TUYÊN BỐ XÓA BỎ MỌI HÌNH THỨC KHÔNG KHOAN DUNG VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ DỰA TRÊN CƠ SỞ TÔN GIÁO HAY TÍN NGƯỠNG, 1981
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 36/55 ngày 25/11/1981)
Đại Hội đồng,
Xét rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc là thừa nhận nhân phẩm và sự bình đẳng vốn có của tất cả mọi người, và rằng tất cả các Quốc gia thành viên cam kết chủ động tiến hành các hoạt động chung và riêng với sự hợp tác của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc tôn trọng và thực hiện trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,
Xét rằng, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và các công ước quốc tế về quyền con người ghi nhận các nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật và quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng hay tôn giáo,
Xét rằng, sự coi thường và vi phạm các quyền và tự do cơ bản của con người, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo một cách trực tiếp hay gián tiếp, đều dẫn đến chiến tranh và để lại hậu quả to lớn cho nhân loại, đặc biệt trong những trường hợp mà những hành vi đó được sử dụng như là những công cụ can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và dẫn đến sự kích động hận thù giữa các dân tộc và các quốc gia,
Xét rằng, tôn giáo hay tín ngưỡng mà bất kỳ ai có niềm tin về một trong hai điều đó đều là một trong những yếu tố căn bản trong nhận thức của người đó về cuộc sống, và rằng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cần được tôn trọng và bảo đảm đầy đủ
Xét rằng, cần phải thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và tôn trọng các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, và đảm bảo rằng việc sử dụng tôn giáo hay tín ngưỡng vào các mục đích trái với Hiến chương, các văn kiện có liên quan khác của Liên Hợp Quốc và những mục đích và nguyên tắc của bản Tuyên bố này là không thể chấp nhận được,
Tin tưởng rằng, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cũng cần góp phần vào việc đạt được các mục tiêu là hòa bình thế giới, công bằng xã hội và tình hữu nghị giữa các dân tộc, và vào việc xóa bỏ những tư tưởng hay những hành vi của chủ nghĩa thực dân và nạn phân biệt chủng tộc,
Ghi nhận với sự hài lòng việc một số Công ước được thông qua và đã có hiệu lực dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và các cơ quan chuyên môn, nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử,
Lo ngại về những biểu hiện của sự không khoan dung và tình trạng phân biệt đối xử liên quan đến những vấn đề về tôn giáo hay tín ngưỡng vẫn còn tồn tại rõ rệt ở một vài nơi trên thế giới,
Quyết tâm thông qua mọi biện pháp cần thiết để nhanh chóng xóa bỏ sự không khoan dung như vậy dưới mọi hình thức và biểu hiện, và ngăn chặn sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng,
Thông qua Tuyên bố về xóa bỏ mọi hình thức không khoan dung và phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo hay tín ngưỡng này:
Điều 1.
1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do theo một tôn giáo hoặc bất cứ tín ngưỡng nào mà mình lựa chọn, và tự do, hoặc với tư cách cá nhân hay là cộng đồng cùng với người khác, ở nơi công cộng hay nơi riêng biệt biểu đạt tôn giáo hay tín ngưỡng của mình bằng thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giáo.
2. Không một ai phải chịu sự ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.
3. Tự do được thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể chịu những giới hạn đã được pháp luật quy định và cần thiết để bảo đảm an toàn và trật tự công cộng, sức khỏe hay đạo đức hay các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Điều 2.
1. Không ai phải chịu sự phân biệt đối xử bởi bất cứ một quốc gia, tổ chức, nhóm người hay một cá nhân nào vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng.
2. Trong phạm vi mục đích của Tuyên bố này, cụm từ “sự không khoan dung” và “phân biệt đối xử” dựa trên cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng có nghĩa là bất cứ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hay ưu đãi nào dựa trên cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng và nhằm mục đích hay gây tác động dẫn tới vô hiệu hóa hoặc làm giảm sự thừa nhận, sự thụ hưởng hoặc sự thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người trên cơ sở bình đẳng.
Điều 3.
Sự phân biệt đối xử giữa con người vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng là một sự xúc phạm tới nhân phẩm và phủ nhận các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, và sẽ bị lên án như là một sự vi phạm các quyền và tự do cơ bản của con người đã được công nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và được quy định chi tiết trong các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đồng thời còn bị xem là một trở ngại trong các quan hệ hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia.
Điều 4.
1. Tất các quốc gia cần thực hiện những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xóa bỏ sự phân biệt đối xử trên cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng liên quan đến việc thừa nhận thực hiện và thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.
