THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 43-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 1972 |
CHỈ THỊ
VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN CÁC LOẠI NHỰA VÀ DẦU THẢO MỘC PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn trong việc cung cấp các loại nhựa và dầu thảo mộc cho một số ngành công nghiệp. Khả năng về cây lấy nhựa và dầu của nước ta có nhiều, nhưng nhựa và dầu không đủ dùng và ngày càng giảm dần. Trong năm 1971 số dầu giao cho Trung ương chỉ còn bằng 25% năm 1965 và chỉ đủ bảo đảm được 10% yêu cầu trước mắt của các ngành công nghiệp, số nhựa thông cũng chỉ còn bằng 50% năm 1965…
Sở dĩ có tình hình trên là do việc sản xuất, khai thác, thu hoạch, chế biến nhựa và dầu của ta có nhiều khuyết điểm: việc trồng cây lấy nhựa và dầu cho đến nay không được chú trọng bằng các cây khác; việc quản lý, chăm sóc bảo vệ, khai thác, thu hoạch các loại cây lấy nhựa và lấy hạt có dầu chưa được phân công cho ai phụ trách; việc tổ chức thu mua nhựa và hạt có dầu còn lỏng lẻo qua nhiều khâu không hợp lý, không tận thu được hết và làm cho giá cả tăng lên; việc tổ chức chế biến đạt hiệu suất thấp, phẩm chất kém, giá thành cao, việc phân phối nhựa và dầu thiếu chặt chẽ, chính sách thu mua, giá cả không hợp lý…
Để bảo đảm có đủ nhựa và dầu phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương phải khẩn trương nghiên cứu quy hoạch trồng cây lấy nhựa và dầu với quy mô lớn và phối hợp với các ngành công nghiệp để nghiên cứu quy hoạch công nghiệp chế biến nhựa và dầu phải chú ý phát triển nhanh các loại cây: trầu, sở, lai, dừa, đen, sơn và thông nhựa. Trong khi chưa có quy hoạch chung của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, từng tỉnh phải làm quy hoạch trồng các loại cây thích hợp nhất và quy hoạch công nghiệp chế biến dầu của địa phương.
Trước mắt, phải thực hiện tốt các công việc sau đây:
1. Các địa phương và các ngành Trung ương phải tăng cường quản lý, chăm sóc, bảo vệ và tổ chức khai thác, thu hoạch, chế biến tốt những loại cây lấy nhựa và dầu hiện có để tăng nhanh sản lượng nhựa và dầu, đáp ứng yêu cầu trước mắt của công nghiệp, nhất là cho các ngành chế biến sơn, mực in, xà phòng, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương phải điều tra nắm chắc diện tích các loại cây lấy nhựa và dầu của từng nông trường, lâm trường, từng hợp tác xã và gia đình xã viên, nhất là đối với các loại trầu, sở, lai, dừa, cao su, sơn, thông nhựa để có kế hoạch chăm bón và tổ chức khai thác, thu họach, chế biến thích hợp đối với từng loại cây.
Phải nghiêm cấm việc chặt phá hoặc làm hư hỏng các loại các loại cây nhựa và dầu, kể cả cây trồng và cây rừng.
2. Ủy ban hành chính tỉnh phải tổ chức việc thu mua và chế biến số hạt có dầu của địa phương sản xuất. Riêng các nông trường trồng cao su và lâm trường trồng thông nhựa phải tự tổ chức chế biến số hạt cao su, số nhựa thông và các loại hạt có dầu khác của nông trường, lâm trường. Những nông trường và lâm trường khác có ít hạt có dầu, không tiện tổ chức chế biến, cũng phải tổ chức thu nhặt để bán cho xí nghiệp ép dầu địa phương hoặc cho ngành thương nghiệp.
Việc thu mua hạt có dầu của nhân dân có thể giao cho hợp tác xã mua bán hoặc hợp tác xã nông nghiệp phụ trách, còn việc nhân lai hạt dầu của hợp tác xã nông nghiệp có thể giao cho xí nghiệp ép dầu hoặc ngành thương nghiệp phụ trách, tùy theo tình hình cụ thể, địa phương giải quyết cho hợp lý.
