Các quốc gia thành viên Nghị định thư này,
Tuyên bố rằng hành động hiệu quả để ngăn ngừa và chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đòi hỏi một cách tiếp cận quốc tế toàn diện tại các nước gốc, nước quá cảnh và nước đến, trong đó bao gồm những biện pháp để ngăn ngừa việc buôn bán đó, để trừng trị những kẻ buôn bán người và để bảo vệ các nạn nhân của những hành vi buôn bán đó, kể cả việc bảo vệ những quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Xét đến một thực tế là dù đã có một loạt văn kiện quốc tế trong đó có những quy tắc và biện pháp thiết thực để chống bóc lột con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nhưng vẫn chưa có một văn kiện có tính chất toàn cầu nào xử lý tất cả các khía cạnh của việc buôn bán người.
Quan ngại rằng vì thiếu một văn kiện như vậy, những người dễ bị tổn thương bởi việc buôn bán người sẽ không được bảo vệ đầy đủ.
Nhắc lại nghị quyết 53/111 ngày 09/12/1998 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó Đại hội đồng đã quyết định thành lập một uỷ ban liên chính phủ đặc biệt để soạn thảo một công ước quốc tế toàn diện chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và để thảo luận về việc soạn thảo một văn kiện quốc tế, không kể những văn kiện khác, xử lý việc buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Tin tưởng rằng việc bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bằng một văn kiện quốc tế về việc ngăn ngừa, chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, sẽ rất hữu ích trong việc ngăn ngừa và chống loại tội phạm này,
Đã thoả thuận như sau:
1. Nghị định thư này bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Nghị định thư này sẽ được giải thích cùng với Công ước.
2. Các quy định của Công ước được áp dụng cho Nghị định thư này với những sửa đổi cần thiết, trừ trường hợp trong Nghị định thư này có quy định khác.
3. Những hành vi phạm tội theo quy định tại điều 5 Nghị định thư này sẽ được coi là những hành vi phạm tội theo quy định trong Công ước.
Mục đích của Nghị định thư này là:
a) ngăn chặn và chống việc buôn bán người, trong đó đặc biệt chú ý đến phụ nữ và trẻ em;
b) bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân của việc buôn bán này, cùng với việc tôn trọng đầy đủ các quyền con người của họ; và
c) thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên để đạt được mục tiêu này.
Trong Nghị định thư này, những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) "Buôn bán người" có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể;
b) Sự chấp thuận của một nạn nhân của việc buôn bán người đối với sự bóc lột có chủ ý được nêu ra trong khoản (a) của điều này là không thích đáng nếu bất kỳ cách thức nào nêu trong khoản (a) đã được sử dụng.
c) Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là "buôn bán người" ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được nói đến trong khoản (a) điều này;
d) "Trẻ em" có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi.
Trừ trường hợp có quy định khác, Nghị định thư này sẽ áp dụng để ngăn ngừa, điều tra và truy tố các hành vi phạm tội quy định tại điều 5 Nghị định thư, khi những hành vi phạm tội này có tính chất xuyên quốc gia và liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức cũng như để bảo vệ các nạn nhân của những hành vi phạm tội này.
1. Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng những biện pháp lập pháp cũng như các biện pháp khác khi cần thiết để hình sự hóa những hành vi nêu tại điều 3 Nghị định thư này khi những hành vi này được thực hiện một cách cố ý.
2. Mỗi quốc gia thành viên cũng sẽ áp dụng những biện pháp lập pháp và các biện pháp khác khi cần thiết để hình sự hóa những hành vi sau đây:
a) cố gắng thực hiện một hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 của điều này, theo các khái niệm cơ bản trong hệ thống pháp luật của quốc gia đó;
b) tham gia như một đồng phạm trong một hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 của điều này; và
c) tổ chức hay chỉ đạo những người khác thực hiện một hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 của điều này.
1. Trong những trường hợp thích hợp và trong chừng mực có thể theo pháp luật trong nước, mỗi quốc gia thành viên sẽ bảo vệ sự riêng tư và nhân thân của các nạn nhân của việc buôn bán người bằng những biện pháp, bao gồm, không kể những biện pháp khác, việc tiến hành tố tụng pháp lý đối với hành vi buôn bán đó một cách bí mật.
2. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, mỗi quốc gia thành viên sẽ bảo đảm rằng hệ thống pháp luật và hành chính của nước mình có những biện pháp để cung cấp cho các nạn nhân của việc buôn bán người:
a) thông tin thích hợp về toà án và thủ tục hành chính;
b) sự hỗ trợ để các nạn nhân được trình bày các quan điểm và mối quan ngại của họ và được xem xét trong những giai đoạn thích hợp của quá trình tố tụng hình sự đối với người phạm tội, theo cách thức không làm ảnh hưởng đến quyền bào chữa.
3. Mỗi quốc gia thành viên sẽ cân nhắc việc áp dụng những biện pháp để các nạn nhân của việc buôn bán người có thể phục hồi về thể chất, tinh thần và xã hội, tuỳ từng trường hợp cụ thể, bao gồm cả việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên quan khác và các thiết chế xã hội dân sự, và đặc biệt là cung cấp:
a) nơi ở thích hợp;
a) những hướng dẫn và thông tin, đặc biệt đối với các quyền hợp pháp của các nạn nhân của việc buôn bán người bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được;
c) hỗ trợ y tế, tinh thần và vật chất; và
d) các cơ hội việc làm, giáo dục và đào tạo.
4. Trong khi áp dụng các quy định của điều này, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét đến độ tuổi, giới tính và những nhu cầu đặc biệt của nạn nhân của việc buôn bán người, cụ thể là những nhu cầu đặc biệt của trẻ em, bao gồm cả nhà ở, giáo dục và sự chăm sóc thích hợp.
5. Mỗi quốc gia thành viên sẽ cố gắng bảo đảm sự an toàn thân thể cho các nạn nhân của việc buôn bán người khi họ đang ở trong lãnh thổ của quốc gia đó.
6. Mỗi quốc gia thành viên sẽ bảo đảm rằng trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình có các biện pháp giúp cho các nạn nhân của việc buôn bán người có thể được đền bù cho những thiệt hại mà họ phải chịu.
1. Bên cạnh việc thực thi các biện pháp theo quy định tại điều 6 của Nghị định thư này, mỗi quốc gia thành viên sẽ cân nhắc việc áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác để các nạn nhân của việc buôn bán người có thể được ở lại trên lãnh thổ của mình, tạm thời hay vĩnh viễn, tuỳ từng trường hợp cụ thể.
2. Khi thực hiện quy định tại khoản 1 của điều này, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét thích đáng các yếu tố nhân đạo và nhân ái.
1. quốc gia thành viên mà một nạn nhân của việc buôn bán người là công dân hay có quyền thường trú ở đó tại thời điểm vào lãnh thổ của quốc gia thành viên tiếp nhận sẽ tạo điều kiện và chấp nhận việc hồi hương của người đó, có cân nhắc đầy đủ đến sự an toàn của người đó mà không có sự chậm trễ vô lý hoặc không xác đáng nào.
2. Khi một quốc gia thành viên đưa một nạn nhân của việc buôn bán người trở về một quốc gia thành viên mà người đó là công dân hay có quyền thường trú ở đó tại thời điểm vào lãnh thổ của quốc gia thành viên tiếp nhận, việc hồi hương này sẽ được xem xét cùng với sự an toàn của người đó và tình trạng của bất kỳ thủ tục pháp lý nào liên quan đến việc người đó là nạn nhân của hành vi buôn bán người và phải hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện.
3. Theo yêu cầu của quốc gia thành viên tiếp nhận, quốc gia thành viên được yêu cầu sẽ xác minh người là nạn nhân của việc buôn bán người đó có là công dân hay có quyền thường trú trên lãnh thổ của mình tại thời điểm vào lãnh thổ của quốc gia thành viên tiếp nhận hay không, mà không có sự chậm trễ vô lý hoặc không xác đáng nào.
4. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương của một nạn nhân của việc buôn bán người nhưng không có giấy tờ cần thiết, quốc gia thành viên mà người đó là công dân hay có quyền thường trú ở đó tại thời điểm nhập cảnh vào lãnh thổ của quốc gia thành viên tiếp nhận, theo yêu cầu của quốc gia thành viên tiếp nhận, sẽ đồng ý cấp giấy tờ thông hành hay những giấy phép khác cần thiết để người đó có thể đi lại và trở về lãnh thổ nước mình.
5. Điều này không làm phương hại đến bất kỳ quyền nào của các nạn nhân của việc buôn bán người theo pháp luật quốc gia của quốc gia thành viên tiếp nhận.
6. Điều này không làm phương hại đến bất kỳ hiệp định hay thoả thuận song phương hay đa phương nào điều chỉnh, toàn bộ hay một phần, việc hồi hương của các nạn nhân của việc buôn bán người.
