ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/CT-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 12 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT KINH DOANH KHU VỰC KINH TẾ HỢP TÁC XÃ, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, VẬN TẢI, XÂY DỰNG, NÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Trong mấy năm qua, khu vực kinh tế hợp tác ở thành phố hoạt động dưới hình thức phổ biến là hợp tác xã đã có một thời kỳ phát triển mạnh.
Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển khu vực kinh tế hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp tác xã) trong những năm trước đây có những mặt chưa phù hợp với quy luật khách quan và điều kiện thực tế ở thành phố.
Hầu hết các hợp tác xã được xây dựng trên quan điểm mang nặng tính chất cải tạo quan hệ sản xuất cũ đối với kinh tế cá thể, tư nhân, phương pháp hợp tác hóa chủ yếu theo xu hướng tập thể hóa tư liệu sản xuất và sức lao động, cơ cấu sở hữu chưa được xác định, có trường hợp vi phạm các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã.
Hoạt động của hợp tác xã chủ yếu là dựa vào mối quan hệ gia công hoặc đại lý, vệ tinh cho khu vực kinh tế quốc doanh.
Cơ chế ấy đã kìm hãm sự phát triển lực lượng sản xuất, không tạo được động lực kích thích mà ngược lại gây tình trạng thụ động, dựa vào sự bao cấp của Nhà nước. Khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì khu vực kinh tế hợp tác gặp nhiều khó khăn, nhiều hợp tác xã tan rã.
Thực tế đó đã chỉ rõ mô hình tổ chức phương thức hoạt động và cơ chế quản lý các hợp tác xã theo kiểu cũ không còn phù hợp. Song không thể vì vậy mà đi tới phủ định hình thức kinh tế hợp tác.
Trước tình hình đó, căn cứ vào Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và các Nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành quyết định số 116/QĐ-UB ngày 12/4/1990 quy định về tổ chức và hoạt động của các đơn vị kinh tế tập thể, bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định :
- Các đơn vị kinh tế tập thể đã từng bước phát huy tính chủ động trong sản xuất kinh doanh, tự chủ trong quản lý, dần dần thích nghi với môi trường kinh doanh mới và nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh ; một số đơn vị có chuyển biến rõ rệt, phù hợp với yêu cầu của cơ chế quản lý mới.
- Nhiều đơn vị đã chủ động sắp xếp lại sản xuất, thay đổi phương án sản phẩm, phân công lại lao động, mở rộng liên kết liên doanh, khẩn trương tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, tạo vốn và nguồn vật tư, đổi mới công nghệ nhằm duy trì và ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển xuất khẩu và làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước.
- Một số hợp tác xã tự mình nhận thấy không có khả năng tồn tại đã chuyển sang các hình thức tổ chức khác hoặc giải thể.
Tuy nhiên vẫn còn những mặt tồn tại :
- Một số cơ quan ở các ngành các cấp chưa quán triệt sâu sắc chủ trương đổi mới kinh tế hợp tác xã, chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế nhiều thành phần.
- Trình độ quản lý kinh tế tập thể của số đông cán bộ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế quản lý mới, nói chung còn thụ động, chờ đợi.
- Việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế của các ngành, các cấp vẫn còn tình trạng buông lỏng. Các chủ trương, chính sách Nhà nước ban hành chưa đồng bộ, việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chính sách chưa kịp thời, còn lúng túng từ cấp thành phố đến quận huyện trước quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
- Nhiều hợp tác xã đang gặp khó khăn, chưa xác định được phương thức sản xuất, kinh doanh vẫn còn duy trì mô hình hợp tác xã theo cơ chế quản lý cũ.
- Một số hợp tác xã thực tế không còn hoạt động nhưng không chủ động chuyển hướng và có biện pháp củng cố kịp thời, phù hợp để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động.
- Các mô hình hợp tác xã mới chưa được chỉ đạo, tổng kết, rút kinh nghiệm để định hình và nhân rộng ra.
Để khắc phục tình trạng trên, khẩn trương chấn chỉnh tổ chức và quản lý Nhà nước khu vực kinh tế hợp tác xã ; căn cứ vào các nghị định, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1/ Quán triệt hơn nữa chủ trương đổi mới kinh tế hợp tác xã hiện nay và nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác xã trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần :
Hiếp pháp 1992 đã ghi rõ : Kinh tế tập thể do công dân góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức dưới nhiều hình thức trên nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi”. Các cấp các ngành tạo điều kiện để củng cố và phát triển các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
Hiến pháp cũng đã chỉ rõ : “… cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”.
