ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/CT-UB-NC | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 09 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 39/CP “VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT” VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 40/CP “VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA” VÀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 36/CP “VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ”.
Để từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông, sau khi ban hành Nghị định 36/CP, CHính phủ đã ban hành Nghị định 39/CP “về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt”, Nghị định 40/CP “về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy” và Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 454/TTg về việc tổ chức thực hiện Nghị định 39/CP và Nghị định 40/CP. Quán triệt các Nghị định, Chỉ thị trên, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tiến hành triển khai thực hiện các công việc sau đây:
1- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn đô thị và Chỉ thị 29/CT-UB ngày 17/6/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố. Các sở ban ngành và quận, huyện cần tìm mọi biện pháp để thực hiện Nghị định 36/CP và Chỉ thị 29/CT-UB đạt được kết quả tốt hơn, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện Nghị định 39/CP và Nghị định 40/CP có hiệu quả ngay từ những ngày đầu.
Ủy ban nhân dân quận, huyện và các ngành chức năng tiến hành sơ kết một năm thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ và Chỉ thị 29/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố. Rút kinh nghiệm cho kế hoạch thực hiện đợt sau, nhằm duy trì kết quả đã đạt được và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, giữ gìn tốt trật tự giao thông.
2- Làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, để mọi người thông suốt và thực hiện nghiêm túc các Nghị định của Chính phủ về việc lập lại trật tự giao thông đường sắt, đường thủy.
- Các sở ngành của thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã mở đợt tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về nội dung Nghị định 39, 40/CP.
- Ngành Giao thông vận tải phối hợp với ngành Công an tổ chức cho những đối tượng có sử dụng vùng nước và khoảng sông, những người tham gia giao thông đường thủy nội địa học tập Nghị định 40/CP của Chính phủ.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra thống kê phương tiện và người hành nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản có liên quan đến đường thủy nội địa. Quản lý và tuyên truyền cho họ hiểu và chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy.
- Đài phát thanh, Đài truyền hình và các báo tăng cường tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ của nhân dân.
- Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa ra một số tiết chuyên đề về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, về vệ sinh môi trường vào giáo trình cho học sinh.
- Ủy ban nhân dân các cấp phổ biến cho các hộ hành nghề trên mặt nước hoặc sinh sống ở trên sông, ở ven sông, ở ven các tuyến đường sắt, nắm nội dung Nghị định 39/CP, 40/CP và cam kết không vi phạm các quy định trong Nghị định 39/CP, 40/CP, đồng thời kiểm tra xử lý các vi phạm trong cam kết.
3- Ủy ban nhân dân quận, huyện, ngành giao thông vận tải và các ngành chức năng khảo sát nắm chắc tình hình lấn chiếm các tuyến đường sắt, đường thủy. Xác định tuyến, địa bàn trọng điểm và đề ra kế hoạch tiến hành giải tỏa những nhà cửa, công trình lấn chiếm trong phạm vi an toàn của các tuyến giao thông. Tổ chức sắp xếp việc neo đậu cho các phương tiện thủy tại các bến, cảng. Kiến quyết giải tỏa các bến bãi, các nhà cửa xây cất lấn chiếm hành lang các cầu đường bộ, giải tỏa lấn chiếm lề đường ở khu vực trung tâm và các trục lộ chính. Giải tỏa nhà cửa lấn chiếm luồng tàu trên các tuyến đường thủy chính yếu và hành lang an toàn đường sắt của thành phố.
Kinh tàu Hủ - Bến Nghé, Kinh Ngang số 1, 2, 3 được xác định là các tuyến đường thủy trọng điểm. Từ nay đến năm 1997, các quận 1, 4, 5, 6, 8 cần tập trung di dời toàn bộ nhà sàn, nhà cơi nới lấn chiếm luồng tàu để trả lại phạm vi an toàn luồng tàu cho các tuyến kinh này và huyện Nhà Bè tập trung giải tỏa nhà cho đến mép bờ dọc theo Kinh Tẻ, từ tim cầu Tân Thuận đến tim cầu Rạch Ông.
