BỘ NGOẠI GIAO------- |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/2005/LPQT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2005 |
|
TL. BỘ TRƯỞNG BỘ
NGOẠI GIAO
|
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (dưới đây gọi là “Chính phủ Việt Nam” hiểu rằng Nederlandse Financierings – Maatschappij Voor Ontwikkelingslanden N.V. dưới đây được gọi là ”FMO”) mong muốn tăng cường quan hệ song phương và hợp tác với Chính phủ Việt Nam, dựa trên nền tảng – tương quan với nhiều yếu tố khác - Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hà Lan và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 10/3/1994 (đính kèm tại Phụ lục I) và Hiệp định về Hợp tác Phát triển giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Làn ngày 24/10/2000 (đính kèm tại Phụ lục II).
Chính phủ Việt Nam đánh giá cao mục tiêu của FMO nhằm đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi để thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế và xã hội phù hợp với các mục tiêu của Chính phủ các nước đó, cũng như chính sách về hợp tác quốc tế của Chính phủ Hà Lan.
Chính phủ Việt Nam công nhận Nhà nước Hà Lan là cổ đông kiểm soát nắm giữ năm mươi mốt phần trăm (51%) vốn cổ phần phát hành và đã góp của FMO. Chính phủ Việt Nam cũng ghi nhận, theo một Hiệp định giữa Nhà nước Hà Lan và FMO ký ngày 16/11/1998, Nhà nước Hà Lan bảo lãnh việc chấp hành các nghĩa vụ đầu tư của FMO.
Chính phủ Việt Nam, và Ngân hành Nhà nước Việt Nam nói riêng, mong muốn tạo điều kiện cho FMO thực hiện các mục tiêu hoạt động của mình tại Việt Nam đối với các chủ thể khu vực tư nhân, và nếu phù hợp cũng như trong hợp tác với các tổ chức tài chính đa phương, song phương hoặc các tổ chức tài chính khác; bằng cách cấp cho FMO một Vị thế Chủ nợ Ưu đãi với nội dung như sau:
Điều 1. Chính phủ Việt Nam thừa nhận FMO là một tổ chức tài chính phát triển song phương với mục tiêu khuyến khích và tài trợ cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam và do đó sẽ được đối xử bình đẳng với các tổ chức tài chính song phương tương tự hoạt động tại Việt Nam về việc thực hiện dự án và các nghĩa vụ trả nợ của người vay, và có đầy đủ năng lực và tư cách pháp nhân để, nhưng không hạn chế:
a) Ký kết mọi loại hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam;
b) Kiện hoặc bị kiện tại Tòa án đã thỏa thuận trong các Hiệp định tương ứng.
Điều 2. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho việc cấp visa, giấy phép các loại ủy quyền khác cần thiết để cho phép các nhân viên hay đại lý của FMO sang khảo sát (các dự án) tại Việt Nam vào bất kỳ thời điểm cần thiết nào để tiến hành các hoạt động của FMO phù hợp với Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hà Lan và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 10/3/1994 (Phụ Lục I).
Ngoài ra, trong khuôn khổ các Hiệp định song phương đã ký kết giữa Vương quốc Hà Lan và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan hữu quan của mình sẽ tuân thủ Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hà Lan và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 10/3/1994 (Phụ lục I), đặc biệt là, nhưng không hạn chế, liên quan đến việc Tự do chuyển nhượng (Điều 4) và trưng dụng và bồi thường (Điều 5) của Hiệp định này. Trong trường hợp Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư hai chiều này chấm dứt tồn tại, trở nên hết hiệu lực, và/hoặc không được gia hạn, việc áp dụng Hiệp định trên đối với các hoạt động của FMO tại Việt Nam cũng sẽ chấm dứt, trừ trường hợp Chính phủ Việt Nam và FMO có thỏa thuận khác.
Điều 3. Các khoản tài trợ được cấp trong khuôn khổ Biên Bản ghi nhớ này nhằm tài trợ các dự án đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Các khoản tài trợ này thỏa mãn các điều kiện tài trợ của FMO và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và các quy định của Biên Bản ghi nhớ này. FMO sẽ thông báo đều đặn cho Ngân hàng NN về các dự án được tài trợ đó.
Điều 4. FMO sẽ xem xét khả năng được tài trợ của các dự án liên quan và sẽ có quyết định cuối cùng ở cấp cao nhất. FMO sẽ gửi cho NHNN bản sao các hợp đồng tài trợ sau khi ký.
Điều 5. Các hoạt động tài trợ của FMO sẽ được thực hiện dưới các hình thức góp vốn, tài trợ gần như vốn, cho vay, bảo lãnh và tư vấn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư tư nhân. Cụ thể là:
- FMO phát triển các hoạt động khuyến khích và tài trợ cho khu vực tư nhân bằng cách tài trợ cho các dự án tham gia trực tiếp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống của nhân dân;
- FMO tài trợ cho các doanh nghiệp, hoặc thông qua hình thức tham gia góp vốn hoặc gần như vốn, hoặc thông qua các quỹ đầu tư quốc gia và khu vực chuyên đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- FMO cung cấp dịch vụ chuyên gia và hướng dẫn cách làm cho các chủ doanh nghiệp mới thành lập;
- FMO tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hiện đại hóa các doanh nghiệp của nước sở tại hiện đang hoạt động và trợ giúp việc thành lập các doanh nghiệp mới của các nhà đầu tư trong nước;
- FMO sẵn sàng ký thỏa thuận với các tổ chức khuyến khích phát triển các doanh nghiệp trong nước để lựa chọn và thẩm định các dự án.
