ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/KH-UBND |
Cần Thơ, ngày 03 tháng 01 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2023
Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác trợ giúp pháp lý năm 2023, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tổ chức tuyên truyền, triển khai và thực hiện có hiệu quả quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý, chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho đối tượng được trợ giúp pháp lý nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp pháp lý của nhà nước, trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt của Trợ giúp viên pháp lý;
b) Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý giúp người dân nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật, khiếu nại vượt cấp, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố;
c) Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý, sự phối hợp và phát huy trách nhiệm của các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể trong triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 sâu rộng. Thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố đồng bộ, có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý;
d) Đảm bảo tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý tham gia các phiên tòa, phiên họp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng. Bảo đảm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc Tòa án thụ lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, phù hợp với người thuộc diện đối tượng được trợ giúp pháp lý. Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với Tòa án trong việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.
2. Yêu cầu
a) Tổ chức, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý như: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng và các hoạt động trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở phải được tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả.
Năm 2023, tiếp tục chú trọng hình thức tham gia tố tụng, phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, gắn với thực hiện các chính sách pháp luật về giảm nghèo, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
b) Phấn đấu trong năm 2023, hoạt động trợ giúp pháp lý đáp ứng 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Tăng cường các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Phối hợp tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở khi địa phương có yêu cầu, bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong từng cuộc trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở;
c) Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan, cụ thể: Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý, truyền thông, trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp diện người được trợ giúp pháp lý và phối hợp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu người được trợ giúp pháp lý; Thanh tra nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước về thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính; cơ quan công tác dân tộc trong thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số; các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện trợ giúp pháp lý đối với trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài chính và một số đối tượng khác theo quy định; Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 3684/STP-TAND ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân thành phố.
d) Đảm bảo kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý nhà nước, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội...
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng
a) Tham gia tố tụng: Cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Đảm bảo 100% các vụ việc yêu cầu đều có người thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và pháp luật về tố tụng:
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Tư vấn pháp luật: Đáp ứng 100% yêu cầu tư vấn pháp luật của người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc:
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
c) Đại diện ngoài tố tụng: Cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo 100% yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý về đại diện ngoài tố tụng, giúp đỡ họ hòa giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính...:
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý
a) Tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó, chú trọng truyền thông về đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của người dân và đối tượng được trợ giúp pháp lý về vai trò của công tác trợ giúp pháp lý (Đính kèm phụ lục truyền thông):
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Xây dựng chuyên đề phát sóng truyền hình và truyền thanh về trợ giúp pháp lý với người dân trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; Chuyên trang, chuyên mục định kỳ trên Báo Cần Thơ:
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; Báo Cần Thơ và cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
c) Trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở:
Tổ chức trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở theo nhu cầu của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc theo yêu cầu của cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương. Có thể kết hợp với các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở (nếu có vụ việc):
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
d) Xây dựng Tờ gấp pháp luật, lắp đặt Bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý. Biên soạn nội dung và in ấn tờ gấp pháp luật về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; pháp luật về các lĩnh vực hình sự, thi hành án hình sự; pháp luật dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, chính sách ưu đãi xã hội...:
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý I, II năm 2023.
đ) Lắp đặt Bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp công dân, cơ quan tiến hành tố tụng, Ủy ban nhân dân các cấp, các điểm sinh hoạt công cộng,... để người dân dễ dàng tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Năm 2023.
3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
a) Tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; chú trọng kỹ năng trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng đặc thù như (người khuyết tật, trẻ em...) nhằm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng đa dạng của người được trợ giúp pháp lý:
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Thành viên Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và cơ quan, đơn vị liên quan;
- Thời gian thực hiện: Năm 2023.
b) Tổ chức tọa đàm tham gia trợ giúp pháp lý giữa các Trợ giúp viên pháp lý, các luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan tiến hành tố tụng. Qua đó, nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan tiến hành tố tụng và Đoàn Luật sư thành phố;
- Thời gian thực hiện: Quý III năm 2023.
c) Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác trợ giúp pháp lý để triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả:
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Năm 2023.
4. Rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý
Rà soát thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực trợ giúp pháp lý đang áp dụng, kịp thời phát hiện để tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp thuộc thẩm quyền (nếu có):
- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
5. Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
a) Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023 của thành phố Cần Thơ:
- Đơn vị chủ trì: Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Sở Tư pháp);
- Đơn vị phối hợp: Thành viên Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thành phố Cần Thơ;
- Thời gian thực hiện: Năm 2023.
b) Tổ chức kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ:
- Đơn vị chủ trì: Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thành phố Cần Thơ (Sở Tư pháp);
- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2023.
6. Hoạt động phối hợp với cơ quan, tổ chức khác
a) Công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp. Niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp và niêm yết tại các cơ quan tiến hành tố tụng để người được trợ giúp pháp lý lựa chọn:
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp;
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2023.
b) Rà soát, thống kê số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố năm 2023 theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Người cao tuổi thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hội Người khuyết tật thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2023.
c) Phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại trụ sở của Ủy ban nhân dân quận, huyện và Tòa án nhân dân các cấp (trực tiếp hoặc qua điện thoại):
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân quận, huyện; các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
7. Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý
a) Tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng vụ việc đại diện ngoài tố tụng, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố Cần Thơ:
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp;
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Năm 2023.
b) Thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm thực hiện để có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý:
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Phòng nghiệp vụ và cá nhân, đơn vị có liên quan;
- Thời gian thực hiện: Năm 2023.
