CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 430-CT | Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1984 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CÁC NGÀNH PHỤC VỤ CÔNG TÁC CẢI TẠO NÔNG NGHIỆP Ở CÁC TỈNH NAM BỘ
Hiện nay các tỉnh Nam bộ đang tập trung sức đẩy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp nhằm bảo đảm căn bản hoàn thành việc hợp tác hoá nông nghiệp với hình thức tập đoàn sản xuất là chủ yếu vào cuối năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng căn cứ Chỉ thị số 19-CT/TƯ và Thông báo số 44-TB/TƯ ngày 13-7-1984 của Ban Bí thư và theo chức năng, trách nhiệm được phân công, có kế hoạch cụ thể của mình và hướng dẫn ngành mình tích cực phục vụ cho công tác cải tạo nông nghiệp ở Nam bộ. Ngoài công việc thường xuyên của từng ngành phải làm, cần tập trung thực hiện tốt những công tác cấp bách sau đây:
1. Hoàn thành sớm công tác điều tra cơ bản, công tác phân vừng, quy hoạch và hướng dẫn việc làm kế hoạch. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Uỷ ban Khoa học xã hội, Tổng cục Quản lý ruộng đất phải tập trung chỉ đạo hoàn thành sớm công tác điều tra tài nguyên, thiên nhiên, kinh tế, xã hội ở Nam bộ, nhất là đối với đồng bằng sông Cửu Long để có căn cứ bổ sung quy hoạch sản xuất, cải tạo và xây dựng kế hoạch. Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Thuỷ sản, Công nghiệp thực phẩm, Viện Phân vùng quy hoạch trung ương phải tập trung cán bộ của ngành ở trung ương và địa phương rà soát, bổ sung sớm quy hoạch của các huyện và giúp địa phương bố trí lại cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, bố trí lại cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ. .. phù hợp với quy hoạch. Trên cơ sở đó các Bộ và ngành thuộc khối công nghiệp, khối phân phối lưu thông, khối văn hoá, xã hội giúp địa phương và cơ sở hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành và quy hoạch cho cơ sở, trước hết đối với các huyện trọng điểm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan hướng dẫn, giúp đỡ địa phương làm tốt việc xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên và cân đối kế hoạch bằng 4 nguồn khả năng, chú trọng mở rộng liên kết, liên doanh, hợp tác trong sản xuất và xuất khẩu, trước hết là kế hoạch năm 1985 và tạo điều kiện cho các năm 1986 -1990.
2. Ngoài việc bố trí lại cơ cấu mùa vụ, cây, con, ngành nghề phù hợp với điều kiện từng nơi, phải tập trung sức phát huy các công trình thuỷ lợi sẵn có hoàn chỉnh và làm thêm thuỷ lợi nhỏ, vừa, thuỷ lợi nội đồng. Đồng thời có quy hoạch kế hoạch tiếp tục xây dựng thuỷ lợi vừa và lớn cho các năm sau. Tăng thêm sức kéo trâu bò, đồng thời giải quyết tốt vấn đề phụ tùng sửa chữa, cải tiến công tác khoán để phát huy tốt số máy kéo hiện có và sản xuất thêm các loại máy kéo, động lực nhỏ để trang bị cho cơ sở và nghiên cứu nhập thêm máy kéo lớn. Đẩy mạnh phong trào làm phân xanh, phân chuồng, đồng thời bảo đảm kế hoạch cung ứng phân hoá học và thuốc trừ sâu. Củng cố, phát triển các cơ sở chế biến nông sản, hải sản. Xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng như sân phơi, nhà kho, bến bãi, đường sá... củng cố các tổ chức dịch vụ, kỹ thuật phục vụ tốt cho sản xuất ở cơ sở.
3. Làm tốt công tác cải tạo công thương nghiệp, tăng cường quản lý thị trường để nắm chắc nguồn hàng nông sản, thực phẩm và tiền mặt vào tay Nhà nước, bình ổn thị trường, giá cả và phục vụ, thúc đẩy công tác cải tạo nông nghiệp. Đặc biệt phải nhanh chóng mở rộng hệ thống hợp tác mua bán, hợp tác xã tín dụng ra khắp các xã ở nông thôn Nam bộ, thu hút rộng rãi nông dân tham gia vào các loại hợp tác xã này, nhằm thay thế tư thương, loại trừ nạn đầu cơ, nạn cho vay nặng lãi, làm chủ thị trường nông thôn, phục vụ tốt sản xuất của các tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp và đời sống nhân dân ở thôn, xã. Bộ Nội thương, Ngân hàng Nhà nước cần sơ kết rút kinh nghiệm để bổ sung và hoàn chỉnh điều lệ của hai loại hợp tác xã này cho phù hợp với tình hình mới.
4. Nghiên cứu giải quyết kịp thời các vấn đề chính sách, trước mắt tập trung nghiên cứu giải quyết tốt chính sách giá cả, chính sách hợp đồng hai chiều, chính sách đối với hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng và chính sách cải tạo các vườn cây...
5. Các Bộ và ngành có kế hoạch giúp các cấp huyện, tỉnh đào tạo kịp thời và đồng bộ các loại cán bộ quản lý, nghiệp vụ và kỹ thuật cho tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp và cho cấp xã, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các ngành có liên quan phải bảo đảm kinh phí và phương tiện cho công tác đào tạo cán bộ của các ngành và các địa phương.
6. Bộ Nông nghiệp phối hợp với Ban Nông nghiệp trung ương cần kiện toàn tổ chức phụ trách công tác cải tạo và quản lý tập đoàn và hợp tác xã nông nghiệp thuộc ngành mình để đủ sức giúp cấp uỷ, Uỷ ban Nhân dân các cấp và ngành nông nghiệp chỉ đạo công tác cải tạo và quản lý tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp.
Yêu cầu các Bộ, Uỷ ban, Tổng cục nhận được chỉ thị này lập ngay kế hoạch phục vụ vào gửi báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời hàng quý có kiểm điểm, báo cáo kết quả thực hiện.
| Vũ Đình Liệu (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.