ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/CT-UBND | Bình Thuận, ngày 22 tháng 8 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, XỬ LÝ HÀNH VI SỬ DỤNG CHẤT NỔ, CHẤT ĐỘC VÀ XUNG ĐIỆN ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản của các ngành, các địa phương đã được kết quả nhất định; từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; nhận thức trong nhân dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng lên; hạn chế việc buôn bán, tàng trữ trái phép chất nổ, xung điện, chất độc; góp phần giảm thiểu hành động hủy diệt nguồn lợi, ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản tại vùng biển Bình Thuận diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây tác hại nghiêm trọng; không những hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản và gây bức xúc trong nhân dân.
Để ngăn chặn có hiệu quả và tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt thực hiện nội dung Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, bộ kích điện để khai thác thủy sản tại các vùng nước; các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và đấu tranh, tố giác các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các lực lượng chức năng có kế hoạch và chủ động phối hợp với lực lượng Thanh tra thủy sản, lực lượng biên phòng, kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân, các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản trên biển, trên sông và các vùng nước nội đồng;
- Giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, phân loại đối tượng, thành phần thường xuyên hoạt động khai thác thủy sản trái phép bằng chất nổ (đặc biệt là nghề lưới mùng, nghề lặn) để phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, thu hồi phương tiện hoặc xử phạt hành chính theo quy định đối với các trường hợp vi phạm;
- Hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Qua đó, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các đối tượng vi phạm, trên cơ sở đó cung cấp cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Thông qua công tác đăng ký, đăng kiểm sẽ quản lý chặt chẽ các tàu thuyền có dấu hiệu sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản, nhất là đối với nghề lưới mùng, nghề lặn;
- Chỉ đạo Thanh tra thủy sản chủ động phối hợp với lực lượng bộ đội Biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, truy quét, bắt giữ, xử lý nghiêm minh các trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc, bộ kích điện để khai thác thủy sản, kiên quyết tịch thu phương tiện và toàn bộ thủy sản khai thác được đối với các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.
4. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh:
Tăng cường quản lý kiểm tra, phát hiện việc vận chuyển chất nổ trên tàu cá, tàu vận tải Phú Quý và việc tàng trữ chất nổ tại các khu dân cư ven biển. Chỉ đạo các Đồn biên phòng phối hợp, hỗ trợ lực lượng Thanh tra thủy sản tổ chức các đợt cao điểm thực hiện Chỉ thị 01 trong công tác tuần tra trên biển. Chỉ đạo các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển gắn kết với nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
5. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các ngành thực hiện và có biện pháp kiểm tra, quản lý nghiêm ngặt các loại chất nổ, chất độc theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 và Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ;
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng lập chuyên án điều tra, phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất nổ tại các địa bàn phức tạp. Thường xuyên tổ chức các cuộc phát động toàn dân tham gia quản lý, tố giác hành vi, đối tượng vi phạm sản xuất, tàng trữ, mua bán và giao nộp vật liệu nổ, chất độc, xung điện dùng để khai thác thủy sản. Phối hợp với cơ quan tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các địa phương để điều tra, khởi tố và xử lý nghiêm các trường hợp, các đối tượng vi phạm trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản theo pháp luật;
- Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, kiểm soát, truy quét định kỳ hoặc những đợt cao điểm tại các địa bàn có tàu thuyền thường sử dụng chất nổ, vật liệu nổ và các địa điểm diễn ra hoạt động tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất nổ trái phép nhằm ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện theo quy định của pháp luật.
6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan giám sát chặt chẽ các cơ quan, đơn vị được cho phép sử dụng vật liệu nổ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy chế quản lý, gây thất thoát ra ngoài dưới mọi hình thức các loại chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, chất độc theo quy định của Nhà nước.
7. Yêu cầu Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Bình Thuận thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hình và đăng tải các phóng sự về tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân.
8. Các tổ chức hội, đoàn thể theo chức năng, trách nhiệm của mình tăng cường vận động, tuyên truyền giáo dục nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nêu cao tinh thần đấu tranh ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản.
9. Sở Tài chính có trách nhiệm hàng năm cân đối cấp kinh phí cho công tác bảo vệ nguồn lợi và cho Ban Chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản của tỉnh hoạt động, tổ chức những đợt cao điểm phối hợp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, truy quét, xử lý vi phạm.
10. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 17/1998/CT-CTUBND ngày 23/4/1998 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.
11. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có kết quả Chỉ thị này. Tổng hợp tình hình thực hiện, định kỳ có báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.