BIÊN BẢN GHI NHỚ
GIỮA CỤC THANH TRA LÂM NGHIỆP NUỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VÀ CỤC KIỂM LÂM NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC KIỂM SOÁT, NGĂN CHẶN NHỮNG HÀNH VI BUÔN BÁN, VẬN CHUYỂN GỖ, LÂM SẢN VÀ CÁC LOÀI HOANG DÃ TRÁI PHÉP TRONG GIAI ĐOẠN 2009 - 2012
Căn cứ vào Bản thoả thuận giữa Bộ Nông Lâm nghiệp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 27 tháng 10 năm 2008 tại thủ đô Hà Nội - Việt Nam, trong đó hai Bộ đã nhất trí tạo điều kiện cho các Cục chuyên ngành tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng cường hợp tác đa phương để thực hiện các cam kết/công ước khu vực và quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý và thực thi lâm luật (FLEG).
Nhận lời mời của Cục Thanh tra Lâm nghiệp (DOFI) Bộ Nông Lâm nghiệp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đoàn đại biểu Cục Kiểm lâm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do TS. Hà Công Tuấn - Cục trưởng làm Trưởng Đoàn đã sang thăm và làm việc tại Lào từ ngày 5 - 10/5/năm 2009, để trao đổi, thống nhất nội dung kế hoạch hợp tác giữa hai Cục trong giai đoạn 2009-2012.
Trong quá trình làm việc, hai bên đã xem xét, đánh giá cao kết quả hợp tác về lâm nghiệp trong những năm qua; trao đổi, chia xẻ những thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, đấu tranh và ngăn chặn những hành vi vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng ở mỗi nước; thoả thuận và thống nhất về sự hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát và ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ và lâm sản giai đoạn năm 2009 - 2012 giữa hai bên như sau:
1. Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin để kiểm soát và ngăn chặn những hành vi săn bắn, khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và các loài hoang dã ở khu vực biên giới giữa hai nước. Mỗi bên tăng cường kiểm tra, theo dõi nghiêm ngặt những trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu lâm sản và các loài hoang dã theo pháp luật của nước mình, đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết trên cơ sở tuân thủ luật pháp của mỗi nước.
2. Hai bên nhất trí cùng nhau tăng cường hợp tác ngăn chặn phòng chữa cháy rừng trên phạm vi lãnh thổ dọc theo biên giới hai nước. Phía Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những thông tin về cháy rừng thu được từ vệ tinh và tổ chức đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho cán bộ theo dõi về phòng cháy chữa cháy rừng của Lào tại Việt Nam.
3. Hai bên nhất trí tạo điều kiện và chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc của mình tại các địa phương dọc theo biên giới hai nước tăng cường trao đổi, chia xẻ kinh nghiệm và thông tin; cùng nhau phối hợp giải quyết những hành vi vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp cho phù hợp và tuân thủ theo Pháp luật của hai nước và thông lệ quốc tế.
4. Hai bên nhất trí hàng năm thường xuyên tổ chức cuộc họp luân phiên ở mỗi nước, để trao đổi và chia xẻ thông tin và kinh nghiệm về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Bên đi chịu chi phí đi lại (vé máy bay hoặc ô tô), bên đón tiếp đài thọ về ăn ở, đi lại và các chi phí khác ở nước mình. Riêng năm 2009, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam mời Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào và đại diện các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện FLEG sang thăm và làm việc với Cục Kiểm lâm và các cơ quan có liên quan của Việt Nam vào tháng 6/2009. Cục Kiểm lâm Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức và chi trả toàn bộ chi phí cho chuyến đi từ nguồn kinh phí tài trợ của dự án FLEG.
5. Hai bên nhất trí sẽ cùng nhau thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại lâm sản, phát triển đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp và tăng cường hợp tác song phương để thực hiện các cam kết quốc tế mà hai quốc gia Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
6. Là đầu mối thực hiện dự án FLEG, hai bên nhất trí tăng cường điều phối để thúc đẩy sự hợp tác của giữa các cơ quan có liên quan của mỗi nước và giữa các cơ quan này của hai bên trong việc tiếp tục thực hiện sáng kiến FLEG.
7. Hai Cục nhất trí giao cho Phòng Kế hoạch và Hợp tác, Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào và Phòng Bảo tồn Thiên nhiên Cục Kiểm lâm Việt Nam làm đầu mối điều phối, xúc tiến việc thực hiện các điều khoản ghi trong Biên bản ghi nhớ này.
Biên bản này làm tại thủ đô Viêng Chăn, Cộng hoà DCND Lào ngày 6 tháng 5 năm 2009, bằng tiếng Lào và tiếng Việt, cả hai bản đều có giá trị ngang nhau.
CỤC TRƯỞNG | CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.