THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 470-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP TÀI CHÍNH CUỐI NĂM 1977
Nhân dịp cuối năm 1977, để chuẩn bị tốt cho năm 1978, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các biện pháp tài chính cuối năm dưới đây.
1. Chỉ đạo việc kiểm tra và nhắc nhở các đơn vị thuộc quyền chấp hành nghiêm chỉnh chế độ chi tiêu của Nhà nước, ngăn chặn tình trạng tranh thủ chi chạy kinh phí cuối năm dưới mọi hình thức như chi ngoài kế hoạch không có lý do chính đáng; mua sắm đồ đạc, tăng dự trữ vật tư, hàng hóa không trên cơ sở nhu cầu thực tế; ứng trước tiền mua hàng; thanh toán khối lượng khống về xây dựng cơ bản, v.v….
Các cơ quan, đơn vị phải nghiêm chỉnh nộp trả lại ngân sách, theo chế độ, các khoản kinh phí và tiền vốn được ngân sách cấp phát cuối năm không sử dụng hết; tuyệt đối không được giữ lại dưới mọi hình thức để sử dụng cho năm sau.
Đối với những việc năm trước, làm không đạt chỉ tiêu mà năm sau phải làm bù theo quyết định của Thường vụ Hội đồng Chính phủ thì phải ghi vào kế hoạch năm 1978.
2. Nghiêm cấm tất cả các ngành, các cấp giữ các loại quỹ riêng để chi tiêu trái phép.
Bất cứ ngành nào, cấp nào, đơn vị nào đến nay còn giữ các quỹ riêng không đúng pháp luật, các khoản tiền và hàng tịch thu, các loại vàng bạc và đá quý, v.v… không kể từ nguồn nào mà có, đều phải:
- Nếu là tiền mặt, thì nộp trực tiếp vào Ngân hàng Nhà nước;
- Nếu là vàng, bạc và đá quý, thì nộp vào Ngân hàng Nhà nước; tính thành tiền nộp ngân sách Nhà nước đối với các khoản vàng bạc đã tịch thu;
- Nếu là hàng hóa đang giữ thì báo cáo cho Ty, Sở tài chính biết để có kế hoạch giao lại cho các ngành kinh doanh nhận và thanh toán tiền cho ngân sách Nhà nước.
Cơ quan, đơn vị nào còn giữ các quỹ riêng hoặc các tài sản nói trên mà không nộp vào ngân sách Nhà nước thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.
3. Chỉ đạo việc kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền chấp hành nghiêm ngặt chế độ thu chi tiền mặt.
Tất cả các xí nghiệp, cửa hàng, công trường, cơ quan hành chính sự nghiệp có thu tiền mặt đều phải nộp hết và kịp thời vào Ngân hàng Nhà nước, chỉ được phép giữ quỹ tiền mặt trong phạm vi mức tối đa do ngân hàng Nhà nước quy định. Tiền mặt cần tới đâu thì rút tại ngân hàng tới đó theo kế hoạch và phải sử dụng tiết kiệm, đúng chế độ, đúng chính sách giá cả của Nhà nước, không tùy thiện cho cá nhân hoặc đơn vị khác vay mượn ngoài chế độ. Tất cả các khoản tạm ứng cho cán bộ để chi tiêu việc công, các khoản tạm ứng cho cá nhân đến cuối năm đều phải thanh quyết toán dứt điểm.
4. Bộ Tài chính cùng các địa phương xác định cụ thể số kết dư ngân sách được giữ lại làm dự trữ cho ngân sách tỉnh, thành, Toàn bộ số vốn còn lại của ngân sách tỉnh, thành tính đến cuối năm 1977 phải được huy động ra sử dụng để cân đối thu chi ngân sách tỉnh, thành phố năm 1978. Đối với những tỉnh, thành có điều kiện cân đối được thu chi ngân sách bằng nguồn thu trong năm 1978, Bộ Tài chính cần bàn bạc với các địa phương để điều động số kết dư của ngân sách tỉnh, thành, còn lại tính đến cuối năm 1977, để phục vụ cho lợi ích chung của nền kinh tế quốc dân.
Vì lợi ích chung của nền kinh tế quốc dân cả nước, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện có kết quả chỉ thị này. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ, tiến hành theo dõi kiểm tra và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.