CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52-CT | Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 1982 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRONG KẾ HOẠCH 5 NĂM 1981 - 1985
Trong kế hoạch kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, trong cả nước đã có nhiều cố gắng phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ bản sau chiến tranh. Nhà máy xi-măng Hải phòng bị đánh phá hư hỏng nặng đã được khôi phục và tăng thêm công suất; 3 nhà máy xi-măng cỡ lớn với trang bị hiện đại, trên 10 nhà máy gạch cỡ 20 - 30 triệu viên/năm với dây chuyền công nghệ tiên tiến và một số nhà máy bê-tông đúc sẵn công suất khá lớn đã được xây dựng; các cơ sở khai thác đá, cát được bổ sung thiết bị; các xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở miền Nam được phục hồi sản xuất và nâng dần sản lượng; mặt hàng vật liệu xây dựng phong phú hơn trước, lực lượng cán bộ và công nhân kỹ thuật ngành sản xuất vật liệu xây dựng được đào tạo và tăng cường thêm.
Tuy nhiên công nghiệp vật liệu xây dựng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước và của nhân dân. Tốc độ phát triển sản xuất của ngành vật liệu xây dựng còn chậm. Mấy năm gần đây nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng giảm sút: sản lượng 2 nhà máy xi-măng Hải phòng và Hà tiên đạt thấp so với những năm trước, trong khi phải nhập nhiều xi-măng vẫn không đủ cho nhu cầu trong nước, một số nhà máy mới đã hoàn thành xây dựng nhưng do không bảo đảm các điều kiện sản xuất và tổ chức quản lý kém nên không phát huy được công suất; nhiều loại vật liệu vừa ít về số lượng, vừa nghèo nàn về mặt hàng, nhất là những loại vật liệu hoàn thiện, trang trí, vật liệu cách nhiệt, cách âm, vật liệu chịu lửa, đồ điện, đồ nước, tiểu ngũ kim, v. v...; việc quản lý chất lượng và giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ; phương thức cung ứng vật liệu xây dựng còn theo lối bao cấp, qua nhiều khâu trung gian chưa được cải tiến.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, Bộ xây dựng, các Bộ và các địa phương phải ra sức khai thác tiềm năng đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng theo phương hướng sau đây:
1. Về xi-măng: Ưu tiên phát triển xi-măng là vật liệu cơ bản phục vụ công nghiệp hoá xây dựng, đồng thời là vật liệu chủ lực của ngành và là thế mạnh của ta; phải bảo đảm mọi điều kiện sản xuất ổn định và liên tục cho các nhà máy xi-măng để phát huy công suất hiện có; hoàn thành xây lắp hoàn chỉnh và đồng bộ trong và ngoài 2 nhà máy xi-măng Bỉm Sơn và Hoàng Thạch trong năm 1982; hoàn thành toàn bộ nhà máy xi-măng Hà Tiên mở rộng vào cuối năm 1984; đầu tư chiều sâu để nâng dần sản lượng nhà máy xi-măng Hải Phòng đạt công suất thiết kế; củng cố và hoàn chỉnh các xí nghiệp xi-măng nhỏ; ngành sản xuất xi-măng cần đẩy mạnh xuất khẩu xi-măng để tự cân đối và tích luỹ ngoại tệ cho Nhà nước. Song song với phát triển xi-măng, cần chú ý phát triển thêm các loại chất kết dính mác thấp khác như vôi pudôlan, xi-măng xỉ, v.v...
2. Về gạch ngói: Trong những năm trước mắt không khuyến khích phát triển sản xuất gạch nung mà chuyển mạnh sang các vật liệu không nung; sản xuất bằng các loại xỉ than, đá mạt,các chất kết dính vô cơ, kể cả xi-măng, sử dụng các thiết bị đơn giản trong các xí nghiệp vừa và nhỏ, đặt ngay tại nơi tiêu thụ. Phải quản lý chặt chẽ các xí nghiệp gạch ngói quốc doanh và các hợp tác xã gạch ngói chuyên nghiệp, hạn chế các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất gạch nung và nghiêm cấm việc phá ruộng đất nông nghiệp để làm gạch ngói. Về nguyên liệu để sản xuất gạch phải tận dụng các loại đất đồi, đất bãi sông; về chất đốt, phải tận dụng các loại chất đốt sẵn có của địa phương như than qua lửa, than bùn, củi, trấu, cỏ khô ... Đất sét tốt phải dành cho sản xuất ngói và các loại gạch trang trí, gạch mác cao. Cần có biện pháp tích cực để huy động công suất các nhà máy gạch đã xây dựng xong và phải tính toán kỹ việc đầu từ cho các nhà máy gạch xây mới. Phát triển sản xuất các loại đá chẻ, đá đẽo, đá ong, v.v...
