BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2013/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2013 |
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Chương trình hành động giai đoạn 2014 - 2018 về quan hệ đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, ký tại Bali, In-đô-nê-xi-a ngày 07 tháng 10 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 10 năm 2013.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Chương trình hành động theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Bản dịch tham khảo
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a;
TÁI KHẲNG ĐỊNH cam kết với Hiến chương của Liên hợp quốc và của ASEAN, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi khác của luật pháp quốc tế;
ĐƯỢC KHÍCH LỆ bởi quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1955;
QUYẾT TÂM tích cực triển khai quan hệ Đối tác chiến lược, được chính thức thông qua trong Tuyên bố chung giữa hai nước vào ngày 27 tháng 6 năm 2013;
XÂY DỰNG trên cơ sở Tuyên bố chung nói trên và "Chương trình hành động giai đoạn 2012-2015 triển khai Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về Khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21" ký ngày 14 tháng 9 năm 2011;
HOAN NGHÊNH tiến bộ đạt được trong hợp tác hiện tại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực chung;
Đã thỏa thuận tiến hành các hoạt động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện, bao gồm các nội dung sau đây:
1. Tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm các cấp giữa các thành phần của hai nước, trong đó có người đứng đầu quốc gia/chính phủ, quan chức chính phủ, đại biểu quốc hội, các đảng chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức dân sự, thanh niên và giới học giả.
2. Duy trì trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước và tăng cường phối hợp và tham vấn giữa các bộ trưởng/người đứng đầu các cơ quan liên quan thông qua các cuộc họp song phương thường xuyên và bên lề các diễn đàn khu vực và quốc tế.
B. CƠ CHẾ THAM VẤN SONG PHƯƠNG
3. Tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có, như Ủy ban Hợp tác song phương (JCBC) do hai Bộ trưởng Ngoại giao đồng chủ trì - cơ chế chủ đạo trong kiểm điểm và định hướng cho việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a, và Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (JCESTC) do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại In-đô-nê-xi-a đồng chủ trì.
4. Tổ chức các hoạt động chung kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - In-đô-nê-xi-a (1955-2015).
5. Hỗ trợ thúc đẩy triển khai Bản ghi nhớ (MoU) giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện In-đô-nê-xi-a (2010) và việc thiết lập các Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - In-đô-nê-xi-a và In-đô-nê-xi-a - Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện In-đô-nê-xi-a và trao đổi kinh nghiệm lập pháp và giám sát việc triển khai các thỏa thuận và MoU đã được ký kết.
6. Tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - In-đô-nê-xi-a thông qua việc phía In-đô-nê-xi-a thành lập Hội Hữu nghị In-đô-nê-xi-a - Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với Hội Hữu nghị Việt Nam - In-đô-nê-xi-a thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a.
D. HỢP TÁC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
7. Thiết lập cơ chế Đối thoại cấp cao về quốc phòng và quân sự Việt Nam - In-đô-nê-xi-a nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi quân sự và quốc phòng.
8. Thúc đẩy việc triển khai MoU về tăng cường hợp tác giữa quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan (2010), trong đó có hợp tác và trao đổi đoàn giữa các binh chủng, nghiên cứu chiến lược, giáo dục và đào tạo, tình báo quốc phòng, công nghiệp quốc phòng và các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.
9. Tăng cường việc triển khai Hiệp định Hợp tác phòng chống tội phạm (2005) và Hiệp định Dẫn độ (2013); xúc tiến việc sớm ký kết một hiệp định về hợp tác chống buôn bán người.
10. Tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các học viện an ninh trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược; tình báo; khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ cao trong quản lý thông tin, tội phạm, nhập cư, bảo mật thông tin; thông tin về phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
11. Tăng cường hợp tác tình báo giữa Tổng cục Tình báo của Bộ Công an Việt Nam và Cục Tình báo Quốc gia của In-đô-nê-xi-a nhằm hỗ trợ việc phát hiện và cảnh báo sớm các hành động khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia; chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa các sắc tộc và tôn giáo.
12. Thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc triển khai hiệu quả Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự (2013).
13. Tham vấn lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm nhằm chuẩn bị cho các cuộc họp đa phương về quốc phòng/an ninh; hỗ trợ và phối hợp lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF), Cảnh sát quốc tế (INTERPOL), Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL), Hội nghị những người đứng đầu Lực lượng An ninh ASEAN (MACOSA) và Cộng đồng Tình báo ASEAN (AICC).
