BỘ NGOẠI GIAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 5553/BNG-LPQT |
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2024 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, ký tại Pa-ri, Pháp ngày 07 tháng 10 năm 2024, có hiệu lực từ ngày 07 tháng 10 năm 2024.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Quý Cơ quan bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |
THỎA THUẬN HỢP TÁC VỀ GIÁO DỤC GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, sau đây gọi chung là « hai Bên »;
Căn cứ Thỏa thuận hợp tác văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp ký ngày 27 tháng 4 năm 1977;
Căn cứ cam kết giữa Việt Nam và Pháp trong Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Hội nghị các Bộ trưởng Giáo dục các nước và chính phủ thuộc Cộng đồng Pháp ngữ (CONFEMEN);
Mong muốn củng cố những thành tựu trong hợp tác giáo dục và ngôn ngữ trên cơ sở những kết quả của các lớp song ngữ tiếng Pháp tại Việt Nam trong 30 năm qua;
Mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Pháp thông qua công tác dạy và học tiếng Việt và tiếng Pháp trong các cơ sở giáo dục của hai nước;
Tin tưởng vào tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ và trao đổi học sinh nhằm củng cố quan hệ hữu nghị Việt - Pháp, thiết lập quan hệ hợp tác chất lượng và hiểu biết sâu sắc về quốc gia đối tác;
Đã thỏa thuận những điều sau đây:
Điều 1
Giảng dạy ngôn ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông
1. Thỏa thuận này khuyến khích mọi hình thức hợp tác được hai Bên quan tâm trong việc học, dạy ngôn ngữ và văn hóa Pháp tại Việt Nam và học, dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam tại Pháp.
2. Hai Bên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam và giảng dạy tiếng Việt tại Pháp trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Điều 2
Giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam
1. Bên Việt Nam cam kết tạo điều kiện cho học sinh phổ thông được học tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo quy định hiện hành của Việt Nam. Các cơ sở giáo dục tiểu học được khuyến khích dạy học sinh lớp 1, lớp 2 làm quen với tiếng Pháp theo quy định hiện hành của Việt Nam.
2. Bên Pháp hỗ trợ Bên Việt Nam, theo quy định tại Điều 10 của Thỏa thuận này, cấp học bổng cho học sinh trung học phổ thông có thành tích học tập xuất sắc trong việc học tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp để tham gia các khóa bồi dưỡng ngôn ngữ ngắn hạn tại Pháp; kết nối các trường trung học phổ thông của Pháp với các trường trung học phổ thông của Việt Nam thực hiện các dự án kết nghĩa hoặc liên kết giáo dục.
3. Bên Pháp hỗ trợ Bên Việt Nam về phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Pháp, giáo viên dạy bằng tiếng Pháp; khai thác các học liệu hỗ trợ dạy và học tiếng Pháp, bằng tiếng Pháp cho các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam.
Điều 3
Danh hiệu LabelFrancEducation
1. Danh hiệu LabelFrancEducation nhằm mục đích thúc đẩy các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam giảng dạy tiếng Pháp và quảng bá văn hóa Pháp.
2. Danh hiệu LabelFrancEducation được trao cho các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp. Việc quản lý danh hiệu này được giao cho Cơ quan phụ trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài (AEFE) trực thuộc Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp.
3. Bên Pháp hỗ trợ các cơ sở giáo dục phổ thông Việt Nam có nhu cầu để có thể được nhận danh hiệu LabelFrancEducation, đồng hành với các cơ sở giáo dục phổ thông này để duy trì danh hiệu LabelFrancEducation và bảo đảm chất lượng giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp của các cơ sở giáo dục phổ thông này.
Điều 4.
Công nhận các cơ sở giảng dạy của Pháp tại Việt Nam
1. Hai Bên công nhận các cơ sở giáo dục của Pháp ở nước ngoài được Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp công nhận đang hoạt động tại Việt Nam bao gồm Trường Pháp Alexandre Yersin tại Hà Nội và Trường Pháp Marguerite Duras tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Để hai trường hoạt động ổn định, Bên Việt Nam, căn cứ quy định hiện hành của Việt Nam, cam kết tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực cho người lao động của hai trường và miễn giấy phép lao động cho các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của hai trường.
Điều 5
Viện Đào tạo vùng tại Việt Nam
1. Bên Việt Nam đồng ý về việc Cơ quan phụ trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài (AEFE), cơ quan trực thuộc Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp thành lập Viện Đào tạo vùng (IRF) tại Việt Nam.
2. Việc thành lập và hoạt động của IRF cần tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam.
Điều 6
Giảng dạy tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Pháp
1. Bên Pháp cam kết tạo điều kiện cho việc học tiếng Việt của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Pháp trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và tuân thủ các quy định hiện hành ở mỗi nước.