Với vai trò và vị trí đó của kinh tế tập thể, đòi hỏi khu vực kinh tế này phải được củng cố theo các nghị định, chỉ thị, quyết định của Chính phủ đã đề ra. Yêu cầu chính hiện nay là phải đồi mới tổ chức, cơ cấu sở hữu và phương thức hoạt động của các hợp tác xã đang tồn tại, đồng thời phát triển các hình thức kinh tế hợp tác theo mô hình mới làm cho các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho các thành viên và cho xã hội.
Theo yêu cầu đó, các ngành, các cấp cần chú trọng đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với kinh tế hợp tác xã ; coi việc chấn chỉnh, đổi mới hợp tác xã là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thực hiện đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
2/ Đánh giá đúng thực trạng các đơn vị hợp tác xã đang hoạt động :
Giao cho Hội đồng Lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành phố cùng Ủy ban nhân dân các quận huyện và các Sở : Công nghiệp, Giao thông công chánh, Xây dựng, Nông nghiệp và Thương mại dựa trên các nguyên tắc của kinh tế tập thể mà hướng dẫn tiêu chuẩn và phương pháp để các hợp tác xã tự đánh giá mình cho đúng, làm căn cứ cho việc chấn chỉnh và đổi mới thích hợp.
Việc đánh giá phải được xem xét lại từ việc thành lập, đăng ký hoạt động, hình thức tổ chức, triển khai chính sách khuyến khích phát triển đã ban hành và việc xác lập cơ chế quản lý hành chính Nhà nước cho phù hợp.
3/ Chấn chỉnh tổ chức và quản lý các hợp tác xã :
Qua việc đánh giá thực trạng các hợp tác xã đang hoạt động mà chấn chỉnh tổ chức và quản lý các hợp tác xã theo hướng sau đây :
a) Đối với các hợp tác xã đang ổn định đã thích nghi với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả phải được các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã đầu tư phát triển, mở rộng thị trường.
Các hợp tác xã loại này cần thực hiện một số bước như sau :
1- Đăng ký hoạt động theo điều lệ mới (điều lệ mẫu về hợp tác xã sản xuất công nghiệp, xây dựng và vận tải ban hành theo quyết định số 49-HĐBT ngày 22/5/1989 của Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ). Điều lệ hợp tác xã có thể được bổ sung cho phù hợp với thực tế nhưng không được trái với điều lệ mẫu và phải được Ủy ban nhân dân quận huyện công nhận.
2- Triệu tập đại hội xã viên để thông qua kết quả đánh giá, phương hướng đổi mới hợp tác xã và điều lệ sửa đổi.
3- Đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 28-HĐBT ngày 9/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và quyết định số 763/TTg ngày 19/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ (biểu mẫu kèm theo) :
- Các hợp tác xã qui mô lớn, phải được Ủy ban nhân dân quận huyện đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố cấp đăng ký kinh doanh (thay đăng ký kinh doanh cũ).
Trong khi chờ quy định mới của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố tạm thời áp dụng mức vốn pháp định đối với hợp tác xã qui mô lớn không thấp hơn mức vốn pháp định đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn cho các ngành nghề tương ứng được ban hành theo Nghị định 222-HĐBT.
- Đối với các hợp tác xã có mức vốn thấp hơn mức vốn pháp định nói trên thì do Ủy ban nhân dân quận huyện cấp đăng ký kinh doanh.
Việc đăng ký kinh doanh lại, phải hoàn thành vào trước ngày 31/3/1996.
b) Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, cần được hướng dẫn đổi mới tổ chức bằng các hình thức thích hợp để hợp tác xã phát huy tính chủ động trong sản xuất kinh doanh và quyền chủ động trong quản lý nội bộ, nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh mới, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh để phát triển và nâng cao hiệu quả.
c) Đối với các hợp tác xã đang gặp khó khăn, lúng túng về phương hướng sản xuất kinh doanh, quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ, không có khả năng củng cố, không có điều kiện thích nghi với cơ chế mới mà xã viên có yêu cầu thì phải tổ chức đại hội xã viên để họ tự quyết định giải thể hoặc chuyển hình thức sở hữu thích hợp nhưng phải dựa trên cơ sở tự nguyện, phân chia tài sản chung hiện có cũng như các nghĩa vụ khác một cách thỏa đáng và công bằng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mọi xã viên theo luật pháp hiện hành.
4/ Từng bước đổi mới các hợp tác xã đang hoạt động :
Thi hành chỉ thị số 154/CT ngày 15/5/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) và chỉ thị số 84/TTg ngày 3/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ, các hợp tác xã đang hoạt động cần phải được triển khai đổi mới một bước về tổ chức kinh tế hợp tác theo các mô hình mới được Nhà nước cho phép.
