Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ Cộng hòa Argentina, sau đây gọi là các Bên ký kết,
Với mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước,
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của các nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia,
Nhận thấy rằng việc khuyến khích và bảo hộ những đầu tư trên cơ sở của một hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy sáng kiến kinh doanh cá nhân và làm tăng thêm sự thịnh vượng của cả hai nước,
Đã thỏa thuận như sau:
Với mục đích của Hiệp định này:
(1) Khái niệm "đầu tư" phù hợp với các luật và các quy định của Bên ký kết mà đầu tư được thực hiện trên lãnh thổ Bên ký kết đó, có nghĩa là tất cả các dạng tài sản mà nhà đầu tư của một Bên ký kết đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, phù hợp với các luật của Bên ký kết đó. Đầu tư đó bao gồm, cụ thể nhưng không chỉ là:
(a) động sản, bất động sản và các quyền sở hữu khác như cầm cố, thế chấp hoặc thế nợ;
(b) cổ phiếu, chứng khoán và bất kỳ dạng đóng góp nào khác ở các công ty;
(c ) quyền đối với các khoản tiền và quyền đối với các hoạt động có giá trị kinh tế; các khoản vay chỉ được coi là đầu tư nếu các khoản vay đó liên quan trực tiếp đến một đầu tư cụ thể;
(d) các quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể bao gồm quyền tác giả, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu thương mại, tên thương mại, qui trình kỹ thuật, bí quyết kỹ thuật và uy tín kinh doanh;
(e) sự tô nhượng kinh doanh theo luật hoặc theo hợp đồng, bao gồm tô nhượng về thăm dò, nuôi trồng, tinh chế hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Hiệp định này được áp dụng đối với tất cả các đầu tư, bất kể đầu tư đó được thực hiện trước hay sau ngày Hiệp định này có hiệu lực, nhưng các điều khoản của Hiệp định này không được áp dụng đối với bất kỳ tranh chấp, khiếu nại hoặc bất đồng xuất hiện trước khi Hiệp định này có hiệu lực.
(2) Khái niệm "nhà đầu tư" có nghĩa là:
(a) Bất kỳ thể nhân nào là công dân một Bên ký kết phù hợp với pháp luật Bên ký kết đó;
(b) Bất kỳ pháp nhân nào được thành lập phù hợp với pháp luật của một Bên ký kết và có trụ sở tại lãnh thổ Bên ký kết đó.
(3) Những quy định của Hiệp định này không áp dụng đối với đầu tư của những thể nhân là công dân một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia nếu những thể nhân đó thường trú trên lãnh thổ Bên ký kết kia, trừ khi đầu tư vào lãnh thổ của Bên ký kết kia được chứng minh là từ nước ngoài.
(4) Khái niệm "thu nhập" có nghĩa là các khoản thu được từ đầu tư như lợi nhuận, cổ tức, lãi, tiền hoa hồng và các thu nhập thường xuyên khác.
(5) Khái niệm "lãnh thổ" có nghĩa là lãnh thổ quốc gia của mỗi Bên ký kết bao gồm cả các vùng tiếp giáp bên ngoài của lãnh hải, mà ở đó Bên ký kết có thể thực hiện quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mỗi Bên ký kết khuyến khích đầu tư của các nhà đầu tư của Bên ký kết kia và công nhận những đầu tư như vậy phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó.
(1) Mỗi Bên ký kết sẽ luôn luôn bảo đảm sự đối xử công bằng va thỏa đáng đối với đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia và sẽ không làm phương hại đến việc quản lý, duy trì, sử dụng, hưởng thụ hoặc thanh lý các đầu tư đó bằng các biện pháp vô căn cứ hoặc không công bằng.
(2) Mỗi Bên ký kết, một khi đã cho phép nhà đầu tư của Bên ký kết kia đầu tư trên lãnh thổ của mình, sẽ bảo đảm sự bảo hộ đầy đủ bằng pháp luật đối với các đầu tư đó và sẽ đối xử với các đầu tư đó không kém thuận lợi hơn đối xử với đầu tư của nhà đầu tư bất kỳ nước thứ ba nào.
(3) Không phụ thuộc vào những quy định của khoản (2) Điều này, đối xử tối huệ quốc sẽ không áp dụng đối với các đặc quyền mà mỗi Bên ký kết áp dụng cho nhà đầu tư của một nước thứ ba là thành viên hay liên minh trong một khu vực tự do thương mại, liên minh thuế quan, thị trường chung hoặc hiệp định khu vực.
(4) Những quy định của Khoản (2) Điều này không được hiểu là trách nhiệm của mỗi Bên ký kết phải áp dụng đối với nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự đối xử thuận lợi, ưu tiên hoặc đặc quyền xuất phát từ một hiệp định quốc tế có liên quan hoàn toàn hoặc chủ yếu về thuế.
