THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/1998/CT-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ KIỂM ĐIỂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT, KHU CÔNG NGHỆ CAO
Nhằm phát triển Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao (sau đây gọi chung và tắt là KCN), theo quy định chung trên phạm vi cả nước, Chính phủ đã có các Nghị định ban hành Quy chế KCN, số 322/HĐBT ngày 18 tháng 10 năm 1991, số 192/CP ngày 28 tháng 12 năm 1994 và số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997.
Qua mấy năm xây dựng và phát triển theo Quy chế KCN của Chính phủ, đến nay chúng ta đã tạo được không khí thuận lợi chung trong các ngành các cấp về nhận thức vai trò phát triển KCN trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta đã hình thành được mạng lưới gồm 60 KCN trong đó có 56 Khu công nghiệp, 3 Khu chế xuất và 1 Khu công nghệ cao phân bổ rộng trên các vùng của đất nước và các KCN đã bắt đầu có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm (năm 1997 và 9 tháng 1998 đóng góp trên 10% giá trị sản lượng công nghiệp và giá trị xuất khẩu của cả nước, thu hút khoảng 10 vạn lao động). KCN góp phần đô thị hóa vùng nông thôn chậm phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng; đào tạo cán bộ quản lý và công nhân lành nghề; bảo vệ môi sinh, môi trường và sử dụng đất có hiệu quả hơn.
Tuy đã thu được kết quả bước đầu, nhưng sự phát triển KCN trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, công tác quản lý còn nhiều vướng mắc, quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ, chính sách đặc thù đối với KCN chưa rõ. Công tác vận động thu hút đầu tư vào KCN còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên có nhiều, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là có vướng mắc trong khung pháp lý hiện hành, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Chính vì vậy, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa X cuối năm 1997 đã thông qua việc xây dựng Luật KCN, nhằm tạo khung pháp lý cao hơn, điều chỉnh tổng thể hơn, ổn định hơn đối với việc phát triển KCN mà trong thẩm quyền của Chính phủ chưa thực hiện được.
Việc soạn thảo Luật KCN trước hết cần dựa vào tổng kết hoạt động thực tiễn của các KCN hiện có. Nhằm thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kiểm điểm thực hiện Quy chế hoạt động KCN của Chính phủ trên một số nội dung sau :
1. Đánh giá chung về hoạt động của KCN trong những năm qua;
2. Công tác quy hoạch phát triển KCN;
3. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng;
4. Việc phát triển các công trình hạ tầng ngoài hàng rào KCN để đồng bộ hóa với các công trình hạ tầng trong hàng rào KCN;
5. Cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động KCN;
6. Việc thực hiện các thủ tục hành chính Nhà nước cấp : Giấy phép đầu tư, quản lý xây dựng, thương mại, tài chính, ngân hàng, lao động, hải quan, công an;
7. Nhận xét và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế KCN;
Các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương có liên quan, trong phạm vi chức năng và quyền hạn được giao có trách nhiệm hoàn thành báo cáo kiểm điểm thực hiện theo các nội dung nêu trên vào cuối tháng 12 năm 1998.
Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp Việt Nam theo dõi, tổng hợp báo cáo kiểm điểm thực hiện của các Bộ, ngành và địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.