THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 352-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO TỒN DI TÍCH LỊCH SỬ CỦA GIAI ĐOẠN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC.
Ngày 26 tháng 6 năm 1969, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 59-TTg/VG yêu cầu các ngành, các cấp có kế hoạch xác định và bảo tồn những di tích điển hình trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc ta, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Từ đó đến nay, một số địa phương đã lựa chọn và ra quyết định bảo vệ những di tích điển hình từng mặt trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở địa phương; một số nơi đã xây dựng được tượng đài, bia tại các di tích chiến thắng hoặc những nơi đã diễn ra tội ác của Mỹ ngụy. Nhiều hiện vật quý của giai đoạn lịch sử chống Mỹ, cứu nước đã và đang được sưu tầm và trưng bày tai các bảo tàng, phòng triển lãm, nhà chứng tích tội ác hoặc nhà truyền thống các cấp. Những việc làm trên đã góp phần tích cực vào việc giáo dục ý chí quyết chiến quyết thắng cho cán bộ, nhân dân ta, vào việc tố cáo mạnh mẽ tội ác của giặc Mỹ trước thế giới, đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân ta.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, công tác này còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều tỉnh chưa có biện pháp tích cực và có hiệu lực để giữ gìn các di tích và hiện vật quý báu gắn liền với giai đoạn lịch sử này. Việc xây dựng đầy đủ hồ sơ khoa học và có hệ thống cho các di tích (hồ sơ, tài liệu, bản vẽ, ảnh, phim..) chưa được quan tâm, thậm chí có tỉnh còn chưa xác định dứt khoát nên giữ lại di tích nào.
Vì vậy, việc nghiên cứu xếp hạng di tích trong cả nước của trung ương bị chậm lại, trong khi đó nhiều di tích và hiện vật có giá trị cao, có sức giáo dục truyền thống và tố cáo tội ác của địch một cách mạnh mẽ đã và đang bị thiên nhiên và con người xóa bỏ dần.
Chúng ta không thể để kéo dài tình trạng này mà phải tích cực sửa chữa càng nhanh càng tốt.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp chính quyền nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác này. Trong khi khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, cần quan tâm đầy đủ hơn nữa đến công tác bảo tồn di tích lịch sử của giai đoạn chống Mỹ, cứu nước. Mặt khác, cần có kế hoạch phát huy lâu dài tác dụng của các di tích đó nhằm giáo dục lòng căm thù địch, nâng cao ý chí cách mạng, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội trong các tầng lớp nhân dân.
Trước mắt, các ngành ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần tiến hành những việc sau đây:
1. Tổ chức nghiên cứu trong cán bộ các ngành, các cấp chỉ thị này cùng với chị thị số 59-TTg/VG và các thông tư hướng dẫn có liên quan, nhằm làm cho cán bộ các ngành, các cấp quán triệt hơn nữa tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích lịch sử của giai đoạn chống Mỹ, cứu nước trong tình hình hiện nay và trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ của mình.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các ngành ở trung ương có quan hệ trực tiếp với công tác bảo tồn di tích nói trên (như văn hóa, quốc phòng, nội vụ, xây dựng cơ bản, thủy lợi, công nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, địa chất, khảo cổ…) cần cử ra một đồng chí có thẩm quyền chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác này. Ở các tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các ngành văn hóa, điều tra tội ác, công an, quân sự, xây dựng, Ủy ban Kế hoạch, tài chính… chọn lọc, xác định, giữ gìn các di tích lịch sử của giai đoạn chống Mỹ, cứu nước tiêu biểu cho địa phương mình. Đồng thời, cần thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu về từng di tích để báo cáo lên Bộ Văn hóa nghiên cứu xếp hạng những di tích có ý nghĩa lịch sử đối với cả nước.
3. Các ngành, các địa phương có di tích được bảo tồn cần dành một số kinh phí thích đáng, bố trí lực lượng lao động, nguyên liệu, vật liệu cần thiết cho việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng lâu dài của các di tích đó trong ngành hoặc địa phương. Nên mời các kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia vào việc xây dựng các kế hoạch tôn tạo và bảo vệ lâu dài các di tích.
Đối với các hiện vật có giá trị của giai đoạn lịch sử chống Mỹ, cứu nước, các ngành, các địa phương cần kịp thời sưu tầm, chọn lọc, lập hồ sơ lý lịch và bảo quản chu đáo để có kế hoạch trưng bày tại các bảo tàng, nhà truyền thống của địa phương hoặc chuyển lên các bảo tàng trung ương gìn giữ, phát huy tác dụng.
4. Từ nay, Bộ Văn hóa, và thông tin có trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra đôn đốc các ngành, các địa phương thi hành các chỉ thị có liên quan đến việc bảo tồn và phát huy tác dụng các di tích lịch sử của giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (các tài liệu, hiện vật trước đây do Ủy ban Điều tra tội ác sưu tầm và quản lý, cần được chuyển sang Bộ Văn hóa và thông tin quản lý).
Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và Bộ Quốc phòng có trách nhiệm cộng tác chặt chẽ với Bộ Văn hóa và thông tin trong công tác này, đặc biệt trong việc nghiên cứu, lựa chọn xếp hạng một số di tích chống Mỹ, cứu nước tiêu biểu cho toàn quốc.
| T.L. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.