BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2008/CT-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước về hoạt động văn hóa, thể thao trên cả nước trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân. Tuy vậy, công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng xã hội và yêu cầu chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan chức năng chưa có nhận thức đầy đủ về chủ trương xã hội hóa, còn tư tưởng bao cấp, ỷ lại, trông chờ Nhà nước, coi nhẹ việc đầu tư của Nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao còn chậm và thiếu đồng bộ…
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Nghị quyết số 90/CP, Nghị định số 73/1999/NĐ-CP , Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05 “về đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao” Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở quản lý nhà nước về Văn hóa, Thể thao, Du lịch thực hiện tốt các vấn đề sau đây:
I. VỀ NHẬN THỨC
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Ngành cần quán triệt sâu sắc và đầy đủ những mục tiêu, quan điểm, định hướng về xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch:
1. Về mục tiêu
a. Phát huy tiềm năng trí tuệ, sự sáng tạo, cơ sở vật chất, công sức của nhân dân và các lực lượng xã hội cùng Nhà nước góp phần chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước;
b. Tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, nhân dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thể thao và du lịch;
c. Thực hiện một phần việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của xã hội, mở rộng quyền và trách nhiệm của nhân dân, các thành phần kinh tế trong việc tham gia hoạt động và quản lý lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Về quan điểm
a. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch. Trong quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng, mọi thành phần kinh tế xã hội, cùng tham gia sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hóa, thể thao và du lịch tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đa dạng chủ thể hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, dân chủ hóa nhưng không thương mại hóa hoạt động văn hóa. Đảm bảo tự do sáng tác và phát huy quyền sáng tạo của văn nghệ sĩ, vận động viên, trách nhiệm công dân của từng cá nhân đối với xã hội;
b. Xã hội hóa là chuyển một phần công việc Nhà nước cho nhân dân, tổ chức, tập thể, tư nhân, nhưng Nhà nước không giảm nhẹ trách nhiệm, không giảm ngân sách cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Xã hội hóa được thực hiện với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết với các đơn vị Nhà nước, hoặc tự bỏ vốn để sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo đúng pháp luật;
c. Xã hội hóa là đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội vào quản lý và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch;
d. Xã hội hóa là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội không chỉ về hưởng thụ mà cả về đóng góp, cống hiến của nhân dân cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; là một chính sách lâu dài, mang tính khoa học và hợp quy luật;
e. Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cần có bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng miền. Ưu tiên, khuyến khích đầu tư và có chính sách ưu đãi cho những lĩnh vực then chốt, có vai trò quan trọng trong việc định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Đối với những hoạt động trong các lĩnh vực, hình thức dễ bị lợi dụng, nảy sinh tiêu cực, việc thực hiện xã hội hóa cần phải được quy hoạch, quản lý chặt chẽ, quy định các điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo sự phát triển theo đúng đường lối của Đảng.
3. Định hướng
a. Xã hội hóa hướng tới việc đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, phát huy hiệu quả tối đa trong việc huy động lực lượng tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;
b. Xã hội hóa cần căn cứ theo đặc điểm về địa lý, dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm năng văn hóa, thể thao và du lịch từng vùng, miền, từng đặc thù loại hình để có quy mô phát triển và bước đi phù hợp;
c. Phát triển xã hội hóa gắn liền với mục đích vừa tăng nhanh số lượng, vừa không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, thể thao và du lịch, sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình nghệ thuật, thể thao có giá trị đỉnh cao, xứng tầm thời đại;
d. Quá trình xã hội hóa cần ưu tiên, khuyến khích đầu tư và có chính sách ưu đãi cho những lĩnh vực then chốt, có vai trò quan trọng trong việc định hướng chính trị - tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, làm cơ sở và chỗ dựa vững chắc cho quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Tập trung triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa, làm cho mọi người, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du lịch, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xã hội hóa, đồng thời rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tiên tiến.
2. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế quản lý phục vụ phát triển xã hội hóa các lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du lịch.
3. Ưu tiên đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các loại hình nghệ thuật, thể thao dân tộc tiêu biểu; làng nghề truyền thống; công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa – lịch sử, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc; các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch; bảo tàng, thư viện, đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng lưu động. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các cá nhân, tổ chức xã hội đầu tư phát triển các loại hình và các đối tượng này.
4. Chú trọng việc đầu tư và nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật, đi đôi với việc khuyến khích các đơn vị, cơ sở hoạt động và sản xuất sản phẩm về văn hóa, nghệ thuật ngoài công lập: các hãng phim và các đoàn nghệ thuật tư nhân nhằm tạo ra nhiều tác phẩm, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phục vụ nhân dân và công cuộc đổi mới.
5. Có giải pháp thu hút được nhiều nguồn lực từ nhân dân, các cơ sở ngoài công lập, các thành phần kinh tế tham gia và đóng góp xây dựng đời sống văn hóa, thể thao ở cơ sở.
