BỘ NGOẠI GIAO ****** |
|
Số: 95/2005/LPQT |
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2005 |
Nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Căm-pu-chia có hiệu lực từ ngày 10 tháng 10 năm 2005.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |
Thực hiện Biên bản thỏa thuận của Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Căm-pu-chia về hợp tác kinh tế, văn hóa và hoa học kỹ thuật, ký tại Phnôm Pênh ngày 22 tháng 02 năm 2005.
Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam (sau đây gọi là “phía Việt Nam”) và Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Căm-pu-chia (sau đây gọi là “phía Căm-pu-chia”) đã thỏa thuận ký Nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010, cụ thể như sau:
Điều 1. Theo đề nghị của phía Căm-pu-chia, phía Việt Nam tiếp tục giúp đào tạo lưu học sinh Căm-pu-chia bằng kinh phí viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia bao gồm:
- Số lưu học sinh hiện có tại Việt Nam là 504 người (tính tại thời điểm tháng 9 năm 2005);
- Số lưu học sinh nhận mới hàng năm là: 100 người bình quân/năm (kể từ niên học 2005 - 2006 tính tại thời điểm tháng 9 năm 2005). Số lượng trên có thể được thay đổi tăng, giảm hàng năm tùy theo yêu cầu của phía Căm-pu-chia và tùy theo khả năng tiếp nhận cụ thể của phía Việt Nam và sẽ được điều chỉnh vào năm tiếp theo, bao gồm các đối tượng: học sinh đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh và đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và lý luận nghiệp vụ.
Điều 2. Phía Căm-pu-chia tiếp tục giúp đào tạo lưu học sinh Việt Nam tại Căm-pu-chia bằng kinh phí của Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia, bao gồm:
- Số lưu học sinh hiện có là: 61 người (tính tại thời điểm tháng 9 năm 2005);
- Số lưu học sinh nhận mới hàng năm: 10 người bình quân/năm, học ở bậc đại học và thực tập sinh sau đại học tại các khoa nhân văn của trường đại học tổng hợp Phnôm Pênh. Số lượng trên có thể thay đổi tăng, giảm hàng năm tùy theo yêu cầu của phía Việt Nam và khả năng tiếp nhận cụ thể của phía Căm-pu-chia và sẽ được điều chỉnh vào năm tiếp theo.
Điều 3. Lưu học sinh Việt Nam tại Căm-pu-chia được hưởng các quyền lợi và thực hiện các quy định theo các chế độ học tập và sinh hoạt như học sinh Căm-pu-chia học tập tại Việt Nam.
Điều 4. Hàng năm phía Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận lưu học sinh Căm-pu-chia sang đào tạo ở các bậc học bằng kinh phí cá nhân, kinh phí giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và của phía Căm-pu-chia. Hình thức đào tạo này được gọi là đào tạo theo hợp đồng. Việc gửi và nhận được thỏa thuận cụ thể giữa các cơ sở đào tạo với nhau (bao gồm kinh phí ăn, ở và phí đào tạo...) nhưng phải được sự đồng ý cho phép của Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Căm-pu-chia và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Điều 5. Hàng năm hai bên sẽ thỏa thuận tăng cường việc trao đổi các đoàn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về giáo dục và đào tạo, thi tuyển và quản lý lưu học sinh. Nước cử đoàn chịu trách nhiệm về kinh phí mua vé máy bay đi và về, nước tiếp nhận chịu trách nhiệm về kinh phí ăn, ở, đi lại và hoạt động cho đoàn.
Điều 6. Hai bên tích cực hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về giáo dục và đào tạo dưới các hình thức sau đây:
- Trao đổi các đoàn nghiên cứu hoa học theo khả năng cho phép;
- Trao đổi các kinh nghiệm và thông tin khoa học cho nhau;
- Trao đổi chuyên gia nghiên cứu khoa học dưới các hình thức thích hợp.
Điều 7. Căn cứ vào thỏa thuận giữa hai Chính phủ, trước tháng 5 hàng năm, phía Căm-pu-chia gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam danh sách học sinh, nghiên cứu sinh và ngành nghề định gửi đào tạo. Hồ sơ lưu học sinh thuộc diện dự tuyển bao gồm:
- 1 bản tóm tắt lý lịch;
- 1 bản sao học bạ;
- 1 bản sao văn bằng;
- 1 giấy chứng nhận sức khỏe;
- 1 bản sao giấy khai sinh.
