CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: KHONGSO01 | Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1958 |
|
TUYÊN BỐ CHUNG
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN
Nhận lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đứng đầu là Thủ tướng Kim Nhật Thành đã sang thăm hữu nghị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 28 tháng 11 năm 1958 đến ngày 02 tháng 12 năm 1958.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếp kiến Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do Thủ tướng Kim Nhật Thành dẫn đầu.
Trong thời gian thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thăm thủ đô Hà nội, thành phố Nam định và một số công xưởng hợp tác xã nông nghiệp, cơ sở văn hóa.
Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vui mừng và khen ngợi những thành tích to lớn của nhân dân Việt Nam đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 năm sau chiến tranh, đã hàn gắn nhanh chóng những vết thương chiến tranh và đương tiến trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và quyết tâm đấu tranh để thực hiện thống nhất Tổ quốc mình.
Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong thời gian thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở đâu cũng đều được nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp đãi nhiệt liệt, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã hội đàm thân mật với Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tham gia cuộc hội đàm:
- Về phía nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các vị:
Thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG
Phó Thủ tướng PHAN KẾ TOẠI
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng VÕ NGUYÊN GIÁP
Bộ trưởng Bộ Văn hóa HOÀNG MINH GIÁM
Bộ trưởng Bộ Ngoại thương PHAN ANH
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao UNG VĂN KHIÊM
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Triều Tiên TRẦN XUÂN ĐỘ
- Về phía nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên có các vị:
Thủ tướng Nội các KIM NHẬT THÀNH
Đồng chí Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên PHÁC CHÍNH ÁI
Phó Thủ tướng Nội các kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao NAM NHẬT
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng KIM QUANG HIỆP
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục LÝ NHẬT KHANH
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Việt Nam TOÀN XƯƠNG TRIẾT
Hai bên đã trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế hiện nay và những vấn đề liên quan đến hai nước và đã hoàn toàn nhất trí với nhau đối với các vấn đề đã thảo luận.
I
Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đều hài lòng nhận thấy rằng: từ cuộc hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân hồi tháng 11 năm 1957 ở Mát-scơ-va đến nay, sự đoàn kết nhất trí giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên xô ngày càng củng cố, các nước xã hội chủ nghĩa đã thu được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Liên xô đã vượt các nước tư bản phát triển nhất về nhiều mặt đặc biệt về các ngành khoa học, kỹ thuật quan trọng, nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa cũng đã có những bước tiến vọt trong việc phát triển nền kinh tế và văn hóa. Các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng đã thu được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính sách ngoại giao hòa bình của Liên xô, nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa và các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ rộng rãi.
Những sự kiện đó càng chứng tỏ một cách hùng hồn chế độ xã hội chủ nghĩa hơn hẳn chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng hòa bình và xã hội chủ nghĩa mạnh hơn hẳn lực lượng đế quốc gây chiến.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ nhận thấy rằng nhiệm vị cao cả của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa là phải tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết nhất trí và sự hợp tác giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa theo tinh thần quốc tế vô sản, kiên quyết đánh tan chủ nghĩa xét lại, bảo vệ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hai Đoàn đại biểu Chính phủ cho rằng sự đoàn kết nhất trí và hợp tác giữa các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên xô là một bảo đảm vững chắc cho nền độc lập và phồn vinh của mỗi nước trong phe xã hội chủ nghĩa và cho nền hòa bình thế giới.
Đồng thời với sự lớn mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, lực lượng dân tộc chủ nghĩa đã lớn mạnh không ngừng, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc của nhân dân châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh ngày một lên cao, tinh thần hội nghị Băng-đun đựơc phát triển rộng rãi trong nhân dân các nước Á-Phi.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ chào mừng Chính phủ nước Cộng hòa I-rắc, Chính phủ nước Cộng hòa Ghi-nê, Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa An-giê-ri và hoan nghênh những thắng lợi của nhân dân Li-băng và Gioóc-đa-ni trong cuộc đấu tranh đòi quân đội Mỹ và quân đội Anh rút ra khỏi đất nước. Hai bên tin chắc rằng nhân dân các nước Á-Phi và Mỹ La-tinh sẽ nhất định thắng lợi trong việc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Trong lúc lực lượng xã hội chủ nghĩa, lực lượng dân tộc chủ nghĩa và lực lượng hòa bình ngày càng phát triển thì phe đế quốc cầm đầu là đế quốc Mỹ ngày càng suy yếu. Đế quốc Mỹ đã bị thất bại liên tiếp ở nhiều nơi, và bị cô lập hơn bao giờ hết. Nhưng đế quốc vẫn bám vào chính sách “thực lực” âm mưu can thiệp vào nội chính và âm mưu lật đổ ở nhiều nước. Chúng ta đã ngoan cố cự tuyệt những đề nghị chính đáng của Liên xô về việc tài giảm binh bị cấm thử và dùng các loại vũ khí nguyên tử và đầu đạn nguyên tử ở Châu Âu và châu Á. Càng nghiêm trọng hơn là bọn thống trị Mỹ đã trắng trợn vũ trang can thiệp vào nội trị của nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa, gây tình hình căng thẳng ở eo biển Đài loan, đe dọa hòa bình ở châu Á và thế giới.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Trung quốc vĩ đại giải phóng Đài loan và các đảo ven biển là bộ phận không thể chia cắt được của lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, đòi Mỹ phải lập tức đình chỉ việc can thiệp vào nội chính của Trung quốc và một lần nữa đòi Mỹ phải rút quân đội ra khỏi khu vực Đài loan.
