THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 753-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1994 |
VỀ VIỆC TIẾP TỤC CHUYỂN NHÀ KHÁCH, NHÀ NGHỈ SANG KINH DOANH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 317-TTG NGÀY 29-6-1993 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 317-TTg ngày 29-6-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nhà khách, nhà nghỉ sang kinh doanh, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể đã có nhiều cố gắng để chuyển nhà khách, nhà nghỉ của mình sang kinh doanh. Nhiều nhà khách, nhà nghỉ sau khi chuyển sang kinh doanh đã phát huy được tác dụng, góp phần đáng kể vào việc khắc phục tình trạng thiếu buồng, gường cho khách trong nước và ngoài nước ở những nơi tập trung như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu mà lâu nay vẫn chưa giải quyết được.
Tuy nhiên vẫn còn Bộ, ngành, đơn vị, đoàn thể chưa thực sự tích cực tạo điều kiện để các cơ sở nhà khách, nhà nghỉ chuyển sang kinh doanh, hoặc sau khi chuyển các cơ sở này sang kinh doanh lại quy định để lại buồng, giường phục vụ nội bộ với tỷ lệ lớn; thậm chí có đơn vị lại chuyển sang hình thức nhà điều dưỡng, làm như vậy vừa không đúng với tính thần Quyết định số 317-TTg, vừa tạo ra những phức tạp, rắc rối trong hạch toán và quản lý của bản thân các đơn vị này.
Nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển nhà khách, nhà nghỉ sang kinh doanh theo đúng Quyết định số 317-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo việc kiểm điểm kết quả chuyển nhà khách, nhà nghỉ sang kinh doanh, để ra biện pháp cụ thể để khẩn trương chuyển các nhà khách, nhà nghỉ thuộc Bộ, ngành, địa phương mình đang quản lý sang kinh doanh theo đúng tinh thần Quyết định số 317-TTg ngày 29-6-1993 của Thủ tướng Chính phủ.
2- Đối với những nhà khách, nhà nghỉ đã chuyển sang kinh doanh phải làm đầy đủ các thủ tục để thành lập doanh nghiệp theo các quy định hiện hành, có kế hoạch tự cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hiện có, đầu tư chiều sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của kinh doanh du lịch và dịch vụ.
3- Căn cứ điều kiện, đặc điểm của từng vùng, địa phương và khu vực, Bộ Tài chính cùng Tổng cục Du lịch phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế chính sách thích hợp, nhằm thu hẹp, tiến tới xoá bỏ những chênh lệch bất hợp lý trong kinh doanh do điều kiện về vị trí, mặt bằng, khu vực tạo ra để khuyến khích các nhà khách, nhà nghỉ sau khi chuyển sang kinh doanh tự phát huy tiềm năng sẵn có hoặc liên doanh liên kết dưới các hình thức, khai thác một cách có hiệu quả những cơ sở này.
4- Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Y tế và Bộ Tài chính làm việc với các Bộ, ngành xác định rõ Bộ, ngành, đơn vị nào nhất thiết phải có nhà điều dưỡng để cho những người làm công việc nặng nhọc, độc hại nghỉ ngơi điều dưỡng sức khoẻ; số lượng, quy mô của từng nhà điều dưỡng, của từng Bộ, ngành cũng như trên từng địa bàn.
Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành cần thống nhất với Bộ Xây dựng, Tổng cục Du lịch và các địa phương nơi đặt nhà điều dưỡng, về việc quy hoạch thành từng khu vực riêng tách hẳn với khu kinh doanh du lịch, về quy chế quản lý, vừa phục vụ tốt những người nghỉ dưỡng, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị khác.
5- Tổng cục Du lịch chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các ngành, đoàn thể và địa phương khẩn trương chuyển các cơ sở nhà khách, nhà nghỉ sang hoạt động kinh doanh theo hướng nơi nào có đủ điều kiện kinh doanh khách sạn thì làm thủ tục chuyển ngay, nơi có thể kinh doanh khách sạn nhưng chưa đủ điều kiện thì phải có kế hoạch cải tạo, nâng cấp đưa vào kinh doanh, còn những nơi do điều kiện về vị trí, mặt bằng không phù hợp để kinh doanh khách sạn, thì phải tìm hình thức khai thác thích hợp để chuyển ngay sang kinh doanh, không được để kéo dài gây lãng phí, xuống cấp tài sản. Mặt khác, Tổng cục Du lịch phối hợp với các cơ quan để có kế hoạch giúp các cơ sở này đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ khách sạn, du lịch cho cán bộ, công nhân viên đang và sẽ công tác tại nhà nghỉ, nhà khách đó tạo điều kiện cho họ nhanh chóng hoà nhập với hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch.
6- Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định số 317-TTg, phối hợp với các ngành liên quan phát hiện và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp thích hợp để giúp các cơ sở nhà khách, nhà nghỉ chuyển sang kinh doanh nhanh chóng, thuận tiện.
Nhận được Chỉ thị này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch tổ chức chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc và định kỳ báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tổng cục Du lịch để tổng hợp chung.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.