1. Các quốc gia thành viên sẽ đề ra các chính sách, chương trình toàn diện và các biện pháp khác để:
a) ngăn ngừa và chống việc buôn bán người; và
b) bảo vệ các nạn nhân của việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, không bị trở thành nạn nhân của việc buôn bán người một lần nữa.
2. Các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực thi hành các biện pháp như nghiên cứu, thông tin và các chiến dịch truyền thông đại chúng cũng như các sáng kiến xã hội và kinh tế để ngăn ngừa và chống hành vi buôn bán người.
3. Các chính sách, chương trình và các biện pháp khác được đề ra theo điều này, nếu thích hợp, sẽ bao gồm việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên quan khác và các thiết chế xã hội dân sự.
4. Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện và tăng cường các biện pháp, bao gồm việc thông qua hợp tác song phương hoặc đa phương, để loại bỏ các nhân tố làm cho những người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trở thành các đối tượng dễ bị xâm hại của việc buôn bán người, chẳng hạn như nghèo đói, kém phát triển và thiếu cơ hội bình đẳng.
5. Các quốc gia thành viên sẽ áp dụng hay tăng cường các biện pháp lập pháp hay các biện pháp khác, chẳng hạn như các biện pháp giáo dục, xã hội hay văn hoá, bao gồm việc thông qua sự hợp tác song phương và đa phương, để ngăn chặn, giảm bớt những nhu cầu thúc đẩy các hình thức bóc lột con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, mà dẫn đến việc buôn bán người.
1. Các cơ quan hành pháp, nhập cư và các cơ quan liên quan khác của các quốc gia thành viên, khi thích hợp, sẽ hợp tác với nhau bằng cách trao đổi thông tin, phù hợp với pháp luật quốc gia mình, để có thể xác định:
a) những cá nhân đi qua hay cố gắng đi qua biên giới quốc tế với giấy tờ thông hành của người khác hay không có giấy tờ thông hành là thủ phạm hay nạn nhân của việc buôn bán người;
b) những loại giấy tờ thông hành mà các cá nhân đã sử dụng hay cố gắng sử dụng để đi qua biên giới quốc tế vì mục đích buôn bán người; và
c) những phương tiện và biện pháp được các nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng vì mục đích buôn bán người, bao gồm việc tuyển mộ và chuyên chở nạn nhân, các tuyến đường và mối liên kết giữa các các nhân và các nhóm tham gia vào việc buôn bán người đó, và những biện pháp thích hợp để phát hiện ra chúng.
2. Các quốc gia thành viên sẽ cung cấp hay tăng cường việc đào tạo cho các cán bộ hành pháp hay quản lý nhập cư và các cán bộ liên quan khác về ngăn ngừa buôn bán người. Các khoá đào tạo nên tập trung vào các phương pháp được sử dụng để ngăn ngừa việc buôn bán người, truy tố những kẻ buôn bán người và bảo vệ quyền của các nạn nhân, bao gồm bảo vệ các nạn nhân khỏi những kẻ buôn bán người. Việc đào tạo cũng cần tính đến sự cần thiết phải xem xét các quyền con người và những vấn đề nhạy cảm liên quan đến trẻ em và giới tính và cần khuyến khích sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên quan khác và các đơn vị xã hội dân sự.
3. Một quốc gia thành viên nhận được thông tin sẽ tuân theo bất kỳ yêu cầu nào về việc hạn chế sử dụng thông tin đó mà quốc gia thành viên đã cung cấp thông tin đưa ra.
1. Không làm phương hại đến các cam kết quốc tế liên quan đến tự do đi lại của người dân, các quốc gia thành viên, trong chừng mực có thể, tăng cường sự kiểm soát biên giới cần thiết để ngăn ngừa và phát hiện việc buôn bán người.
2. Mỗi quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác để ngăn chặn việc các phương tiện vận chuyển điều hành bởi các hãng vận chuyển thương mại bị sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội được quy định tại điều 5 Nghị định thư này, trong chừng mực có thể.
3. Nếu thích hợp và không làm phương hại đến các công ước quốc tế đang được áp dụng, những biện pháp như vậy sẽ bao gồm việc đặt ra những nghĩa vụ cho các hãng vận chuyển thương mại, bao gồm bất kỳ một công ty vận chuyển nào hay chủ sở hữu hoặc người điều khiển bất kỳ phương tiện vận chuyển nào, để bảo đảm rằng mọi các hành khách đều có giấy tờ thông hành cần thiết để nhập cảnh vào quốc gia tiếp nhận.
4. Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật quốc gia của mình, để trừng phạt các những trường hợp vi phạm nghĩa vụ nêu ra tại khoản 3 điều này.
5. Phù hợp với pháp luật quốc gia của mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét việc áp dụng các biện pháp cho phép từ chối cho nhập cảnh hay thu hồi thị thực của những người liên quan đến việc thực hiện các hành vi phạm tội theo quy định của Nghị định thư này.
6. Không làm phương hại đến điều 27 của Công ước, các quốc gia thành viên xem xét việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan kiểm soát biên giới bằng cách thiết lập và duy trì các kênh thông tin trực tiếp bên cạnh những phương thức khác.
Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết trong phạm vi các phương tiện sẵn có để:
a) bảo đảm rằng các giấy tờ thông hành hoặc nhận dạng do mình cung cấp có đặc tính không thể dễ dàng bị sử dụng sai mục đích và không thể dễ dàng bị giả mạo hoặc thay đổi, sao chép hay cấp một cách bất hợp pháp; và
b) bảo đảm tính toàn vẹn và an toàn của các giấy tờ thông hành hay nhận dạng được cấp bởi quốc gia thành viên đó hay cấp thay mặt quốc gia thành viên đó và ngăn ngừa việc tạo ra, cấp và sử dụng những giấy tờ này một cách bất hợp pháp.
Theo yêu cầu của một quốc gia thành viên khác, một quốc gia thành viên, phù hợp với pháp luật quốc gia của mình và trong một thời hạn hợp lý, sẽ xác minh tính hợp pháp và giá trị pháp lý của các giấy tờ thông hành hoặc nhận dạng được cấp hay dường như được cấp nhân danh quốc gia đó và bị nghi ngờ là đang được sử dụng vào việc buôn bán người.
1. Không một quy định nào trong Nghị định thư này ảnh hưởng đến các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khác của các quốc gia và cá nhân theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế và luật quốc tế về quyền con người và cụ thể là, nếu có thể áp dụng được, Công ước năm 1951 và Nghị định thư năm 1967 về Vị thế của người tị nạn và nguyên tắc không đẩy trở lại được quy định trong đó.
2. Các biện pháp được nêu trong Nghị định thư này sẽ không được giải thích và áp dụng theo cách phân biệt đối xử đối với một người với lý do người này là nạn nhân của việc buôn bán người. Việc giải thích và áp dụng những biện pháp đó phải phù hợp với các nguyên tắc không phân biệt đối xử được quốc tế công nhận.
1. Các quốc gia thành viên sẽ cố gắng giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Nghị định thư này thông qua thương lượng.
2. Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Nghị định thư này mà không thể giải quyết thông qua thương lượng trong một thời gian thích hợp sẽ được đưa ra toà trọng tài theo đề nghị của một trong các quốc gia thành viên đó. Nếu sau sáu tháng kể từ ngày yêu cầu đưa ra trọng tài giải quyết mà các quốc gia thành viên này không thể thỏa thuận về tổ chức của toà trọng tài, bất kỳ một trong các quốc gia thành viên này đều có thể yêu cầu đưa tranh chấp ra Toà án Công lý quốc tế theo Quy chế của Toà án.
3. Mỗi quốc gia thành viên, vào thời điểm ký, phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt hoặc gia nhập Nghị định thư này, đều có thể tuyên bố rằng quốc gia đó không bị ràng buộc bởi khoản 2 điều này. Các quốc gia thành viên khác sẽ không bị ràng buộc với khoản 2 điều này đối với bất kỳ quốc gia nào đã đưa ra bảo lưu như vậy.
4. Bất kỳ quốc gia thành viên nào đã đưa ra một bảo lưu theo quy định tại khoản 3 điều này có thể rút bảo lưu đó vào bất kỳ lúc nào bằng cách thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
1. Nghị định thư này sẽ được mở cho tất các các quốc gia ký từ ngày 12 đến ngày 15/12/2000 tại Palermo, Italia và sau đó tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York cho đến ngày 12/12/2002.
2. Nghị định thư này cũng sẽ được mở cho các tổ chức hội nhập kinh tế khu vực ký với điều kiện là có ít nhất một quốc gia thành viên của tổ chức đó đã ký Nghị định thư này theo quy định tại khoản 1 điều này.
