TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29-TH/TT | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 1981 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC THANH TRA VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ ĐÃ KÝ KẾT VÀ GIAO NỘP SẢN PHẨM Ở CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
Giao nộp sản phẩm ở các xí nghiệp quốc doanh để Nhà nước nắm được hàng hoá và phân phối số hàng hoá đó theo kế hoạch là một khâu rất quan trọng trong hoạt động kinh tế hiện nay.
Nghị quyết số 26-NQ-TƯ, chỉ thị số 109-CT/TƯ của Bộ Chính trị, các quyết định số 25-CP, 26-CP, 64-CP của Hội đồng Chính phủ và các văn bản khác của Trung ương Đảng, của Hội đồng Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất kinh doanh, về phân phối, lưu thông, về quản lý thị trường, về trả lương, trả thưởng, về tài chính, tín dụng, v.v... đã có qui định cụ thể, đặt thành qui chế của Nhà nước, đặc biệt đã xác định trách nhiệm của các xí nghiệp, của mỗi cấp, mỗi ngành có liên quan nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm ngặt kỷ luật kế hoạch, kỷ luật hợp đồng trong việc giao nộp sản phẩm.
Tại hội nghị toàn ngành trọng tài Nhà nước về kinh tế tháng 3 năm 1981 tại Hà Nội đã nhất trí lấy việc thanh tra các hợp đồng kinh tế về giao nộp sản phẩm ở các xí nghiệp quốc doanh là trọng tâm công tác thanh tra của năm 1981, nhưng cho đến nay sự chuyển biến còn quá chậm, kết quả thu được chưa phù hợp với khả năng và yêu cầu.
Để góp phần vào việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của Nhà nước về giao nộp sản phẩm ở các xí nghiệp quốc doanh và đẩy mạnh công tác này theo yêu cầu đã đặt ra ở hội nghị toàn ngành, chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước chỉ thị chủ tịch hội đồng trọng tài kinh tế các Bộ, các Tổng cục, các tỉnh, các thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, ngoài việc bảo đảm nhiệm vụ công tác thường xuyên của mình, phải có kế hoạch thanh tra việc ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết về giao nộp sản phẩm (thường gọi là hợp đồng mua bán hàng hoá) ở các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, các lâm trường quốc doanh, các nông trường quốc doanh thuộc cơ quan chính quyền cùng cấp quản lý. Đợt thanh tra này bắt đầu từ ngày nhận được chỉ thị này và sơ kết vào ngày 25 - 12 - 1981.
Mục đích, yêu cầu, phương pháp thanh tra vẫn tiến hành theo các quy định hiện có, nhưng phải đặc biệt chú ý và làm đúng nội dung sau đây:
1. Đợt thanh tra này nhằm giúp các xí nghiệp công nghiệp, lâm trường, nông trường quốc doanh ký kết hợp đồng kinh tế và thực hiện hợp đồng kinh tế bán sản phẩm đúng quy định của Nhà nước, ngăn ngừa những việc làm sai trái như giữ lại sản phẩm ở xí nghiệp để dùng nội bộ, trao đổi hàng hoá với các ngành, các cơ quan, bán ra thị trường tự do.
2. Qua công tác thanh tra ký kết và thực hiện hợp đồng giao nộp sản phẩm mà phát hiện thiếu sót, tranh chấp, tìm ra nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về tổ chức hoặc cá nhân gây ra thiếu sót, tranh chấp và căn cứ vào quy định của Nhà nước mà xử lý kịp thời, đúng đắn các thiếu sót, tranh chấp (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi để xí nghiệp đẩy mạnh sản xuất, làm tốt nhiệm vụ giao nộp sản phẩm, chấp hành đúng đắn chế độ tín dụng, tài chính, bảo vệ quyền kinh doanh và lợi ích hợp pháp của xí nghiệp, giám sát tính đúng đắn việc thi hành các quyết định của Nhà nước, bảo vệ pháp luật của Nhà nước:
3. Việc thanh tra hợp đồng kinh tế về giao nộp sản phẩm phải thanh tra cả 3 phần kế hoạch và phải nắm vững quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ. Cụ thể là những sản phẩm của xí nghiệp quốc doanh trong phần kế hoạch Nhà nước giao và phần kế hoạch tự làm phải bán cho cơ quan vật tư hay cơ quan thương nghiệp quốc doanh để phân phối theo kế hoạch Nhà nước.
Những mặt hàng thuộc sản xuất phụ thì ưu tiên bán cho thương nghiệp quốc doanh. Nếu thương nghiệp quốc doanh không tiêu thụ hoặc không thực hiện hợp đồng tiêu thụ thì xí nghiệp có quyền bán cho hợp tác xã mua bán hoặc tự tiêu thụ.
