HIỆP ĐỊNH
HÀNG HẢI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC MA-LAI-XI-A (1992).
Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ nước Ma-lai-xia, dưới đây được gọi là các Bên ký kết ;
Với lòng mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và củng cố sự hợp tác giữa hai nước ttong lĩnh vực hàng hải trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi;
Đã cùng thoả thuận như sau:
Điều I: Trong bản hiệp định này :
1. Thuật ngữ "tàu biển của mỗi bên ký kết " là tầu mang cờ và đăng ký tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tại nước Ma-lai-xia. Thuật ngữ này không bao hàm tàu chiến .
2. Thuật ngữ "nhà chức trách có thẩm quyền " là một hay nhiều cơ quan nhà nước được các bên ký kết chỉ định, chịu trách nhiệm về mặt hành chính công tác vận tải biển và các chức năng có liên quan .
3. Thuật ngữ "thuyền viên "là người có tên trong danh sách thuyền viên của tầu , có giấy tờ tuỳ thân hợp lệ do cơ quan chức trách có thẩm quyền cấp như quy định ở Điều VII của Hiệp định này.
4. Thuật ngữ "hành khách " là những người do tầu của mỗi Bên chuyên chở, có trong danh sách tầu đó, không do tầu đó tuyển dụng hay đảm nhận bất cứ công việc nào trên tàu.
Điều II: Tầu biển của mỗi Bên ký kết có thể qua lại tự do giữa các cảng của hai nước mở cho thương mại quốc tế để chuyên chở hàng hoá và hành khách (dưới đây gọi là vận tải thoả thuận ) giữa hai nước hoặc giữa một nước ký kết với nước thứ ba.
Điều III: Tầu biển được thuê treo cờ của nước thứ ba do thuyền viên các công ty tầu biển của mỗi Bên khai thác , được sự chấp thuận phù hợp của cả hai Bên ký kết cũng có thể tham gia vào vận tải thoả thuận .
Điều IV: Tầu biển của mỗi Bên ký kết được hưởng chế độ đãi ngộ tối hệ quốc do Bên kia quy định .
Điều V: Hiệp định này không áp dụng đối với việc vận chuyển hành khách và hàng hoá giữa các cảng nội địa của các Bên ký kết miễn là, trong việc tham gia vận tải thoả thuận, quyên chuyên chở của tầu biển mỗi Bên sẽ bao gồm cả quyền lấy hoặc trả hành khách và hàng hoá trên nhiều của Bên kia, nếu số hành khách và hàng hoá này được chở đi hoặc đem tới từ một nước thứ ba trên cùng tầu đó .
Điều VI: Các Bên ký kết thừa nhận giấy chứng nhận quốc tịch của tàu, giấy chứng nhận dung tích tầu và các giấy tờ liên quan khác của tầu do các cơ quan chức trách có thẩm quyền của mỗi Bên cấp .
Điều VII:
1. Mỗi Bên ký kết thừa nhận giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên do các cơ quan chức trách có thẩm quyền của Bên kia cấp. Đó là:
Đối với thuyền viên của tầu Việt nam là: Hộ chiếu thuyền viên (Seamen’s Passport ) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam ;
Đối với thuyền viên của tầu Ma-lai-xia là : Số thuyền viên (Seamen’s Book) hoặc Hộ chiếu Quốc tế (International Passport).
2. Bất kỳ một sự thay đổi nào về giấy tờ tuỳ thân của một bên phải được thông báo cho Bên kia biết.
3. Trong Điều khoản này, đối với thân nhân hoặc người phụ việc có tên trong danh sách thuyền viên , mang theo Hộ chiếu Quốc tế (International Passport) cũng được cả hai Bên ký kết thừa nhận là giâý tờ tuỳ thân tương đương với giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên .
Điều VIII:
1. Thuyền viên của mỗi Bên ký kết , trong thời gian tầu neo đậu tại cảng của Bên kia đều được phép lên bờ căn cứ theo pháp luật và các quy định của Bên đó.
2. Thuyền viên của mỗi Bên ký kết , trong trường hợp ốm đau đều được phép vào và lưu lại điều trị trên lãnh thổ của Bên kia trong thời gian cần thiết để điều trị theo đúng pháp luật và qui định của Bên đó .
3. Thuyền viên của mỗi Bên ký kết đều có thể vào hoặc quá cảnh lãnh thổ của Bên kia để lên tầu , trở về nước hoặc vì lý do khác được các cơ quan chức trách có thẩm quyền của Bên kia chấp thuận, sau khi đã hoàn thành các thủ tục theo đúng pháp luật va qui định hiện hành của Bên đó .
4. Các luật và qui định của một Bên ký kết trong việc nhập cảnh, tạm trú , xuất cảnh lãnh thổ của Bên đó đối với hành khách , thuyền viên hoặc hàng hoá , chẳng hạn như các thủ tục về nhập cảnh , xuất cảnh , di cư , nhập cư cũng như cácc thủ tục hải quan và các biện pháp đảm bảo vệ sinh sẽ được áp dụng đối với hành khách , thuyền viên hoặc hàng hoá do tầu của Bên kia chuyên chở khi những tầu đó neo đậu trên lãnh thổ của Bên này .
