THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 295-TTg | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THANH TOÁN HÀNG MUA VÀ BÁN THEO GIÁ THOẢ THUẬN
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Quyết định số 310-CP của Hội đồng Chính phủ, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh ở Nam Bộ cũ, đang đẩy mạnh mua sản phẩm nông nghiệp (lương thực, nông sản, thực phẩm) và bán hàng công nghiệp cho nông dân theo giá thỏa thuận. Lượng sản phẩm thu mua và lượng hàng công nghiệp bán ra theo phương thức này rất lớn, do đó cần có chế độ thanh toán hàng giao nhận giữa các ngành, các cấp kinh doanh.
I. CẦN NẮM VỮNG YÊU CẦU CỦA CHẾ ĐỘ THANH TOÁN NÀY LÀ:
1. Thanh toán đầy đủ cho các tổ chức kinh doanh giá mua nông sản, lâm sản, hải sản và các chi phí cần thiết trong việc mua sản phẩm theo giá thỏa thuận.
2. Tập trung đầy đủ vào ngân sách Nhà nước nguồn thu thêm do bán công nghệ phẩm theo giá thỏa thuận để bù lại các khoản chi thêm do mua sản phẩm nông nghiệp theo giá thỏa thuận, bảo đảm nguồn tiền mặt thu mua, góp phần ổn định tài chính Nhà nước; đồng thời phân bổ nguồn thu cho ngân sách địa phương và chiết khấu thương nghiệp cho các tổ chức kinh doanh thương nghiệp một cách thỏa đáng.
3. Thực hiện hạch toán rành mạch ở từng khâu, tránh mọi sự lẫn lộn giữa mua sản phẩm nông nghiệp và bán công nghệ phẩm theo giá chỉ đạo với mua sản phẩm nông nghiệp và bán công nghệ phẩm theo giá thỏa thuận, đề phòng sơ hở, lợi dụng tham ô.
II. VỀ QUAN HỆ THANH TOÁN GIỮA CÁC TỔ CHỨC KINH DOANH CỦA TRUNG ƯƠNG (GỌI CHUNG LÀ CẤP I) VÀ CÁC TỔ CHỨC KINH DOANH CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ, ĐẶC KHU (GỌI CHUNG LÀ CẤP II):
1. Giá sản phẩm cấp II mua theo giá thỏa thuận giao cho các cấp I là giá mua thỏa thuận cộng với thặng số thương nghiệp của cấp II (tính theo định mức cho từng loại sản phẩm và đơn vị sản phẩm), cộng với khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp sản phẩm cho Trung ương (đối với những sản phẩm trong diện Nhà nước quy định).
Giá mua thỏa thuận giao trong từng thời vụ là giá mua bình quân của mỗi tỉnh trong thời vụ đó theo khung giá hướng dẫn của Bộ chủ quản và Ủy ban vật giá Nhà nước.
Địa phương này giao trực tiếp sản phẩm cho địa phương khác theo kế hoạch phân phối của Trung ương thì cũng giao theo giá này.
Những địa phương được Chính phủ cho phép dùng sản phẩm mua thỏa thuận để bán cung cấp theo định lượng và giá chỉ đạo phải lập kế hoạch bù lỗ, xin Bộ chủ quản xét duyệt và cấp bù lỗ.
2. Giá hàng công nghiệp cấp I giao cho cấp II để bán theo giá thỏa thuận là giá thỏa thuận bán cho người tiêu dùng trừ chiết khấu thương nghiệp của cấp II (tính theo định mức cho từng loại sản phẩm và đơn vị sản phẩm) và một khoản chênh lệch để cấp II có thể vận dụng linh hoạt giá bán trong phạm vi khung giá hướng dẫn của Bộ chủ quản và Ủy ban Vật giá Nhà nước. Cuối mỗi quý, cấp II sẽ quyết toán với cấp I và cơ quan tài chính địa phương, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
III. VỀ VIỆC HẠCH TOÁN CỦA CƠ QUAN KINH DOANH CẤP I:
1. Đối với lương thực, thực phẩm, nông sản mua theo giá thỏa thuận do cấp I giao cho cấp II:
- Giá giao cho cấp II để bán theo giá bảo đảm kinh doanh là giá nhận của cấp II thu mua (nói ở điểm 1, mục II), cộng thêm thặng số của cấp I.
- Giá giao cho cấp II để bán theo giá cung cấp theo định lượng là giá bán cung cấp ở nơi tiêu thụ, trừ chiết khấu thương nghiệp cấp II tiêu thụ. Cấp I sẽ hạch toán khoản bù giá để đề nghị Bộ Tài chính cấp (kể cả những khoản bù giá cho các tỉnh nhận thẳng sản phẩm của các tỉnh thu mua theo kế hoạch phân phối của Bộ chủ quản).
2. Đối với hàng công nghiệp mà cấp I nhận để giao cho cấp II:
Tổ chức kinh doanh cấp I về loại vật tư, hàng hóa nào phải tách riêng quỹ hàng hoá dành bán theo giá chỉ đạo và quỹ hàng hoá dành bán theo giá thoả thuận, làm căn cứ cho việc quản lý và thanh toán; khi cấp I giao hàng cho cấp II cũng phải phân biệt hai quỹ hàng hóa nói trên.
Giá hàng giao cho cấp I là giá mà cấp I giao cho cấp II (nói ở điểm 2, mục II), trừ chiết khấu thương nghiệp của cấp I. Căn cứ bảng giá thanh toán kèm theo chỉ thị này, Bộ Tài chính sẽ thu cho ngân sách khoản chênh lệch giữa hai mức giá này và giá chỉ đạo hiện hành.
Trường hợp có những mức giá khác nhau cho từng nơi và từng thời vụ, Bộ Tài chính sẽ thu ở cấp I theo mức giá thống nhất cho tất cả thời vụ thu mua. Đến cuối vụ thu mua, ngành Tài chính sẽ căn cứ vào mức giá thực bán để thu tiếp (hoặc bù) khoản chênh lệch giá ở cấp II.
Căn cứ bảng giá thanh toán kèm theo chỉ thị này (1), Bộ Tài chính sau khi thoả thuận với Ủy ban Vật giá nhà nước và các Bộ quản lý phân phối, định giá thanh toán các mặt hàng khác ở các vùng trong cả nước.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức việc hạch toán kinh tế của cấp I và cấp II.
Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ hướng dẫn việc thanh toán qua ngân hàng và đôn đốc việc thực hiện.
Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng nhà nước và các Bộ liên quan (Bộ Vật tư, Bộ Nông nghiệp và Tổng công ty vật tư kỹ thuật nông nghiệp, Bộ Nội thương… ) cần tổ chức quyết toán các hoạt động kinh doanh (mua sản phẩm nông nghiệp và bán công nghệ phẩm) theo giá thỏa thuận từ ngày 01/01/1980 đến nay; riêng đối với lương thực thì từ ngày 01/12/1979 đến nay. Việc này cần được tiến hành gấp trong quý IV năm 1980, tránh kéo dài, tài liệu thất lạc, gây tổn thất lớn cho Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ liên quan cần tiếp tục nghiên cứu rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh chế độ thanh toán trình Hội đồng Chính phủ ban hành chính thức.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
(1) Không in bảng giá thanh toán
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.