2. Bên Việt Nam hỗ trợ Bên Pháp về nguồn tài liệu giảng dạy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt cho học sinh cũng như đào tạo giáo viên (bằng cách cung cấp tài liệu giảng dạy, tài liệu âm thanh hình ảnh, kết nối với các tổ chức văn hóa ...).
Điều 7.
Văn bằng, chứng chỉ xác nhận trình độ tiếng Pháp và tiếng Việt
1. Bên Việt Nam ghi nhận bằng tiếng Pháp cơ bản (DELF), bằng tiếng Pháp chuyên sâu (DALF) và bài kiểm tra trình độ tiếng Pháp (TCF) là các chứng chỉ xác nhận trình độ tiếng Pháp của học sinh.
2. Bên Việt Nam ghi nhận chứng chỉ do Cơ quan giáo dục quốc tế Pháp (FEI), cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp cấp để người có chứng chỉ này được quyền chấm thi DELF, DALF và TCF.
3. Việc tổ chức thi cấp văn bằng (chứng chỉ) tiếng Pháp DELF, DALF và TCF được thực hiện theo quy định của FEI. Phương thức tổ chức phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Hai Bên cam kết phổ biến chứng chỉ DELF phổ thông cho học sinh phổ thông Việt Nam.
4. Các Bên thông báo các thông tin liên quan tới những học sinh có nguyện vọng thi lấy chứng chỉ tiếng Việt như một ngoại ngữ theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
5. Các cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên cung cấp kịp thời và hiệu quả các thông tin có liên quan đến công nhận văn bằng của Pháp để sử dụng tại Việt Nam và công nhận văn bằng của Việt Nam để sử dụng tại Pháp.
Điều 8.
Hợp tác giáo dục và trong công nghệ kỹ thuật số giáo dục
Hai Bên cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục bằng cách sử dụng chuyên môn phù hợp với nhu cầu của hai hệ thống giáo dục và thiết lập quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam và của Pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số giáo dục, quản lý và khai thác tài liệu, các chương trình đào tạo và phát triển nguồn tài liệu hữu ích cho đội ngũ giáo viên của cả hai nước.
Điều 9.
Chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện Thỏa thuận
1. Hai Bên thông báo cho nhau biết các đầu mối liên hệ trong các cơ quan có trách nhiệm thực thi Thỏa thuận này thông qua đường ngoại giao.
2. Nhằm triển khai Thỏa thuận này, hai Bên có thể họp hàng năm trong khuôn khổ một Nhóm công tác chung để theo dõi việc thực hiện kế hoạch các hoạt động.
3. Nhóm công tác chung bao gồm các thành viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chỉ định cho Bên Việt Nam và do Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam chỉ định cho Bên Pháp.
Điều 10
Điều khoản về tài chính
Các hoạt động hợp tác thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận này được triển khai trong khả năng nguồn kinh phí hoạt động thường niên của mỗi Bên.
Điều 11
Giải quyết tranh chấp
Mọi vấn đề liên quan đến diễn giải hoặc thực hiện Thỏa thuận này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa hai Bên.
Điều 12
Sửa đổi
1. Thỏa thuận này có thể được sửa đổi vào bất cứ lúc nào theo sự đồng thuận bằng văn bản giữa các Bên. Mọi sửa đổi có hiệu lực kể từ thời điểm cả hai Bên ký hoặc sau khi nhận được thông qua đường ngoại giao về sự đồng ý của một Bên đối với đề xuất của Bên kia. Khi các thủ tục cần thiết đã được hoàn thành, sửa đổi là một phần không thể tách rời của Thỏa thuận này.
2. Mọi sửa đổi trong Thỏa thuận này không ảnh hưởng đến các hoạt động hay các dự án đang triển khai đã được phê chuẩn trước khi những sửa đổi này được thống nhất, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.
Điều 13
Thời hạn và chấm dứt
1. Thỏa thuận này có hiệu lực trong thời hạn năm (5) năm và được tự động gia hạn mỗi năm (5) năm một lần.
2. Mỗi Bên có thể chấm dứt Thỏa thuận này bất cứ lúc nào bằng văn bản thông báo thông qua kênh ngoại giao. Trong trường hợp này, Thỏa thuận chấm dứt hiệu lực sau sáu (6) tháng kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Việc chấm dứt này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động hợp tác đã được hai Bên thống nhất trong khuôn khổ của Thỏa thuận, trừ khi có sự thỏa thuận khác từ hai Bên.
Điều 14
Hiệu lực
Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Để làm bằng, những người dưới đây được sự ủy quyền hợp pháp đã ký Thỏa thuận này.
Làm tại Paris, ngày 7 tháng 10 năm 2024 thành hai bản chính, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cả hai bản đều có giá trị như nhau.
Thay mặt Chính phủ |
Thay mặt Chính phủ |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.