THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hoá xã hội trong cả nước có nhiều đổi mới; đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cần được biểu dương khen thưởng. Nhưng, những quy định hiện hành về công tác khen thưởng có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình mới. Trong khi chờ Nhà nước hoàn chỉnh Quy chế mới về công tác khen thưởng, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị:
1. Thủ trưởng các ngành, các cấp cần chỉ đạo chặt chẽ công tác thi đua ở các đơn vị thuộc thẩm quyền của mình; định kỳ xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng hoặc báo cáo để cấp trên khen thưởng.
Ngoài những trường hợp đơn vị, cá nhân lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, cần biểu dương, khen thưởng kịp thời, nói chung, hàng năm chỉ tổ chức xét khen thưởng một hoặc hai lần, không tiến hành lẻ tẻ theo yêu cầu của từng đơn vị.
Thực hiện việc cấp trên chủ động xem xét, đánh giá và khen thưởng thành tích cấp dưới, không để các đơn vị tự đánh giá thành tích của mình và yêu cầu cấp trên khen thường như hiện nay, khắc phục tình trạng nơi nào đề nghị nhiều thì được khen nhiều, nơi nào ít đề nghị hoặc không đề nghị thì ít hoặc không được khen thưởng.
2. Đối tượng được xét khen thưởng bao gồm tất cả các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, các lực lượng vũ trang; các hội nghề nghiệp và từ thiện, các đơn vị kinh tế tập thể và doanh nghiệp tư nhân.
Để việc xét khen thưởng được chính xác, thực sự có tác dụng động viên người lao động, cần chú trọng khen thưởng những tập thể nhỏ và cá nhân có thành tích xuất sắc, không đặt vấn đề khen thưởng cả một tổ chức có quy mô lớn, các đối tượng rộng (như tập thể nhân dân và cán bộ một tỉnh, một huyện; tập thể cán bộ, công nhân viên một ngành hoặc các cơ quan lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành trực thuộc Chính phủ).
Chính phủ chỉ xét khen thưởng những tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan Kiểm sát, Toà án, các đoàn thể quần chúng lập được thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác do Chính phủ quản lý; không dùng hình thức bằng khen của Chính phủ để tặng thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thuộc lĩnh vực công tác do các ngành hoặc các đoàn thể nói trên quản lý.
3. Thành tích để xét khen thưởng chủ yếu là hiệu suất lao động, công tác, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao mà các tập thể, cá nhân đã đạt được bằng sự nỗ lực chủ quan của mình hoặc những sáng kiến, phát minh có giá trị, mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội.
Từ nay, Nhà nước không khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 10 năm, 20 năm, 30 năm... ngày thành lập đơn vị. Những đơn vị thực sự có thành tích xuất sắc cần khen thưởng để động viên kịp thời, thì thành tích đến mức nào, khen thưởng mức đó, không tính gộp thành tích đã được Nhà nước khen thưởng trước đây với thành tích mới để đề nghị mức khen thưởng cao hơn.
4. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần đưa công tác khen thưởng vào nền nếp; chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành, địa phương để khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu cho phong trào thi đua của các đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương. Những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu cho toàn quốc, tiêu biểu cho Bộ, ngành, địa phương mới được đề nghị lên Chính phủ hoặc Chủ tịch nước khen thưởng.
5. Cần thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc đánh giá thành tích các đối tượng được đề nghị khen thưởng.
Việc xét khen thưởng các tập thể, cá nhân ở các đơn vị thuộc tỉnh, thành phố quản lý nói chung, không yêu cầu Bộ, ngành ở Trung ương cho ý kiến, chỉ những đơn vị lớn, có sự theo dõi chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương hoặc các cá nhân là Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh, thành phố mới cần có ý kiến của lãnh đạo Bộ, ngành có liên quan.
Việc xét khen thưởng các đơn vị hoặc các cán bộ phụ trách đơn vị do Bộ, ngành Trung ương quản lý thì cần có ý kiến của chính quyền cấp tỉnh, thành phố nơi đơn vị hoạt động nhận xét về việc thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật ở địa phương.
Các Bộ, ngành, địa phương cần căn cứ vào Nghị định số 53-HĐBT ngày 25 tháng 2 năm 1992 và Chỉ thị này để tổ chức thực hiện tốt công tác khen thưởng.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.