2. Tất cả các quốc gia cần thực hiện mọi nỗ lực nhằm ban hành hoặc bãi bỏ những quy định pháp luật trong trường hợp cần thiết nhằm cấm bất cứ sự phân biệt đối xử nào, và thực hiện mọi biện pháp thích hợp để chống lại sự không khoan dung vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng trong lĩnh vực này.
Điều 5.
1. Cha mẹ, hoặc trong trường hợp có thể là người giám hộ hợp pháp của trẻ em, có quyền tổ chức cuộc sống trong phạm vi gia đình phù hợp với tôn giáo hay tín ngưỡng của họ và quan tâm đến việc giáo dục đạo đức trong môi trường mà họ tin tưởng rằng trẻ em sẽ được nuôi dưỡng tốt.
2. Mọi trẻ em đều được hưởng quyền tiếp cận giáo dục về tôn giáo hay tín ngưỡng phù hợp với nguyện vọng của cha mẹ hoặc trong trường hợp có thể, của người giám hộ hợp pháp của trẻ, và sẽ không bị buộc phải tiếp nhận việc giáo dục về tôn giáo hay tín ngưỡng trái với nguyện vọng của cha mẹ hay người giám hộ hợp pháp của trẻ, những lợi ích tốt nhất của trẻ em chính là nguyên tắc chỉ đạo.
3. Trẻ em cần phải được bảo vệ khỏi bất cứ sự phân biệt đối xử nào vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng. Trẻ em phải được nuôi dưỡng trên tinh thần hiểu biết, khoan dung, hữu nghị giữa các dân tộc, tình anh em bao la và hòa bình, tôn trọng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của người khác, và với ý thức đầy đủ rằng tài năng và sức lực của trẻ em cần phải được cống hiến nhằm phục vụ cho đồng bào của mình.
4. Trong trường hợp một đứa trẻ không được cả cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp chăm sóc thì cần phải quan tâm thỏa đáng đến những nguyện vọng mà trẻ đã bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp trong vấn đề tôn giáo hay tín ngưỡng, những lợi ích tốt nhất của trẻ em chính là nguyên tắc chỉ đạo.
5. Phù hợp với Điều 1, khoản 3 của Tuyên bố này, mọi tập tục tôn giáo hay tín ngưỡng tác động đến trẻ em thông qua môi trường tôn giáo hay tín ngưỡng mà trẻ em đang sống không được làm tổn hại đến sự phát triển trí tuệ và thể chất hoặc sự phát triển đầy đủ của trẻ.
Điều 6.
Căn cứ theo Điều 1 của Tuyên bố này, và căn cứ theo các quy định tại Điều 1, khoản 3, quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng bao gồm những tự do sau đây:
1. Được thờ cúng hoặc tụ họp liên quan đến tôn giáo hay tín ngưỡng, và được thành lập và duy trì những cơ sở cho những mục đích trên;
2. Được thành lập và duy trì các cơ sở nhân đạo hoặc từ thiện thích hợp;
3. Được chế tạo, thu mua và sử dụng ở mức độ đầy đủ những đồ vật cần thiết và tài liệu liên quan đến phong tục hay tập quán của một tôn giáo hay tín ngưỡng;
4. Được viết, phát hành và phổ biến các ấn phẩm có liên quan đến những lĩnh vực trên;
5. Được thuyết giáo về một tôn giáo hay tín ngưỡng ở những nơi phù hợp cho những mục đích trên;
6. Được xin và tiếp nhận những đóng góp tài chính tự nguyện và những đóng góp khác của các cá nhân và tổ chức;
7. Được đào tạo, bổ nhiệm, bầu hay chỉ định những lãnh tụ kế nhiệm phù hợp với những yêu cầu và tiêu chuẩn của bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào;
8. Được có những ngày nghỉ và kỷ niệm những ngày lễ và buổi lễ phù hợp với giáo luật tôn giáo hay tín ngưỡng của một người;
9. Được thành lập và duy trì cơ chế thông tin cho các cá nhân và cộng đồng trong những vấn đề về tôn giáo hay tín ngưỡng ở cấp quốc gia và quốc tế,
Điều 7.
Các quyền và tự do được nêu trong Tuyên bố này cần được thể chế hóa vào pháp luật quốc gia theo một phương thức mà mọi người có thể thực hiện được các quyền và tự do đó trong thực tiễn.
Điều 8.
Không có quy định nào trong Tuyên bố này được giải thích nhằm hạn chế hoặc làm tổn hại đến bất cứ quyền nào đã được xác định trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và các Công ước quốc tế về quyền con người.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.