THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/1998/CT-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ
Trong những năm qua, công tác cấp nước tại các đô thị nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, hầu hết các thành phố, thị xã đều đã có dự án đầu tư hệ thống cấp nước bằng nguồn vốn nước ngoài hoặc trong nước, nhờ vậy, tình hình cấp nước tại các đô thị đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, công tác cấp nước tại các đô thị vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch mới đạt khoảng 50%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều đô thị vẫn chưa có quy hoạch tổng thể cấp nước được duyệt hoặc quy hoạch tổng thể cấp nước chưa đạt yêu cầu để làm cơ sở cho việc sử dụng hợp lý các nguồn nước và triển khai các dự án đầu tư; việc triển khai thực hiện dự án đầu tư cấp nước lớn tại nhiều đô thị còn gặp nhiều khó khăn, chậm phát huy tác dụng; cơ chế tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của các công ty câp nước vẫn còn nặng về bao cấp, nên không làm chủ được về tài chính; việc đầu tư cấp nước lại không đồng bộ, mới chỉ chú trọng phần tăng công suất cấp nước, mà chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư phần mạng lưới cho tương xứng; chưa kết hợp có hiệu quả đầu tư cải tạo hệ thống cấp nước hiện có với việc xây dựng mới, hơn nữa khâu quản lý phân phối và bảo quản việc sử dụng nước ở các đô thị chưa tốt, nên tình trạng nước bị thất thoát và thất thu trên các mạng ống phân phối là phổ biến và nghiêm trọng. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát và thất thu nước so với công suất nước phát ra từ các nhà máy nước thường chiếm khoảng 40%-50%, có nơi lên tới trên 60%, đã làm cho tình trạng thiếu nước tại các đô thị, nhất là trong những tháng nóng càng trở nên căng thẳng, gây ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Để khắc phục tình hình nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp nước đô thị theo định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chi thị cho các Bộ, ngành, địa phương các cấp trong thời gian tới tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. Để bảo đảm hiệu quả đầu tư cấp nước tại các đô thị đến năm 2000 và các năm tiếp theo, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và rà soát điều chỉnh, lập quy hoạch tổng thể cấp nước đô thị theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình duyệt theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, xác định danh mục các dự án và lựa chon dự án ưu tiên phù hợp với khả năng huy động các nguồn vốn trong nước và nước ngoài, bảo đảm đầu tư đồng bộ cân đối giữa phần nguồn và mạng phân phối nước.
Đối với các đô thị sử dụng chung nguồn nước, quy hoạch tổng thể cấp nước phải cân đối chung các yêu cầu sử dụng. Trên cơ sở đó, các địa phương có liên quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước theo một sự điều hành thống nhất để bảo đảm việc khai thác, sử dụng hợp lý và an toàn bền vững nguồn nước và hệ thống cấp nước.
Đối với các đô thị ở những vùng khan hiếm nước thì có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước bằng các chính sách ưu tiên đầu tư và biện pháp thích hợp để cố gắng đáp ứng được yêu cầu cấp nước cho các đô thị đó.
Đối với các dự án đầu tư cấp nước đang triển khai, cần rà soát việc cân đối bảo đảm vốn đối ứng để dự án hoàn thành theo tiến độ đã được duyệt, đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao.
Đối với các dự án đầu tư cấp nước đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai do một số khó khăn như: trượt giá, khả năng thu hồi vốn thấp..., cần báo cáo các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tìm biện pháp xử lý.
2. Căn cứ thẩm quyền theo quy định, các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tiến hành rà soát, sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành, tăng cường năng lực cho các công ty cấp nước để công ty này tiến tới có khả năng tự chủ về tài chính và tự trang trải được các chi phí, không những các chi phí bảo dưỡng, vận hành mà còn tạo ra được vốn đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước, tăng thêm công suất cấp nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của các đô thị.
Biện pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu nêu trên là phải xây dựng giá nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng và trả nợ vốn vay, để từ đó xoá bỏ cơ chế quản lý bao cấp, từng bước chuyển hoạt động của các công ty cấp nước sang cơ chế hạch toán lấy thu bù đắp các chi phí vận hành và đầu tư phát triển.
3. Cùng với việc mở rộng đầu tư phát triển hệ thống cấp nước đô thị, các địa phương, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quan tâm chỉ đạo đưa chương trình chống thất thoát, thất thu nước trở thành chương trình trọng tâm trong công tác cấp nước đô thị; các địa phương xây dựng chương trình kế hoạch, biện pháp và phong trào chống thất thoát, thất thu nước cụ thể cho từng năm và dài hạn, kết hợp biện pháp nâng cao năng lực quản lý với việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, bao đảm lắp đặt đồng hồ đo nước cho tất cả các khách hàng, xóa bỏ việc dùng nước theo hình thức khoán để giảm lượng nước thất thoát, thất thu xuống mức không quá 40% đối với hệ thống cấp nước cũ và dưới 30% đối với hệ thống cấp nước mới.