Ngoài ra, FMO có thể tham gia đồng tài trợ với các nhà tài trợ khác của nước ngoài hoặc của Việt Nam có vốn nhà nước hoặc tư nhân đang được phép hoạt động tại Việt Nam.
Điều 6. Các khoản cho vay của FMO đối với bất kỳ người vay Việt Nam nào sẽ không thuộc bất kỳ thỏa thuận nợ nào tại tổ chức như Câu lạc bộ Paris hoặc Câu lạc bộ London.
Chính phủ Việt Nam công nhận rằng, trừ khi có thỏa thuận bằng văn bản của FMO, các thoả thuận cơ cấu lại nợ quốc gia chính thức sẽ không áp dụng đối với bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của FMO.
Điều 7. FMO sẽ không bị các cơ quan thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối xử như một ngân hàng thương mại hoặc một tổ chức cho vay - phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay, các hoạt động ngân hàng trong nước hoặc bất kỳ quy định nào khác, và sẽ không phải đăng ký như một công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, các hoạt động của FMO tại Việt Nam sẽ phải tuân theo các luật và quy định khác của Việt Nam.
Điều 8. FMO mặc nhiên được phép mua lại phần góp vốn của bất cứ người nào muốn bán và được quyền bán lại phần góp vốn của mình cho bất cứ người nào muốn mua, miễn rằng quyền mua và bán lại này không trái với các quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm mục đích hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam. FMO sẽ thông báo các hoạt động trên cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 9. Việc thực hiện và quản lý các dự án được tài trợ theo Biên Bản ghi nhớ này sẽ thuộc trách nhiệm của người thụ hưởng. Về nguyên tắc, các khoản tài trợ trên không yêu cầu có bảo lãnh tài chính của Chính phủ Việt Nam, trừ trường hợp được yêu cầu và thỏa thuận cụ thể trước.
Điều 10. Các khoản tín dụng của FMO sẽ được cấp bằng đồng Việt Nam, euro hoặc bằng ngoại tệ khác. Thông qua Biên Bản ghi nhớ này, Chính phủ Việt Nam cho phép khách hàng vay của FMO, các đơn vị bảo lãnh tín dụng cũng như mọi ngân hàng trung gian chịu trách nhiệm chuyển vốn được mua ngoại tệ và được phép chuyển ra khỏi Việt Nam các khoản tiền cần thiết để hoàn trả nợ vay gốc, lãi thường, lãi chậm trả và chi phí phụ theo quy chế quản lý ngoại hối và Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 11. FMO được miễn mọi loại thuế trực tiếp hoặc gián tiếp, các khoản phí và lệ phí, khấu trừ hoặc bất kỳ loại thuế nào khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đặt ra đối với các khoản thanh toán phải trả cho FMO như gốc, lãi, cổ tức, phí bảo lãnh, và các loại phí khác, v.v.
Các hoạt động hay dự án của FMO tại Việt Nam phải tuân thủ những quy định theo luật thuế hiện hành của Việt Nam. Tuy nhiên, FMO sẽ được hưởng sự đối xử về thuế không kém thuận lợi hơn so với các hoạt động dự án có bản chất tương tự.
Điều 12. Bản ghi nhớ này sẽ điều chỉnh các hoạt động tài trợ phát triển khu vực tư nhân của FMO tại Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do FMO thực hiện theo sự uỷ quyền của Chính phủ Hà Lan sẽ được điều chỉnh theo Hiệp định về Hợp tác Phát triển giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan ngày 24/10/2000 (đính kèm tại Phụ lục II).
Bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này sẽ được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và FMO thảo luận trên quan điểm giải quyết nhanh chóng và hữu nghị.
Điều 13. Bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký và tiếp tục có hiệu lực trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của một tron hai Bên ký kết về ý định chấm dứt Bản ghi nhớ. Trong trường hợp chấm dứt, các điều khoản của Biên Bản ghi nhớ này áp dụng cho các hoạt động được cam kết trước khi chấm dứt sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực. Nhưng trong mọi trường hợp, không được kéo dài hiệu lực quá 20 năm kể từ ngày chấm dứt Biên Bản ghi nhớ.
Điều 14. Mọi thông báo, yêu cầu hoặc trao đổi thông tin khác, được gửi hoặc cung cấp trong khuôn khổ hoặc tham chiếu theo Bản ghi nhớ này, sẽ được gửi đến các địa chỉ sau:
Đối với Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
49 Lý Thái Tổ
Fax: + 84 4 8250612
Đối với FMO:
Anna van Saksenlaan 71, 2593 HW The Hague, The Netherlands
P.O. Box 93060, 2509 AB The Hague, The Netherlands
Fax: + 31 70 314 9754
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và FMO có thể thay đổi địa chỉ nêu trên thông qua thư thông báo có đăng ký gửi cho bên kia.
Làm tại Hà Nội, ngày 11/5/2005, thành 4 bản: hai bản bằng tiếng Việt và hai bản bằng tiếng Anh đều có giá trị như nhau. Mỗi bên giữ một bản tiếng Việt và một bản tiếng Anh./.
ĐẠI DIỆN CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
ĐẠI
DIỆN NEDERLANDSE FINANCIERINGS – MAATSCHAPPIJ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.