Phía Việt Nam nghiên cứu đề cương nghiên cứu và thực tập (đối với nghiên cứu sinh, học viên cao học) và trả lời cho phía Căm-pu-chia trước tháng 8 hàng năm. Các hồ sơ trên đều được dịch sang tiếng Việt.
Điều 8. Lưu học sinh Căm-pu-chia sang học tập tại Việt Nam phải có đủ sức khỏe quy định như đối với công dân Việt Nam trong các trường đào tạo. Khi đến Việt Nam, lưu học sinh phải qua kiểm tra sức khỏe. Nếu lưu học sinh có bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội, nữ sinh có thai, phía Việt Nam sẽ trả về nước, nếu có bệnh thông thường được điều trị tại Việt Nam tới 3 tháng, nếu không khỏi cũng trả về nước. Trong các trường hợp này, phí tổn lượt về của lưu học sinh do phía Việt Nam đài thọ. Lưu học sinh sang học các lớp văn hóa, nhạc, họa, nghệ thuật, thể dục thể thao phải đạt yêu cầu các kỳ thi kiểm tra năng khiếu mới được tiếp nhận. Tuổi học bậc đại học dưới 35 tuổi, nghiên cứu sinh, học viên cao học không quá 40 tuổi.
Điều 9. Lưu học sinh căm-pu-chia được tiếp nhận sang học tập tại Việt Nam phải có mặt tại Việt Nam trước ngày 20 tháng 9 hàng năm. Mọi chi phí về đào tạo, tiền vé máy bay lượt về cho lưu học sinh do phía Việt Nam đài thọ. Vé máy bay lượt đến Việt Nam do phía Căm-pu-chia đài thọ.
Việc rút lưu học sinh về nước trước thời hạn ấn định, việc thay đổi ngành nghề, đề tài, nơi học phải được hai bên thỏa thuận qua Đại sứ quán Căm-pu-chia và chỉ giải quyết trong năm học đầu tiên (kể cả việc đổi đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh).
Điều 10. Lưu học sinh sang học tại Việt Nam qua kiểm tra trình độ tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) và trình độ văn hóa phổ thông trung học cơ bản. Học sinh đạt mức quy định sẽ được tuyển vào học thẳng, người chỉ đạt mức trung bình trở xuống phải qua một năm học dự bị tại trường Hữu nghị T80. Sau năm học dự bị tại Việt Nam, người không đạt sẽ trả về nước, người đạt mức quy định về tiếng Việt và văn hóa trong kỳ thi kiểm tra cuối năm sẽ được xếp vào học tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.
Thời gian học chính thức của lưu học sinh ở các trường theo quy định chung như đối với sinh viên Việt Nam. Lưu học sinh chỉ được miễn môn học quân sự, còn phải hoàn thành tất cả các môn học quy định, kể cả môn học ngoại ngữ (Anh, hoặc Pháp, hoặc Nga). Khi tốt nghiệp ra trường được cấp văn bằng kèm theo bản dịch bằng tiếng Anh. Nghiên cứu sinh, học viên cao học được miễn thi tuyển nhưng phải qua kiểm tra trình độ, ai chưa đạt được bổ túc kiến thức 1 năm và được học dự bị tiếng Việt chuẩn bị hoàn thiện đề tài tại trường Hữu nghị T80. Thời gian cho học viên cao học tối đa là 2 năm và học bằng tiếng Việt. Nếu nghiên cứu sinh, học viên cao học hoàn thành chương trình được cấp văn bằng, chứng chỉ.
Điều 11. Lưu học sinh xin thôi học có lý do cá nhân (gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, bệnh tật...), lưu học sinh buộc thôi học do vi phạm quy chế, nội quy, pháp luật, nếu Đại sứ quán Căm-pu-chia có Công hàm rút về nước thì vé lượt về của lưu học sinh do phía Việt Nam đài thọ. Nghiên cứu sinh trong quá trình nghiên cứu ở Việt Nam các đề tài có liên quan đến tài liệu ở Căm-pu-chia thì được về nước lấy tài liệu 1 lần, vé máy bay lượt về Phnôm Pênh và trở lại Việt Nam do phía Việt Nam giải quyết. Lưu học sinh giỏi thi đỗ loại khá, giỏi được thưởng 1 tháng học bổng của năm học đó và được xếp học bậc cao hơn, nếu được nước gửi đồng ý đưa vào chỉ tiêu kế hoạch đào tạo năm tiếp theo.
