CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 269-CT | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ KIỂM KÊ VẬT TƯ, HÀNG HOÁ, QUỸ BẰNG TIỀN TRONG KHU VỰC KINH TẾ QUỐC DOANH ĐỢT 1-10-1987
1. Nắm vững ý nghĩa của đợt kiểm kê này:
a) Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh, thông qua việc kiểm kê mà nắm chắc lực lượng vật chất (cả về giá trị và hiện vật) chủ động tính toán kế hoạch sản xuất và kế hoạch tài chính nhằm bảo đảm quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở và chuyển sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
b) Các ngành quản lý ở Trung ương và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu cũng thông qua đợt kiểm kê này mà nắm chắc tồn kho vật tư, hàng hoá và quỹ bằng tiền trong toàn bộ khu vực kinh tế quốc doanh của cả nước cũng như của từng ngành, từng địa phương để chỉ đạo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu "4 giảm", thúc đẩy hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1987, góp phần thiết thực chống lạm phát.
c) Qua kiểm kê, các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở rút ra những nhận định đánh giá những ưu điểm và khuyết, nhược điểm trong việc quản lý vật tư, hàng hoá, tiền vốn, đề ra những biện pháp khắc phục có hiệu quả nhằm quản lý và bảo vệ tốt hơn tài sản xã hội chủ nghĩa, chống lãng phí, tham ô, chống tập trung quan liêu, hành chính bao cấp, tận dụng hợp lý các nguồn vật tư, hàng hoá, tiền vốn phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn.
2. Phương châm tiến hành.
- Phải khẩn trương, dứt điểm nhanh, gọn và chính xác, bảo đảm được chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm kê;
- Kiểm kê thực tế kết hợp với kiểm kê trên sổ sách kế toán. Bảo đảm tính trung thực trong kiểm kê; đối chiếu chính xác giữa số liệu trên sổ sách với việc cân, đong, đo, đếm trong thực tế;
- Không làm ồn ào, bảo đảm sản xuất kinh doanh hoạt động bình thường cho các đơn vị cơ sở, nhưng nghiêm túc, chu đáo, thận trọng theo sự hướng dẫn và chỉ đạo của các ngành chủ quản (đối với xí nghiếp Trung ương) và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (đối với xí nghiệp địa phương).
- Trong quá trình chỉ đạo kiểm kê, cần tránh tình trạng trên không tin dưới, dưới không tin trên dẫn đến những cách làm đối phó, làm cho việc tổng hợp tình hình mang tính chất tập hợp thống kê hành chính không đúng sự thật, xử lý tình hình trong từng ngành, từng cấp thiếu chính xác, dẫn đến những quyết định sai của cấp trên.
3. Yêu cầu cụ thể của việc kiểm kê là:
a) Nắm chắc và chính xác toàn bộ tồn kho vật tư, hàng hoá về số lượng và giá trị; các nguồn vốn bằng tiền và các loại quỹ bằng tiền hiện có của từng đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trong khu vực kinh tế quốc doanh.
b) Rà soát lại số thực có với nhu cầu từng chủng loại vật tư, hàng hoá và định mức vốn lưu động của các tổ chức kinh tế quốc doanh phù hợp với hệ thống giá hiện hành từ thời điểm kiểm kê, theo yêu cầu chủ động sản xuất kinh doanh của các đơn vị cơ sở; kiến nghị những biện pháp xử lý, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường cho từng đơn vị.
c) Xác định chính xác số chênh lệch giữa sổ sách và thực tế đối với từng loại vật tư hàng hoá và quỹ tiền mặt của từng đơn vị, xác dịnh rõ nguyên nhân về tổ chức quản lý và trách nhiệm cụ thể; kiến nghị biện pháp giải quyết.
4. Về phạm vi và đối tượng kiểm kê.
a) Phạm vi kiểm kê là các đơn vị kinh tế quốc doanh sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp thuộc trung ương và địa phương, thực hiện hạch toán kinh tế độc lập. Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong các lực lượng vũ trang, sẽ có hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. Đối với khu vực kinh tế tập thể và tư nhân, sẽ có quy định riêng của Hội đồng Bộ trưởng.
b) Đối tượng kiểm kê gồm:
- Tất cả các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng thay thế, công cụ lao động thuộc tài sản lưu động, hàng hoá tại các đơn vị sản xuất, cung ứng, thương nghiệp, dịch vụ...
- Vật tư hàng hoá đang trên đường đi, nhờ giữ hộ, nhờ bán hộ; vật tư hàng hoá giao gia công chế biến; vật tư hàng hoá trong liên doanh, liên kết.
- Sản phẩm dở dang, bán thành phẩm và thành phẩm.
- Toàn bộ các loại vốn bằng tiền thuộc quyền sử dụng của đơn vị kiểm kê được thể hiện trên sổ sách chính thức và không chính thức (bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản ngoại tệ...).
5. Thời điểm và thời gian tiến hành kiểm kê.
Thời điểm kiểm kê là 0 giờ ngày 1 tháng 10 năm 1987.