Việc lựa chọn mô hình thích hợp phải dựa trên nguyên tắc thực sự tự nguyện và dân chủ của xã viên hợp tác xã, không được biến thành một cấp quản lý hành chính trung gian.
Trong việc đổi mới tổ chức, đối với vốn, tài sản Nhà nước công trợ cho hợp tác xã trước đây (nếu có) thì phải kiểm kê, đánh giá. Tài sản này không được chia cho xã viên mà phải sử dụng vào mục đích chung của hợp tác xã theo các chính sách hiện hành của Nhà nước và các quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân thành phố.
Việc đổi mới tổ chức phải được thực hiện theo các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục thành lập, tách, sáp nhập, giải thể đúng chính sách do Nhà nước ban hành. Việc chỉ đạo hướng dẫn phải tiến hành thận trọng, có trọng điểm, có rút kinh nghiệm để kịp thời uốn nắn những sai lệch, tránh làm ồ ạt, áp đặt.
5/ Thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác mới :
Cùng với việc chấn chỉnh tổ chức và quản lý khu vực kinh tế hợp tác xã đang hoạt động, cần có kế hoạch tuyên truyền vận động các hộ sản xuất, công dân có điều kiện và có nhu cầu để thành lập các hợp tác xã hoặc tổ chức kinh tế hợp tác mới từ thấp đến cao theo đúng quy định hiện hành, nhất là đối với các ngành, nghề được Nhà nước khuyến khích, thu hút nhiều lao động và những người ít vốn, các ngành, nghề mà tổ chức kinh tế hợp tác trước đây hầu như tan rã do cơ chế cũ không phù hợp…
Các tổ chức kinh tế hợp tác mới thành lập được hưởng các chế độ đãi ngộ về thuế và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước.
6/ Thực hiện các chính sách đối với kinh tế hợp tác :
Thi hành quyết định số 763/TTg ngày 19/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với kinh tế hợp tác xã. Hội đồng Lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành phố có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn thực hiện đầy đủ các chính sách mà Chính phủ đã ban hành và một số chính sách đối với hợp tác xã được bổ sung trong quyết định nói trên.
Cần triển khai sớm việc thực hiện các chính sách đối với các hợp tác xã có đủ điều kiện như :
- Được vay vốn từ các quỹ đầu tư và phát triển cũa Nhà nước.
- Được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu hàng hóa do mình sản xuất và nhập khẩu vật tư phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu theo quy định hiện hành của Chính phủ.
- Được tiếp nhận và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước ; các dự án tài trợ của nước ngoài, các tổ chức quốc tế có liên quan đến khu vực kinh tế hợp tác như : tín dụng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoa học và công nghệ, xuất nhập khẩu, đào tạo, thông tin, tiếp cận thị trường…
- Các hợp tác xã có đủ tư cách pháp nhân được vay vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của các ngân hàng thương mại theo các điều kiện vay và trả như áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
- Được Ủy ban nhân dân các cấp xem xét tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, nhà xưởng theo Luật định.
7/ Thành lập Hội đồng Liên minh các hợp tác xã thành phố.
Thực hiện điều lệ Hội đồng Liên minh các hợp tác xã Việt Nam được ban hành theo quyết định số 581/TTg ngày 01/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Hội đồng Lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành phố phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm hoàn thành việc trù bị để tiến tới tổ chức đại hội thành lập Hội đồng Liên minh các hợp tác xã thành phố trước ngày 31/12/1995.
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Liên minh các hợp tác xã thành phố phải theo đúng điều lệ Hội đồng Liên minh các hợp tác xã Việt Nam.
8/ Quản lý ngành đối với khu vực kinh tế hợp tác xã.
Thực hiện Chỉ thị số 154/CT ngày 15/5/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Hội đồng Liên minh các hợp tác xã thành phố (sau khi thành lập) phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan quản lý ngành cần hoạch định mục tiêu, phương hướng phát triển đối với khu vực kinh tế hợp tác thuộc ngành và địa phương trong từng thời kỳ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo ngành kinh tế kỹ thuật xuyên suốt các thành phần kinh tế, kết hợp chặt chẽ việc quản lý ngành và quản lý theo lãnh thổ theo Nghị định 196-HĐBT ngày 11/12/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
9/ Tổ chức thực hiện :
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Hội đồng Lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành phố, Hội đồng Liên minh các hợp tác xã thành phố phố (sau khi thành lập) tổ chức thực hiện chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành, quận, huyện cần báo cáo những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.