Trong phần kế hoạch tự làm, nếu xét cần thiết giữ lại một phần để đổi lấy vật tư (kể cả vật tư nhập khẩu) để tiếp tục sản xuất, thì xí nghiệp phải đề nghị Bộ trưởng ngành chủ quản (đối với xí nghiệp trung ương) hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp địa phương) cho phép.
Đối với phần sản phẩm phụ cho phép xí nghiệp giữ lại không quá 10% để làm hiện vật thưởng cho công nhân, viên chức trong xí nghiệp.
4. Trong khi thanh tra nếu gặp trường hợp:
- Chưa có văn bản hướng dẫn tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn không thống nhất, không phù hợp với quy định của Nhà nước, chưa có văn bản xét duyệt kế hoạch xí nghiệp tự làm của cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền của xí nghiệp, phải trực tiếp báo cáo, bàn bạc hoặc gửi văn bản đến cơ quan có trách nhiệm yêu cầu giải quyết kịp thời các việc nói trên.
- Nếu các bên trì hoãn, từ chối ký kết hợp đồng giao nộp sản phẩm, phải buộc các bên gặp nhau bàn bạc để ký hợp đồng giao nộp sản phẩm, nếu chưa ký được toàn bộ thì ký những điều đã thoả thuận và ấn định thời gian ký tiếp.
- Nếu các bên có liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, không bảo đảm những việc cung ứng vật tư, cung ứng điều kiện sản xuất, vận tải hàng hoá... thì phải kiểm tra cả việc ký kết hợp đồng để thực hiện các công việc nói trên, buộc các bên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.
- Nếu bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm có tranh chấp về số lượng, chất lượng, giá cả... ở phần kế hoạch tự làm và kế hoạch sản xuất phụ của xí nghiệp, thì buộc các bên xin ý kiến cấp trên; về giá cả thì buộc xí nghiệp xây dựng phương án giá và phải làm đầy đủ thủ tục báo cáo lên Bộ chủ quản; các cơ quan tài chính, vật giá duyệt giá theo tinh thần quyết định số 25-CP nói về giá.
- Cả 3 phần kế hoạch nếu bên sản xuất hoặc bên tiêu thụ sản phẩm từ chối, trì hoãn, không chịu gặp nhau bàn bạc ký hợp đồng, không thực hiện đầy đủ hợp đồng đã ký thì phải xét xử nghiêm túc.
- Khi phát hiện ra các thiếu sót cá nhân và tổ chức gây ra thiếu sót cần phải xử lý đúng đắn, kịp thời. Đối với các hợp đồng mà nội dung không phù hợp với quy định của nhà nước thì buộc phải huỷ bỏ toàn bộ hoặc từng phần, nếu gây thiệt hại buộc phải bồi thường, làm sai phải phạt vật chất. Đối với các vi phạm thuộc về cá nhân sau khi xử xong về kỷ luật hợp đồng, phải báo cáo và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền truy cứu, xác minh, xử lý thích đáng. Những nguyên nhân gây ra tranh chấp do cơ quan chính quyền cùng cấp thì trực tiếp báo cáo xin ý kiến giải quyết và báo cáo lên chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước để biết và có sự can thiệp trong trường hợp cần thiết. Đối với các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng thì báo cáo về Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước.
5. Nhận được chỉ thị này, Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế các câp, các ngành lập ngay chương trình, kế hoạch thanh tra của mình, bàn bạc với các ngành, các cơ quan có liên quan như thanh tra, kế hoạch, vật giá, tài chính, ngân hàng... để có sự phối hợp chặt chẽ và xin ý kiến cơ quan chính quyền cùng cấp duyệt chương trình, kế hoạch trước khi thi hành.
Tất cả các văn bản như chương trình kế hoạch thanh tra, các biên bản, các quyết định xét xử, các văn bản có liên quan đến công tác thanh tra gửi về chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước và hàng tháng, hàng quý phải có báo cáo riêng.
6. Các cán bộ thanh tra của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước phối hợpvới Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố để tiến hành công tác thanh tra giao nộp sản phẩm theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước.
Các vụ, văn phòng theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm theo dõi và phục vụ tốt công tác này.
7. Hàng tháng, hàng quý và cuối năm Hội đồng trọng tài kinh tế các cấp, các ngành phải sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả, rút ra những kinh nghiệm để nâng cao trình độ của mình. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, nhà nước và chính quyền cùng cấp những vấn đề cần thiết.
| Nguyễn Quang Xá (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.