THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2007/CT-TTg | Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ CÁC TUYẾN CÁP VIỄN THÔNG NGẦM TRÊN BIỂN VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN VIỄN THÔNG QUỐC TẾ
Trong thời gian vừa qua, một số cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia, đặc biệt là hệ thống cáp viễn thông ngầm trên biển đã bị xâm hại nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới sự bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia và uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, gây thiệt hại không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội. Nhằm khắc phục tình trạng trên, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp đã chủ động phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống nên các hành vi xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển bước đầu đã được khắc phục.
Để tiếp tục tăng cường bảo vệ các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển; nhằm bảo đảm an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và có biện pháp cụ thể triệt để nghiêm cấm việc đào, cắt, vớt, vận chuyển, cất giữ, buôn bán các loại cáp viễn thông ngầm trên biển dưới mọi hình thức.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến ý thức pháp luật về bảo vệ các công trình bưu chính, viễn thông nói chung và các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển nói riêng;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;
c) Chủ trì, phối hợp kịp thời với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc cấp phép cho tàu của nước ngoài vào vùng biển Việt Nam để lắp đặt và khắc phục sự cố cáp viễn thông ngầm trên biển theo quy định của pháp luật; kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trong việc triển khai công tác bảo vệ các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển và bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và quốc tế.
3. Bộ Quốc phòng:
Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của các phương tiện trên các vùng biển Việt Nam có các tuyến cáp viễn thông đi qua để bảo đảm an toàn cho việc vận hành, khai thác các tuyến cáp, đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại các tuyến cáp; chỉ đạo các đơn vị trong các lực lượng chức năng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông và chính quyền địa phương để tổ chức tuần tra, bảo vệ các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển có trạm cập bờ tại Việt Nam.
4. Bộ Công an:
a) Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo vệ các trung tâm viễn thông quốc tế, các trạm cập bờ của các hệ thống cáp viễn thông ngầm trên biển;
b) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra, xác minh và xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các hành vi và đối tượng xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển;
c) Phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng trong việc cấp phép cho tàu của nước ngoài vào vùng biển Việt Nam để lắp đặt và khắc phục sự cố cáp viễn thông ngầm trên biển theo quy định của Chính phủ.
5. Ủy ban nhân dân các cấp ở ven biển tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân trên địa bàn về tầm quan trọng của các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển và ý thức pháp luật về bảo vệ các công trình bưu chính, viễn thông, đặc biệt là ý thức trách nhiệm bảo vệ, tố giác các hành vi xâm hại các công trình bưu chính, viễn thông nói chung và các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển nói riêng; phối hợp với các đơn vị chức năng quân đội, công an, thông tin và truyền thông xây dựng phương án bảo vệ an toàn, an ninh cho các tuyến cáp viễn thông trên địa bàn.
6. Các doanh nghiệp viễn thông quốc tế:
a) Xây dựng phương án bảo đảm an toàn viễn thông quốc tế trên cơ sở tận dụng tối đa năng lực mạng lưới của mình và phối hợp sử dụng có hiệu quả hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông quốc tế khác tại Việt Nam;
b) Phối hợp triển khai xây dựng các tuyến truyền dẫn liên kết các trung tâm viễn thông quốc tế của các doanh nghiệp với nhau để chuyển tải và khôi phục lưu lượng viễn thông quốc tế trong trường hợp xảy ra sự cố đối với các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển;
c) Đẩy nhanh tiến độ tham gia đầu tư, lắp đặt và đưa vào khai thác các dự án cáp viễn thông ngầm trên biển đã được phê duyệt;
d) Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp trong công tác tuyên truyền và xây dựng, tổ chức triển khai các phương án tuần tra, bảo vệ các trung tâm viễn thông quốc tế quan trọng và các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi có vướng mắc phát sinh./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.