(5) Những quy định của Khoản (2) Điều này cũng không được hiểu là cho phép nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự đối xử thuận lợi, ưu tiên hoặc đặc quyền xuất phát từ những hiệp định song phương về ưu đãi tài chính được ký kết giữa Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Italia ngày 10/12/1987, và giữa Cộng hòa Argentina và Vương quốc Tây Ban Nha ngày 3/6/1988.
Điều 4. Tước quyền sở hữu và bồi thường
(1) Mỗi Bên ký kết sẽ không áp dụng biện pháp quốc hữu hóa, tước quyền sở hữu hoặc bất kỳ biện pháp nào có hậu qủa tương tự đối với đầu tư của nhà đầu tư Bên ký kết kia trên lãnh thổ của mình, trừ các biện pháp vì lợi ích công cộng, trên cơ sở không phân biệt đối xử và tuân thủ quy định về thanh toán kịp thời, bồi thường đầy đủ và có hiệu qủa. Sự bồi thường đó phải tính theo giá thị trường của đầu tư tại thời điểm quyết định về tước quyền sở hữu được công bố công khai, bao gồm lãi tính từ ngày tước quyền sở hữu theo lãi suất thương mại thông thường, được thanh toán không chậm trễ, có hiệu qủa thực tế và tự do chuyển đổi.
(2) Những đầu tư của nhà đầu tư của một Bên ký kết bị thiệt hại trên lãnh thổ của Bên ký kết kia vì lý do chiến tranh hoặc tranh chấp quân sự khác, vì tình trạng khẩn cấp của quốc gia, bạo động, nổi loạn, sẽ được bồi hoàn, bồi thường hoặc hưởng các biện pháp giải quyết khác không kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào.
(1) Mỗi Bên ký kết cho phép nhà đầu tư của bên ký kết kia chuyển không hạn chế các khoản đầu tư và thu nhập, cụ thể bao gồm, nhưng không chỉ là:
(a) Vốn và các khoản bổ sung cần thiết cho việc duy trì và phát triển các khoản đầu tư;
(b) Các khoản thu nhập, lợi nhuận, lãi, cổ tức và những thu nhập thường xuyên khác;
(c ) Khoản để trả tiền vay như quy định tại Điều 1, đoanh (1), (c);
(d) Tiền bản quyền hoặc các loại phí;
(e) Thu nhập từ tiền bán toàn bộ hoặc một phần hoặc thanh lý đầu tư;
(f) Các khoản tiền đền bù theo quy định tại Điều 4;
(g) Thu nhập của các công dân của một Bên ký kết được phép làm việc liên quan đến đầu tư tại lãnh thổ của Bên ký kết kia.
(2) Việc chuyển tiền phải được thực hiện không chậm trễ bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, theo tỷ giá chuyển đổi thông thường tại ngày chuyển tiền, phù hợp với quy định của Bên ký kết mà tại lãnh thổ nước đó đầu tư được thực hiện, không làm ảnh hưởng lớn đến các quyền được quy định tại Điều này.
(1) Nếu một Bên ký kết hoặc cơ quan được chỉ định của Bên ký kết đó thanh toán cho nhà đầu tư của họ theo các bảo đảm hoặc hợp đồng bảo hiểm liên quan đến đầu tư, Bên ký kết kia sẽ thừa nhận sự thế quyền của Bên ký kết đó hoặc cơ quan được chỉ định của họ đối với bất kỳ quyền lợi nào của nhà đầu tư. Bên ký kết đó hoặc cơ quan được chỉ định của họ, trong những giới hạn của việc thế quyền, sẽ được thực hiện các quyền giống như các quyền mà nhà đầu tư được hưởng.
(2) Trong trường hợp thế quyền định nghĩa tại Khoản (1) Điều này, nhà đầu tư sẽ không được khiếu nại trừ khi được Bên ký kết hoặc cơ quan được chỉ định của họ ủy quyền.
Điều 7. Áp dụng các quy định khác
Nếu quy định của luật pháp của mỗi Bên ký kết hoặc nghĩa vụ đối với pháp luật quốc tế hiện hành hoặc được công bố sau này giữa các Bên ký kết bổ sung cho Hiệp định này, hoặc nếu thỏa ước nào giữa nhà đầu tư của một Bên ký kết và Bên ký kết kia có những quy định, dù là chung hay cụ thể, cho phép đối xử ưu đãi hơn các quy định của Hiệp định này, thì những thuận lợi hơn của các quy định sẽ được áp dụng thay cho Hiệp định này.
Điều 8. Giải quyết tranh chấp giữa các Bên ký kết
(1) Tranh chấp giữa các Bên ký kết liên quan đến giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này cần được giải quyết, nếu có thể, thông qua con đường ngoại giao.
(2) Nếu tranh chấp giữa các Bên ký kết không được giải quyết trong vòng sáu tháng kể từ khi bắt đầu đàm phán, thì tranh chấp đó sẽ được trình lên một Tòa án trọng tài theo yêu cầu của bất kỳ Bên ký kết nào.
