THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2005/CT-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2005
Năm 2004, giá cả nhiều loại hàng hoá trên thế giới và trong nước tăng cao, tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhằm hạn chế tác động tiêu cực của tình hình trên, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân, ngày 05 tháng 8 năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/2004/CT-TTg về các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá trong thời gian trước mắt. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động và tích cực triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp cần thiết nên đã đạt được kết quả thiết thực (chỉ số giá tiêu dùng năm 2004 được kiềm chế ở mức dưới hai con số, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bảo đảm bình ổn thị trường trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và đời sống của nhân dân).
Năm 2005, giá cả nhiều loại vật tư, hàng hoá trên thị trường thế giới mà nước ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn để phục vụ cho sản xuất trong nước như : xăng dầu, phôi thép, hoá chất, thuốc tân dược, khí đốt hoá lỏng,... vẫn đứng ở mức cao; nhiều loại hàng hoá tiếp tục tăng giá, nhất là xăng dầu, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Thời tiết khắc nghiệt, dự báo có nhiều yếu tố bất thường, tình hình dịch bệnh và thiên tai có khả năng xuất hiện diễn biến khó lường.
Để kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu về chỉ số giá tiêu dùng theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cần thiết để thực hiện có kết quả các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 30/2004/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2004; đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện ngay một số vấn đề sau đây:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư :
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực tế về đầu tư, sản xuất ở tất cả các khâu, các cấp, các ngành để có biện pháp cụ thể, phù hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm giữ vững cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành hàng soát xét và đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển từng ngành hàng một cách toàn diện, kể cả việc thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển thông qua các dự án đầu tư của các địa phương, nhất là đối với các mặt hàng trọng yếu để bảo đảm quy hoạch sản xuất phải gắn với nguồn cung ứng nguyên liệu và hệ thống tiêu thụ sản phẩm.
b) Bộ Tài chính :
- Quản lý mọi hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước một cách chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; có biện pháp thích hợp để tạo động lực phấn đấu đạt và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước; tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách, chống thất thu ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi đúng mục đích, đúng chế độ quy định, gắn với việc hoàn thiện hệ thống định mức chi tiêu ngân sách. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhất là tiết kiệm trong tiêu dùng (đặc biệt là tiết kiệm xăng, dầu, điện năng), tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết kiệm trong xây dựng cơ bản.
- Thực hiện quyết liệt các biện pháp làm lành mạnh, minh bạch tài chính doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá; có biện pháp và cơ chế tài chính cụ thể thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất lưu thông, giảm giá thành sản phẩm; chấm dứt việc hỗ trợ tài chính mang tính bao cấp đối với những doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả.
- Tăng cường chỉ đạo và tổ chức tốt hơn hoạt động của thị trường chứng khoán.
- Tiếp tục điều chỉnh chính sách tài chính linh hoạt, kịp thời khi giá vật tư hàng hóa trên thị trường có biến động bất thường để bình ổn giá nhưng phù hợp với các cam kết của lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Thực hiện nhất quán lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế và khu vực, giảm thiểu biện pháp bảo hộ qua hàng rào thuế quan đối với hàng hóa, dịch vụ không cần thiết phải bảo hộ để tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.
- Tăng cường và thực hiện kiên quyết hơn việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá của những vật tư, hàng hoá quan trọng; theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thị trường và dự báo biến động giá, nhất là những nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất trong nước mà nước ta phải nhập khẩu để có biện pháp sử dụng các công cụ tài chính và các biện pháp phù hợp khác nhằm bảo đảm được cân đối cung cầu hàng hoá, vật tư; đồng thời, có biện pháp ngăn chặn các hành vi tăng giá tuỳ tiện, làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý giá.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ quản lý ngành tổ chức kiểm tra để có biện pháp cụ thể giảm chi phí sản xuất một số sản phẩm là đầu vào của sản xuất như : điện, than, phân bón, sắt thép, xi măng để giá thành và giá bán của các sản phẩm này ở mức hợp lý, không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; đồng thời, rà soát để loại bỏ ngay các loại phí, lệ phí, giá cước không đúng với quy định hoặc bất hợp lý để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra để bảo đảm chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về giá; chỉ đạo các cơ quan chức năng và phối hợp với chính quyền các cấp làm tốt công tác kiểm tra việc niêm yết giá, bảo đảm văn minh thương mại, minh bạch thị trường, tạo cơ hội để người tiêu dùng có điều kiện tham gia kiểm soát giá cả thị trường.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ tích cực, chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất theo hướng khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, kết hợp linh hoạt với các công cụ khác phù hợp với cơ chế thị trường, không để xảy ra đột biến nhằm ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, cho vay các dự án có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và phù hợp với nguồn vốn, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
d) Bộ Thương mại:
- Có các giải pháp cụ thể, tích cực mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Chủ trì cùng các Bộ, các ngành liên quan theo dõi, dự báo tình hình thị trường để có giải pháp cụ thể điều hoà cung cầu hàng hoá, không để xảy ra những mất cân đối cục bộ, kiểm soát và ngăn chặn độc quyền trong kinh doanh, lưu thông hàng hoá.