3. Về đá vôi, cát, sỏi: Đẩy mạnh khai thác đá, cát, sỏi cả bằng phương pháp thủ công và phương pháp cơ giới; chú trọng đầu tư cho các mỏ đá mới, có trang bị cơ giới cao và quy trình khai thác tiên tiến, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, triệt để tận dụng tài nguyên và giảm bớt cường độ lao động nặng nhọc. Phải có kế hoạch đưa nhanh 2 bộ thiết bị khai thác đá của Ru-ma-ni, với công suất tổng cộng 1 triệu m3/năm vào sử dụng; quy hoạch và quản lý tốt những vùng nguyên liệu đá, đất dành riêng cho sản xuất xi-măng và các mỏ đá quý để sản xuất đá trang trí; đẩy mạnh sản xuất đá hoa xuất khẩu, kể cả bằng hình thức hợp tác với các nước anh em.
4. Đối với các loại vật liệu khác như kính xây dựng, sành sứ vệ sinh, gạch men sứ, gạch lát các loại, granito,các loại tấm lợp, vật liệu cách âm, cách nhiệt và ngăn nước, vật liệu chịu lửa, đồ điện, đồ nước và tiểu ngũ kim... cần có biện pháp tích cực tận dụng công suất các xí nghiệp hiện có, chú ý đầu tư chiều sâu, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đồng thời tích cực chuẩn bị đầu tư xây dựng một số nhà máy mới đã được ký kết để có thể xây dựng sớm khi có điều kiện.
Để bảo đảm phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng theo phương hướng như trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Về bảo đảm điều kiện cho sản xuất
Hàng năm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải cân đối vững chắc các chỉ tiêu về điện, nhiên liệu, vận tải, thiết bị phụ tùng và các vật tư kỹ thuật khác v.v... cho ngành vật liệu xây dựng. Ngành điện phải bảo đảm cân đối điện cho sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt phải cung cấp điện theo ưu tiên loại 1 cho sản xuất xi-măng. Ngành than dành ưu tiên cấn đối than và thuốc nổ cho sản xuất vật liệu. Bộ xây dựng được thống nhất quản lý kế hoạch phân phối số than và thuốc nổ đã được sản xuất dành cho ngành vật liệu xây dựng để thông qua đó quản lý chặt chẽ sản xuất, quản lý chất lượng và nắm sản phẩm cho sản xuất. Ngành cơ khí (kể cả cơ khí quốc phòng) phải chú trọng sản xuất thiết bị và phụ tùng cho ngành vật liệu xây dựng những thứ mà Bộ xây dựng không tự sản xuất được. Ngành giao thông vận tải phải tích cực thực hiện kế hoạch vận tải nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm cho ngành vật liệu, cả bằng đường biển, đường sông và đường sắt. Các địa phương cần phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ sở tổ chức tốt đời sống vật chất và văn hoá cho cán bộ, công nhân trong ngành vật liệu. Ngoài những chỉ tiêu được Nhà nước bảo đảm cung cấp, ngành xây dựng phải thông qua công tác xuất nhập khẩu và việc kết hợp đầu tư của Nhà nước với huy động vốn và vật tư của các địa phương để tự cân đối thêm các điều kiện đẩy mạnh sản xuất.
2. Về quản lý sản xuất. Bộ xây dựng cần có kế hoạch sắp xếp lại và củng các cơ sở quốc doanh, chủ yếu là các xí nghiệp, các xí nghiệp liên hợp khu vực và liên hiệp các xí nghiệp chuyên ngành của Bộ và địa phương. Bộ xây dựng được phép tổ chức công ty xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng, với sự hướng dẫn về nghiệp vụ và thị trường của Bộ Ngoại thương.
