CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74-CT | Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LỆNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đã được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30-11-1989 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-1990. Đây là một văn bản pháp luật quan trọng nhằm củng cố trật tự và kỷ luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Để thực hiện Pháp lệnh được tốt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, các ngành ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp khẩn trương tiến hành những việc dưới đây:
1- Tiến hành rà soát các văn bản Pháp lệnh hiện hành có quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương khẩn trương tiến hành việc soát xét văn bản về xử phạt vi phạm hành chính theo nội dung sau đây:
- Soát xét những văn bản hiện hành quy định về xử phạt hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình để chủ động bãi bỏ hoặc sửa đổi những văn bản quy định do ngành mình, cấp mình ban hành không phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Đối với những văn bản liên ngành hoặc văn bản của Hội đồng Bộ trưởng cần phải huỷ bỏ, bổ sung hay sửa đổi thì phải bàn bạc giữa các ngành hữu quan, nếu có ý kiến khách nhau hoặc thuộc thẩm quyền Hội đồng Bộ trưởng thì phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
- Các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành phải được rà lại, nếu còn phù hợp với Pháp lệnh thì phải đưa ra Hội đồng nhân dân để thông qua.
- Lập danh mục những văn bản có quy định về xử phạt vi phạm hành chính không trái với quy định của Pháp lệnh, báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho tiếp tục thực hiện.
- Các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành trước đây không còn hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1990.
2- Xây dựng các văn bản pháp quy mới để bảo đảm thực hiện Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.
a) Xây dựng các văn bản quy định chi tiết một số vấn đề thuộc nội dung Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.
- Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cùng Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hàng không dân dụng soạn thảo văn bản quy định việc phạt tiền bằng ngoại tệ trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm cùng Bộ Nội vụ và các ngành có thẩm quyền xử phạt soạn thảo văn bản về thủ tục, áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp hành chính khác trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm cùng Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các ngành có thẩm quyền xử phạt phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành về thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
- Bộ Nội vụ có trách nhiệm cùng Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao soạn thảo văn bản về thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm cùng Bộ Tư pháp, Ngân hàng Trung ương soạn thảo văn bản về chế độ quản lý biên lai thu tiền phạt về tiền nộp phạt trình hội đồng Bộ trưởng ban hành.
- Viện Thi đua và khen thưởng Nhà nước có trách nhiệm cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội soạn thảo văn bản về chế độ khen thưởng đối với cơ quan đơn vị có thành tích trong việc đấu tranh chống vi phạm hành chính trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
b) Xây dựng các văn bản quy định hành vi vi phạm hành chính.
Các Bộ, ngành dưới đây có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp soạn thảo văn bản quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức và biện pháp xử phạt hành chính trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
- Bộ Nội vụ soạn thảo văn bản về lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; cùng Bộ Giao thông vận tải soạn thảo văn bản về lĩnh vực an toàn giao thông.
- Bộ Lâm nghiệp soan thảo văn bản về lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.
- Tổng cục Quản lý ruộng đất soạn thảo văn bản về quản lý đất đai.
- Bộ Tài chính soạn thảo văn bản về lĩnh vực tài chính, thuế; cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý tiền tệ.
- Uỷ ban Vật giá Nhà nước soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý giá.
- Bộ Nội thương soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý thị trường.
- Bộ Thuỷ sản soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý nguồn thuỷ sản.
- Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm.
- Bộ Y tế soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý vệ sinh y tế.
- Bộ Thuỷ lợi soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý đê điều và công trình thuỷ lợi.
- Bộ Văn hoá, Bộ Thông tin, Bộ Giáo dục, Tổng cục Bưu điện soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý văn hoá, giáo dục, thông tin, bưu điện.
- Bộ Lao đông - Thương binh và xã hội soạn thảo văn bản về nghĩa vụ lao động công ích của công dân; về an toàn lao động.
- Bộ Quốc phòng soạn thảo văn bản về an ninh quốc phòng.
- Bộ Xây dựng soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý xây dựng và nhà cửa, quản lý công trình đô thị.
- Tổng cục Thống kê soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý kế toán thống kê.
- Bộ Năng lượng soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý điện và than.
- Bộ Kinh tế đối ngoại soạn thảo văn bản về lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu.
Ngoài những lĩnh vực nói trên, các Bộ, ngành khác căn cứ yêu cầu của thực tiễn quản lý Nhà nước, soạn thảo văn bản quy định về hành vi và hình thức xử phạt hành chính thuộc ngành mình quản lý trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét ban hành.
3- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong cán bộ và nhân dân.
Các Bộ, ngành ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các cáp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội có kế hoạch cụ thể phổ biến rộng rãi trong cán bộ, nhân viên các cơ quan Nhà nước, các lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội và trong nhân dân ở từng cơ sở phường, xã về Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản có quy định về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành cùng với Pháp lệnh, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng Pháp luật, động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân trong việc đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính; đồng thời thực hiện tốt vai trò giám sát đối với việc thực hiện Pháp lệnh của các cơ quan Nhà nước.
- Bộ Thông tin có kế hoạch in ấn các tài liệu cần thiết phục vụ cho việc phổ biến Pháp lệnh một cách rộng rãi; các phương tiện thông tin đại chúng (các báo, đài phát thanh, đài truyền hình ở Trung ương và địa phương) cần có chương trình phổ biến toàn văn Pháp lệnh và các tài liệu tìm hiểu, giải thích về nội dung pháp lệnh.
- Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch tổ chức việc học tập, tìm hiểu Pháp lệnh, đồng thời phải liên hệ kiểm điểm đánh giá tình hình về tôn trọng pháp luật và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xử phạt hành chính nhằm giúp cho cán bộ, nhân viên hiểu và nắm vững thực tiễn áp dụng pháp luật, có biện pháp thực tế khắc phục tình trạng lộn xộn và buông lỏng pháp luật.
4- Củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Trọng tài kinh tế Nhà nước và những cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức tập huấn về Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản có quy định về xử phạt vi phạm hành chính, những văn bản có liên quan trực tiếp đến xử phạt vi phạm hành chính phù hợp với Pháp lệnh cho cán bộ của ngành, địa phương có thẩm quyền xử phạt. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được Pháp lệnh quy định phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để kiên quyết chấm dứt tình trạng xử phạt tuỳ tiện, sai thẩm quyền; đồng thời làm cho cán bộ, nhân viên Nhà nước nắm vững và thi hành đúng Pháp lệnh, phát hiện vi phạm hành chính kịp thời, xử lý công minh, đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng pháp luật.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành để kiện toàn các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan này thi hành tốt Pháp lệnh.
Các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình cần khẩn trương thực hiện toàn bộ nội dung các công việc trên đây và đến tháng 6 năm 1990 phải hoàn thành.
Trong quá trình tiến hành các công việc này, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương phải định kỳ báo cáo kết quả về Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kết quả thi hành Chỉ thị này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.