- Phối hợp với các Bộ quản lý ngành hàng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, dự trữ và phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước nhất là các tổng công ty để điều hòa cung cầu, bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Phối hợp với các Bộ quản lý ngành hàng trong việc chấn chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh nhằm khắc phục tình trạng mua bán vòng vèo, chồng chéo, góp phần giảm bớt chi phí, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, đầu cơ tăng giá, nhất là xăng dầu, sắt thép, phân bón, xi măng.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh để có căn cứ pháp lý kiểm soát độc quyền, liên kết độc quyền về giá, bảo đảm cạnh tranh về giá đúng pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam bám sát tình hình sản xuất, cân đối cung cầu, giá cả lương thực trên thị trường trong nước và thế giới để điều hành tiến độ xuất khẩu gạo hợp lý trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực và lợi ích cho người nông dân, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn :
- Chủ trì cùng các Bộ và các địa phương có biện pháp tích cực khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh; khống chế, tiêu diệt mầm bệnh, không để dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại; có biện pháp khôi phục, phát triển đàn gia cầm trong năm 2005; quy hoạch, tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi và chế biến theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển.
- Phối hợp với Bộ Thương mại, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc xác định lượng gạo xuất khẩu năm 2005 ở mức hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực và ổn định giá lúa gạo trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu đói, nhất là ở các vùng gặp thiên tai, vùng sâu, vùng xa.
- Phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Hiệp hội Phân bón Việt Nam hoàn thiện hệ thống cung ứng phân bón, đặc biệt là phân urê; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế kinh doanh của các đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón, xử lý nghiêm việc kinh doanh phân bón giả hoặc kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân và hành vi găm hàng chờ tăng giá.
- Phối hợp với Bộ Thương mại, Hiệp hội Mía Đường rà soát cân đối cung cầu đường vụ 2004 - 2005 để chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất đường có kế hoạch tiêu thụ phù hợp, không gây sốt giá.
e) Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành rà soát từng sản phẩm, có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, loại bỏ các chi phí không cần thiết, tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu trong nước để giảm chi phí sản xuất và giá thành các sản phẩm, ổn định giá bán ra nhất là sản phẩm của các ngành quan trọng như: khai khoáng, thép, điện, than, xi măng, phân bón, dệt may,…; củng cố và hoàn thiện mạng lưới kinh doanh thép và xi măng.
g) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải trong ngành có biện pháp cụ thể giảm chi chí trung gian, hạ giá thành vận tải để bảo đảm giá cước, giá dịch vụ vận tải ổn định, góp phần ổn định giá thị trường.
h) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện đúng và nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giá thuốc chữa bệnh tại Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Văn phòng Chính phủ.
i) Bộ Bưu chính, Viễn thông có chính sách điều chỉnh cước phí bưu chính viễn thông theo hướng bảo đảm mức cước bưu chính, viễn thông, internet của Việt Nam đạt mức bằng hoặc thấp hơn mức cước bình quân của các nước trong khu vực; chỉ đạo Tổng công ty Bưu chính Viễn thông có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh của các ngành, địa phương đã được phép hoạt động trong lĩnh vực này để bảo đảm hoạt động của toàn bộ hệ thống đạt hiệu quả cao, khắc phục độc quyền trong kinh doanh.
k) Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các Bộ, cơ quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ việc điều hành giá cả của Nhà nước, quan hệ giữa giá trong nước và giá thế giới, từ đó ngăn ngừa tác động tâm lý đẩy giá lên cao.
l) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cùng với Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng có trách nhiệm tìm mọi biện pháp cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí nguyên nhiên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, khắc phục tăng giá đầu vào, kiềm chế tăng giá đầu ra.
m) Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của Pháp lệnh Giá và Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát lại các loại lệ phí thuộc phạm vi, thẩm quyền ban hành, các thủ tục hành chính để điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của những vật tư, hàng hoá do địa phương quản lý, xử lý các hành vi vi phạm quy định về giá.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan theo dõi việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này và định kỳ tổng hợp, báo cáo tại phiên họp hàng tháng của Chính phủ.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.