ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2005/CT-UBND | Bến Tre, ngày 02 tháng 12 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, THANH TRA, KIỂM TRA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, DỊCH VỤ VĂN HÓA
Trong những năm qua, tình hình hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được chấn chỉnh và bước đầu các hoạt động này đi vào nề nếp. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn hiện tượng tiêu cực phát sinh như: một số hộ kinh doanh, một số đối tượng bán băng đĩa hình có nguồn gốc in sang lậu; chiếu băng hình có nội dung khiêu dâm, đồi truỵ, kích động, bạo lực; một số chủ đại lý Internet để khách hàng truy cập thông tin, hình ảnh khiêu dâm đồi truỵ; dùng phương thức phục vụ có tính chất khiêu gợi tình dục ở các hoạt động karaoke; kinh doanh karaoke trá hình để hoạt động mại dâm v.v…. Những hành vi vi phạm các tệ nạn xã hội đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bất bình trong nhân dân. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá của chính quyền ở một số địa phương có biểu hiện buông lỏng, chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 814/TTg ngày 12/12/1995, Chỉ thị số 09/2000/CT-TTg ngày 20/4/2000 và Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 25/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, lập lại trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng; tạo môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc” trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Thương mại – Du lịch và các ngành có chức năng liên quan xây dựng kế hoạch, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá trên phạm vi toàn tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm theo Nghị định số 88/CP ngày 14/12/1995 và Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ.
2. Sở Văn hoá – Thông tin, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị theo chức năng của mình tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, thường xuyên thanh tra để các hoạt động trên đi vào nề nếp, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân. Sở Kế hoạch - Đầu tư ngừng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke, quán rượu, vũ trường; không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh “cà phê vườn” nếu cơ sở không đảm bảo mỹ quan, có lều che lụp xụp.
Sở Văn hoá – Thông tin ngừng cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường và gia hạn giấy phép kinh doanh karaoke phải theo đúng tinh thần kế hoạch số 2453/KH- BVH- TT của Bộ Văn hoá – Thông tin ban hành ngày 05 tháng 7 năm 2005. Sở Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành qui định hoạch các điểm hoạt động karaoke để đảm bảo phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân.
3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá xảy ra trên địa bàn. Địa phương nào để hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá vi phạm nghiêm trọng thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội; đội kiểm tra liên ngành 814 theo cấp của mình để đảm bảo đủ thành phần, đủ năng lực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả mọi vi phạm đối với hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá. Trên cơ sở kế hoạch công tác được duyệt hàng năm, 6 tháng Đội kiểm tra liên ngành các cấp lập dự trù kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra thông qua Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội để đề nghị Uỷ ban nhân dân và cơ quan tài chính xem xét cấp kinh phí hoạt động. Nếu kinh phí từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính không đủ để hoạt động, Uỷ ban nhân dân cùng các cấp xem xét yêu cầu thực tế của công tác kiểm tra để cấp kinh phí bổ sung, tránh tình trạng lực lượng kiểm tra không hoạt động vì lý do không có kinh phí.
5. Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất về chế độ công tác phí, bồi dưỡng ngoài giờ cho lực lượng kiểm tra liên ngành 814 để áp dụng thống nhất trong tỉnh.
6. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức tham gia Đội kiểm tra liên ngành 814 phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành viên Đội kiểm tra liên ngành thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra theo yêu cầu của Đội.
7. Định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, năm, Đội kiểm tra liên ngành 814 các cấp tổng hợp tình hình công tác kiểm tra, xử lý vi phạm báo cáo về thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và Uỷ ban nhân dân cùng cấp để Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội báo cáo với Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và Uỷ ban nhân dân cấp trên.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các ban ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khẩn trương lập kế hoạch tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thi này. Quá trình tổ chức thực hiện thường xuyên phản ánh tình hình, báo cáo kết quả về Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và Uỷ ban nhân dân tỉnh để kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.