Hai Đoàn Đại biểu Chính phủ cho rằng việc quân đội Mỹ đóng và thành lập căn cứ quân sự ở trên lãnh thổ Nhật bản, cũng như việc xúi giục Chính phủ Nhật bản hiện thời khôi phục lại chế độ phân phiệt ở Nhật bản là một đe dọa cho nền hòa bình ở châu Á và thế giới.
Việc hủy bỏ các khối quân sự xâm lược, các căn cứ quân sự, đòi các nước phải rút hết quân đội của mình đóng trên lãnh thổ các nước khác, thiết lập các khu vực không có vũ khí nguyên tử và khinh khí ở châu Á và châu Âu, làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, khôi phục lại sự tín nhiệm trong quan hệ quốc tế và ngăn ngừa một cuộc chiến tranh mới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ hoan nghênh sáng kiến của Liên xô đòi vĩnh viễn đình chỉ việc thử vũ khí nguyên tử và khinh khí, lên án thái độ quanh co của các nước Mỹ, Anh, Pháp trong cuộc đàm phán hiện nay ở Giơ-ne-vơ về vấn đề ngừng thử vũ khí nguyên tử và khinh khi, đòi các nước đế quốc phải có thành ý trong việc này để đưa hội nghị đến kết quả.
Hai bên ủng hộ đề nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Ba lan về việc lập khu vực không có vũ khí nguyên tử và khinh khí ở Trung Âu, đi đến hủy bỏ toàn bộ vũ khí nguyên tử và khinh khí, ủng hộ đề nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa về việc ký điều ước an toàn chung ở khu vực Á châu.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ phản đối việc tái vũ trang Tây Đức, hoanh nghênh sáng kiến của Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Đức về việc giải quyết hòa bình vấn đề Đức. Hai bên nhận thấy rằng Hiệp định Pốt-sđam về vấn đề Đức hiện đang bị Mỹ, Anh, Pháp phá hoại nghiêm trọng, vấn đề Bá-linh cần được xét lại. Hai bên hoanh nghênh kiến nghị của Chính phủ Liên xô về việc các nước Mỹ, Anh, Pháp phải rút quân đội khỏi Tây Bá-linh, xóa bỏ quy chế chiếm đóng để Tây Bá-linh trở thành một đơn vị chính trị độc lập, một thành phố tự do phi quân sự.
II
Trong thời gian hội đàm hai Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã trao đổi ý kiến về một số tình hình chủ yếu của hai nước Việt Nam và Triều Tiên. Hai bên đều vui mừng nhận thấy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thu được nhiều thắng lợi to lớn về các mặt, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như trong cuộc đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất đất nước. Hai bên cho rằng việc kiến thiết kinh tế và phát triển văn hóa ở hai nước đương trên đà tiến lên và quyết từ nay về sau nỗ lực đẩy mạnh và mở rộng phong trào lên nữa.
Chính sách ngoại giao hòa bình của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã được nhiều nước trên thế giới ủng hộ góp phần vào việc bảo vệ hòa bình ở châu Á.
Hai Đoàn đại biểu mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ về kinh tế văn hóa và hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới trên năm nguyên tắc chung sống hòa bình.
