết hợp thuê dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, chuyển dịch sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng, triển khai Kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh đảm bảo cho phép thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa, làm sạch và phân tích, xử lý dữ liệu từ các nguồn dữ liệu của tỉnh và ngoài tỉnh; hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia đặt tại Lâm Đồng phục vụ cung cấp hạ tầng dùng chung cho cơ quan nhà nước, đánh giá an toàn thông tin theo định kỳ;
b) Khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân ưu tiên dùng các nền tảng điện toán đám mây, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.
3. Hạ tầng vật lý - số
a) Triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số;
b) Phát triển hạ tầng vật lý - số bảo đảm sự vận hành rộng khắp, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, tăng sự linh hoạt trong triển khai các hệ thống giúp giảm thiểu thời gian triển khai, nâng cao hiệu quả;
c) Tận dụng cơ sở hạ tầng mạng di động 4G, 5G cho các giải pháp IoT, khai thác sức mạnh của điện toán đám mây và tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển các ngành công nghiệp;
d) Thúc đẩy phát triển hạ tầng vật lý - số trong các lĩnh vực có tác động lớn như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh,… để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế;
đ) Phát triển các bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) thực hiện mô phỏng và theo dõi hoạt động của vật thể trong thế giới thực thông qua các dữ liệu và thông tin thu thập từ cảm biến, thiết bị IoT và các nguồn dữ liệu khác, tăng cường tính minh bạch, đổi mới và nâng cao hiệu quả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ công, sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, logistics, xây dựng,…
4. Hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ
a) Phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ, trọng tâm là các nền tảng: định danh số; xác thực số; thanh toán số, hóa đơn số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xác thực văn bản số; chữ ký số và chứng thực chữ ký số;
b) Tiện ích số được thiết kế để cung cấp hạ tầng mềm cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các chức năng cốt lõi của giao dịch số - bắt đầu từ danh tính số, thanh toán số, hóa đơn số, xác minh tài liệu số và trao đổi dữ liệu. Các tiện ích số và các nền tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ mới sẽ được phát triển đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, xã hội số;
c) Sử dụng dịch vụ công nghệ AI, blockchain, IoT để thông minh hóa, tự động hóa các hoạt động kinh tế, xã hội.
IV. GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện thể chế
a) Nghiên cứu, ban hành các văn bản: Tạo điều kiện thuận lợi cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; bảo vệ người sử dụng; thu hút đầu tư; ứng phó, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên hạ tầng viễn thông; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước;
b) Nghiên cứu, xây dựng chính sách thúc đẩy việc cấp, sử dụng chữ ký số để phù hợp với điều kiện kinh tế và tăng số lượng cá nhân tham gia thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch điện tử.
2. Ưu tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng
a) Ban hành các chính sách, quy định bảo đảm hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác (giao thông, điện, chiếu sáng,…) phải cho hạ tầng viễn thông được chia sẻ, dùng chung nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông, bảo đảm hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế;
b) Hoàn thiện các chính sách, thúc đẩy, bảo đảm trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải sẵn sàng cho phát triển hạ tầng số (ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng băng rộng,…);
c) Hoàn thiện chính sách, bảo đảm khả năng triển khai hạ tầng băng rộng đồng bộ với hạ tầng ngành khác (giao thông, xây dựng, cấp thoát nước, chiếu sáng, năng lượng) theo nguyên tắc tăng cường chia sẻ, dùng chung;
d) Phối hợp xây dựng trung tâm dữ liệu cấp quốc gia đặt tại Lâm Đồng;
đ) Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động, tích cực);
e) Triển khai xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;
g) Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng dùng chung giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật để mở rộng vùng phủ sóng mạng di động 4G, 5G cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư;
h) Đẩy mạnh giám sát và phân tích các chỉ số chất lượng về trải nghiệm của người sử dụng;
i) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các ứng dụng cho công nghệ di động 5G phục vụ các ngành kinh tế.
3. Huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện
a) Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này do Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu thực hiện;
b) Doanh nghiệp viễn thông có phương án nghiên cứu chuyển đổi thành doanh nghiệp hạ tầng số, chuyển đổi nguồn nhân lực, nâng cao tỷ trọng chuyên gia công nghệ số;
c) Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số;
d) Phối hợp với Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để thực hiện hỗ trợ phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ viễn thông băng rộng cố định, băng rộng di động tại các khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
4. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng
a) Thực thi văn bản quy phạm pháp luật, chính sách và văn bản hướng dẫn thi hành về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân;
b) Xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng số có trách nhiệm từ chối hợp tác, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật và không để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng hạ tầng của mình;
d) Bảo vệ quyền lợi người sử dụng, ứng phó, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên hạ tầng viễn thông;
đ) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng số bao gồm việc triển khai các biện pháp để bảo vệ nhiều lớp, giám sát, cảnh báo sớm, ứng cứu sự cố, phục hồi hệ thống kịp thời.