3. Nghị định thư này phải được phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực có thể nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt nếu có ít nhất một quốc gia thành viên của mình đã làm như vậy. Trong văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt, tổ chức đó sẽ tuyên bố phạm vi thẩm quyền của mình đối với những vấn đề mà Nghị định thư này điều chỉnh. Tổ chức đó cũng sẽ thông báo cho cơ quan lưu chiểu bất kỳ sửa đổi liên quan nào về phạm vi thẩm quyền của mình.
4. Nghị định thư này được mở để bất kỳ một quốc gia hay tổ chức hội nhập kinh tế khu vực nào đã có ít nhất một quốc gia thành viên của mình là thành viên của Nghị định thư, gia nhập. Các văn kiện gia nhập sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tại thời điểm gia nhập, một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực sẽ tuyên bố phạm vi thẩm quyền của mình đối với các vấn đề mà Nghị định thư này điều chỉnh. Tổ chức đó cũng sẽ thông báo cho cơ quan lưu chiểu bất kỳ sửa đổi nào liên quan đến phạm vi thẩm quyền của mình.
1. Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập thứ 40 được nộp lưu chiểu, trừ việc Nghị định thư này sẽ không bắt đầu có hiệu lực trước khi Công ước bắt đầu có hiệu lực. Vì mục đích của khoản này, bất kỳ văn kiện nào mà một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực nộp lưu chiểu sẽ không được tính thêm với những văn kiện được nộp lưu chiểu bởi các quốc gia thành viên của tổ chức đó.
2. Đối với mỗi quốc gia hay tổ chức hội nhập kinh tế khu vực đã phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập Nghị định thư này sau khi văn kiện thứ 40 được nộp lưu chiểu, Nghị định thư này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày quốc gia hay tổ chức đó nộp văn kiện liên quan hay vào ngày mà Nghị định thư này có hiệu lực theo khoản 1 điều này, nếu như thời điểm này diễn ra sau.
1. Sau năm năm kể từ ngày Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực, một quốc gia thành viên của Nghị định thư có thể đề xuất sửa đổi và gửi đề xuất này đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký sau đó sẽ thông báo đề xuất sửa đổi đó cho các quốc gia thành viên và cho Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước để xem xét và quyết định về đề xuất này. Các quốc gia thành viên Nghị định thư tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước sẽ cố gắng đạt được sự đồng thuận về mọi sửa đổi. Nếu mọi cố gắng đạt được đồng thuận đã được thực hiện đến cùng mà không đạt được một thoả thuận nào, sửa đổi sẽ được thông qua, như phương thức cuối cùng, nếu đạt 2/3 đa số phiếu của các quốc gia thành viên Nghị định thư có mặt và bỏ phiếu tại cuộc họp của Hội nghị các quốc gia thành viên.
2. Các tổ chức hội nhập kinh tế khu vực, trong những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của mình, sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu theo điều này với số phiếu bằng với số lượng quốc gia thành viên của mình là thành viên của Nghị định thư này. Các tổ chức đó sẽ không thực hiện quyền bỏ phiếu của mình nếu các quốc gia thành viên của tổ chức đó đã thực hiện quyền bỏ phiếu của họ và ngược lại.
3. Một sửa đổi được thông qua theo khoản 1 điều này phải được các quốc gia thành viên phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt.
4. Một sửa đổi được thông qua theo khoản 1 điều này sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với một quốc gia thành viên sau 90 ngày kể từ ngày văn kiện phê chuẩn, chấp thuân hay phê duyệt sửa đổi đó được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
5. Khi một sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, nó sẽ ràng buộc những quốc gia thành viên đã bày tỏ sự chấp thuận ràng buộc bởi sửa đổi đó. Các quốc gia thành viên khác sẽ chỉ bị ràng buộc bởi những quy định của Nghị định thư này và bất kỳ sửa đổi nào trước đó mà họ đã phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt.
1. Một quốc gia thành viên có thể rút khỏi Nghị định thư này bằng một thông báo bằng văn bản gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Việc rút khỏi Nghị định thư sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày ngày Tổng thư ký nhận được thông báo.
2. Một tổ chức hội nhập kinh tế quốc tế sẽ không còn là thành viên của Nghị định thư này khi tất cả các quốc gia thành viên của mình đã rút khỏi Nghị định thư.
1. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được chỉ định là cơ quan lưu chiểu Nghị định thư này.
2. Bản gốc của Nghị định thư này được làm bằng tiếng Ả-rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha đều có giá trị như nhau và được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Để làm bằng, những người đại diện toàn quyền có tên dưới đây đã được uỷ quyền hợp lệ bởi Chính phủ của họ, đã ký Nghị định thư này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.