CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 96-CT | Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 1984 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH NĂNG LƯỢNG
Năng lượng giữ vị trí then chốt trong công nghiệp, nông nghiệp và đời sống xã hội. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu năng lượng ngày càng tăng. Năm 1980 toàn thế giới đã tiêu thụ tất cả 11 tỷ tấn quy chuẩn, tính bình quân 2,5 tấn cho đầu người. Các nước đang phát triển tiêu thụ bình quân từ 0,8 đến 0,9 tấn/người.
Năm 1982 ta tiêu thụ khoảng 9 triệu tấn than quy chuẩn (không kể năng lượng phi thương mại), tính bình quân khoảng 170 kg/người. Như vậy nếu so với mức tiêu thụ bình quân trên thế giới thì ta ở mức rất thấp. Nền kinh tế của ta còn nhiều khó khăn nên việc đáp ứng nhu cầu nhiên liệu - năng lượng của ta vẫn rất căng thẳng. Cho đến nay công tác nghiên cứu năng lượng của ta chưa được quan tâm đúng mức. Việc khai thác, sử dụng các dạng nhiên liệu còn rất nhiều khâu bất hợp lý. Ta cũng chưa đề ra được một chiến lược dài hạn về phát triển năng lượng của đất nước và chưa có chính sách phù hợp. Nguyên nhân của tình hình trên là:
- Công tác nghiên cứu chiến lược phát triển năng lượng rất phức tạp. Ta là nước mới thoát khỏi chiến tranh và đang ở thời kỳ quá độ từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thì lại càng khó.
- Ta thiếu tổ chức nghiên cứu năng lượng giúp Nhà nước giải quyết và lập các chương trình phát triển năng lượng dài hạn và ngắn hạn. Trước đây có một số ngành đã thành lập bộ phận nghiên cứu năng lượng, nhưng chỉ để giải quyết một số vấn đề trong phạm vi nhất định nên không làm được cơ sở để lập kế hoạch phát triển năng lượng chung cho cả nước.
Để sớm đề ra chiến lược dài hạn về phát triển năng lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp tiến hành công tác nghiên cứu năng lượng theo các nội dung sau đây:
1. Đánh giá được tình hình khai thác, phân phối, sử dụng nhiên liệu năng lượng của ta trong thời gian qua: ở miền Bắc từ năm 1960 đến nay, ở miền Nam từ năm 1975 đến nay.
2. Dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu - năng lượng cho các ngành, các khu vực, tỉnh, thành (đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) trong thời gian 1986 - 1990, phương hướng 1995 và 2000.
3. Điều tra, thăm dò trữ lượng của các nguồn nhiên liệu năng lượng và khả năng khai thác trong các giai đoạn 1986 - 1990, 1995 và 2000,
4. Phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá, xử lý các số liệu và lập cân bằng nhiên liệu - năng lượng cho cả nước, các ngành và các khu vực chủ yếu.
5. Trên cơ sở phân tích toàn diện khả năng cung cấp nhiên liệu - năng lượng của cả nước và sự hợp tác quốc tế với Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác, căn cứ vào đường lối phát triển kinh tế của Đảng, dự thảo chiến lược và chương trình phát triển dài hạn về năng lượng của cả nước và trên cơ sở đó lập kế hoạch phát triển hàng năm và 5 năm cho cả nước, các ngành và các khu vực chủ yếu.
6. Xây dựng các chính sách về khai thác, phân phối, sử dụng nhiên liệu năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu năng lượng.
7. Xây dựng định mức tiêu thụ nhiên liệu - năng lượng.
8. Tổ chức công tác thanh tra năng lượng.
Trong quá trình nghiên cứu cần tham khảo tình hình khai thác, phân phối và sử dụng nhiên liệu - năng lượng của các nước trên thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước Đông Nam á và hai nước Lào, Campuchia.
Nghiên cứu năng lượng là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, công tác năng lượng phải được kế hoạch hoá và là một bộ phận quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành và các địa phương khi lập kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và hàng năm phải có kế hoạch phát triển nhiên liệu - năng lượng để cân đối chung, đặc biệt các cơ quan có chức năng quản lý tổng hợp, các ngành và địa phương sản xuất hoặc tiêu thụ nhiều năng lượng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện các nhu cầu, khả năng, kể cả các dự báo dài hạn.