Đối với các đô thị hay từng khu vực trong đô thị đã thực hiện tốt công tác chống thất thoát, thất thu nước và đã có biện pháp duy trì giảm lượng nước thất thoát xuống tối thiểu thì phải được tuyên dương, khen thưởng, động viên kịp thời. Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế sử dụng nước, hợp đồng mua bán nước, đục phá đường ống nước... gây thất thoát, thất thu nước thì phải bị xử lý kịp thời theo đúng pháp luật.
4. Để nâng cao chất lượng dự án đầu tư cấp nước, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn cấp nước phải có biện pháp tăng cường năng lực và trình độ tư vấn để từng bước tiến kịp trình độ các tổ chức tư vấn của các nước trong khu vực và quốc tế.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm việc lập dự án trong thời gian qua, nhất là về nội dung của dự án phải dựa trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng, bảo đảm mục tiêu, chất lượng và mỹ quan công trình, tính toán chính xác các hạng mục đầu tư trên cơ sở sử dụng hợp lý công nghệ và thiết bị thích hợp, bảo đảm giá thành thấp nhất, nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật tiên tiến và bảo đảm tổng mức đầu tư của dự án không phải điều chỉnh khi triển khai thực hiện đầu tư.
5. Về nhiệm vụ cụ thể:
a) Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát điều chỉnh và lập quy hoạch tổng thể cấp nước đô thị, bảo đảm sự đồng bộ giữa nguồn và mạng lưới đường ống phân phối; hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án cấp nước phù hợp với quy hoạch xây dựng các đô thị đã được phê duyệt; phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn các địa phương về nguyên tắc và phương pháp tính giá nước, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng, bảo đảm hoàn trả, thu hồi vốn đầu tư, có tích luỹ để tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cấp nước đô thị, góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng nước lãng phí; phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý nước hiện đại hoặc thích hợp để áp dụng trong điều kiện thực tế của đô thị nước ta.
Chỉ đạo các tổ chức tư vấn cấp nước áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực và hiệu quả tư vấn cấp nước đô thị.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát các dự án đầu tư, đề xuất phương hướng và biện pháp giải quyết vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư cấp nước của các đô thị, trong đó có việc lựa chọn hình thức đầu tư, thẩm định hiệu quả của dự án, cơ cấu nguồn vốn nước ngoài, vốn đối ứng và các nguồn vốn khác, tiến độ triển khai hiệp định ký kết với nước ngoài v.v...; phối hợp với Bộ Xây đựng và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án và đưa vào chương trình gọi vốn ODA để đến năm 2000 các đô thị cấp tỉnh lỵ đều có dự án đầu tư cấp nước, nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu Tư hướng dẫn kịp thời việc sử dụng vốn ODA để có cơ sở lập dự án phù hợp; bảo đảm vốn đối ứng theo hiệp định ký kết với nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tiếp tục cải tiến thủ tục để giải ngân nhanh nguồn vốn ODA, bảo đảm triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ.
d) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá trữ lượng về nguồn nước mặt, nước dưới đất và khả năng khai thác nguồn nước để phục vụ cấp nước cho các đô thị, nhất là các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh v.v..., lập quy hoạch nguồn nước tại các khu vực khan hiếm nước; có kế hoạch và biện pháp bảo vệ nguồn nước bền vững trong quá trình khai thác, ưu tiên đáp ứng yêu cầu phát triển các đô thị.
e) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
- Lập chương trình và quy hoạch cấp nước trong thời gian tới cho các đô thị tại địa phương mình phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khi lập dự án cấp nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm tính cân đối nguồn vốn đối ứng trong nước thì dự án mới được phê duyệt; trường hợp Trung ương phải điều tiết vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước, phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (đối với các dự án nhóm A) hoặc được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thoả thuận (đối với các dự án nhóm B) khi quyết định đầu tư.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ các dự án đã được phê duyệt;
- Nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch và biện pháp cụ thể về chống thất thoát, thất thu nước phù hợp với tình hình của địa phương mình; bảo đảm các chỉ tiêu chống thất thoát, thất thu đăng ký với Bộ Xây Dựng;
- Xây dựng và áp dụng giá nước mới theo giá nước do Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn;
- Củng cố, cải cách, sắp xếp lại các tổ chức, tăng cường năng lực cho công ty cấp nước của địa phương mình để có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ cấp nước được giao;
- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao dân trí trong việc tự giác bảo vệ hệ thống cấp nước, tiết kiệm trong sử dụng nước và tự giác chi trả tiền đối với lượng nước đã sử dụng.
Chăm lo công tác cấp nước ở các đô thị là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và của các Bộ, ngành liên quan, có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải hết sức quan tâm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tổ chức triển khai chỉ thị này.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và định kỳ báo cáo Thủ tướng chính phủ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.