5. Căn cứ theo pháp luật và qui định của mình , mỗi Bên có quyền từ chối bất kỳ một thuyền viên nào đi vào lãnh thổ của mình , cho dù những thuyền viên đó có giấy tờ tuỳ thân được nói ở Điều VII của Hiệp định này .
Điều IX: Khi tầu của mỗi Bên ký kết gặp nạn hoặc nguy hiểm trong vùng nước hoặc vùng kề cận của Bên kia thì Bên đó sẽ cung cấp mọi sự giúp đỡ , bảo vệ có được cho tầu ,thuyền viên và hàng hoá đồng thời , bằng mọi biện pháp nhanh chóng thông báo cho Bên có tầu bị nạn biết .
Hàng hoá và tài sản được dỡ xuống hoặc thu vớt được từ các tàu bị nạn hoặc nguy hiểm cần được lưu kho tạm thời trên lãnh thổ của Bên kia thì Bên đó sẽ cung cấp mọi phương tiện cần thiết có thể được . Những hàng hoá này sẽ được miễn thuế nếu như không đem ra tiêu thụ hay sử dụng trên lãnh thổ của Bên kia.
Điều X: Trong phạm vi pháp luật và qui định của mình, các Bên ký kết sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho tầu của Bên kia tăng tỷ lệ khai thác và tránh những chậm chễ không cần thiết .
Điều XI: Mọi khoản thanh toán phát sinh từ Hiệp định và trong khuôn khổ Hiệp định này sẽ được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi mà hai Bên có thể chấp nhận được .
Điều XII: Các qui định có trong Hiệp định này sẽ không hạn chế quyền hạn của các Bên ký kết trong việc thừa nhận hoặc thực hiện các biện pháp có liên quan tới việc bảo đảm an ninh , vệ sinh công cộng và môi trường hoặc các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh cho động vật và thực vật
Điều XIII: Hàng hoá và khối lượng hàng mậu dịch giữa hai Bên ký kết sẽ cho tàu biển của hai Bên chuyên chở trên nguyên tắc bình đẳng , cùng có lợi . Các nguyên tắc đề ra theo Công ước của liên hiệp quốc UN Code of Conduct For Liner Conferences sẽ áp dụng , một khi có công hội về quyền chuyên chở hàng mậu dịch nói trên .
Điều XIV:
1. Hai Bên ký kết sẽ lập một uỷ ban hỗn hợp về Hàng hải họp thường kỳ hoặc theo yêu cầu của mỗi bên ký kết để xem xét đề nghị của mỗi Bên đưa ra :
a. Việc thực hiện bản hiệp định này ;
b. Hợp tác nghiên cứu, kỹ thuật và đào tạo trong ngành hàng hải ;
c. Những vấn đề khác có liên quan tới việc phát triển hàng hải giữa hai nước .
Điều XV: Nếu một trong hai Bên ký kết có ý dịnh thay đổi các qui định trong hiệp định này thì việc thay đổi phải được đề nghị bằng công hàm thông qua con đường ngoại giao .
Điều XVI: Các qui định trong bản Hiệp định này sẽ không hạn chế quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết phát sinh từ các công ước mà cả hai Bên đều tham gia.
Điều XVII: Mỗi Bên ký kết sẽ tích cực giúp đỡ các công ty vận tải biển của Bên kia được đặt đại diện trên lãnh thổ của mình . Việc lập đại diện và hoạt động của nó phải tuân theo pháp luật của nước chủ nhà .
Điều XVIII: Nếu có những tranh chấp xảy ra giữa các Bên ký kết có liên quan tới việc giải thích hoặc thực hiện bản Hiệp định này , các Bên ký kết sẽ cố gắng giải quyết bằng thương thuyết giữa các cơ quan chức trách có thẩm quyền .
Điều XIX: Mỗi Bên ký kết , vào bất cứ khi nào có thể thông báo cho Bên kia bằng văn bản ý định chấm dứt bản Hiệp đinh này. Một khi có thông báo đó, Hiệp định này sẽ chấm dứt hiệu lực sau sáu tháng, kể từ ngày Bên kia nhận được thông báo này , trừ khi là có sự thoả thuận rút lại thông báo trên trước khi thời hạn này kết thúc .
Điều XX: Hiệp định này có hiêu lực kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng của một trong hai Bên ký kết sau khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý .
Hiệp định này có giá trị trong thời hạn 5 năm và mặc nhiên gia hạn trong từng thời hạn 5 năm kế tiếp, trừ khi một trong hai Bên ký kết áp dụng Điều XIX của bản Hiệp đinh này .
Để làm bằng những người có tên dưới đây được Chính phủ của mỗi Bên uỷ quyền đã ký tên vào bản hiệp định này .
Làm tại Hà nội ngày 31 tháng 3 năm 1992, thành hai bản. Mỗi văn bản làm bằng tiếng Việt , tiếng Bahasa Malayxia và tiếng Anh, tất cả các văn bản làm bằng các thứ tiếng đều có giá trị ngang nhau. Nếu có sự hiểu khác nhau trong việc giải thích thì lấy bản tiếng Anh để đối chiếu .
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
BỘ NGOẠI GIAO | SAO Y BẢN CHÍNH "Để báo cáo, Để thực hiện". |
Số :79 /LPQT | Hà Nội ngày 1 tháng 12 năm 1992 |
| TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
(Ghi chú : Hiệp định này đã được thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN phê duyệt ngày 23 tháng 11 năm 1992).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.