Trong năm 1984, phải sớm tổ chức các bộ phận nghiên cứu năng lượng của Nhà nước ở các ngành, Bộ, tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương để có thể bắt tay ngay vào công việc với các nội dung đã nêu trên.
Ban năng lượng của Chính phủ có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, Bộ và các địa phương tiến hành nghiên cứu và xây dựng các chương trình phát triển nhiên liệu - năng lượng. Xem xét các đề án quy hoạch, dự án đầu tư các công trình năng lượng, chuẩn bị các chủ trương, chính sách về năng lượng trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng, kiểm tra đôn đốc các ngành, các địa phương làm công tác năng lượng, tổ chức công tác thanh tra năng lượng.
Trước mắt, trong năm 1984, nội dung cụ thể về nghiên cứu năng lượng là:
A. THỐNG KÊ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT (KHAI THÁC),
PHÂN PHỐI, SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU NĂNG LƯỢNG
1. Thống kê và đánh giá tình hình sản xuất, khai thác, phân phối và sử dụng nhiên liệu năng lượng thời gian qua như than các loại, dầu các loại, điện năng, củi và chất đốt các loại, nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, bã mía, v.v...)
2. Thống kê và đánh giá tình trạng thiết bị khai thác, vận chuyển và sử dụng năng lượng hiện nay. Hiệu suất của các thiết bị sử dụng năng lượng.
3. Tổng kết và xác định định suất tiêu hao nhiên liệu - năng lượng theo đơn vị sản phẩm.
4. Nhận xét về công tác tổ chức khai thác, quản lý, phân phối và sử dụng nhiên liệu năng lượng, các chính sách có liên quan đến nhiên liệu năng lượng.
5. Đánh giá và cân đối giữa cung và cầu trong thời gian qua.
B. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHIÊN LIỆU
NĂNG LƯỢNG 1986 - 1990 VÀ DỰ KIẾN ĐẾN NĂM 1995 - 2000
1. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu năng lượng hàng năm và kế hoạch 1986-1990, phương hướng đến năm 2000 xuất phát từ dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi ngành, mỗi địa phương. Định mức tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng có thể lấy theo số liệu tổng kết được hoặc theo thiết kế của các dây chuyền công nghệ mới, có kể đến biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và điều kiện riêng của mỗi ngành, mỗi địa phương.
2. Dự kiến tiềm năng các tài nguyên nhiên liệu, năng lượng và khả năng khai thác trong giai đoạn 1986 - 1990 và dự kiến đến năm 2000. Lập cân bằng nhiên liệu năng lượng trong kế hoạch 1986 - 1990: Dự kiến các biện pháp đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho các ngành và các địa phương.
3. Dự kiến các công trình sản xuất, chuyển tải (vận chuyển) và sử dụng nhiên liệu năng lượng 1986 - 1990 và các chương trình gối đầu 1991 - 1995.
4. Dự kiến nhu cầu vốn, vật tư, thiết bị chủ yếu cần thiết cho công tác khai thác, phân phối, tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng.
5. Dự kiến các biện pháp tổ chức, khai thác, vận chuyển, phân phối và sử dụng nhiên liệu, năng lượng (điện, than, dầu, gỗ, củi, rơm, rạ...).
6. Sơ bộ đánh giá hiệu quả sử dụng nhiên liệu, năng lượng và các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng.
7. Những kiến nghị cụ thể
Đến hết quý III năm 1984 các ngành, Bộ, các địa phương phải hoàn thành công tác thống kê, đánh giá và dự báo tình hình khai thác, phân phối và tiêu thụ nhiên liệu năng lượng. Đến hết quý II năm 1985 Ban năng lượng Chính phủ phải tổng hợp và dự thảo chương trình phát triển nhiên liệu năng lượng 1986 -1990, dự kiến đến năm 2000 trình Hội đồng Bộ trưởng.
Căn cứ tính chất và yêu cầu công tác năng lượng hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các ngành, Bộ, tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, triển khai ngay công tác nghiên cứu và lập chương trình phát triển năng lượng theo đúng yêu cầu và tiến bộ đã nêu ở trên.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.