ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/CT-UBND | Thái Bình, ngày 23 tháng 12 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NGOÀI NGÂN SÁCH TẠI TỈNH THÁI BÌNH.
Trong thời gian qua việc giải quyết các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đã đạt được những kết quả khá tích cực, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động đầu tư của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh còn hạn chế: Một số sở, ngành còn lúng túng trong việc tham mưu thực hiện các quy định của Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực đầu tư; sự phối hợp của một số sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, quản lý dự án đầu tư chưa chặt chẽ, kịp thời; việc nghiên cứu, tìm hiểu thông tin đầu tư trước khi triển khai thực hiện dự án của một số nhà đầu tư còn chưa đầy đủ, đề xuất thực hiện dự án tại vị trí chưa phù hợp với quy hoạch nên chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và một số tồn tại, hạn chế khác ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên và tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị như sau:
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016 và Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 09/5/2016 của Văn phòng Chính phủ; thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của hai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư gắn với việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; tập trung kiện toàn tổ chức, xác định rõ trách nhiệm, nâng cao nhận thức, tinh thần và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức trong hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
2. Yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan khi thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương đầu tư dự án cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Phải thực hiện đúng các quy hoạch có liên quan và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó phải xác định cụ thể tình trạng và tính khả thi trong công tác giải phóng mặt bằng khu đất để thực hiện dự án; phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch (trừ trường hợp các dự án công nghệ cao hoặc mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương) để giữ ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tập trung thu hút, kêu gọi và đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hoàn thành dự án đầu tư theo quy hoạch để thu hút các dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Phải thẩm định chặt chẽ hồ sơ dự án đầu tư, đánh giá đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Đầu tư, đặc biệt về năng lực tài chính, nguồn vốn đầu tư, phương án huy động vốn, các cam kết hỗ trợ tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án sản xuất với công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại, thiết bị mới và có xuất xứ từ các nước phát triển, ít gây ô nhiễm môi trường và giải quyết nhiều lao động; không chấp nhận dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng máy móc thiết bị cũ, có khả năng gây ô nhiễm môi trường; trường hợp cần thiết thì cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn thẩm định về quy trình, công nghệ, thiết bị sản xuất của dự án.
- Khi nhà đầu tư tỉnh ngoài, nước ngoài có đề xuất thực hiện dự án tại tỉnh Thái Bình khuyến khích nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh tại tỉnh đăng ký hạch toán độc lập để thực hiện kê khai nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo các quy định của Luật Quản lý thuế đối với Nhà nước tại địa phương, đảm bảo phù hợp với việc sử dụng tài nguyên đất, lao động và các nguồn lực đã đầu tư của địa phương.
3. Để hạn chế và xử lý nghiêm đối với việc lợi dụng sự thông thoáng của Luật Đầu tư để trục lợi, yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan:
- Chủ động nắm bắt thông tin và kịp thời đề xuất biện pháp xử lý (chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất) theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan đối với nhà đầu tư có đề nghị chuyển nhượng dự án đầu tư đã được cho thuê đất, giao đất nhưng dự án này nhà đầu tư không triển khai hoặc chưa hoàn thành dự án đúng tiến độ đăng ký.
- Đối với nhà đầu tư đã có một lần chuyển nhượng dự án trở lên trên địa bàn tỉnh mà tiếp tục có đề xuất dự án mới thì không khuyến khích đầu tư.
4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan tham mưu thu hồi đất đối với dự án để đất không đưa vào sử dụng, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai; Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đưa các khu đất có vị trí thuận lợi, có giá trị thương mại cao tại các huyện, thành phố thuộc diện thu hồi vào danh mục đấu thầu các khu đất để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị, hoàn thiện các chỉ tiêu nâng loại đô thị thành phố Thái Bình lên đô thị loại I trước năm 2020 theo yêu cầu của Nghị quyết 05/NQ-ĐH ngày 25/9/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX và Nghị quyết 20/2015/NQ-HĐND ngày 09/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ mười một về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
5. Giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thường xuyên rà soát, giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn quản lý. Khi phát hiện dự án chưa đủ điều kiện pháp lý (chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, cho thuê đất, giao đất, chưa cấp Giấy phép xây dựng) nhưng đã triển khai xây dựng, thì phải phối hợp ngay với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và Sở quản lý công trình chuyên ngành để kiểm tra, yêu cầu dừng triển khai, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định. Trường hợp để xảy ra vấn đề nêu trên tại địa phương nào thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tại địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Về những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư: Khi nhà đầu tư có những đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm trả lời và giải thích cụ thể cho nhà đầu tư về các vướng mắc, khó khăn; Trường hợp các sở, ngành, địa phương phải báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền thì phải nêu rõ quan điểm, phương án giải quyết cụ thể các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh khi không thực hiện đúng các nội dung nêu trên.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan, nhà đầu tư nghiêm túc triển khai, thực hiện từ ngày 01/01/2017; thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.