Nhiệm vụ cấp thiết của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Triều Tiên là thực hiện thống nhất đất nước. Nhân dân Việt nam và Triều Tiên trước đây đã từng ủng hộ nhau trong công cuộc đấu tranh chống xâm lược bảo vệ độc lập, ngày nay càng ủng hộ nhau để mau chóng thực hiện hòa bình thống nhất đất nước. Việc hòa bình thống nhất Triều Tiên phải dựa trên cơ sở dân chủ với điều kiện là không có sự can thiệp của các nước ngoài và phải do nhân dân Triều Tiên tự giải quyết lấy; nước Việt Nam phải được hòa bình thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ theo Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ nhận thấy rằng ở Việt, Miên, Lào, Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế do Ấn độ làm Chủ tịch đã có những cố gắng để đảm bảo sự thi hành các Hiệp nghị Giơ-ne-vơ đã góp phần vào việc duy trì hòa bình ở Việt, Miên, Lào. Nhưng đến nay do sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, nên nhiều điều khoản về chính trị và quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam đã bị phá hoại nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ mặc dù bị dư luận nhân dân Việt Nam và toàn thế giới kịch liệt lên án, vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện âm mưu điên cuồng, biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự của chúng. Hai bên lên án những âm mưu trên của đế quốc Mỹ và cho rằng các nước có liên quan về việc ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ ở Việt Nam cần làm tròn trách nhiệm của mình để Hiệp nghị đó được thi hành nghiêm chỉnh. Hai bên kiên quyết đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt ngay việc can thiệt vào miền Nam Việt Nam,
Hai Đoàn đại biệt một lần nữa xác nhận những đề nghị trong bức công hàm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 7 tháng 3 năm 1958 gửi chính quyền miền Nam Việt Nam là tiêu biểu cho nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Về vấn đề thống nhất Triều Tiên, hai bên nhắc lại tuyên bố ngày 5 tháng 2 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên về việc hòa bình thống nhất nước Triều Tiên, cho đó là một phương án hợp lý nhất tạo khả năng mới mở con đường hòa bình thống nhất Triều Tiên. Nhưng đế quốc Mỹ vẫn chiếm đóng Nam Triều Tiên là một trở ngại chủ yếu cho việc hòa bình giải quyết vấn đề Triều Tiên. Việc Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa quyết định rút quân chí nguyện Trung quốc ra khỏi miền Bắc Triều Tiên và việc quân đội chí nguyện Trung quốc đã toàn bộ rút ra khỏi miền Bắc Triều Tiên, đã mở rộng một con đường mới cho việc hòa bình thống nhất Triều Tiên. Nhưng nước Mỹ không những không rút quân ra khỏi miền Nam Triều Tiên mà còn vi phạm nghiêm trọng Hiệp định đình chiến Triều Tiên , đưa nhiều loại vũ khí mới và tên lửa vào Nam Triều Tiên, biến miền Nam Triều Tiên thành thuộc địa của Mỹ, hòng vĩnh viễn chia chia cắt Triều Tiên.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ nhận thấy rằng quân đội Mỹ không có lý do nào đóng quân ở Nam Triều Tiên và nhấn mạnh chủ trương là quân đội Mỹ phải sớm rút khỏi Nam Triều Tiên.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ nhất trí tin rằng với truyền thống đấu tranh anh dũng của mình, với sự ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên xô vĩ đại, và sự đồng tình ủng hộ và lực lượng hòa bình thế giới, nhân dân Việt Nam và nhân dân Triều Tiên nhất định đánh tan mọi hành động xâm lược của đế quốc Mỹ và thực hiện thống nhất đất nước mình.
III
Trong cuộc hội đàm, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hết sức quan tâm đến vấn đề củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước.
Hai bên vui mừng nhận thấy mối quan hệ hợp tác hữu nghị anh em sẵn có giữa nhân dân Việt Nam và Triều Tiên đoàn kết chặt chẽ trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên xô vĩ đại, ngày càng phát triển và củng cố.
Việc trao đổi kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật v.v… việc trao đổi kinh nghiệm và phái đoàn ngày càng tăng cường.
Việc ký kết hiệp nghị trao đổi hàng hóa và trả tiền ngày 1 tháng 12 năm 1958, tại Hà-nội. góp phần lớn vào việc tăng cường sự hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hai bên quyết định tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt góp phần vào công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở hai nước và bảo vệ hòa bình ở châu Á và thế giới.
Hai Đoàn đại biểu Chính phủ tin chắc rằng cuộc đi thăm nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi cuối năm ngoái, và cuộc đi thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do Thủ tướng Kim Nhật Thành dẫn đầu hiện nay là những cống hiến quan trọng thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Phạm Văn Đồng | THỦ TƯỚNG NỘI CÁC NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN
Kim Nhật Thành |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.