3. Về chính sách chế độ. Bộ tài chính và Ngân hàng phối hợp với Bộ xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ quy định nâng tỷ lệ lãi định mức và sử dụng tiền khấu hao để tăng thêm vốn tự có của xí nghiệp, nhằm bảo đảm quyền tự chịu trách nhiệm về tài chính của giám đốc xí nghiệp, tạo điều kiện cho xí nghiệp chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh. Cần nghiên cứu phương thức kết hợp đầu tư của Nhà nước với huy động thêm vốn, vật tư của địa phương phát triển sản xuất vật liệu xây dựng. Bộ xây dựng cần soát xét và điều chỉnh lại các định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá trong sản xuất và trong sử dụng vật liệu cho phù hợp tình hình thực tế. Bộ lao động cần khẩn trương nghiên cứu và trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp lương cho công nhân sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó cần chú ý ưu đãi đối với công nhân sản xuất xi-măng.
4. Về tổ chức cung ứng và tiêu thụ sản phẩm vật liệu. Bộ xây dựng cần nghiên cứu cải tiến phương thức cung ứng vật liệu xây dựng cho phù hợp với các yêu cầu, bớt các khâu trung gian không cần thiết và bỏ chế độ phân phối vật liệu xây dựng theo kiểu bao cấp. Ngành sản xuất vật liệu có nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đủ và kịp thời các chỉ tiêu vật liệu cho các công trình xây dựng và cho các nhu cầu sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu mua nông sản, bản lẻ cho dân đã được ghi trong kế hoạch Nhà nước; ngành vật liệu được bán phần sản lượng vật liệu còn lại, theo phương thức tiêu thụ đã bàn bạc với ngành nội thương, góp phần cân đối ngân sách của Nhà nước.
Ngoài ra, hàng năm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần giao chỉ tiêu gỗ, xi-măng, sắt thép, tấm lợp cho Bộ xây dựng nhằm huy động công suất sẵn có của các nhà máy bê tông đúc sẵn phục vụ kế hoạch xây dựng nhà ở và đẩy mạnh sản xuất nhà lắp ghép hoặc cấu kiện làm nhà đổi lấy nông sản hoặc bán cho dân xây dựng nhà ở.
5. Về công tác khoa học kỹ thuật. Bộ xây dựng phối hợp với tổng cục Địa chất có kế hoạch điều tra cơ bản về tài nguyên và nhu cầu để quy hoạch mạng lưới sản xuất vật liệu xây dựng trong từng thời kỳ, cho từng khu vực và chung cho cả nước; nghiên cứu sự phân công, phân cấp quản lý các mỏ nguyên liệu và nhiên liệu chuyên dùng cho sản xuất vật liệu xây dựng; chỉ đạo các cơ sở tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cải tiến quản lý vào sản xuất và sử dụng, nhằm tiết kiệm nguyên nhiên liệu và năng lượng, chống lãng phí mất mát, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
6. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành vật liệu xây dựng. Ngành xây dựng cần tập trung lực lượng, nhanh chóng hoàn chỉnh dứt điểm và đồng bộ các cơ sở đang xây lắp dở dang; kiên quyết giảm xây dựng các công trình chưa cấp thiết hoặc xây xong cũng không có điều kiện bảo đảm cho sản xuất. Phải tích cực chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị xây dựng cho những công trình có dự kiến sẽ xây dựng tiếp trong những năm sau như nhà máy kính Đáp Cầu, nhà máy gạch chịu lửa Tiệp Khắc, nhà máy phibrô xi-măng Bỉm Sơn, nhà máy xi-măng Bút Sơn, nhà máy gốm sứ Chi Linh, nhà máy gạch Long Bình, các mỏ đá lớn, các nhà máy cơ khí vật liệu v.v...
Riêng đối với công trình xây dựng nhà máy xi-măng Hà Tiên mở rộng, nay đã xây dựng được 60% khối lượng, nhưng vì Nhà nước có khó khăn về vốn và vật tư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép Bộ xây dựng được vay vốn và vật tư xây dựng ngoài kế hoạch với tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để hoàn thành xây dựng vào cuối năm 1984. Ngân hàng Nhà nước giải quyết các thủ tục thuận tiện về vay vốn cho Bộ xây dựng và các địa phương.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu Bộ xây dựng, các Bộ và các địa phương có liên quan, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với nhau và tổ chức thực hiện. Bộ xây dựng có nhiệm vụ tổng hợp tình hình và báo cáo phản ánh lên Chính Phủ.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.