E. HỢP TÁC KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
14. Nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ đô-la Mỹ hoặc cao hơn vào năm 2018 bằng cách khuyến khích thương mại trực tiếp, kể cả thương mại dịch vụ; khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của khu vực kinh tế tư nhân hai nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại chung, trao đổi thông tin và gặp gỡ giữa các doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thương mại các loại nông sản như hạt tiêu, gạo, dầu cọ cũng như các sản phẩm công nghiệp như giày dép, đồ thủ công, thực phẩm, đồ uống, máy móc, dược phẩm, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, linh kiện ô tô, linh kiện máy tính và các sản phẩm hóa chất.
15. Tăng cường đầu tư hai chiều thông qua đẩy mạnh trao đổi và tiếp xúc giữa các cơ quan quản lý đầu tư và các hiệp hội doanh nghiệp của hai nước nhằm tìm kiếm và tham gia vào các dự án tiềm năng; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước thúc đẩy thương mại và đầu tư trực tiếp, trong đó có việc bảo đảm hơn nữa cho các nhà đầu tư hai nước cũng như giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình triển khai đầu tư; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN.
16. Tăng cường và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMIs), kể cả thông qua hợp tác kỹ thuật, nhằm tìm ra các khái niệm, cách tiếp cận và phương thức mới.
17. Thành lập một tiểu ban hợp tác về an ninh năng lượng và lương thực (JCFESC) trong khuôn khổ JCESTC vào năm 2014, do cấp Thứ trưởng đồng chủ trì và họp luân phiên.
18. Hỗ trợ chương trình đảm bảo an ninh lương thực của hai nước và khu vực bằng việc triển khai MoU về Thương mại gạo giai đoạn 2013 - 2017 (2012), khuyến khích triển khai MoU về hợp tác cà phê rô-bút-ta và Ủy ban hỗn hợp về cà phê rô-bút-ta (2003), khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân của hai nước trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến nông nghiệp, thành lập các hình thức hợp tác chung trong sản xuất, chế biến và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp như gạo, hạt tiêu, chè, cao su, phân bón, hoa quả nhiệt đới...
19. Tăng cường hợp tác, đối thoại chính sách và trao đổi về hoạch định chính sách kinh tế, nhất là về tái cấu trúc kinh tế và phát triển bền vững, bao gồm phát triển nền kinh tế xanh và kinh tế biển; tăng cường trao đổi quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề kinh tế và thương mại quốc tế, bao gồm đàm phán và triển khai hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN và với các nền kinh tế lớn; khuyến khích trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm và thực hành liên quan đến triển khai đối tác công - tư.
20. Thúc đẩy triển khai MoU về hợp tác tài chính (2013).
21. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường tài chính.
22. Thúc đẩy việc triển khai MoU về hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản (2013).
23. Củng cố và tăng cường hợp tác giữa PetroVietnam và Pertamina trong thăm dò và khai thác dầu khí và dịch vụ dầu, cũng như hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhà nước của hai nước trong lĩnh vực năng lượng.
24. Tìm kiếm các cơ hội mới trong lĩnh vực dầu khí giữa hai nước, cả về thăm dò, khai thác và phân phối cũng như các dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
25. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cung cấp than từ In-đô-nê-xi-a sang Việt Nam.
26. Thúc đẩy phát triển các loại năng lượng mới và năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng cho hai nước và cho cả khu vực.
G. HỢP TÁC BIỂN, NGHỀ CÁ, NÔNG NGHIỆP VÀ LÂM NGHIỆP
27. Tích cực triển khai MoU về hợp tác nghề cá và các vấn đề biển (2010) thông qua việc tổ chức các cuộc họp hàng năm của Nhóm công tác chung về hợp tác biển và nghề cá; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, đánh bắt và chế biến thủy sản phù hợp với quy định của luật pháp; tăng cường và mở rộng hợp tác và tham vấn giữa các cơ quan quản lý và nghiên cứu, trong đó chú trọng công nghệ chế biến, kiểm dịch, quản lý chất lượng, quảng bá sản phẩm...; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; thiết lập các cơ chế mới chia sẻ thông tin và hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển.
28. Triển khai MoU về hợp tác hàng hóa nông sản (2013) thông qua việc tổ chức họp thường niên Ủy ban hỗn hợp về hàng hóa nông sản để phát hiện và quản lý sự mất cân đối cung - cầu; thúc đẩy thành lập các liên doanh và buôn bán hàng hóa xuyên quốc gia; trao đổi thông tin khoa học, kỹ thuật và thị trường và phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề và triển lãm sản phẩm.
