ỦY BAN NHÂN DÂN ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2015/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 08 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT LÚA, ĐẤT RỪNG PHÒNG HỘ VÀ ĐẤT RỪNG ĐẶC DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Từ đó đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý sử dụng đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế tác động do biến đổi khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và sự phối hợp của các cơ quan đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng đất vẫn chưa thực sự đồng bộ; một số ít bộ phận đơn vị, người dân nhận thức về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa và phối hợp, quản lý, bảo vệ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vẫn còn hạn chế nên một số nơi vẫn còn tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích, lấn chiếm, sử dụng đất kém hiệu quả, chưa chấp hành nghiêm pháp luật đất đai, bảo vệ và phát triển rừng.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh cũng như ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất, chuyển đổi và sử dụng sai mục đích... Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nghiêm túc thực hiện các nội dung cụ thể sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
a) Chỉ đạo UBND các xã, phường và thị trấn; các ban, ngành cấp huyện:
- Thực hiện rà soát đến từng thửa đất trồng lúa, đất lâm nghiệp do UBND cấp xã và các đơn vị thuộc UBND cấp huyện quản lý để thực hiện đăng ký đất đai theo quy định; tổ chức quản lý, cho thuê quỹ đất công ích đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế bỏ hoang hóa, bị lấn, bị chiếm.
- Hướng dẫn các tổ chức, đơn vị và hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất trên đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được phê duyệt.
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai nói chung và chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng kịp thời ngăn chặn không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất trên trái pháp luật.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa, nâng cao hệ số sử dụng đất; phối hợp xây dựng các mô hình quản lý, bảo vệ phát triển rừng hiệu quả để nhân rộng mô hình.
b) Tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và các chính sách liên quan đến việc sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tự ý chuyển mục đích; lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp.
c) Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý diện tích, ranh giới các loại rừng đã được cắm mốc, quy hoạch và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, khô hạn.
d) Có nhiệm vụ hướng dẫn, rà soát, tổng hợp các công trình, dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng tại địa phương mình quản lý để đăng ký danh mục trình phê duyệt chuyển mục đích đảm bảo đúng quy định.
đ) Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa tại địa phương sau khi có kinh phí phân bổ theo quy định. Đồng thời, lập phương án khai hoang, phục hóa, cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác tại địa phương để cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa và bổ sung diện tích đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác theo kế hoạch sử dụng đất.
e) Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa theo đúng quy định và phù hợp kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Đối với diện tích đất công ích vượt 5% và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý cần phải xây dựng phương án để cho thuê theo quy định, ưu tiên giao đất cho các hộ sản xuất nông nghiệp tại địa phương có khó khăn về đất sản xuất; báo cáo UBND tỉnh thống nhất phương án giao đất trước khi triển khai tổ chức thực hiện.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp chuyển đổi, chuyển nhượng diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng trái pháp luật.
b) Tổ chức thẩm định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án; tham mưu UBND tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích đảm bảo quy định.
c) Thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; đối với các công trình dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng phải có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
d) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai, các chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng.
đ) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình liên thông trong thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.
e) Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện đăng ký đất đai đối với quỹ đất do UBND cấp xã, các đơn vị quản lý. Đẩy nhanh công tác xây dựng cơ sở dự liệu địa chính để đưa vào khai thác, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai của địa phương theo hướng hiện đại hóa.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Rà soát quỹ đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng để tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế theo phương án được duyệt; rà soát quỹ đất trồng lúa kém chất lượng, thấp trũng để có phương án cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa.
b) Hướng dẫn các tổ chức, đơn vị lập phương án trồng rừng thay thế, tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đảm bảo quy định.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng để thống nhất với việc chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và đảm bảo phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình liên thông trong thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.
đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng quy trình liên thông trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về nộp kinh phí để thực hiện phương án trồng rừng thay thế và thực hiện nộp kinh phí để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
e) Hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng lúa và kết quả thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.
g) Yêu cầu các BQL rừng phòng hộ, BQL khu bảo tồn thiên nhiên, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Vườn Quốc gia Bạch Mã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ rừng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân lấn chiếm, xây dựng trái phép và chặt phá rừng không đúng quy định; tiến hành lắp đặt các biển báo cấm để các tổ chức, cá nhân biết và chấp hành.
h) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ phát triển rừng; quản lý sử dụng đất trồng lúa và kịp thời tuyên dương các cá nhân, đơn vị điển hình đã có những mô hình quản lý sử dụng hiệu; phối hợp tốt trong công tác quản lý rừng.
i) Tham mưu đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng cải tạo, bảo vệ phát triển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng.
4. Sở Tài chính
a) Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ, định mức phân bổ vốn ngân sách của tỉnh hỗ trợ cho các địa phương có đất trồng lúa; tham mưu phân bổ kinh phí hàng năm để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng định mức kinh phí phải nộp trong trường hợp chủ đầu tư nộp kinh phí để thực hiện phương án trồng rừng thay thế và nộp kinh phí để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
c) Hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa trên địa bàn.
5. Các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sử dụng theo đúng diện tích được giao, cho thuê đất và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; sử dụng tiết kiệm, không để hoang hóa, không làm ô nhiễm thoái hóa đất; tăng cường cải tạo làm tăng độ màu mỡ, bảo vệ môi trường sinh thái và chủ động, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật phát triển và bảo vệ rừng theo quy định.
- Các địa phương, đơn vị và hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thực hiện dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng phải thực hiện đăng ký nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng và lập phương án trồng rừng thay thế, phương án cải tạo đất lúa theo đúng quy định của pháp luật.
6. Tổ chức thực hiện
a) Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải báo cáo kịp thời Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.