(3) Một Tòa án trong tài như vậy sẽ được thành lập cho từng trường hợp riêng theo các bước sau: Trong vòng hai tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu tổ chức Tòa án trọng tài, mỗi Bên ký kết sẽ cử một thành viên cho Tòa án. Hai thành viên đó sẽ chọn một công dân của nước thứ ba được sự đồng ý của các Bên ký kết sẽ được chỉ định làm Chủ tịch Tòa án. Chủ tịch Tòa án phải được chỉ định trong vòng hai tháng kể từ ngày chỉ định hai thành viên kia.
(4) Nếu trong thời hạn ghi tại khoản (3) Điều này mà không thực hiện được sự chỉ định cần thiết các thành viên Tòa án thì mỗi Bên ký kết không cần sự đồng ý của Bên ký kết kia, sẽ yêu cầu Chủ tịch Tòa án quốc tế thực hiện sự chỉ định cần thiết. Nếu Chủ tịch là công dân của một Bên ký kết hoặc vì một lý do nào khác không thể thực hiện việc chỉ định cần thiết thì Phó Chủ tịch sẽ thực hiện các chỉ định cần thiết. Nếu Phó Chủ tịch là công dân của một Bên ký kết hoặc cũng vì một lý do nào đó không thể thực hiện đực sự chỉ định cần thiết thì thành viên của Tòa án quốc tế, theo thứ bậc từ trên xuống, mà không phải là công dân của một Bên ký kết, sẽ thực hiện sự chỉ định cần thiết.
(5) Tòa án trọng tài sẽ quyết định theo đa số phiếu. Quyết định đó sẽ là bắt buộc đối với các Bên ký kết. Mỗi Bên ký kết chịu các chi phí cho thành viên của mình tại Tòa án và cho các đại diện của mình trong thời gian xét xử; chi phí cho Chủ tịch và các chi phí khác sẽ được chia đều cho các bên ký kết. Tuy nhiên, trong quyết định của mình Tòa án cũng có thể chỉ ra rằng phần chi phí cao hơn sẽ do một trong hai Bên ký kết chịu và phán quyết này sẽ là bắt buộc đối với các Bên ký kết. Tòa án sẽ quy định các thủ tục của mình.
Điều 9. Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và bên ký kết
(1) Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh trong phạm vi các điều khoản của Hiệp định này liên quan đến đầu tư của nhà đầu tư một Bên ký kết và Bên ký kết kia, nếu có thể, được giải quyết thông qua hòa giải.
(2) Nếu tranh chấp không được giải quyết trong vòng sáu tháng kể từ ngày tranh chấp được nêu lên bởi một Bên, thì theo yêu cầu của nhà đầu tư, tranh chấp được trình lên:
- hoặc một Tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết mà trên lãnh thổ đó đầu tư được thực hiện;
- hoặc là một Tòa án trọng tài thành lập cho từng trường hợp theo quy định của Trọng tài của Uỷ ban Liên hiệp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL).
Không phụ thuộc vào việc nhà đầu tư đệ trình tranh chấp lên Tòa án có thẩm quyền của bên ký kết mà ở đó đầu tư được thực hiện hay lên trọng tài quốc tế thì sự lựa chọn đó là cuối cùng.
(3) Tòa án trọng tài sẽ giải quyết dựa theo các điều khoản của Hiệp định này, theo luật pháp của Bên ký kết liên quan đến tranh chấp, bao gồm những quy định trong trường hợp mâu thuẫn của luật, những quy định của bất kỳ điều ước cụ thể nào liên quan đến đầu tư và các nguyên tắc thích ứng của luật quốc tế.
(4) Quyết định trọng tài sẽ là cuối cùng và bắt buộc đối với các Bên tranh chấp. Mỗi Bên ký kết sẽ thực hiện quyết định trọng tài phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó.
Thời điểm có hiệu lực, thời hạn và chấm dứt
(1) Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai kể từ ngày các Bên ký kết thông báo cho nhau bằng văn bản rằng các yêu cầu của pháp luật để Hiệp định này có hiệu lực đã được thỏa mãn. Hiệp định sẽ có hiệu lực trong 10 năm. Sau đó Hiệp định sẽ tiếp tục có hiệu lực mười hai tháng kể từ ngày mà một Bên ký kết thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia về quyết định chấm dứt Hiệp định này.
(2) Đối với đầu tư được thực hiện trước ngày thông báo chấm dứt Hiệp định này có hiệu lực thì các quy định của các Điều từ 1 đến 9 sẽ tiếp tục có hiệu lực thêm mười năm nữa kể từ ngày đó.
Làm tại Hà Nội ngày 3 tháng 6 năm 1996, thành hai bản, bằng tiếng Việt Nam, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, các bản có giá trị ngang nhau. Trường hợp có sự khác nhau trong việc giải thích Hiệp định này thì bản tiếng Anh được lấy làm căn cứ.
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ CHXHCN VIỆT NAM |
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ ARGENTINA |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.