29. Thúc đẩy hợp tác lâm nghiệp, bao gồm chống khai thác và buôn bán gỗ trái phép, phòng chống cháy rừng và nâng cao chất lượng chế biến gỗ, chống nạn vận chuyển động vật hoang dã và thúc đẩy đa dạng sinh học, bảo tồn tự nhiên và quản lý rừng bền vững.
30. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn biển, quản lý các đảo nhỏ và các khu duyên hải; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan trong lĩnh vực quản lý đất đai và trao đổi đoàn, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý đất của Chính phủ hai nước nhằm phát triển đất đai một cách hiệu quả và hợp lý.
31. Khuyến khích các hãng hàng không hai nước tìm kiếm và bắt đầu khai thác các dịch vụ hàng không hai chiều giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a phù hợp với MoU về dịch vụ hàng không (2004); tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép cất cánh và hạ cánh cho các hãng hàng không hai nước tại các sân bay của nhau.
32. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển, trong đó có cung cấp dịch vụ vận tải biển và đảm bảo an toàn cho thương mại đường biển giữa hai nước, chia sẻ kinh nghiệm về an ninh và toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, phòng chống ô nhiễm biển, phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần và nâng cao năng lực cho các thuyền viên.
33. Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa hai nước trong phát triển giao thông vận tải, nhất là trong phát triển hạ tầng giao thông, an toàn giao thông và hệ thống giao thông đô thị.
I. HỢP TÁC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
34. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông qua các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trao đổi về các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng như khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông và phát sóng (đặc biệt là truyền thanh, truyền hình và trao đổi hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát sóng kỹ thuật số).
35. Tích cực triển khai MoU về hợp tác du lịch (2006) thông qua các chương trình ngắn hạn về hợp tác du lịch.
36. Tìm kiếm khả năng tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch chung, bao gồm các chương trình với chủ đề Theo dấu Văn minh trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các lễ hội du lịch; thiết kế các tuyến du lịch kết nối các điểm đến giữa hai nước nhằm tăng số lượng khách du lịch.
37. Tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực liên quan đến du lịch; định kỳ tổ chức các triển lãm, lễ hội, sự kiện kết hợp thương mại - đầu tư - du lịch theo cơ chế luân phiên giữa hai nước nhằm thúc đẩy quảng bá xúc tiến du lịch của hai nước.
38. Thúc đẩy sớm ký kết Chương trình hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a giai đoạn 2014-2016.
K. HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
39. Tăng cường hợp tác song phương trên lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo (STI); kịp thời đàm phán và hoàn tất hiệp định về hợp tác khoa học và kỹ thuật cũng như bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực STI.
40. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực STI, đặc biệt về lương thực và nông nghiệp, năng lượng (bao gồm năng lượng thay thế và năng lượng tái tạo), công nghệ thông tin và truyền thông, y tế và dược, công nghệ vận tải, công nghệ quốc phòng, các vật liệu tiên tiến, cảnh báo thảm họa tự nhiên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
41. Khuyến khích hợp tác nghiên cứu chung; xây dựng năng lực chung thông qua các chương trình trao đổi chuyên gia, đào tạo, hội thảo và tập huấn chung; và công bố chung các lĩnh vực hợp tác được hai bên cùng thống nhất.
L. HỢP TÁC VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC
42. Tăng cường hợp tác bằng việc làm mới bản MoU về hợp tác giáo dục (ký năm 2005) nhằm triển khai có hiệu quả hợp tác giáo dục song phương.
43. Thúc đẩy đa dạng hóa các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a, trong đó có giáo dục đào tạo về ngoại giao và đối thoại giữa các nhà nghiên cứu.
44. Thành lập Trung tâm tiếng In-đô-nê-xi-a tại Trường Đại học Hà Nội, Việt Nam; tăng cường các hoạt động hợp tác như giao lưu văn hóa và trao đổi kinh nghiệm giữa giáo giới và học sinh, sinh viên, hai nước.
45. Khuyến khích tiếp nhận giảng viên Việt Nam đến giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của In-đô-nê-xi-a; Việt Nam khuyến khích và sẵn sàng cấp học bổng cho các sinh viên In-đô-nê-xi-a học tiếng Việt cũng như các chuyên ngành khác tại Việt Nam.
46. Thúc đẩy giao lưu nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, bằng việc tổ chức các chương trình nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
47. Tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tích cực tham gia vào các sự kiện, lễ hội văn hóa nghệ thuật được tổ chức ở mỗi nước.
