HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CA-DẮC-XTAN VỀ VIỆC ĐI LẠI CỦA CÔNG DÂN HAI NƯỚC
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan, sau đây gọi là “Các Bên”;
Với mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và tạo điều kiện cho các chuyến đi của công dân hai nước;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1.
1. Công dân của một Bên mang giấy tờ đi lại còn giá trị của nước mình và có thị thực còn giá trị của Bên kia hoặc được miễn thị thực theo quy định tại các Điều 2, 3 và 5 của Hiệp định này có thể nhập cảnh, xuất cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Bên kia qua các cửa khẩu dành cho khách quốc tế, hoặc các cửa khẩu do hai Bên quy định.
2. Giấy tờ đi lại còn giá trị quy định tại Hiệp định này bao gồm:
Đối với công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
- Hộ chiếu ngoại giao;
- Hộ chiếu công vụ;
- Hộ chiếu phổ thông;
- Hộ chiếu thuyền viên;
- Giấy thông hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với công dân nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan:
- Hộ chiếu ngoại giao;
- Hộ chiếu công vụ;
- Hộ chiếu của công dân nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan;
- Hộ chiếu thuyền viên;
- Thẻ thành viên của phi hành đoàn của nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan;
- Giấy thông hành để trở về Cộng hòa Ca-dắc-xtan.
Điều 2.
1. Công dân của một Bên mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ còn giá trị, và trẻ em có tên và ảnh trong hộ chiếu của bố/mẹ sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh lãnh thổ Bên kia và được lưu trú trên lãnh thổ Bên kia không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhập cảnh đầu tiên.
2. Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Bên mà người mang hộ chiếu quy định tại khoản 1 Điều này là công dân, Bên kia có thể gia hạn thời gian lưu trú cho người đó.
Điều 3.
Công dân của một Bên là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự đóng trên lãnh thổ Bên kia và thành viên gia đình cùng chung sống với họ, mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ còn giá trị, sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký lưu trú cần thiết tại cơ quan có thẩm quyền của Bên kia trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhập cảnh, được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh lãnh thổ Bên kia trong suốt nhiệm kỳ công tác.
Điều 4.
1. Việc nhập cảnh, xuất cảnh, lưu trú và đi lại của công dân mỗi Bên nêu tại các Điều 2, 3 và 5 Hiệp định này, trên lãnh thổ Bên kia phải phù hợp với quy định tại Hiệp định này và pháp luật của Bên kia.
2. Công dân của một Bên mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ, được bổ nhiệm làm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật của nước tiếp nhận trong thời gian lưu trú trên lãnh thổ nước đó. Công dân một Bên không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ khi lưu trú trên lãnh thổ Bên kia có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật nước tiếp nhận, bao gồm các quy định về đăng ký lưu trú, đi lại và quá cảnh.
Điều 5.
1. Thuyền viên tàu biển của một Bên mang hộ chiếu thuyền viên, có tên trong danh sách thuyền viên, được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh lãnh thổ Bên kia tại các cảng đường thủy và lưu trú trong phạm vi thành phố hoặc thị trấn nơi có cảng đó.
2. Trường hợp những công dân nói trên của một Bên là thuyền viên tàu biển xuất cảnh khỏi phạm vi thành phố hoặc thị trấn nơi có cảng đó, hoặc trong trường hợp phải tiếp tục hành trình bằng đường bộ hoặc đường hàng không vì lý do không lường trước được hoặc bất khả kháng, thì phải xin thị thực của Bên kia.
3. Công dân của một Bên là thành viên tổ bay, mang hộ chiếu còn giá trị và thẻ thành viên của phi hành đoàn, được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh lãnh thổ Bên kia. Trong trường hợp vì lý do không lường trước được hoặc bất khả kháng, những người này được lưu trú trong phạm vi của cảng hàng không.
Điều 6.
Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của một Bên đóng trên lãnh thổ Bên kia, phù hợp với pháp luật và quy định của nước mình, sẽ cấp thị thực cho công dân của Bên kia với các mục đích công vụ trên cơ sở công hàm đề nghị của Bộ Ngoại giao Bên kia.