Sở Giao thông công chánh, Công an thành phố, Sở Thương mại cùng các quận, huyện khảo sát thực trạng lấn chiếm lòng lề đường bộ, xử lý nghiêm khắc những cơ quan tập thể và cá nhân có nhà mặt tiền lấn chiếm lề đường, các trường hợp xây cất lấn chiếm sau khi đã công bố lộ giới. Giải tỏa bãi giữ xe trái phép của các cửa hàng, quán ăn, khách sạn. Sắp xếp hợp lý bãi giữ xe của các cơ quan, đơn vị, nơi buôn bán tạm thời cho những người buôn bán nhỏ để đảm bảo cuộc sống của họ và trật tự an toàn giao thông đô thị.
Sở Giao thông công chánh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rà soát lại các công trình cống, đập đã xây dựng trước đây. Công trình nào xét thấy không còn hiệu quả thì mạnh dạn tháo gỡ để thông thoáng luồng tàu. Các tuyến sông rạch có nhu cầu giao thông thủy cao cần có biện pháp cải tạo điều kiện thông thuyền cho các cống đập trên tuyến sông kinh đó. Sở Giao thông công chánh và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phải có sự phối hợp trong việc xây dựng các công trình trên sông, để đồng thời đảm bảo được lợi ích nông nghiệp thủy lợi và giao thông vận tải.
Sở Giao thông công chánh phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt, đường thủy, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng khảo sát lại toàn bộ hệ thống tuyến giao thông đường sắt, đường thủy nội địa để xác định và công bố phạm vi chỉ giới luồng chạy tàu, phạm vi an toàn hành lang báo hiệu trên từng tuyến.
Công an thành phố và các ngành hữu quan tổ chức sắp xếp trật tự an toàn ở các nhà ga đường sắt, cảng, bến sông. Từ nay đến cuối năm 1996 tập trung giải tỏa các trường hợp lấn chiếm phạm vi an toàn của các cầu đường bộ, của các tuyến đường thủy, đường sắt xét có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
4- Các lực lượng có chức năng kiểm tra kiểm soát cần tăng cường tuần tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm Nghị định 36, 39, 40/CP ; đặc biệt phải áp dụng mức phạt cao nhất và cấm sử dụng các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở quá tải, quá khổ, người điều khiển phương tiện không hội đủ điều kiện theo quy định. Ngoài việc xử phạt các vi phạm, đồng thời phải có biện pháp buộc người vi phạm khắc phục hậu quả (nếu có) và không để tái phạm.
Lực lượng cảnh sát giao thông phải kiên quyết ngăn chặn tệ đua xe trái phép. Xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố ý vi phạm luật lệ giao thông, nhất là chạy xe lạng lách, chạy quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn lưu thông.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố giáo dục cán bộ, chiến sĩ điều khiển phương tiện giao thông trên tuyến đường thủy và các hoạt động kinh doanh bến bãi có liên quan chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông đường thủy nội địa và phải chịu sự kiểm tra kiểm soát của các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
5- Sở Lao động-Thương binh xã hội :
Phối hợp với lực lượng Công an đưa những người bị bệnh phong, nghiện ma túy, gái điếm, ăn xin … ở nhà ga, bến tàu, trên ghe thuyền vào các cơ sở điều trị, đưa đi định cư ở các khu kinh tế mới.
6- Sở Tài chánh :
Đảm bảo kinh phí cho công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tổ chức quản lý sử dụng tiền phạt theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt. Phối hợp các ngành liên quan thống nhất kế hoạch thu tiền phạt hành chính, bố trí đội ngũ cán bộ mở thêm các điểm thu tiền phạt phù hợp với yêu cầu trên đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho người đến nộp phạt nhanh chóng dễ dàng.
7- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 36/CP, Nghị định 39/CP, Nghị định 40/CP ở các cấp :
- Cấp thành phố và quận, huyện, Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm Trưởng Ban, Phó Ban thường trực là lãnh đạo ngành Giao thông công chánh và các ủy viên khác là đại diện các ngành, đoàn thể có liên quan.
- Các cơ quan sở, ban, ngành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị, Nghị định của Thủ tướng và của Chính phủ trong phạm vi mình phụ trách.
8- Chế độ thông tin báo cáo :
- Hàng tuần Ủy ban nhân dân quận, huyện và Thủ trưởng các Sở, các đơn vị liên quan báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo thành phố để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
- Ban Chỉ đạo các cấp phải có kế hoạch giao ban định kỳ hàng tuần để kiểm điểm kết quả triển khai thực hiện, kiểm điểm trách nhiệm của từng ngành, từng lực lượng và bàn kế hoạch tiếp theo.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.