48. Phối hợp tổ chức "Tuần Văn hóa Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a" và "Tuần Văn hóa In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam" vào năm 2014 để chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - In-đô-nê-xi-a trong năm 2015.
M. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VÀ PHÚC LỢI XÃ HỘI
49. Tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành liên quan của hai nước thông qua việc trao đổi chính sách và kinh nghiệm, trao đổi đoàn và thực hiện các dự án liên quan trong lĩnh vực quản lý lao động, hướng nghiệp và dạy nghề, bình đẳng giới thông qua các kênh hợp tác song phương, đa phương và ASEAN.
50. Khuyến khích các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm và hoạch định chính sách về phát triển nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội đối với nhóm yếu thế.
51. Khuyến khích sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn giữa Bộ Y tế hai nước trong các hoạt động giải quyết các vấn đề khẩn cấp về y tế, phòng chống bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm và cải thiện y tế cộng đồng.
52. Tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa hai nước, đặc biệt là triển khai các chương trình xây dựng năng lực trong các lĩnh vực khác nhau trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức dưới dạng đào tạo, giáo dục, cử các chuyên gia và các chương trình khác hai bên cùng quan tâm.
53. Tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào các chương trình hợp tác kỹ thuật khác tổ chức ở In-đô-nê-xi-a trong giai đoạn 2014-2018 và ngược lại.
54. Hợp tác tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm và phát triển nguồn nhân lực.
55. Trao đổi thông tin và các tài liệu chuyên môn về lĩnh vực phòng chống tham nhũng (trừ những tài liệu mật do luật pháp hai nước quy định), trao đổi kinh nghiệm phát hiện các hành động tham nhũng cũng như các biện pháp và phương thức người thực hiện các hành vi tham nhũng.
56. Trao đổi thông tin về tuyên truyền trong cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về chống tham nhũng, bao gồm các chiến dịch truyền thông và tuyên truyền cộng đồng; tăng cường sự tham gia của công chúng vào lĩnh vực phòng chống tham nhũng.
57. Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong các hoạt động phòng chống tham nhũng theo nhu cầu cụ thể của mỗi bên.
58. Tăng cường hợp tác và tham vấn lãnh sự cũng như đàm phán Hiệp định về hỗ trợ và cảnh báo lãnh sự (ACNA).
59. Tạo điều kiện hợp tác trong lĩnh vực cơ sở vật chất ngoại giao, liên quan đến bất động sản ngoại giao của Việt Nam và In-đô-nê-xi-a, trên cơ sở có đi có lại.
60. Tăng cường hợp tác, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, bao gồm việc ứng cử của mỗi nước, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, WTO và Liên hợp quốc và các vấn đề hội nhập kinh tế.
61. Củng cố sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa hai nước, thông qua các nỗ lực chung để tăng cường tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và sau đó, cũng như vai trò trung tâm và là động lực của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và các tiến trình khu vực khác như ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6, EAS, ARF, ADMM+...
62. Hợp tác chặt chẽ để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN thông qua việc triển khai có hiệu quả Sáng kiến về Hội nhập ASEAN (AIA) và các khuôn khổ hợp tác khu vực liên quan; tăng cường kết nối giữa hai nước để đóng góp cho việc triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
63. Hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN khác để đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc về ứng xử của khu vực ở Biển Đông (COC).
64. Tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong các diễn đàn liên khu vực và đa phương như APEC, ASEM, NAM, G77, FEALAC.
65. Nỗ lực củng cố vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hóa, hợp tác quốc tế về phát triển, hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc.
66. Thúc đẩy tham vấn, chia sẻ thông tin và hợp tác giữa hai nước trong WTO về các vấn đề liên quan như rà soát chính sách thương mại, cơ chế giải quyết tranh chấp, vòng đàm phán Đô-ha và đàm phán theo nhóm nước trong WTO.
Chương trình hành động này sẽ có hiệu lực từ ngày ký và sẽ thay thế "Chương trình hành động giai đoạn 2012-2015 triển khai Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21" ký ngày 14 tháng 9 năm 2011.
Ủy ban Hợp tác Song phương (JCBC) sẽ là cơ chế rà soát tiến độ triển khai Chương trình Hành động này, bao gồm cả việc cập nhật các lĩnh vực hợp tác mới.
Làm tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, ngày 07 tháng 10 năm 2013, thành hai bản tiếng Anh, có giá trị như nhau.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.