THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO ĐẢM KẾ HOẠCH ĐỊA PHƯƠNG VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ CHO TRUNG ƯƠNG
Những năm trước đây, trong chỉ tiêu kế hoạch về vận tải, Nhà nước giao cho các địa phương chỉ tiêu vận chuyển hàng hoá cho các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường... Trung ương đóng tại địa phương. Nhiều địa phương đã cố gắng bảo đảm nhu cầu vận tải của Trung ương tại địa phương. Nhưng còn một số địa phương chưa thực hiện tốt, nên các cơ sở của Trung ương gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch của mình. Nguyên nhân là do việc ký kết và thực hiện hợp đồng vận tải giữa Bộ chủ hàng và địa phương chưa tốt, hoặc do địa phương chưa bố trí đủ lực lượng vận tải để đáp ứng yêu cầu.
Từ năm 1980 trở đi, theo phương hướng đổi mới công tác kế hoạch, Hội đồng Chính phủ chỉ giao chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh cho địa phương về nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá cho Trung ương, còn về tổng khối lượng vận chuyển hàng hoá do địa phương phụ trách thì Hội đồng Chính phủ uỷ nhiệm cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch.
Hàng hoá vận chuyển cho Trung ương là những hàng hoá, vật tư phục vụ nhu cầu sản xuất của các xí nghiệp, công, nông, lâm trường... của Trung ương đóng tại địa phương; còn hàng hoá cho nhu cầu sinh hoạt như lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng... trên địa bàn lãnh thổ, thì việc vận chuyển vẫn do địa phương bảo đảm như trước. Hàng hoá, vật tư của địa phương giao nộp cho Trung ương thì địa phương có trách nhiệm vận chuyển đến kho của Trung ương. Chỉ tiêu vận tải hàng hoá cho Trung ương chỉ tính khối lượng vận chuyển từ kho Trung ương đó chở đi. Các hàng hoá, vật tư do Trung ương phân phối từ ga, cảng cho nhu cầu của địa phương do phương tiện của địa phương vận chuyển cũng không tính là chỉ tiêu vận tải hàng cho Trung ương.
Các địa phương có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch vận tải hàng hoá cho Trung ương theo phương hướng tận dụng vận tải đường thuỷ, hạn chế vận tải ô tô, phát triển vận tải thô sơ trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn về nhiên liệu, săm lốp, phụ tùng. Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu quy định sớm chính sách sử dụng các phương thức vận tải, bảo đảm yêu cầu tiết kiệm và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với các hàng hoá, vật tư có tính thời vụ như mía cho các nhà máy đường, lương thực trong vụ thu hoạch, v.v... thì phải có biện pháp huy động phương tiện vận tải trong địa phương, cả cơ giới và thô sơ, cả phương tiện vận tải chuyên dùng của các xí nghiệp, công, nông, lâm trường tại địa phương để bảo đảm yêu cầu vận tải. Trước mỗi thời vụ, Bộ chủ hàng và Bộ giao thông vận tải phải cùng với Uỷ ban nhân dân địa phương bàn cụ thể kế hoạch vận tải và phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo thực hiện để kịp thời giải quyết các vướng mắc.
Trong khi lập kế hoạch hàng năm, các Bộ chủ hàng có yêu cầu vận chuyển hàng hoá, phải gửi kế hoạch vận tải cho Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, trong đó có phân tích phần Bộ tự vận chuyển và phần yêu cầu ngành vận tải công cộng vận chuyển. Bộ Giao thông vận tải cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thẩm tra lại và phân công vận tải giữa Trung ương và địa phương rồi thông báo cho Bộ chủ hàng và các địa phương biết.
Các Bộ chủ hàng phải đề cao trách nhiệm trong việc tính toán yêu cầu vận tải, nếu tính toán không sát để gây ra lãng phí thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải bồi thường thiệt hại theo chế độ hợp đồng kinh tế. Các Bộ chủ hàng phải chuẩn bị đầy đủ hàng hoá, kho, bãi, lực lượng bốc xếp... không để phương tiện vận tải phải chờ đợi, lãng phí.
Các Bộ chủ hàng phải ký hợp đồng vận tải với địa phương. Trên cơ sở các hợp đồng đã ký kết, các địa phương lập kế hoạch gửi về Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Bộ Giao thông vận tải thẩm tra lại hợp đồng và có quyền bác bỏ các hợp đồng ký kết không đúng phương hướng vận tải.
Nhà nước sẽ tạm ứng xăng dầu cho Bộ Giao thông vận tải để Bộ cấp phát cho địa phương từng quý tương ứng với nhiệm vụ được giao về vận tải hàng hoá cho Trung ương. Các vật tư khác như săm lốp, phụ tùng, hiện nay rất khó khăn, khả năng Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần; các địa phương phải tận dụng năng lực tiềm tàng, tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm, đắp lại lốp cũ, khôi phục sửa chữa phụ tùng cũ... Trong quá trình thực hiện, nếu không đạt kế hoạch vận tải hoặc đạt kết hoạch vận tải mà nhiên liệu thừa ra, thì số nhiên liệu dư sẽ chuyển sang quý sau; địa phương không được sử dụng số nhiên liệu đó vào các nhu cầu khác.
Bộ Giao thông vận tải sẽ quy định các thủ tục cấp phát và thanh toán nhiên liệu bảo đảm quản lý chặt chẽ, cấp phát kịp thời và tránh phiền hà cho các địa phương.
Hàng tháng, hàng quý các địa phương phải báo cáo về Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Thống kê tình hình thực hiện kế hoạch vận chuyển hàng hoá cho Trung ương. Tổng cục Thống kê bàn với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải để ban hành các biểu mẫu báo cáo nói trên.
Để triển khai thực hiện kế hoạch năm 1980 được tốt, các Bộ chủ hàng phải cùng các địa phương ký kết hợp đồng vận tải sớm, chậm nhất là cuối tháng 1 năm 1980 phải ký xong. Các địa phương phải lập xong kế hoạch vận chuyển hàng hoá cho Trung ương gửi lên cho Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cuối tháng 2 năm 1980.
| K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.