Điều 12. Tất cả lưu học sinh Căm-pu-chia đến học tập ở Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Phải tôn trọng pháp luật của nước Việt Nam, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về sinh hoạt, đi lại đối với công dân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, tôn trọng phong tục tập quán của Việt Nam góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Căm-pu-chia và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Điều 13. Đối với lưu học sinh Căm-pu-chia học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp Việt Nam học chung với sinh viên Việt Nam thì sinh hoạt học tập đều theo quy định chung của nhà trường Việt Nam, được hưởng các quyền ưu đãi trong hệ thống giáo dục Việt Nam, được bố trí ăn, ở, sinh hoạt trong ký túc xá của nhà trường, không phải trả các chi phí về nhà ở, học tập, ý tế, thư viện văn hóa, thể dục thể thao, được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của bộ môn mà lưu học sinh đang học tập.
Điều 14. Lưu học sinh Căm-pu-chia học tập tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tính theo: “định suất đào tạo” của Chính phủ Việt Nam theo các định mức sau đây:
Sau đại học, đại học, trung sơ học, thực tập sinh và cán bộ cao cấp bao gồm: học bổng, phí đào tạo và các khoản chi trang cấp.
Điều 15. Trong thời gian học tập ở Việt Nam, lưu học sinh bị ốm nếu phải đi bệnh viện điều trị thì được hưởng theo chế độ hiện hành của Việt Nam.
Điều 16. Trong thời gian học tập ở Việt Nam, lưu học sinh được nghỉ hè, tham quan các danh lam thắng cảnh. Nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ về phương tiện đi lại, lưu học sinh tự lo việc ăn uống của mình. Nếu lưu học sinh có yêu cầu về nghỉ hè tại Căm-pu-chia phải có đơn và được Đại sự quán Căm-pu-chia đồng ý. Lưu học sinh tự túc vé đi và về, nhưng phải sang Việt Nam đúng hạn quy định.
Điều 17. Khi thân nhân lưu học sinh đến thăm thì việc bố trí ăn, ở do bản thân lưu học sinh tự lo liệu.
Điều 18. Sau khi đã hoàn thành chương trình học tập, trước khi về nước lưu học sinh được đi tham quan nghỉ ngơi 9 ngày (cả đi lẫn về) nếu không đi được thì được lĩnh tiền tiêu chuẩn 7 ngày. Khi về nước được tặng một bộ giáo trình, nhà trường chịu trách nhiệm giải quyết vé máy bay và 20kg cước ngoài vé.
Điều 19. Nếu lưu học sinh Căm-pu-chia bị chết, nhà trường phối hợp với Đại sứ quán Căm-pu-chia tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tang lễ theo nghi thức của Căm-pu-chia. Di hài sẽ bàn giao cho Đại sứ quán Căm-pu-chia hoặc Tổng Lãnh sự về gia đình cùng các biên bản về hồ sơ bệnh án cũng như tài sản riêng của lưu học sinh. Mọi chi phí do phía Việt Nam đài thọ.
Điều 20. Kinh phí đào tạo học sinh Căm-pu-chia học tập tại Việt Nam nằm trong khoản viện trợ về đào tạo hàng năm của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia, mọi chi phí do các cơ quan được Chính phủ hai nước ủy quyền có trách nhiệm tập hợp đầy đủ để thông báo cho nhau.
Việc thanh toán các chi phí về đào tạo lưu học sinh Căm-pu-chia học tập tại Việt Nam sẽ tiến hành theo thông lệ quốc tế.
Điều 21. Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ký. Nghị định thư này có thể được sửa đổi và bổ sung nếu một trong hai Bên ký Nghị định thư này có yêu cầu và phải được hai bên thỏa thuận nhất trí. Phía có yêu cầu cần thông báo cho phía bên kia biết trước 3 tháng bằng văn bản.
Làm tại Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2005, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Khmer; cả hai văn bản đều có giá trị như nhau./.
THAY MẶT BỘ
GIÁO DỤC THANH NIÊN |
THAY MẶT BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.