Ủy ban hành chính các tỉnh cần củng cố lại các xí nghiệp ép dầu, tăng cường thêm thiết bị, dụng cụ, kho xưởng, cải tiến quản lý và kỹ thuật để nâng cao hiệu suất ép dầu, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Ủy ban Nông nghiệp Trung ương phải giải quyết nhanh chóng thiết bị ép dầu cho các nông trường trồng cao su để ngay từ năm nay ép được hết số hạt cao su và các loại hạt có dầu khác của nông trường.
Các xí nghiệp ép dầu phải quản lý tốt vệ sinh công nghiệp, những xí nghiệp ép nhiều loại dầu, phải có nhãn hiệu riêng cho mỗi loại dầu.
3. Việc phân phối các loại nhựa và dầu thảo mộc phải theo nguyên tắc thống nhất quản lý phân phối và tập trung phục vụ cho công nghiệp, trước hết là cho ngành sơn, mực in và xà phòng. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải giao chỉ tiêu sản xuất, chỉ tiêu phân phối nhựa và dầu cho các ngành, các địa phương. Dựa theo chỉ tiêu sản xuất và chỉ tiêu phân phối của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương trực tiếp ký hợp đồng với các xí nghiệp ép dầu và nhận dầu phân phối cho các ngành, không qua công ty cấp II. Riêng đối với các loại dầu chế biến sơn do các nông trường chế biến, thì giao thẳng cho Tổng Hóa chất để phân phối cho các xí nghiệp sơn của Trung ương và địa phương.
Các xí nghiệp ép dầu và các địa phương phải bảo đảm thực hiện chỉ tiêu sản xuất, giao nộp nhựa và dầu theo kế hoạch của Nhà nước, không được tùy tiện phân phối riêng.
Các ngành sử dụng nhựa và dầu phải hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí, không được dùng dầu và nhựa vào những việc chưa thật cần thiết. Đối với những loại nhu cầu nào có thể thay thế được nhựa và dầu bằng một thứ khác, thì phải kiên quyết thay thế, để dành nhựa và dầu phục vụ cho các ngành sản xuất chủ yếu.
4. Để khuyến khích việc trồng cây lấy nhựa và hạt dầu, cần phải vận dụng các chính sách đã có như: chính sách đối với hợp tác xã và người trồng cây công nghiệp, chính sách đối với hợp tác xã kinh doanh nghề rừng, chính sách đối với hợp tác xã khai hoang và chính sách định canh, định cư… Ủy ban Nông nghiệp Trung ương phải phối hợp với Bộ Nội thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành ngay từ năm 1972 chính sách thu mua và giá thu mua các loại hạt dầu, giá các loại dầu thảo mộc, nhằm khuyến khích hợp tác xã, nông trường, lâm trường và nhân dân tận thu, chế biến tốt. Riêng đối với giá hạt cao và dầu hạt cao su của các nông trường, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương bàn với Tổng cục Hóa chất để quyết định.
5. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện: các cấp, các ngành có trách nhiệm phải có kế hoạch thực hiện, có cán bộ chuyên lo và tăng cường chỉ đạo việc đẩy mạnh sản xuất, khai thác, chế biến các loại nhựa và dầu thảo mộc.
Ủy ban hành chính các tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện toàn diện chỉ thị này, từ việc tổ chức và chỉ đạo gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đến việc bảo đảm giao nộp dầu cho Trung ương theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Ủy ban Nông nghiệp Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương quy hoạch các vùng trồng cây lấy nhựa và lấy dầu, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho các địa phương, các nông trường và tổ chức việc chế biến dầu hạt cao su của nông trường.
Tổng cục lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo sản xuất, chỉ đạo kỹ thuật đối với các loại cây do lâm trường, hợp tác xã kinh doanh nghề rừng trồng, và tổ chức việc chế biến nhựa, dầu thông của lâm trường.
Bộ Nội thương có trách nhiệm tổ chức việc thu mua hạt có dầu, sơ chế và thống nhất kinh doanh, phân phối các loại dầu.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.