THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 2 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ THANH TOÁN BỆNH PHONG VÀO NĂM 2000
Trong những năm qua công tác phòng, chống bệnh phong đã có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, có sự tham gia tích cực của các Bộ, Ngành, các tổ chức xã hội, đặc biệt có sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước; Ngành y tế có nhiều cố gắng trong điều trị và phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân phong. Phần lớn bệnh nhân phong đã được điều trị tại nhà, được sống chung với gia đình và xã hội, số bệnh nhân phong tàn phế, không nơi nương tựa đã được thu dung vào các khu điều trị tập trung. Hàng ngàn bệnh nhân phong đã được chữa khỏi; chỉ tính riêng từ năm 1982 đến tháng 5/1995, 31.685 trong số 40.287 bệnh nhân phong đã được điều trị khỏi; trong số họ có người đã phấn đấu trở thành anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, là giám đốc, kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo... đã và đang lao động cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc.
Tuy nhiên hiện nay nước ta vẫn là một trong 80 nước trên thế giới có tỷ lệ người mắc bệnh phong cao đặc biệt trong những vùng điều kiện kinh tế xã hội còn thấp, số bệnh nhân bị phong bị tàn phế còn nhiều. Tính đến 30/5/1995 ngành y tế hiện đang quản lý và điều trị cho 33.860 bệnh nhân phong, trong đó có tới 15.060 bệnh nhân bị tàn phế, mất khả năng lao động. Người bệnh đang sống trong các khu điều trị phong, làng phong vẫn còn chịu nhiều đau khổ về thể chất cũng như tinh thần. Việc phát hiện bệnh nhân phong cũng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên, miền núi, vùng sâu, vùng xa, có thể có nhiều người mắc bệnh phong mà chưa phát hiện được. Để có thể loại trừ bệnh phong vào năm 2000 như Chính phủ ta đã cam kết ở hội nghị Quốc tế về thanh toán bệnh nhân phong tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4/7-7/7/1994, Thủ tướng Chinh phủ chỉ định:
1/ Công tác thanh toán bệnh nhân phong phải được xã hội hoá. Các cấp chính quyền, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị vũ trang nhân dân, các tổ chức sản xuất, kinh doanh và mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia công tác thanh toán bệnh nhân phong.
2/ Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch thanh toán bệnh nhân phong từ nay cho đến năm 2000 và kế hoạch cụ thể của từng năm để phấn đấu đến năm 2000 bệnh phong sẽ được thanh toán tại địa phương.
3/ Các cơ quan thông tin đại chúng phải thường xuyên tổ chức chuyên mục về bệnh nhân phong để nâng cao trình độ hiểu biết trên cơ sở khoa học về bênh phong, cho toàn dân tránh sự sợ hãi quá đáng hoặc có thái độ xa lánh, kỳ thị đối với bệnh nhân phong, đồng thời giúp người bệnh có thể tự mình phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh phong để đến cơ sở y tế khám và chữa bệnh kịp thời.
4/ Củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên khoa da liễu, đặc biệt là mạng lưới thanh toán bệnh phong từ Trung ương đến địa phương. Các quận, huyện, thị xã phải có y, bác sĩ chuyên trách về công tác thanh toán bệnh phong, tổ chức các đội lưu động để phát hiện sớm bệnh nhân phong tại cộng đồng; các xã, phường phải có cán bộ y tế phụ trách công tác phòng chống các bệnh xã hội trong đó có bệnh phong.
Các cấp chính quyền phải động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở và cán bộ làm công tác thanh toán bệnh nhân phong hoàn thành tốt nhiệm vụ.
5/ Các cơ sở khám bệnh có trách nhiệm tiếp nhận và điều trị miễn phí cho bệnh nhân phong khi họ mắc các bệnh khác, không được từ chối bất kỳ một trường hợp nào và phải đối xử với bệnh nhân phong như với các bệnh nhân khác.
6/ Trong năm 1996 các khu điều trị phong phải được nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị để bảo đảm chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân phong.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm giám sát và quy hoạch lại các khu điều trị phong.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cùng với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chinh phủ quyết định ngân sách hàng năm chi cho các khu điều trị phong.
7/ Tại các tỉnh có khu điều trị phong và làng phong, Uỷ ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm giúp đỡ để đáp ứng các nhu cầu chữa bệnh, nơi ăn ở của bệnh nhân, các phương tiện sản xuất, đất đai và vốn để những bệnh nhân còn sức khoẻ có thể lao động sản xuất tự cải thiện, nông cao đời sống vật chất và tinh thần của họ.
8/ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để giúp đỡ những bệnh nhân phong đã khỏi bệnh và những bệnh nhân phong bị tàn tật có việc làm thích hợp; những người tàn tật nặng phải được trợ cấp xã hội.
9/ Từ tháng 2/1996 Nhà nước có chế độ trợ cấp tiền ăn, tiền thuốc cho bệnh nhân phong, chế độ trợ cấp cho con em bệnh nhân phong đang sống ở khu điều trị phong và làng phong, chế độ phụ cấp đặc biệt cho người trực tiếp phục vụ bệnh nhân phong.
Bộ Y tế bàn bạc thống nhất với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chinh phủ quyết định các mức trợ cấp trên.
10/ Hàng năm Ngân sách Nhà nước phải dành một tỷ lệ thích hợp để chi cho mục tiêu thanh toán bênh phong, Bộ Tài chính và Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng khoản chi này.
11/ Tranh thủ sự giúp đỡ của các hội từ thiện trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và trích một phần kinh phí của chương trình xoá đói giảm nghèo để hỗ trợ cho số bệnh nhân phong nghèo.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.