Việc kiểm kê có thể làm trước thời điểm và kết thúc trước ngày 20 tháng 10 năm 1987; trong tháng 10 năm 1987 hoàn thành việc tổng hợp báo cáo kết quả kiểm kê ở các đơn vị cơ sở.
6. Các chỉ tiêu chủ yếu cần kiểm kê.
a) Đối với vật tư hàng hoá.
- Về hiện vật: Số lượng vật tư hàng hoá theo sổ sách, theo kiểm kê thực tế (kể cả vật tư hàng hoá đang trên đường đi, nhờ giữ hộ, nhờ bán hộ, gia công chế biến, trong liên doanh liên kết), số lượng thừa, thiếu, vật tư hàng hoá ứ đọng, chậm luân chuyển, vật tư, hàng hoá kém phẩm chất, mất phẩm chất, thứ liệu, thứ phẩm.
- Về giá trị: Tính theo giá hiện hành của Nhà nước từ thời điểm kiểm kê.
b) Đối với các loại quỹ.
- Toàn bộ các loại quỹ bằng tiền đang nằm trong tồn quỹ và ngoài tồn quỹ (theo sổ sách chính thức và không chính thức) đối chiếu với kiểm kê thực tế, xác định số thừa, thiếu, tồn quỹ.
- Tiền gửi ngân hàng các loại (kể cả tiền gửi ở quỹ tiết kiệm nếu có).
- Ngoại tệ các loại theo nguyên tệ và tính đổi ra tiền Việt Nam (kể cả ngoại tệ tại quỹ, gửi ở ngân hàng, cho vay mượn lẫn nhau - nếu có).
Các chỉ tiêu nói trên được tổng hợp theo từng đơn vị cơ sở, từng ngành, từng địa phương và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
7. Xử lý kết quả kiểm kê.
a) Từng đơn vị căn cứ kết quả kiểm kê, tính toán xác định lại vốn lưu động định mức và các chỉ tiêu kế hoạch có liên quan, thực hiện các biện pháp cần thiết để tổ chức sắp xếp lại sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả cao, với yêu cầu sử dụng hợp lý nhất lực lượng vật tư, hàng hoá và vốn bằng tiền hiện có, nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1987 và chuẩn bị điều kiện để xây dựng kế hoạch năm 1988.
b) Đối với vật tư, hàng hoá và quỹ thừa, thiếu phát hiện trong kiểm kê, các loại quỹ để ngoài sổ sách, các khoản vật tư, tiền vốn, ngoại tệ sử dụng bất hợp lý và bất hợp pháp, cần xác định rõ nguyên nhân và quy rõ trách nhiệm cá nhân hoặc tập thể; xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm theo chế độ hiện hành.
c) Đối với vật tư hàng hoá kém phẩm chất, mất phẩm chất, ứ đọng, chậm luân chuyển, thứ liệu, thứ phẩm được xử lý theo Quyết định số 177-HĐBT ngày 26-5-1987 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 40-TC/TNVT ngày 5-8-1987 của Bộ Tài chính, trên tinh thần khẩn trương huy động những vật tư hàng hoá đó vào luân chuyển, sử dụng vào sản xuất kinh doanh để hoàn thành kế hoạch Nhà nước trong từng đơn vị, từng ngành, từng địa phương.
d) Thông qua kết quả và kinh nghiệm rút ra từ kiểm kê, thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý và hạch toán vật tư, hàng hoá và vốn bằng tiền.
8. Tổ chức chỉ đạo thực hiện.
a) Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Tài chính quy định biểu mẫu báo cáo và hướng dẫn các ngành, các cấp, các dịa phương tổng hợp báo cáo kết quả kiểm kê theo các chỉ tiêu quy định. Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, báo cáo Hội đồng Bộ trưởng trong quý IV năm 1987.
b) Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ, Tổng cục chủ quan ban hành thông tư hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý kết quả kiểm kê và chấn chỉnh công tác quản lý, hạch toán vật tư, hàng hoá trong các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở.
c) Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương ra thông tư hướng dẫn việc thi hành phù hợp với từng ngành, từng địa phương và có kế hoạch chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm kê ở các đơn vị thuộc phạm vi quản lý; đồng thời trực tiếp chỉ đạo kiểm kê tại một số xí nghiệp trọng điểm thuộc quyền quản lý để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong từng ngành, từng địa phương; tổ chức xử lý kết quả kiểm kê trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình.
d) Thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê gồm đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách phân phối lưu thông chủ trì; đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê là thường trực; các đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Vật tư, Bộ trưởng Bộ Nội thương, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phụ trách phân phối lưu thông, đồng chí Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Thanh tra nhà nước, là những thành viên. Ban chỉ đạo kiểm kê chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và thanh tra đợt kiểm kê theo đúng nội dung, yêu cầu, thời gian ghi trong Quyết định này.
e) Thủ trưởng các đơn vị kinh tế cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê vật tư, hàng hoá và quỹ tiền mặt trong đơn vị theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước.
Chỉ thị này được phổ biến đến tận các ngành, các địa phương (tỉnh, thành, quận, huyện), các đơn vị cơ sở và cán bộ, công nhân, viên chức trong từng đơn vị kiểm kê.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.