ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/KH-UBND |
Hậu Giang, ngày 19 tháng 01 năm 2022 |
Căn cứ Quyết định số 2074/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Quyết định 2074/QĐ-TTg);
Căn cứ Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 22 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới (gọi tắt là Kế hoạch số 55-KH/TU);
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới (giai đoạn 2022 - 2030) với các nội dung sau:
1. Mục đích
- Cụ thể hóa việc tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định 2074/QĐ-TTg và Kế hoạch 55-KH/TU.
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền; của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Quyết định 2074/QĐ-TTg và Kế hoạch 55-KH/TU, nhằm xây dựng gia đình ngày càng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho việc xây dựng tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển bền vững, góp phần quan trọng tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
2. Yêu cầu
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung được nêu tại Kế hoạch này, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Nội dung Kế hoạch phải thiết thực, gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì.
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định rõ hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng gia đình là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện Quyết định 2074/QĐ-TTg và Kế hoạch 55-KH/TU phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì, nghiêm túc, thiết thực, tránh hình thức.
- Đổi mới nội dung, phương thức quán triệt và thực hiện Quyết định 2074/QĐ-TTg và Kế hoạch 55-KH/TU phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo việc triển khai thực hiện.
a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 2074/QĐ-TTg và Kế hoạch 55-KH/TU.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong công tác xây dựng gia đình; truyền thông, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
c) Đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về gia đình; về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; giáo dục tiền hôn nhân, các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng ngừa rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình thông qua các đề án, chương trình, dự án, sản phẩm văn hóa nghệ thuật ca ngợi, tôn vinh giá trị tốt đẹp của gia đình...; giới thiệu mô hình mới, kinh nghiệm hay, tấm gương điển hình, tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc… Trong công tác tuyên truyền, chú trọng các loại hình truyền thông mới; đồng thời, sử dụng hiệu quả Internet và mạng xã hội.
d) Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; trong đó cán bộ, đảng viên phải là những người nêu gương. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình và hỗ trợ gia đình như: câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; gia đình văn hóa tiêu biểu; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau… Đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ; gia đình là nơi hình thành, phát triển nhân cách, là nơi rèn luyện, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.
đ) Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại, nhằm xây dựng quê hương, con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”. Phát huy hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới
a) Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản về công tác xây dựng gia đình; xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước.
b) Đưa mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc lồng ghép vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển; huy động xã hội hóa trong lĩnh vực gia đình nhằm tối ưu hóa các nguồn lực xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
3. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình
a) Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về gia đình và các lĩnh vực có liên quan đến gia đình; rà soát, bổ sung, ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng gia đình phù hợp với các chủ trương, quy định mới của Trung ương, tình hình thực tế của Tỉnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả; trong đó lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình, nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
b) Chú trọng phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình như: bảo hiểm y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường…, nhằm hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm mọi gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi.
4. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình
a) Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về gia đình ở cơ sở. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình, phân định rõ đào tạo chuyên môn và cán bộ quản lý công tác gia đình. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp.
b) Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn Tỉnh đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; những chuẩn mực gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án… hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phải gắn với các nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ mục tiêu, tiến độ, sản phẩm cụ thể trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định 2074/QĐ-TTg , Kế hoạch 55-KH/TU và phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
c) Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực xã hội thông qua mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình; hỗ trợ gia đình tiếp cận tín dụng xã hội, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ về gia đình; xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về gia đình; hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề gia đình.
d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng; việc thực thi chính sách, pháp luật về gia đình, công tác gia đình và các lĩnh vực có liên quan đối với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm kịp thời hướng dẫn, đề xuất, kiến nghị những phát sinh, bất cập cần điều chỉnh trong công tác gia đình các cấp. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy.
Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách hằng năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương; lồng ghép kinh phí từ các chương trình, đề án liên quan và nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL)
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này.
b) Tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh; các chương trình, kế hoạch, đề án về xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
c) Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức (văn hóa, văn nghệ, thể thao, panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, thông tin lưu động...), nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
d) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác gia đình.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác gia đình; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; đổi mới, gắn kết nội dung công tác gia đình với các lĩnh vực liên quan theo hướng tinh gọn, thống nhất, hiệu quả, phù hợp tình hình mới.
e) Kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện, tổ chức sơ kết 05 năm, tổng kết 10 năm thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ VHTTDL và UBND tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Nghiên cứu, xây dựng chương trình truyền thông về công tác xây dựng gia đình.
b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời những ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và trẻ em, nhất là trên môi trường Internet và mạng xã hội.
3. Sở Y tế
a) Nghiên cứu, xây dựng chương trình truyền thông vận động gia đình thực hiện chính sách dân số.
b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan và địa phương giao thêm nhiệm vụ công tác gia đình cho cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình; đồng thời, quan tâm phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Đẩy mạnh công tác định hướng, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với gia đình cho học sinh, sinh viên. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường.
5. Sở Khoa học và Công nghệ: Tham mưu thực hiện việc ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác xây dựng gia đình.
6. Sở Tư pháp: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý về gia đình, để tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
7. Sở Tài chính: Trên cơ sở các văn bản quy định kinh phí thực hiện công tác gia đình của Trung ương, đặc biệt là Công văn số 355/BTC-HCSN ngày 10 tháng 01 năm 2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương tổ chức thực hiện.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận
a) Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định 2074/QĐ-TTg , Kế hoạch 55-KH/TU phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.
b) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện các chính sách, pháp luật về gia đình; chuẩn mực, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình và giáo dục trong gia đình; về trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, phát triển bền vững cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Lồng ghép nội dung công tác xây dựng gia đình với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phát huy vai trò giám sát, phản biện và phản ánh với cấp ủy, chính quyền về công tác xây dựng gia đình.
9. Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá những giá trị của gia đình. Phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan báo chí trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Chú trọng phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu, mô hình hỗ trợ gia đình; biểu dương các gương điển hình trong công tác xây dựng gia đình; đồng thời, phê phán lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.
10. Sở, ban, ngành tỉnh
a) Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Kế hoạch này, xây dựng và triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý.
b) Phối hợp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án, dự án về gia đình trong giai đoạn 2022 - 2030; chủ động bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình, đồng thời lồng ghép, tích hợp hiệu quả nguồn lực từ chương trình, đề án, nhiệm vụ có liên quan trong giai đoạn 2022 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo.
11. UBND huyện, thị xã, thành phố
a) Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên địa bàn phù hợp với các nội dung được giao tại Kế hoạch này.
b) Chỉ đạo lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
c) Quan tâm bố trí nguồn lực của địa phương bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác gia đình; củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác gia đình; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em; nâng cao chất lượng phối hợp trong việc triển khai công tác gia đình ở cấp cơ sở.
d) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình.
đ) Lồng ghép các tiêu chí, giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào quy ước ở cộng đồng dân cư.
e) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch, tổ chức sơ kết 05 năm, tổng kết 10 năm theo hướng dẫn của cấp trên.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới (giai đoạn 2022 - 2030). Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Sở VHTTDL tổng hợp, báo cáo Bộ VHTTDL và UBND tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở VHTTDL tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.