6. Tiến hành quy hoạch và xây dựng các công trình thể dục thể thao; tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thể thao trọng điểm cấp quốc gia, cấp vùng và hệ thống các công trình thể thao cơ bản ở cấp tỉnh, thành phố; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thể dục thể thao và ban hành một số chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao.
7. Ưu tiên đầu tư ban đầu để xây dựng một số trường đào tạo về du lịch có đủ phương tiện đào tạo kỹ năng thực hành, hiện đại, làm mô hình đầu tư cho các thành phần đầu tư khác theo nhu cầu của thị trường và xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách.
8. Xây dựng cơ chế quản lý trong điều kiện xã hội hóa, có chính sách phù hợp với tình hình phát triển xã hội hóa, nhất là chính sách về thuế, đất đai, vốn tín dụng; có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào cơ sở công lập, ngoài công lập; củng cố các cơ sở công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; tiếp tục thực hiện việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở công lập và cải cách thủ tục hành chính; có cơ chế miễn thuế cho người nghèo v.v…
9. Tiếp tục phát triển các cơ sở ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao trên toàn quốc vào năm 2008.
10. Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp, sắp xếp, củng cố các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, tăng năng suất hiệu quả lao động.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo Xã hội hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên toàn quốc, Đề án Quy hoạch phát triển thể dục thể thao trên toàn quốc đã được Chính phủ phê duyệt và yêu cầu, nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị này, để xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện sát với tình hình thực tế hiện nay, tiến hành chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của Đảng, Nhà nước và có trách nhiệm theo dõi tình hình để báo cáo Bộ trưởng việc thực hiện Chỉ thị này.
2. Các cơ quan báo chí của Ngành: dành chuyên mục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; phát hiện, biểu dương kịp thời các nhân tố tích cực, các tập thể, cá nhân, địa phương có thành tích xuất sắc đóng góp cho công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
3. Vụ Pháp chế có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp các ý kiến các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ để tham gia với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Nghị định mới về xã hội các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao trình Chính phủ xem xét, ban hành.
4. Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì phối hợp với các Cục, Vụ quản lý chuyên ngành về văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng các cơ chế, chính sách thích hợp, đồng bộ phát triển xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là các cơ chế, chính sách về thuế, đất đai, vốn tín dụng; chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các cơ sở công lập, ngoài công lập, phát triển mạng lưới các cơ sở ngoài công lập; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư kinh phí cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề truyền thống; cho các hoạt động bảo tàng, thư viện, các đội chiếu bóng lưu động, thông tin lưu động; cho công tác đào tạo ngành, nghề: văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch, thể hiện đúng quan điểm về xã hội hóa của Đảng, của Nhà nước đối với việc đầu tư ngân sách cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ.
5. Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp hiệu quả đầu tư sáng tác kịch bản, sản xuất, dàn dựng, thể nghiệm tác phẩm nghệ thuật; phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hãng phim tư nhân, các đoàn nghệ thuật tư nhân, các hiệp hội nghề nghiệp, galery, các Bảo tàng Mỹ thuật – Nhiếp ảnh tư nhân, các cơ sở ngoài công lập sản xuất các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có điều kiện phát triển để cùng các đơn vị Nhà nước sáng tạo nhiều tác phẩm, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng, có giá trị tư tưởng – nghệ thuật cao.
6. Cục Văn hóa cơ sở: phối hợp với các Cục, Vụ chức năng đề ra các giải pháp thích hợp nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội đóng góp cho việc đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở.
7. Cục Bản quyền tác giả: xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
8. Tổng cục Thể dục Thể thao: phối hợp với Vụ Kế hoạch, Tài chính và các đơn vị chức năng hoàn chỉnh việc quy hoạch xây dựng các công trình thể dục, thể thao trên toàn quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tham mưu cho lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao; chỉ đạo, đổi mới việc sắp xếp lại các đơn vị thể dục thể thao công lập trên toàn quốc.
9. Tổng cục Du lịch: phối hợp với Vụ Đào tạo, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ Tổ chức Cán bộ tiến hành quy hoạch xây dựng các trường đào tạo về du lịch, và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các trường đào tạo về du lịch ngoài công lập.
10. Thanh tra Bộ: tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với Thanh tra chuyên ngành các Sở quản lý nhà nước về Văn hóa, Thể thao, Du lịch tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong điều kiện xã hội hóa ngày càng phát triển để đảm bảo cho công tác xã hội hóa phát triển bền vững, lành mạnh và đúng định hướng của Đảng.
11. Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Thi đua – Khen thưởng: xây dựng Quy chế về khen thưởng thành tích hoạt động xã hội hóa các lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du lịch và có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương, cơ sở thực hiện.
12. Các Sở quản lý về Văn hóa, Thể thao, Du lịch căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị, tình hình, đặc điểm và điều kiện thực tế của địa phương để có kế hoạch tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoàn thành Quy hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh, thành phố và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của Đảng và Nhà nước.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở quản lý nhà nước về Văn hóa, Thể thao và du lịch thực hiện tốt Chỉ thị này./.
| BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.