ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 02 tháng 01 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ DIỆN RỘNG CẤP QUỐC GIA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2022-2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” (Đề án 468) và Văn bản số 5162/BGDĐT-QLCL ngày 22 tháng 9 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về
việc triển khai Đề án 468 ngày 13 tháng 02 năm 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia nhằm định kỳ cung cấp các thông tin khách quan, tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan làm cơ sở đề xuất các chính sách, giải pháp đổi mới các hoạt động dạy và học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu: Các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tinh thần nghiêm túc, khách quan nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở đề xuất các chính sách, giải pháp đổi mới các hoạt động dạy và học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
II. MỤC TIÊU
1. Giai đoạn 2024-2026
- Tham gia các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia theo Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm:
+ Tham gia 02 đợt đánh giá định kỳ quốc gia cho các khối lớp và lĩnh vực học tập được lựa chọn phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
+ Tham gia 02 chu kỳ của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA)[1]; tham gia 01 chu kỳ của Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học (TALIS)[2].
+ Tham gia 01 chu kỳ của Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các quốc gia khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM)[3].
- Tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng tập huấn và được cấp chứng nhận nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia:
+ 100% các cơ sở giáo dục được lựa chọn vào mẫu đánh giá tham gia đầy đủ các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia tương ứng theo mục tiêu và quy trình kỹ thuật của mỗi kỳ đánh giá theo quy định.
+ 100% cán bộ cốt cán được bồi dưỡng tập huấn và cấp chứng nhận về các nội dung liên quan đến đánh giá diện rộng cấp quốc gia.
+ 50% cán bộ làm công tác khảo thí của Sở Giáo dục và Đào tạo được bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực và cấp chứng nhận về đánh giá diện rộng cấp quốc gia nhằm đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức các kỳ đánh giá.
+ 50% cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông tham gia đánh giá được bồi dưỡng và cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng về đánh giá diện rộng cấp quốc gia hằng năm.
2. Giai đoạn 2027-2030
- Tham gia các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia:
+ Tham gia 01 đợt đánh giá định kỳ quốc gia hằng năm cho các khối lớp và lĩnh vực học tập được lựa chọn phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
+ Tham gia 01 chu kỳ của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA); tham gia 01 chu kỳ của Chương trình phân tích các hệ thống giáo dục (PASEC)[4]; tham gia 01 chu kỳ của Chương trình đánh giá Quốc tế về dạy và học (TALIS).
+ Tham gia 01 chu kỳ của Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh Tiểu học các quốc gia khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM).
- Tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng tập huấn và được cấp chứng nhận nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia:
+ 100% các cơ sở giáo dục được lựa chọn vào mẫu đánh giá tham gia đầy đủ các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia tương ứng theo mục tiêu và quy trình kỹ thuật của mỗi kỳ đánh giá theo quy định.
+ 100% cán bộ cốt cán của tỉnh được tham gia bồi dưỡng, tập huấn về các nội dung liên quan đến đánh giá diện rộng cấp quốc gia theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ 100% cán bộ làm công tác khảo thí cấp Sở được tham gia bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực và cấp chứng nhận về đánh giá diện rộng cấp quốc gia nhằm đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức các kỳ đánh giá.
+ 100% cán bộ quản lý và giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông được tham gia đánh giá, được bồi dưỡng và cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng về đánh giá diện rộng cấp quốc gia hằng năm.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tổ chức triển khai và sử dụng kết quả đánh giá diện rộng cấp quốc gia
- Phối hợp triển khai các kỳ đánh giá diện rộng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh do các cơ quan cấp trên tổ chức, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, quy trình, minh bạch và khách quan. Trước mắt, trong năm 2024, tham gia triển khai thực hiện Chương trình đánh giá quốc tế dạy và học (TALIS) chu kỳ 2024 và đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) chu kỳ 2024 theo Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quyết định số 563/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 564/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Trên cơ sở thông tin, phân tích kết quả thu được từ các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia, báo cáo cấp có thẩm quyền, cơ quan liên quan đề xuất các chính sách phát triển giáo dục, góp phần đổi mới các hoạt động dạy học và giáo dục nhằm cải tiến chất lượng giáo dục phổ thông tại địa phương.
2. Phát triển đội ngũ phục vụ công tác quản lý và triển khai đánh giá diện rộng cấp quốc gia
- Cử đội ngũ cán bộ cốt cán tham gia bồi dưỡng tập huấn về các nội dung liên quan đến đánh giá diện rộng cấp quốc gia theo kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hình thành lực lượng nòng cốt cho công tác quản lý và triển khai thực hiện chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.
- Cử cán bộ làm công tác khảo thí và và cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng về đánh giá diện rộng cấp quốc gia hằng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
- Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông về đánh giá kết quả học tập của học sinh để thực hiện các kỳ đánh giá diện rộng cấp quốc gia; khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục tham gia đánh giá diện rộng cấp quốc gia.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khảo thí các cấp và đội ngũ giáo viên, học sinh ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Tham gia xây dựng và hoàn thiện các thiết kế đánh giá định kỳ diện rộng cấp quốc gia theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018
- Tham gia nghiên cứu, xây dựng Khung đánh giá định kỳ diện rộng cấp quốc gia với nội dung đánh giá phù hợp với các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng dẫn, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện nghiêm túc các phương pháp, kỹ thuật và hình thức đánh giá định kỳ diện rộng cấp quốc gia theo quy định.
- Tham gia hoàn thiện các bộ công cụ đánh giá định kỳ quốc gia theo các khối lớp và lĩnh vực học tập phù hợp với yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo yêu cầu.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá diện rộng cấp quốc gia
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện đánh giá diện rộng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh, từng bước chuyển đánh giá trên giấy sang đánh giá trên máy tính để bảo đảm tính chính xác, khách quan, phù hợp với yêu cầu của chương trình đánh giá[5].
- Triển khai thực hiện đầy đủ các phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong quá trình đánh giá.
- Tham gia xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đánh giá diện rộng cấp quốc gia phục vụ cho việc quản lý, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển bền vững hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án 468 từ nguồn Ngân sách nhà nước được giao trong dự toán ngân sách hằng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo Luật ngân sách nhà nước.
2. Huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
3. Đối với các nội dung, công việc do Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện (bao gồm cả cử người tham gia tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo triệu tập, chi trực tiếp cho địa phương, chi công tác khảo sát...) thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 5162/BGDĐT-QLCL ngày 22 tháng 9 năm 2023 (gạch đầu dòng thứ 2, mục 4) và các quy định hiện hành khác có liên quan.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương, đơn vị và theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án 468 theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, bố trí nguồn kinh phí được giao trong dự toán hằng năm và các nguồn huy động hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, theo phân cấp ngân sách hiện hành, chủ động bố trí kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đào tạo, kết hợp nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 468 phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương, đơn vị.
2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp triển khai thực hiện Đề án 468 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hằng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ quy định có liên quan và tình hình thực tế tại địa phương, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; đồng thời chỉ đạo các phòng, ban liên quan tham mưu triển khai Kế hoạch tại địa phương; hằng năm, bố trí kinh phí theo phân cấp, phù hợp khả năng cân đối ngân sách và theo đúng quy định hiện hành để triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn.
Căn cứ nội dung Kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời thông tin, phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức.
[2] Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức.
[3] Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các quốc gia khu vực Đông Nam Á do Ban Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO) tổ chức.
[4] Chương trình phân tích các hệ thống giáo dục do Hội nghị các Bộ trưởng Giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp tổ chức
[5] Triển khai Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) trên máy tính từ chu kỳ năm 2025
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.