8. Chế độ báo cáo, thống kê
Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; báo cáo đột xuất, chuyên đề theo yêu cầu:
a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;
b) Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;
c) Thời gian thực hiện: Theo định kỳ và theo yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố và cơ quan có thẩm quyền.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
a) Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; chủ trì, phối hợp với sở, ban ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện;
b) Phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí để triển khai Kế hoạch trên địa bàn thành phố;
c) Tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện theo quy định.
2. Sở Tài chính
Tham mưu, bố trí kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên và các nguồn khác theo quy định; theo dõi, hướng dẫn và đảm bảo nguồn kinh phí chi trả thù lao, bồi dưỡng, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng) đúng, đủ, kịp thời theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý; chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; Báo Cần Thơ thường xuyên đưa tin, bài viết về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các hoạt động trợ giúp pháp lý giúp người dân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho những trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí (nhất là các đối tượng thuộc Sở quản lý);
b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố và cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý do Sở quản lý có khó khăn về tài chính;
c) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố trong việc cung cấp số liệu, danh sách các đối tượng bảo trợ xã hội và gia đình người có công cách mạng, nhằm phục vụ cho hoạt động trợ giúp pháp lý;
d) Tổng hợp số liệu và nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng thuộc Sở quản lý (nhất là các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí) trên địa bàn thành phố để phối hợp, triển khai hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý.
5. Thanh tra thành phố
a) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt các quy định của Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Khi giải quyết khiếu nại, trường hợp phát hiện người khiếu nại thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương và có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện để người thực hiện trợ giúp pháp lý giúp đỡ về pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.
b) Niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm tiếp dân; chủ động yêu cầu Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố để phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.
6. Ban Dân tộc
a) Ban Dân tộc phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17 tháng 01 năm 2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số;
b) Phòng Dân tộc, Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân (nơi không đủ tiêu chí thành lập Phòng Dân tộc) cấp huyện, Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện công tác dân tộc, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ nếu phát hiện người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn họ về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để được hưởng trợ giúp pháp lý;
c) Niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm tiếp dân; chủ động yêu cầu Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố để phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.
7. Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
a) Tăng cường công tác chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và các văn bản khác có liên quan;
b) Quán triệt và chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc quyền quản lý (Công an thành phố; Tòa án nhân dân thành phố; Viện kiểm sát nhân dân thành phố; Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu) và các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Hằng quý, có báo cáo kết quả thực hiện công tác phối hợp về Sở Tư pháp là cơ quan Thường trực Hội đồng.
Theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động trên địa bàn thành phố.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tham gia tích cực vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý; tổ chức giám sát và phản biện xã hội về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
9. Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về trợ giúp pháp lý trên địa bàn;
b) Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ Trung tâm triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn;
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân trên địa bàn; tổ chức, bố trí địa điểm và cử đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tham dự các đợt trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở tại địa phương.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác trợ giúp pháp lý năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có phát sinh khó khăn, vướng mắc các ngành, các cấp phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
TRUYỀN
THÔNG VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số: 01/KH-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2022 của Ủy nhân dân thành
phố)
Thời gian |
Địa bàn TGPL |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Ghi chú |
Quý I |
||||
Ngày 08/3/2023 |
Xã Trường Long |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND huyện Phong Điền |
Sự kiện ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 |
Ngày 08/3/2023 |
Quận Ninh Kiều |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
Hội Người Khuyết tật thành phố Cần Thơ |
|
Quý II |
||||
Ngày 28/4/2023 |
Phường Tân Lộc |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND quận Thốt Nốt |
Sự kiện ngày 30/4 và 1/5 |
Ngày 26/4/2023 |
Thị trấn Thới Lai |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND huyện Thới Lai |
|
Quý III |
||||
Ngày 26/7/2023 |
Xã Vĩnh Bình |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND huyện Vĩnh Thạnh |
Sự kiện ngày 27/7 |
Ngày 27/7/2023 |
Phường Bình Thủy |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND quận Bình Thủy |
|
Ngày 25/8/2023 |
Xã Nhơn Ái |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND huyện Phong Điền |
Sự kiện ngày thành lập ngành Tư pháp 28/8 |
Ngày 25/8/2023 |
Phường Châu Văn Liêm |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND quận Ô Môn |
|
Ngày 31/8/2023 |
Phường An Hòa |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND quận Ninh Kiều |
Sự kiện ngày Quốc khánh 02/9 |
Quý IV |
||||
Ngày 07/11/2023 |
Phường Ba Láng |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND quận Cái Răng |
Sự kiện ngày pháp luật Việt Nam 09/11 |
Ngày 09/11/2023 |
Thị trấn Cờ Đỏ |
Trung tâm Trợ giúp pháp lý |
UBND huyện Cờ Đỏ |
Ghi chú: Tùy từng chủ đề. Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với UBND các cấp lựa chọn lĩnh vực pháp luật và đối tượng để truyền thông.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.