Điều 7.
1. Trường hợp công dân của một Bên nêu tại Điều 2 Hiệp định này mất giấy tờ đi lại trên lãnh thổ Bên kia thì phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận để được nhận giấy xác nhận về việc mất giấy tờ.
2. Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của một Bên sẽ cấp giấy tờ đi lại mới cho những công dân của mình nêu tại khoản 1 Điều này.
Điều 8.
Các cơ quan có thẩm quyền của các Bên thực hiện các quy định của khoản 1 Điều 7 Hiệp định này là:
Phía Việt Nam: Bộ Công an và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phía Ca-dắc-xtan: Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan.
Trong trường hợp có sự thay đổi về tên gọi hoặc chức năng của các cơ quan có thẩm quyền nói trên, các Bên sẽ thông báo kịp thời cho nhau qua đường ngoại giao.
Điều 9.
1. Vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự xã hội hoặc sức khỏe cộng đồng, mỗi Bên có quyền từ chối nhập cảnh, rút ngắn hoặc chấm dứt thời gian lưu trú đối với công dân của Bên kia bị coi là người không được hoan nghênh.
2. Trong trường hợp này, Bên tiếp nhận sẽ thông báo qua đường ngoại giao cho Bên kia trong vòng 20 ngày kể từ khi quyết định rút ngắn hoặc chấm dứt thời gian lưu trú hoặc từ chối nhập cảnh đối với người không được hoan nghênh.
Điều 10.
1. Trong trường hợp có dịch bệnh, thiên tai hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, mỗi Bên có thể đình chỉ tạm thời việc thi hành một phần hoặc toàn bộ các điều khoản của Hiệp định này.
2. Hai Bên sẽ thông báo cho nhau qua đường ngoại giao việc đình chỉ thi hành Hiệp định trong thời gian sớm nhất có thể.
3. Việc tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ các điều khoản của Hiệp định này không ảnh hưởng đến quy chế của công dân Bên này đang lưu trú trên lãnh thổ Bên kia phù hợp với các quy định của Hiệp định này.
Điều 11.
Hai Bên sẽ chia sẻ thông tin qua đường ngoại giao và trao đổi các vấn đề liên quan đến việc thi hành Hiệp định này nếu thấy cần thiết.
Điều 12.
Hai Bên có thể thỏa thuận sửa đổi hoặc bổ sung Hiệp định này bằng các Nghị định thư bổ sung và các Nghị định thư bổ sung sẽ được coi là bộ phận không tách rời của Hiệp định.
Điều 13.
Trong trường hợp có bất đồng về giải thích hoặc thi hành Hiệp định này, hai Bên sẽ giải quyết thông qua đàm phán và tham vấn.
Điều 14.
1. Hai Bên sẽ trao cho nhau qua đường ngoại giao, các mẫu giấy tờ đi lại còn giá trị được nêu tại khoản 2 Điều 1 Hiệp định này không muộn hơn ba mươi (30) ngày trước khi Hiệp định này có hiệu lực.
2. Hai Bên sẽ thông báo và trao cho nhau qua đường ngoại giao các mẫu giấy tờ đi lại mới không muộn hơn ba mươi (30) ngày trước khi sử dụng.
Điều 15.
1. Hiệp định này có giá trị vô thời hạn và sẽ tiếp tục có hiệu lực sáu (6) tháng kể từ ngày một Bên nhận được thông báo bằng văn bản của Bên kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.
2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ sáu mươi mốt (61) kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hai Bên đã hoàn tất các thủ tục nội luật cần thiết để Hiệp định có hiệu lực.
Làm tại Astana ngày 15 tháng 9 năm 2009 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Ca-dắc-xtan, tiếng Nga và tiếng Anh; các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau về Hiệp định này, văn bản tiếng Anh được dùng làm cơ sở.
THAY MẶT | THAY MẶT |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.