5. Đo lường, quản lý, giám sát
a) Xây dựng các chỉ số phát triển hạ tầng số của từng địa phương phù hợp với các chỉ số quốc gia. Triển khai các hệ thống đo lường, giám sát, quản lý nhà nước về hạ tầng số;
b) Thực hiện khảo sát, thu thập số liệu, công bố kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số đặt ra tại kế hoạch này ở cấp độ địa phương.
6. Tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số
a) Truyền thông về “Phát triển hạ tầng số với hệ sinh thái mở, tạo niềm tin số” tạo sự đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của Nhà nước;
b) Tổ chức hội thảo, hội nghị về hạ tầng số, kết hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số từ đó thay đổi căn bản được thói quen của người dân khi sống trong môi trường xã hội số mới;
c) Tuyên truyền, phổ biến những đặc tính, khả năng đáp ứng, cung cấp dịch vụ của hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động chất lượng cao (5G, 6G) để các cá nhân, tổ chức nắm bắt, xác định nhu cầu (về tốc độ, độ trễ, …) theo từng mục đích sử dụng (y tế, giáo dục, thương mại điện tử,…) từ đó đặt hàng các doanh nghiệp hạ tầng số thiết lập cung cấp;
d) Truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân;
đ) Triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ thông tin đơn lẻ sang điện toán đám mây nhằm tăng tỷ lệ sử dụng điện toán đám mây của các doanh nghiệp trong nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Kịp thời tham mưu, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về viễn thông, triển khai các giải pháp định hướng, tạo điều kiện để doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh;
c) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh;
d) Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 853/KH-UBND ngày 09/02/2023 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
đ) Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;
e) Hằng năm, xây dựng Kế hoạch ngầm hóa, chỉnh trang, căng gọn và kiểm tra, cắt bỏ mạng cáp ngoại vi viễn thông trên địa bàn tỉnh;
g) Nghiên cứu tham mưu các thể chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng số theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên;
h) Hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số của tỉnh; xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến kết quả, thành tựu phát triển hạ tầng số của tỉnh.
2. Công an tỉnh
a) Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 853/KH-UBND ngày 09/02/2023 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Thực thi pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư công thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định.
4. Sở Xây dựng: Nghiên cứu, triển khai quy định về tích hợp các thành phần của hạ tầng số trong các công trình xây dựng dân dụng.
5. Sở Giao thông Vận tải: Nghiên cứu, triển khai quy định về việc tích hợp các thành phần của hạ tầng số trong các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, trên cơ sở dự toán kinh phí do Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp; thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn liên quan; kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, thực hiện và giải quyết vấn đề sử dụng đất xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông, công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định.
8. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh
a) Theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện Kế hoạch này; phối hợp, hỗ trợ phát triển hạ tầng số, sử dụng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành. Xây dựng hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số trong kế hoạch giai đoạn và hàng năm, bảo đảm đồng bộ với Kế hoạch này;
b) Tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cấp trên trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ do các Bộ, ngành chủ trì có liên quan được quy định tại mục 3 Điều 2 Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ;
c) Phối hợp, hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) liên quan đến lĩnh vực của ngành mình quản lý.
9. UBND các huyện, thành phố
a) Xây dựng hoặc lồng ghép tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển hạ tầng số của huyện, thành phố phù hợp với Kế hoạch này;
b) Xây dựng, công bố kế hoạch đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị để các đơn vị phối hợp triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các ngành giao thông, năng lượng, chiếu sáng, cấp, thoát nước, hạ tầng công trình ngầm, hạ tầng kỹ thuật khác;
c) Hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp viễn thông triển khai các nhiệm vụ phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trên địa bàn quản lý phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
d) Phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về viễn thông.
10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng hạ tầng số để cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ trong hoạt động ngân hàng.
11. Các doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng số phù hợp với Kế hoạch này;
b) Đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh;
c) Phối hợp thực hiện nội dung có liên quan kế hoạch này. Tuân thủ hướng dẫn, yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương trong hoạt động phát triển hạ tầng số;
d) Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp viễn thông khác đàm phán cùng đầu tư xây dựng, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
12. Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Thông tin, tuyên truyền các nội dung Kế hoạch này nhằm tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc phát triển hạ tầng số, để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp biết, chung tay xây dựng phát triển hạ tầng số; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời gửi Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.