THỎA THUẬN HỢP TÁC
GIỮA LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ ĐOÀN LUẬT SƯ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
Nhằm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào, góp phần thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt, tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam và Lào;
Với mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực hành nghề luật sự và quản lý hoạt động luật sư giữa Việt Nam và Lào, nhằm góp phần nâng cao năng lực hành nghề luật sư và hoạt động tự quản của các tổ chức luật sư của mỗi nước;
Tin tưởng sự hợp tác trong lĩnh vực hành nghề luật sư và quản lý luật sư giữa tổ chức luật sư của hai nước sẽ tạo ra những tiền đề và động lực quan trọng để tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương trong những lĩnh vực quan trọng mà giới luật sư hai nước cùng quan tâm;
Liên đoàn Luật sư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là “Liên đoàn Luật sư Việt Nam”) và Đoàn Luật sư nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi là “Đoàn Luật sư Lào”, gọi chung là “các Bên” và gọi riêng là "Bên") nhất trí ký và thực hiện Thỏa thuận Hợp tác này (sau đây gọi là “Thỏa thuận”) với các nội dung hợp tác cụ thể như sau:
Điều 1
Nguyên tắc hợp tác
Phù hợp với pháp luật và phạm vi thẩm quyền của mỗi Bên, các Bên sẽ hợp tác về quản lý luật sư và hành nghề luật sư trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau theo các quy định của Thỏa thuận này.
Điều 2
Lĩnh vực hợp tác
Các Bên tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực sau đây:
1. Cung cấp cho nhau các thông tin cần thiết về hiện trạng, thực tiễn và phương hướng phát triển đội ngũ luật sư của mỗi Bên;
2. Trao đổi kinh nghiệm về thi hành pháp luật và thực tiễn hành nghề luật sư, về hoạt động quản lý của Liên đoàn luật sư, Đoàn luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, về kỹ năng bào chữa, đại diện trước tòa án và tư vấn pháp luật của luật sư;
3. Trao đổi kinh nghiệm về việc tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thực thi pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến luật sư;
4. Hỗ trợ các nội dung hợp tác khác phù hợp với các mục tiêu và định hướng hợp tác mà hai Bên cùng quan tâm.
Điều 3
Hình thức hợp tác
1. Trao đổi thông tin qua đường thư điện tử hoặc gửi văn bản, tài liệu về nội dung nêu tại Khoản 1 Điều 2 trên đây khi mỗi Bên có nhu cầu;
2. Trao đổi các đoàn nghiên cứu, khảo sát và học tập kinh nghiệm về những nội dung cụ thể mà các Bên cùng quan tâm;
3. Phối hợp tổ chức hoặc tham gia hội thảo, tọa đàm do mỗi Bên tổ chức về những chuyên đề mà các Bên cùng quan tâm;
4. Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu hoặc hỗ trợ lẫn nhau trong việc bồi dưỡng về kỹ năng hành nghề luật sư nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức hành nghề luật sư và vai trò của luật sư trong Nhà nước và xã hội;
5. Chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác kỹ thuật trong xây dựng tài liệu tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho luật sư;
6. Trao đổi, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật theo yêu cầu và phù hợp với pháp luật của các Bên;
7. Các hình thức hợp tác khác mà hai Bên cùng quan tâm.
Điều 4
Kinh phí hoạt động
Mọi hoạt động hợp tác trong Thỏa thuận này sẽ được thực hiện theo khả năng kinh phí đáp ứng của mỗi Bên và được ghi rõ trong kế hoạch hàng năm do các Bên thoả thuận bằng văn bản. Nguồn kinh phí cho các hoạt động hợp tác có thể được huy động từ bên thứ ba.
Điều 5
Thực hiện Thỏa thuận
1. Đầu mối liên hệ của các Bên:
- Liên đoàn luật sư Việt Nam: Ủy ban Hợp tác quốc tế;
- Đoàn Luật sư Lào: Ủy ban Hợp tác quốc tế.
Các cơ quan đầu mối giúp lãnh đạo của mỗi Bên trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình hợp tác hàng năm giữa các Bên, tăng cường trao đổi, tìm kiếm giải pháp nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác.
2. Trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác, chậm nhất trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, các Bên thông qua trao đổi bằng văn bản hoặc gặp gỡ trực tiếp thảo luận và thống nhất Kế hoạch hoạt động hợp tác cụ thể cho năm tiếp theo phù hợp với Thỏa thuận này.
3. Các Bên sẽ tiến hành đánh giá các hoạt động hợp tác đã thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận này.
Điều 6
Sửa đổi, bổ sung
Thỏa thuận này có thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở thống nhất bằng văn bản giữa các Bên. Các nội dung mà các Bên đã thống nhất sửa đổi, bổ sung được coi là một bộ phận hợp thành của Thỏa thuận này.
Điều 7
Điều khoản cuối cùng
1. Thỏa thuận này có hiệu lực trong thời hạn ba (03) năm kể từ ngày ký và được mặc nhiên gia hạn mỗi lần ba (03) năm cho đến khi một trong các Bên quyết định chấm dứt theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Mỗi Bên có thể chấm dứt Thỏa thuận này vào bất kỳ lúc nào bằng cách thông báo bằng văn bản cho Bên kia về quyết định chấm dứt của mình. Việc chấm dứt sẽ có hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ ngày Bên kia nhận được thông báo chấm dứt.
3. Việc chấm dứt Thỏa thuận này không ảnh hưởng đến việc hoàn thành các hoạt động đang được tiến hành, theo các nội dung cụ thể trong hoạt động đó, được quy định tại Thỏa thuận này.
Làm tại Quảng Bình, ngày 07 tháng 09 năm 2012, thành hai (02) bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Lào và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
TM.
LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ |
TM.
ĐOÀN LUẬT SƯ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.