THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 337-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC LƯƠNG THỰC VỤ MÙA NĂM 1979 Ở CÁC TỈNH MIỀN BẮC
Vụ chiêm xuân 1979 ở các tỉnh miền Bắc sản xuất không đạt kế hoạch, nhưng các địa phương đã cố gắng động viên lương thực cho Nhà nước đạt 96% kế hoạch điều chỉnh, có 9 tỉnh, 115 huyện, 2661 hợp tác xã nông nghiệp hoàn thành chỉ tiêu huy động, đây là cố gắng lớn của cán bộ và nhân dân ở các tỉnh.
Sản xuất vụ mùa 1979 tuy một số địa phương bị mưa bão có gây thiệt hại cho một số diện tích, song đến nay lúa sớm đã thu hoạch có năng suất khá, lúa đại trà trỗ trong điều kiện thời tiết thuận lợi; sắn tương đối tốt. Ước tính tổng sản lượng lương thực vụ này theo thống kê là một vụ mùa có sản lượng cao nhất trong 4 năm gần đây.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, nhu cầu tiêu dùng lương thực của Nhà nước ngày càng tăng trong khi đó sản xuất lương thực trong nước đạt còn thấp, nhập khẩu cho năm tới bị giảm sút nhiều, do đó cân đối lương thực của Nhà nước sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.
Để giải quyết vấn đề lương thực hiện nay cần tập trung sức lực nhằm khai thác tốt tiềm năng về đất đai, lao động để đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực hành tiết kiệm, khắc phục tư tưởng ỷ lại, bao cấp lương thực còn nặng nề trong cán bộ và nhân dân.
Trước mắt trong vụ mùa 1979, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố làm tốt những việc cụ thể sau đây:
1. Tập trung sức thu hoạch vụ mùa cho tốt, động viên mọi lực lượng lao động, đình các công việc không cấp bách để thu hoạch cho tốt, cho kịp thời vụ cả lúa và màu.
2. Đảm bảo chỉ tiêu huy động lương thực cho Nhà nước. Sau khi xem xét tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt mức huy động lương thực chung cho toàn miền Bắc, Bộ Lương thực và thực phẩm sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho các tỉnh và thành phố.
Về thuế nông nghiệp: phải bảo đảm chỉ tiêu thuế bằng lương thực, việc xét miễn, giảm hoặc thu bằng tiền phải được cân nhắc thận trọng, xét duyệt chặt chẽ.
Về thu nợ bằng lương thực bao gồm lương thực các hợp tác xã và nông dân vay để làm giống, vay ăn. Trừ những nơi vụ này mất mùa, cần động viên nông dân tiết kiệm tiêu dùng, tích cực sản xuất rau màu, cố gắng trả nợ cho Nhà nước.
Ngoài hai chỉ tiêu trên, số lương thực còn lại là lương thực bán cho Nhà nước theo giá chỉ đạo và hợp đồng hai chiều.
Sau khi thu hoạch vụ mùa, các tỉnh cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để thu hoạch, thu mua, chế biến, tiêu thụ sắn, kể cả đưa vào tiêu chuẩn phân phối thay một phần gạo, làm nguyên liệu cho công nghiệp, làm nghĩa vụ với Nhà nước.
Ngoài chỉ tiêu mua theo giá chỉ đạo và hợp đồng hai chiều, các địa phương căn cứ vào khả năng từng nơi mà có kế hoạch vận động mua lương thực theo giá thỏa thuận để tăng cường thêm lực lượng lương thực cho Nhà nước.
Giá mua lương thực vụ này được áp dụng theo quyết định số 361-CP ngày 5-10-1979 của Hội đồng Chính phủ.
3. Các đơn vị sản xuất quốc doanh gồm những nông trường, lâm trường, đơn vị quân đội có chỉ tiêu sản xuất lương thực, cần tích cực đảm bảo giao nộp sản phẩm cho Nhà nước theo kế hoạch và theo giá mới. Những nông trường được giao nhiệm vụ sản xuất lương thực, nếu vượt kế hoạch thì phải giao nộp thêm cho Nhà nước và sẽ được khen thưởng. Các lâm trường, cơ sở trạm trại, các cơ quan, xí nghiệp có sản xuất được một phần lương thực để tự túc, nếu tự nguyện không mua phần lương thực của Nhà nước cung cấp thì được bù khoản tiền chênh lệch theo chính sách đã ban hành, hoặc bán lương thực cho Nhà nước theo giá thỏa thuận.
4. Phân phối lương thực trong hợp tác xã nông nghiệp.
Ngoài những chính sách phân phối theo lao động, để các thứ quỹ như quy định trong chỉ thị số 195-CP ngày 25-5-1979, thì việc để đất cho chăn nuôi quy định như sau:
Việc dành từ 10 đến 15% diện tích ruộng đất để sản xuất thức ăn gia súc vẫn thi hành đúng chính sách của Nhà nước với tinh thần chăn nuôi bao nhiêu thì trích để đến đấy, không được trừ trước số lương thực 10 - 15% khi chưa có chăn nuôi làm ảnh hưởng đời sống xã viên và mức lương thực đóng góp cho Nhà nước. Vì vậy các địa phương cần soát lại số lương thực đã để lại cho chăn nuôi vụ chiêm 1979 chưa sử dụng hết, căn cứ vào nhu cầu thức ăn thực tế của đàn gia súc của tập thể hiện có và kế hoạch phát triển chăn nuôi từ nay đến thu hoạch vụ chiêm 1980 để trích cho sát đúng.
5. Tổ chức chỉ đạo thực hiện:
a) Các ngành, các cấp cần có một sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tư tưởng trong công tác lương thực, phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh, làm cho cán bộ và nhân dân thấy rõ tính chất cấp bách của vấn đề lương thực, một mặt tích cực triển khai thực hiện các chính sách mới để khuyến khích sản xuất, gây phấn khởi cho nông dân, một mặt phải làm cho nông dân thấy được nhu cầu tiêu dùng lương thực của Nhà nước để tích cực đóng góp lương thực với mức cố gắng ngày càng cao cho Nhà nước.
b) Đi đôi với việc thực hiện công tác lương thực vụ mùa 1979, phải khẩn trương đẩy mạnh sản xuất vụ đông và đông xuân 1979 - 1980 như chỉ thị số 372-CP ngày 10-10-1979 của Hội đồng Chính phủ. Những nơi vụ mùa bị sút kém phải tích cực sản xuất rau màu vận động tiết kiệm, điều hòa tốt trong nội bộ để ổn định đời sống nông dân.
Thực hiện công tác lương thực vụ này trong lúc bắt đầu triển khai Nghị quyết 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng sẽ có khí thế thuận lợi mới, song việc chuẩn bị có phần chưa đầy đủ, nhiều việc mới mẻ khi thực hiện các địa phương cần nghiên cứu cụ thể từng nơi để giải quyết cho tốt. Nếu có vấn đề mới phát sinh thì phải xin ý kiến trung ương, không được tùy tiện giải quyết.
Các ngành ở trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quá trình chỉ đạo thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra giúp đỡ cơ sở kịp thời phát hiện và bổ khuyết những thiếu sót và báo cáo đều đặn với Thủ tướng Chính phủ.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.