THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 413-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 1976 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐỢT THI ĐUA ĐỂ CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV CỦA ĐẢNG.
Ban bí thư trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 240-CT/TW ngày 6-10-1976, trong đó có nhấn mạnh vấn đề phát động phong trào quần chúng sôi nỗi, rộng khắp thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1976 để thiết thực chào mừng Đại hội; chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch năm 1977; sẵn sàng thực hiện các quyết định của Đại hội, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980).
Hưởng ứng chỉ thị trên, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong cả nước đang sôi động thi đua lập nhiều thành tích để chào mừng Đại hội Đảng. Để bảo đảm cho đợt thi đua này đạt kết quả tốt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Thủ trưởng các ngành ở trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải chuyển mạnh tác phong chỉ đạo, phải dành thời gian đi sát cơ sở, nắm chắc diễn biến của tình hình sản xuất, công tác và nghiên cứu khoa học để có kế hoạch giúp đỡ cơ sở phát huy triệt để những thuận lợi, kịp thời giải quyết những khó khăn, nhất là về vật tư (nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và phụ tùng...) bảo đảm cho đợt thi đua này phát triển liên tục, đem lại hiệu quả cao nhất.
a) Về vật tư: Kiên quyết không để xảy ra tình trạng có vật tư mà sản xuất vẫn bị đình trệ. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Vật tư và các ngành sản xuất phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tìm mọi biện pháp có hiệu lực nhất nhằm bảo đảm nguồn cung ứng vật tư cho cơ sở, và cơ sở phải đưa ngay vật tư đến tận người sản xuất. Phải sửa ngay những thủ tục phiền phức, gây khó khăn cho cơ sở trong việc lĩnh vật tư.
Đối với loại vật tư chắc chắn không thể cung cấp được, thì cơ quan vật tư phải kịp thời thông báo sớm cho cơ sở và khẩn trương phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học để tìm vật tư khác thay thế. Cơ sở phải phát động quần chúng tìm vật tư thay thế để tự lực giải quyết khó khăn về vật tư.
Đồng thời, phát động phong trào quần chúng tiết kiệm vật tư một cách triệt để, thực hiện cấp phát và sử dụng theo định mức có cân, đong, đo, đếm. Thành tích về tiết kiệm vật tư, sử dụng được nhiều loại vật tư thay thế được coi là một trong những thành tích xuất sắc của đợt thi đua này.
Riêng đối với các cơ sở sửa chữa cần hướng phong trào thi đua vào việc phát huy sáng kiến phục hồi phụ tùng xe, máy, dù trước mắt chưa bảo đảm chất lượng bằng phụ tùng mới.
Đi đôi với việc tổ chức tốt việc cung ứng vật tư, phải khẩn trương giải quyết tình trạng tiêu thụ ứ đọng, không được vì thủ tục giấy tờ, giá cả... mà để ứ đọng sản phẩm ở nơi sản xuất và thiếu hàng hóa ở nơi cần tiêu thụ.
b) Về đời sống. Các yêu cầu thiết yếu về đời sống như bữa ăn, đi lại, giữ trẻ, chữa và khám bệnh...cần phải được các ngành có trách nhiệm giải quyết khẩn trương và thuận lợi. Trước hết là tổ chức việc phân phối lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... một cách hợp lý và nhanh chóng đến tận tay người tiêu dùng, không được để kéo dài tình hình hàng ứ đọng ở xí nghiệp, cửa hàng và người tiêu dùng phải chờ đợi không có hàng tiêu dùng, v.v...; chống bệnh quan liêu, giấy tờ, cửa quyền, làm phiền hà cho nhân dân và cán bộ. Vừa qua, thi hành Chỉ thị số 159 –TTg của Thủ Tướng chính phủ, một số địa phương và cơ quan đã có sửa đổi, tuy còn ìt và chậm nhưng đã được nhân dân hoan nghênh. Nay phải có kế hoạch tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và rộng rãi hơn. Những điều gì đã được sửa đổi và thấy hợp lý thì phải quy định thành chế độ. Các ngành trong một địa phương phải cùng chuyển biến đồng bộ thì mới có thể tạo nên lối làm việc tốt, phục vụ tốt nhân dân và công nhân, viên chức.
2. Thủ trưởng các ngành ở trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải có kế hoạch cụ thể tổ chức chỉ đạo đợt thi đua này, phải phối hợp chặt chẽ với các Ban của Đảng và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động phong trào, tạo nên khí thế thi đua mới, với ý thức trách nhiệm và nhiệt tình cao đối với Đảng, đối với Nhà nước và nhân dân. Phải phát động quần chúng khai thác mọi khả năng tiềm tàng, phát huy sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật và nghiệp vụ, cải tiến quản lý, cải tiến lề lối làm việc, cải tiến tổ chức, đem lại hiệu quả thiết thực, phấn đấu đạt 3 điểm cao. Phải chống lối hô hào suông, và mọi biểu hiện của bệnh hình thức, phô trương, dối trá, chỉ phát động mà không có kế hoạch tổ chức phong trào. Phải chống lối thi đua dốc sức, hại người, hại máy, giảm chất lượng sản phẩm.
Trong việc tổ chức thi đua, hết sức coi trọng việc khuyến khích những nhân tố mới của phong trào; hàng ngày, hàng tuần phải chú ý biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, cá nhân và tập thể (từ tổ sản xuất và công tác trở lên). Phải kịp thời xét duyệt, khen thưởng, áp dụng sáng kiến và kinh nghiệm theo đúng chính sách đã ban hành.
Từ trên xuống dưới, phải có kế hoạch thông tin và biểu dương kịp thời thành tích và điển hình tiên tiến. Các ngành ở trung ương, các ngành phải thường xuyên báo cáo về kết quả thi đua, điển hình tiên tiến và sự chỉ đạo thi đua lên Ban bí thư trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ (15 ngày một lần).
Các cơ quan báo chí, thông tấn, phát thanh, truyền hình cần có kế hoạch tuyên truyền, cổ động cho đợt thi đua này.
Đề nghị các Ban của Đảng và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền để tổ chức và chỉ đạo thật tốt đợt thi đua này, qua đó rút ra những kinh nghiệm để tổ chức và chỉ đạo các đợt thi đua tiếp theo nhằm hưởng ứng nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1977.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỞNG
Lê Thanh Nghị |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.